04/06/2021 11:45 View: 7350

Nhân quả, nghiệp báo và cách GIẢI NGHIỆP (Phần 2)

Sống trong cuộc đời này, có ai không từng vay và có ái chưa từng trả? Chữ vay ở đây không chỉ là ở tiền bạc vật chất, sự nợ nầm nhưng thật ra trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã vay rất nhiều các món nợ từ : Lời nói, ý nghĩ, việc làm.. Những món nợ đấy chẳng có sổ sách nào ghi lại nhưng thật đáng sợ bởi nó lôi chúng ta vào vòng luân hồi bất tận.

cach giai nghep nhanh nhat, nhan qua bao ung

“Cuộc đời là tiếng vọng!
Điều bạn gửi đi sẽ quay về
Điều bạn gieo trồng sẽ được gặt hái....
Điều bạn thấy ở người khác sẽ tồn tại nơi chính mình.... “

Có những người con chăm lo cho cha mẹ bằng tất cả lòng thương yêu và tôn kính nhưng cha mẹ cũng không bằng lòng, chuyện có nói không , chuyện không nói có. Mình đã lo hết tâm hết lực mà vẫn bị coi là xấu dở nên uất lắm. Nhiều khi bị chửi oan, đòi tự vẫn. Các nhà sư sẽ khuyên nên bình tĩnh nghiệm lại nghiệp báo của mình. Đây là nhân quả trong nhiều kiếp trước mình cũng đã từng hành hạ, gây khó khăn cho những bậc ân nhân bây giờ nhân quả đến phải hoan hỷ mà trả.

Mặc dù cha mẹ không thương, không chấp nhận mình nhưng mình vẫn thương yêu và lo lắng, thương bằng tình cảm của người con hiếu đạo. Không phải mình thương lẹ lẹ để trả nhân quả một cách vô cảm là sai. Phải thương yêu tôn kính thực sự đối với cha mẹ mình, lo lắng những gì tốt nhất. Nếu có điều kiện thì lạy trực tiếp cha mẹ, còn không thì đêm đêm lạy Phật sám hối nghiệp của mình trong nhiều đời nhiều kiếp đã từng làm điều sai quấy với những bậc trên trước, và cũng xin thay vì cha mẹ trong đời này mà kính lễ chư Phật sám hối giùm thì nhân quả mới giải quyết nhanh.

Nếu chúng ta có đời nào đòi nợ quá lố thì đời này nhân quả phải trả cho xong. Từ nay về sau nếu có gặp lại người này dù trong tình huống là cha mẹ, bạn bè, anh em thì chúng ta sẽ gặp nhau trong duyên lành để trợ giúp nhau trên bước đường giác ngộ giải thoát, chứ không gặp nhau theo kiểu đòi trả nữa. Mỗi lần lạy Phật sám hối nhớ hồi hướng cho họ. Dứt khoát là chúng ta không thể từ chối người này trong dòng sanh tử sắp tới vì đã gặp nhau là nhân quả theo nhau ngàn đời. Nên mình phải chuyển từ nhân quả xấu thành nhân quả tốt.

Trong sanh tử chúng ta đã gặp nhau rồi và sẽ gặp nhau mãi mãi. Ai thiếu ai thì chưa biết trong đời này, nhưng xem như mình đã có nhân quả với nhau thì phải giải quyết nhân quả êm thắm theo tinh thần của đạo Phật là “trả đủ”. Cần thì cho vay mượn những điều tốt hơn như vay mượn bằng đạo đức của mình, bằng tình thương, bằng sự hướng thiện và bằng đạo lý.

