Từ khi bà cố nội tôi đến vùng đất chôn đầu giải mà sống, vì giặc Tây săn lùng ráo riết mà bà phải đổi cả tên họ. Từ đó, gia tộc tôi mang họ Từ, nghĩa là bỏ lại tất cả.
Khốc dạ
Họ thực của cả gia tộc, hay tên của tổ tông và của cả ông bà cố nội, đến nay chẳng còn lưu lại. Thôi thì cứ nhớ tên của ông cố nội tôi là Từ Hoành, còn bà tôi cũng lấy họ ông, lấy tên là Từ Thị Trung.
Sau khi đến vùng đất mới, chỉ trong vòng năm năm, nơi này bắt đầu xảy ra những chuyện kì lạ, trong đó có một chuyện mà cả làng dặn nhau phải giấu kín, đó là chuyện về những tiếng khóc giữa đêm, gọi là Khốc Dạ. Nhưng giờ có thuật lại cũng chẳng sao, vì đến lúc họa rước vào thân, giữ mà để làm gì.
Nguyên vùng đất này khi bà cố nội tôi đến chỉ có dăm ba hộ với khoảng hai chục khẩu.
Vì nạn giặc Tây, bắt đầu có thêm nhiều người đến, lên đến hơn trăm hộ với gần năm trăm khẩu. Lúc đầu, trong làng có nhiều tiếng than khóc, nhưng ai cũng nghĩ nhà nào đó có người thân chết vì đạn lạc nên chẳng chú ý đến.
Xem thêm: Kinh dị: Yểm bùa "yêu" cô giáo
Bẵng đi hơn một năm, những tiếng khóc bắt đầu dồn dập hơn khiến cả làng nghi hoặc. Họ họp lại để tìm nhà nào có tiếng khóc đó, nhưng chẳng ai nhận. Vì vậy, cả làng cử một số trai tráng tuần vào buổi đêm, tìm cho ra nhà nào đã phát ra tiếng khóc.
Nhưng đi cả đêm chẳng phát hiện ai, mà tiếng khóc còn nỉ non hơn trước làm ai cũng chột dạ.
Họ kháo nhau lũ yêu đang cố làm kinh động nơi này. Họ mời một ông thầy cúng đến, tốn biết bao tiền của làm mâm cúng linh đình. Ông thầy nọ múa máy đủ kiểu rồi nói rằng mọi việc đã xong. Ông định rời đi nhưng cả làng giữ lại để mở tiệc mừng. Đến đêm, tiếng khóc lại phát ra, lẫn theo những tiếng gào thét.
Cả làng xúm vào, đòi ông thầy giải thích rõ.
Người này đành đi ra, cầm theo bùa ngải và kiếm mà đi về nơi ông cho là lũ yêu đang ở. Trong đêm đó, cả làng nghe tiếng ông gào thét thảm thiết nhưng không ai dám ra. Đến khi tiếng ông thầy im bặt, trong đêm lại phát ra những tiếng cười khanh khách kinh dị. Đến sáng, cả làng bay hết hồn vía khi thấy xác ông thầy cúng bị treo trên cây cổ thụ trước làng, quần áo bị cào nát. Riêng bụng ông bị mở toang, nội tạng bị móc ra, cắn xé nham nhở. Lưỡi ông bị cắt độn lại vào họng, hai mắt nay chỉ còn hai hốc đen, máu chảy ra thâm lại đen kịt.
Từ đó, cả làng dặn nhau không được ra ngoài vào buổi đêm.
Khi bắt đầu có tiếng khóc, họ đóng chặt cửa, không dám nói to. Ai lỡ qua nhà người khác đúng lúc tiếng khóc phát ra, chỉ còn cách ngủ nhờ qua đêm. Tuy dặn dò nhau vậy, vẫn có người không tin.
Trong làng có nhà của anh họ Lý, tên Trọng, là người từ vùng Kiến An đến. Người này cao to vạm vỡ, tiếng nói oang oang như sấm, thường hay hênh hoang về sức mạnh của mình. Anh ta quả quyết rằng chuyện đó là do lũ phỉ tạo ra để dọa dân làng. Thế là cả làng nhờ anh giải quyết giúp và cho anh ta một nửa hoa phẩm tích trữ.
Đừng bỏ lỡ: Truyện ma kinh dị: NGÕ CỤT
Lý Trọng nhận lời. Nhưng chuyện đến với anh ta thật thê thảm.
