15/03/2022 12:09 View: 498

Quái vật hồ Nix kỳ bí

Ở phía Bắc đảo Anh có một hồ nổi tiếng tồn tại một con quái vật giống như hồ Loch Ness, và chiếc hồ này được biết đến với tên gọi là hồ Nix.

Theo những thông tin được truyền đi thì ở phía Bắc đảo Anh có một hồ nổi tiếng không phải bởi cảnh quan tự nhiên tại nơi đây mà bởi trong lòng chiếc hồ này cũng đang tồn tại một con quái vật giống như hồ Loch Ness, và chiếc hồ này được biết đến với tên gọi là hồ Nix.

Con Plesiosauria chộp bắt một con chim. (Ảnh: signosaurus)

Một ngày xuân năm 1802, một nông dân đang cắt cỏ bên hồ bỗng thấy một con quái vật nhô đầu khỏi mặt nước, bơi bằng một chiếc vây chân to và ngắn, sau đó biến mất...

Một ngày mùa thu năm 1880, có vài chiếc du thuyền chở đầy khách, bỗng nhiên một cái đầu với cái cổ dài của quái vật vươn lên khỏi mặt nước. Mọi người ai cũng hốt hoảng, một chiếc thuyền không khéo điều khiển đã bị lật chìm.

Mùa hè năm 1933, vợ chồng Mike đã tận mắt trông thấy quái vật hồ Nix: "Một quái vật khổng lồ đùa giỡn trên mặt hồ". Ít lâu sau, một người Anh tên Wilson đã chụp được ảnh quái vật gây xôn xao dư luận toàn thế giới. Từ đó họ gọi quái vật là Nixie.

Sau những năm 60, các nhà khoa học dùng máy ảnh dưới nước Sonar bố trí khảo sát hồ Nix, thu được những thành quả đáng mừng, nhất là một tấm ảnh chụp hình giống như chiếc vây, làm chứng cứ cho sự có mặt của quái vật.

Qua phân tích, chiếc vây này dài khoảng 2m, hình thoi dẹt đang hoạt động. Về sau, lại chụp được đầu quái vật ở độ sâu 11-25m. Căn cứ vào ảnh chụp, các nhà khoa học đã dựng lại được hình ảnh của quái vật: Cao khoảng 15-20m, cổ dài từ 3-4m, đầu nhỏ, trên đầu nhô ra một cái sừng.

Một số nhà khoa học căn cứ vào đó suy ra rằng, quái vật là hậu duệ của một loài bò sát dưới nước sống cách đây khoảng 65-70 triệu năm, gọi là rồng cổ rắn (Plesiosauria).

Rồng cổ rắn đã tuyệt chủng từ rất lâu, lẽ nào còn lại đến ngày nay? Nó sống bằng gì, như thế nào? Khi chết xác của nó biến đi đâu?... Những câu hỏi này các nhà khoa học đã đưa ra để tìm đến những giải thích hợp lý nhưng vẫn chưa có kết quả đích thực.

Có lẽ câu trả lời được cho là hợp lý nhất vào thời điểm hiện tại của các nhà khoa học khi lý giải về sự tồn tại của những sinh vật kỳ bí dưới nước như quái vật Nessie, Nixie, … đó là những sinh vật có thể tồn tại nhưng nó được tạo ra theo quy luật tiến hóa và môi trường sống là điều ảnh hưởng lớn.

Điều đó đồng nghĩa với việc những điều kiện đặc biệt của hồ Loch Ness hay hồ Nix đã giúp cho quá trình tiến hóa sinh học phát triển ra một loài sinh vật có thể có nguồn gốc với những loài sinh vật từ thời tiền sử, nhưng nó phát triển theo một nhánh tiến hóa riêng để thích nghi với môi trường sống.

Các nhà khoa học cũng lý giải thêm rằng, ở dưới những hồ nước lớn hay những vùng biển sâu, có thể có những loài sinh vật hình dạng đặc biệt do phải thích nghi trong điều kiện sống khắc nghiệt.

Loài thằn lằn biển từ thời tiền sử được cho rằng có mối quan hệ với sinh vật lạ trong hồ Nix.

Tuy nhiên, chúng chỉ là những loài cá mập, cá voi hay mực khổng lồ. Nhưng do tác động của khúc xạ ánh sáng và trạng thái thần kinh căng thẳng của những người đi biển lâu ngày, họ tưởng rằng mình đã gặp những loài thủy quái kinh dị.

Nhà khoa học Peter thuộc trường Đại học Portmouth, Anh cho rằng:

“Chính con người đã tạo ra những quái vật của riêng mình, khi không thể lý giải được chính xác thì họ lại đổ cho tự nhiên hay những vấn đề còn khó lý giải hơn nữa. Tôi từng tranh luận về sự tồn tại của những quái vật dưới nước thế nhưng những tranh luận đó nhanh chóng trở thành cuộc cãi vã, và khi họ đuối lý thì những lý giải theo kiểu cho có đã được đưa ra. Tôi đã được nghe một giả thuyết hết sức kỳ lạ về những sinh vật lạ dưới nước rằng “đó có thể là những “sinh vật cảnh” của người ngoài hành tinh nuôi thả vào trái đất”. Đây thực sự là một điều hết sức nực cười”.

Mặc dù, có nhiều ý kiến cho rằng không có chuyện tồn tại của những loài quái vật dưới nước thế nhưng tự nhiên vẫn luôn ẩn chứa những bí mật và điều quan trọng là loài người vẫn luôn cảm thấy tò mò những câu chuyện về quái thú vẫn ngày càng dày lên theo thời gian mà chưa có lý giải nào là thỏa đáng.

Nguồn: KH