Như họ cần tiền thì mình đưa tiền nhưng không phải để họ dùng xài ăn uống thỏa mãn chơi bời cho mất phước. Mà trong lòng mình nguyện đây là đồng tiền kết duyên với nhau trong con đường thiện lành, họ sẽ nhận, sẽ tu tập tốt, hướng đạo tốt và họ sẽ thăng tiến tâm linh hoá giải nghiệp chướng. Họ xài kiểu nào kệ họ nhưng mình đưa tiền cho họ với tâm nguyện như vậy. Chính mình đã hướng như vậy trong nhân quả nên đời sau nếu gặp nhau, thay vì nhân quả của họ phải bị đánh đập làm trâu làm bò để trả, thì bây giờ họ là người theo mình học đạo. Và mình sẽ hướng họ làm điều lành tốt để phụng sự Tam Bảo, lần lần phước họ tăng thì coi như nhân quả cũng đã có vay trả với nhau rồi.

Chúng ta quyết lòng trả nhân quả để kết duyên Bồ đề chứ không có quyến thuộc khác. Gặp nhau là đã có duyên với nhau rồi, nên trong nhân quả nếu có thừa có thiếu thì mình nguyện sẽ kết duyên trong dòng Chánh Pháp chứ chúng ta không kết duyên khác. Gặp nhau là nâng đỡ, sách tấn , lo lắng, đùm bọc, che chở, dìu dắt nhau trên bước đường Chánh Pháp chứ chúng ta không kết duyên khác. Như vậy tất cả nghiệp sẽ cuốn mình đi theo con đường mới, nếu gặp lại những nghiệp xưa thì nó sẽ đi theo con đường mình muốn.

Nếu mình là người có tâm đạo thì hãy hướng về những đứa con của mình, về bạn bè, anh em, dòng họ, bà con mình, mặc dù đời này họ chưa thức tỉnh họ chỉ một bề muốn tiền. Nhưng mình một bề muốn họ hướng về Tam Bảo, nhận được con đường thánh thiện, nhận được con đường thiện lành. Khi đồng tiền của mình trả hết nhân quả đó rồi thì dứt khoát người này phải tu, phải đi con đường lành. Đó là cách trả nhân quả của người tu khéo, hoá giải được nghiệp ác với nhau trong sanh tử.

Không phải một đời mà qúa nhiều đời mình gặp nhau ở đây cho nên mình phải tìm cách hoá giải nhân quả cũ. Có nhiều khi phải trả vay theo kiểu hơn thua, hận thù. Nhưng nên trả bằng tình thương cũng là một cách trả thì dại gì mình trả cách hận thù. Trả nhân quả bằng hận thù là một cách dại dột nhất. Mình nguyện sẽ gặp tất cả nhân quả cũ để mình trả nhưng chúng ta trả theo kiểu của đạo lý. Dù nhân quả có ác cỡ nào mình cũng nguyện sẽ chuyển thành thiện, trả bằng công đức phước đức của chính mình.

Khi chúng ta chưa thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi vẫn còn luẩn quẩn trong nghiệp báo thì nhân quả báo ứng không sai sót mảy may. Từng phút từng giây là chúng ta đang tạo nghiệp. Cho nên rất phải cẩn trọng ráng tạo nghiệp thiện lành để hưởng quả báo thiện trong tương lai. Cẩn thận từ ý nghĩ, lời nói, hành động tạo tác của mình để hiện tại và tương lai có cuộc sống bình an.

Vũ trụ này rất trật tự và công bằng tuyệt đối. Không ai tự nhiên đem khó khăn bất công đến cho mình mà những gì mình hưởng hôm nay là mình đã tự vẽ vời nên tự chiêu cảm. Tốt hay xấu, cao hay hèn, khổ hay vui...là do ở chính mình cả. Tuy nhiên không có gì cố định, chuyển tâm thì hoàn cảnh sẽ chuyển. Tạo hoá vẫn là chính mình.

Đọc trọn bộ 3 bài giảng(Phần 1)     (Phần 2)       (Phần 3)

***********

Kính ghi lại lời dạy của Tôn Sư Thích Tuệ Hải
Ban Biên Tập chùa Long Hương