Nghe mọi người nói rằng, đêm ấy Lý Trọng mang theo giáo mác, đi tuần quanh làng. Đến hồi nghe thấy tiếng khóc, anh ta chạy ra phía đình làng, một lúc sau lại bán sống bán chết chạy về. Anh ta gào khóc, xin mọi người cho vào trong nhưng không ai dám mở cửa. Thế là anh ta phải chạy về nhà mình ở gần cuối làng.
Vợ anh ta thương chồng, mở cửa cho vào trong. Trong đêm ấy, cả nhà anh ta phát ra tiếng cười khanh khách, rồi tiếng khóc điên dại, lẫn vào trong là tiếng van xin. Mùi máu tanh bốc ra, lan đến cả đầu làng. Mùi ấy kinh dị đến nỗi cả làng không có nhà nào là không có người nôn thốc tháo.
Đến sáng, cả làng kéo nhau đến nhà anh ta nhưng chỉ vài người là dám vào trong. Trong số những người vào có chị Lý Huyền là em gái của Lý Trọng sau khi đi ra trở thành người điên dại đến khi chết. Những gì biết được chỉ do những người bạo gan kể lại.
Cả nhà Lý Trọng, gồm anh ta, vợ và ba đứa con đều chết thảm. Lý Trọng bị xẻ đôi người, dọc cả thân người ta thấy rõ từng đốt sống đã bị chẻ ra hai nửa, cả hai phần thân của anh bị uốn cong, tạo thành một vòng tròn thịt người. Ở giữa là vợ Lý Trọng, cô bị móc sạch nội tang trong bụng ra, cổ bị gãy gập uốn cong đưa đầu vào lồng ngực đã bị mở toang hoác. Nhưng thảm thương nhất là ba đứa con của Lý Trọng, chúng bị xẻ thành nhiều phần như những miếng thịt heo được xắt để kho khô, nhồi thẳng vào bụng mẹ.
Khắp nhà không đâu là không có vết máu.
Dân làng chưa bao giờ chứng kiến sự tàn ác đến vậy, không thể có con người nào nhẫn tâm đến thế. Từ đó, tuyệt nhiên không còn ai dám hó hé về chuyện tiếng khóc đêm, họ tự nhủ với nhau cho qua chuyện đó.
Cả làng, cho đến canh ba tuyệt không có ai hé cửa.
Tiếng khóc cứ thế vẫn nỉ non, oán thán hằng đêm, cho đến một ngày nọ, một sự việc diễn ra khiến mọi chuyện trở nên huyền bí hơn.
Ấy là khi những tiếng khóc bắt đầu vơi bớt khi gần sáng, nhà ai cũng nghe thấy tiếng cào cửa. Họ không dám bước ra cho đến khi gà gáy và mặt trời bắt đầu tỏa nắng.
Khi bước ra, họ kinh hãi khi phía trước cửa nhà, những vết cào hằn rõ trên những cánh cửa gỗ, loang lỗ đầy máu và móng tay gãy. Thế là hằng đêm, ngoài nghe tiếng khóc ai oán ấy, dân làng lại phải chịu tiếng cào cửa, cứ như vậy cũng ổn, đó là trước khi họ nhận ra, cứ sau mỗi lần như vậy, cánh cửa của họ lại mỏng đi đôi chút, chẳng biết chống đỡ được đến khi nào.
Xem ngay: Kinh dị: Ma cà rồng CÓ THẬT của dân tộc Thái
Thật ra có vài người đã tính bỏ trốn, nhưng lại nhớ đến địa gia đình của bác Cả Tư, họ lại từ bỏ ý định ấy.
Bác Cả Tư là người Nam Kỳ, đến từ tỉnh Kiên Giang. Vì chống lệnh tòng quân của triều đình, cả nhà bỏ quê hương đi, lang thang thế nào lại đến vùng đất này. Bác có ba người anh, năm đứa em. Nhưng ba người anh cùa bác bạc mệnh, trên đường đi vì không quen thổ nhưỡng, gặp chướng khí mà qua đời.
Bác trở thành anh cả, nên mang chữ Cả trước cái tên húy là Tư. Gia đình bác cùng với gia đình của năm người em, tính ra cũng gần ba mươi khẩu, trong đó quá nửa là trẻ nhỏ. Khi đến làng, họ được cấp cho hai mươi sào ruộng, tính ra cũng không giàu nhưng chẳng màng tới cái đói.
Thế mà chỉ vì chạy trốn khỏi làng, cả gia tộc của bác Cả Tư trong một đêm chết sạch, chẳng còn một ai.
Chuyện là vào buổi sáng, cả nhà bác quyết định đi khỏi cái làng này. Ai cũng nghĩ họ đã đúng, chẳng thà ra kia dù đạn lạc, pháo nổ vẫn còn cơ hội sống, chứ ở đây không khác nào lũ lợn bị nhốt trong chuồng chờ ngày bị thịt. Họ đi ngay khi trời ló dạng, nhưng đến đêm, mọi người cố bịt chặt tai lại nghe nhận ra trong tiếng khóc đêm là những tiếng cười khoái trá.
