21/06/2021 11:37 View: 500

Bệnh nhân nhập viện vì "say nắng, say nóng" tăng đột biến

Trong chuỗi ngày nắng nóng gay gắt tại Hà Nội, số bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cấp cứu vì "say nắng, say nóng, sốc nhiệt" tăng đột biến 

 

say nang, soc nhiet, say nong, dot quy
Cẩn thận phòng tránh say nắng - nóng, sốc nhiệt & đột quỵ

Cấp cứu bệnh nhân say nắng, say nóng

Trong một vài tuần trở lại đây, trước tình hình nắng nóng gay gắt tại Hà Nội, Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp đã tiếp nhận và điều trị cấp cứu cho nhiều bệnh nhân bị say nắng, say nóng.

Trong đó, có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân có rối loạn ý thức hoặc có các tổn thương cơ quan như suy gan, suy thận…

Sau một thời gian điều trị, các bệnh nhân đều ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định và được tư vấn để nắm vững cách dự phòng và xử trí, tránh để xảy ra các trường hợp đáng tiếc.

Say nắn, say nóng có thể phòng ngừa được

Theo các bác sĩ, say nắng, say nóng là một bệnh lý nằm trong nhóm bệnh lý thân nhiệt.

Đây là nhóm bệnh lý có thể phòng ngừa được, thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.

Hai thể lâm sàng thường gặp của bệnh lý thân nhiệt là

  • Lả nhiệt (heat exhausion)
  • Say nắng - say nóng (heat - strocke).

Lả nhiệt là gì?

Lả nhiệt là bệnh lý nhiệt hay gặp nhất do suy chức năng kiểm soát nhiệt từ nhẹ tới vừa, thường kèm theo tăng nhiệt độ không khí và/hoặc kèm theo gắng sức thể lực dẫn tới mất muối và nước.

Lả nhiệt có thể diễn biến thành say nắng say nóng.

Say nắng, say nóng là đột quỵ

Say nắng, say nóng hay còn gọi là đột quỵ vì nhiệt là thể bệnh lý nhiệt nguy hiểm; gặp khi tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ C, thường kèm theo đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương cơ quan đích cùng với tổn thương thần kinh.

Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan, thậm chí là tử vong.

Thời điểm vàng cấp cứu bệnh nhân say nắng, say nóng

Khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là "thời điểm vàng" để cấp cứu, nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả gần như đạt 100%.

Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, chậm làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì 100% nạn nhân sẽ tử vong.

Đây là những tình huống vô cùng thương tâm, đã từng gặp như bỏ quên trẻ nhỏ trên xe, tự điều trị say nắng - say nóng sai cách, trì hoãn việc đến các cơ sở y tế để nhận được những biện pháp cứu chữa kịp thời.

Cách phòng tránh say nắng, say nóng?

Trong những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt hiện nay, để phòng chống say nắng, say nóng, các bác sĩ khuyến cáo:

Che kín cơ thể khi ra trời nắng

Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, bạn cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Uống đủ nước

Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt.

Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

Không làm việc quá lâu dưới trời nắng

Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức.

Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.

Trang bị các thiết bị chống nắng

Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm…

Môi trường làm việc thoáng mát

Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò… rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.

Không tắm ngay khi vừa đi nắng về

Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng

Vào mùa nắng nóng, chúng ta cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua… mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.

Cẩn thận với xe hơi, xe ô tô dừng đỗ

Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.