Nó giống như khi cả nhà Lý Trọng bị giết. Sáng ra, trước mỗi nhà, họ đều thấy một mảnh xác người trước cửa, họ đều nhận ra đó là nhà bác Cả Tư. Không nhận ra sao được, khi cái xác nào cũng có mảnh khăn rằn dính theo, lẫn vào máu. Gần ba mươi khẩu bị xé xác, chia ra hơn trăm hộ, đủ hiểu nó khủng khiếp đến thế nào.
Nếu việc cứ như vậy, thì tôi chẳng có cơ hội được sinh ra. Kiểu gì dân làng chẳng chết sạch trước khi họ kịp sinh thêm hậu bối.
Nhưng nhờ có một việc mà họ thoát khỏi nạn này.
Vào một ngày, dân làng nhận ra duy chỉ có đình làng là nơi không bị xâm phạm. Nhìn mà xem, khắp nơi vết cào xước hằn rõ trên từng cánh cửa nhà, riêng nơi này, mọi thứ vẫn nguyên trạng, thậm chí có phần tráng lệ hơn. Họ bảo nhau rằng, nơi này là chốn thờ cúng, thành hoàng trấn thủ nên yêu ma không dám xâm phạm. Họ kéo nhau đến đình làng mà nương thân, nhưng việc đó, cuối cùng lại là sai.
Nguyên do đình làng vốn nhỏ, không đủ chỗ cho mọi người vào hết bên trong, nên một vài người phải ở trước sân, còn lại thì vào trong đình, đóng chặt cửa lại mà tá túc. Họ cứ vật vạ như thế được vài hôm, trong làng quả là không có người nào chết thảm. Nhưng đến hôm thứ năm, dân làng thấy rõ mồn một thứ gì đã gây ra kiếp nạn trên.
Đêm ấy, họ ở trong đình làng như thường lệ, tiếng khóc vẫn diễn ra.
Tiếng ai oán này mỗi lúc dồn dập hơn, cuối cùng họ nghe rõ nó phát ra từ phía trước sân. Cửa đình vốn kín, chẳng thể nhìn ra, thế là vài người leo lên lỗ thông mà xem. Ngoài đó, những người không vào được bên trong đang ôm lẫn nhau, vây quanh đốm lửa vẫn đang sáng. Phía ngoài đường, một cái am nhỏ tựa hồ có chân, từ từ tiến vào trong sân. Họ nhận ra tiếng khóc từ nơi này mà phát ra, càng lúc càng rõ khi cái am tiến lại gần.
Những người ở sân, tất nhiên thấy rõ chuyện này! Nhưng chẳng ai bỏ đi cả, cứ như họ bị ai đó giữ lại, đứng chôn chân một chỗ. Đến khi cái am đã đứng cạnh bên, bất ngờ những người này đứng cả dậy, trên tay đã cầm cuốc, xẻng, đao mà họ mang theo thủ thân. Họ bắt đầu dùng chúng mà tự cắt xén cơ thể của mình. Cái nào khó, họ làm lẫn cho nhau!
Chỉ có điều họ không tự nguyện làm vậy, vì trên mặt họ lộ rõ vẻ kinh hoàng, họ gào khóc khi tự cắt liềm vào tay, giật tung từng thớ thịt ra. Họ van xin nhưng chẳng được, từng mảnh thịt cứ thế văng khỏi cơ thể của chính mình. Vài người cắt xong những mảnh thịt, tay chân trần trụi xương trắng không cầm nổi cuốc xẻng, họ nằm xuống cho những người còn lại mổ bụng, móc nội tạng ra rồi bị phanh thây, móc mắt. Riêng nội tạng và cặp mắt, họ mang đến đặt vào trong am, từ đó nghe rõ tiếng chóp chép ngon lành. Một vài đoạn ruột từ trong am được phun ra, nham nhở của một khoảng sân. Rồi có vẻ thỏa mãn, từ trong am, những tiếng cười khanh khách phát ra không dứt. Còn tiếng khóc đã có những người kia lo!
Xem ngay:Kinh dị: Cơm gà om vàng Phần 3
Họ cứ cắt, cứ xẻ, đến khi còn một người duy nhất.
Người này đặt cái liềm xuống đất, lưỡi dựng đứng cả lên. Đoạn dùng tay móc hai mắt, cầm dao mà rọc bụng cho nội tạng vào am. Còn chút sức lực cuối cùng, người này nhảy bổ vào lưỡi liềm, ngay tức khắc xác bị chẻ làm hai, còn dính chút thịt nên kẹt lại, nằm gục trên cái liềm. Ba mươi tám người ở sân đêm đó, chết không sót một ai. Những người trong đình thấy được việc trên, thất kinh mà không giấu nổi tiếng thét.
Cái am như nghe thấy, nó tiến lại gần làm những người này nhảy bổ xuống, rúc hẳn dưới chân mọi người. Từ các lỗ thông, những con mắt đỏ thẫm nhìn vào phía trong, bên ngoài những tiếng cào càng lúc càng mạnh cùng tiếng gào, tiếng khóc đến inh tai. Cái am muốn vào trong!
Nhưng đến gần sáng, cái am bỗng dưng biến mất, lúc này dân làng mới dám chạy ra. Cảnh tượng trên sân làm họ nôn thốc tháo, vội bỏ đình làng mà về lại nhà, lúc này mới nhận ra gia súc nuôi đã bị giết sạch. Dân làng cuối cùng cũng biết tiếng khóc đến từ đâu.
Nguyên khi làng mới được dựng lên, phía cuối làng có một am nhỏ đã không có người thờ cúng từ lâu. Vì nó quá cũ, lại chẳng có tượng thần nên chẳng ai ngó ngàng tới. Họ cứ để mặc vậy, cho lũ gia súc đến ăn cỏ gần bên, rồi chúng đại tiểu tiện ngay ở đó, chẳng mang vạ gì. Lâu dần, cái am như chỗ để họ vứt đồ thừa, chất đầy thải. Vì nó như chỗ chứa thải, nên khi tìm cả làng đã không đến đây, vì họ nghĩ ma quỷ không sống nơi nhơ bẩn.
Cho là đụng đến thánh thần nên mang họa, cả làng bảo nhau giết một con trâu để cúng bái. Mâm cúng linh đình, ai cũng thành tâm mà dập đầu tạ, mong không còn họa nữa. Riêng nhà tôi, vốn bà cố nội tôi cũng là người khai sinh ra cái làng này, tuy là nữ nhưng được nhờ thờ cúng, bà nhận chẳng nề hà.
Nhưng chẳng giải quyết được gì.
Hằng đêm, tiếng khóc vẫn nỉ non, cửa lại bị cào mạnh hơn lúc trước. Dân làng cuối cùng quyết định dời cái am, mang đến ngôi chùa cách đó khoảng hai ngàn bộ mà nhờ phật trấn áp.
Chẳng ai dám nhận, họ đành bốc thăm, xui xẻo thế nào, nhà của anh Hoàng, họ là Trần, tự là Kim ở đầu làng lại trúng. Khốn nỗi nhà anh của có mỗi anh, người thân đã chết hết vì đạn lạc. Nếu anh cũng vì chuyện này mà vong mạng, nhà anh đến đây tuyệt tự. Nhưng ý làng đã quyết, họ còn phá sạch cửa nhà anh, không để anh có chỗ dung thân. Anh đành phải nhận.
Cùng vài trai đinh trong làng dỡ cái am chất lên xe hai bò kéo, anh lầm lũi đưa cái am đi. Từ đó, chẳng ai thấy anh trở về, cái am cũng từ đó mất dạng. Tiếng khóc đêm chẳng còn. Dân làng còn do dự vài hôm, đến khi biết chuyện đã qua, họ lại ra đường vào đêm như cũ.
Sau này, khi tôi phải bỏ làng mà đi, vô tình gặp được sư thầy nơi cái am được gừi đến, mới biết cái am đó được xây bằng đá vôi, vô tình thế nào mớ đá vôi ấy lại có gốc từ cốt người. Mồ chẳng yên được, mớ cốt ấy hàng đêm trong hình cái am tìm lấy thịt người sống mà đắp vào, tìm cách mà trở lại trần. Nhưng sư thầy cũng nói rằng, mớ cốt ấy vốn bình thường không thể tụ khí âm, mà do khí âm từ làng tỏa ra, điều khiển nó.
Vì vậy khi đi khỏi làng, khí âm dứt, mớ cốt ấy chẳng thể nào tác quái.
Còn anh Hoàng, chẳng biết lý do gì không trở về, có lẽ anh sợ, hay là thù ghét những người làng đẩy anh vào chỗ chết. Chẳng ai biết được.
Tamlinh.org
CODEZONE - JIN Thế giới truyện kinh dị, trinh thám (TGTKD,TT)
(Đăng lại vui lòng dẫn nguồn tác giả & Tamlinh.org đầy đủ)