14/03/2022 13:38 View: 659

Thực hư về "đai trinh tiết" thời Trung cổ

Chiếc đai trinh tiết có thực sự tồn tại? Một người phụ nữ không thể sống sót sau vài ngày mang đai trinh tiết vì những vấn đề vệ sinh và sức khỏe

 

Hình ảnh "đai trinh tiết" thời Trung Cổ

Chiếc đai trinh tiết dùng để đánh giá sự chung thủy của những người phụ nữ có thể chưa từng tồn tại trong lịch sử.

Đai trinh tiết (khóa trinh tiết) còn được ví von là “công cụ canh giữ lòng tin” thời xưa.

Nguồn gốc đai trinh tiết

Đai trinh tiết dành cho nữ ra đời trước. Theo truyền thuyết, người phát minh ra đai trinh tiết là bạo chúa Carrera ở Venice, Ý. Mục đích của chiếc đai trinh tiết là đảm bảo khi người kỵ sĩ xuất trận, vợ của họ không thể lăng nhăng với người đàn ông khác.

Tuy nhiên, chưa có chứng cứ nào chứng minh sự tồn tại của đai trinh tiết trong thời kỳ thập tự chinh (1096-1291). Trong khi đó theo ghi chép lịch sử, chiếc đai trinh tiết được ra đời sớm nhất tại châu Âu vào năm 1405.

Mọi người thường nghĩ chỉ có phụ nữ mới cần “đai trinh tiết” nhưng thật ra nam giới cũng có loại đai này. Sau vài thế kỷ, đai trinh tiết dành cho nam ra đời. Dưới thời kỳ trị vì của nữ hoàng Victoria (1836-1901), vấn đề nam thanh niên thủ dâm khi ngủ trở thành vấn đề nóng của xã hội Anh, điều này khiến một số bác sỹ đã phát minh ra đai trinh tiết dành cho nam để tránh hiện tượng nói trên.

Nhà thơ K.Giesel đã miêu tả trong một bài thơ của ông về đai trinh tiết, đồng thời vẽ một bức họa về nó. Ông giải thích rằng: “Đây là một cái đai sắt mà người phụ nữ ở Florence đeo, khóa lại nó có hình dáng như thế này”. Một đoạn khác trong bài thơ của ông còn miêu tả một số thành phố khác của Ý sản xuất đai trinh tiết như: Roma, Milan, Venice và Bergamo.

Chiếc đai trinh tiết dùng để đánh giá sự chung thủy có thật sự tồn tại và được sử dụng?

Tiến sĩ David Reuben, một bác sĩ kiêm chuyên gia phẫu thuật, mô tả đai trinh tiết là một bộ bikini bọc sắt với tấm chắn phía trước để tiểu tiện và phần kim loại dày hai centimet che ngoài âm đạo. Trước khi đi chinh chiến xa nhà, đàn ông thời Trung cổ dùng đai trinh tiết khóa bộ phận sinh dục của vợ mình nhằm đảm bảo họ không thể quan hệ tình dục với người khác.

Theo Reuben, đai trinh tiết là một trong những công cụ được thiết kế để áp bức phụ nữ và từng được sử dụng phổ biến trong nhiều thế kỷ. Đai trinh tiết bằng kim loại tại bảo tàng và phòng trưng bày là chứng tích Trung cổ, đại diện cho sự thô bạo của đàn ông ở thời kỳ này.

Tuy nhiên, các học giả và nhà sử học gần đây đã tìm cách chứng minh đai trinh tiết có thể chưa bao giờ được sử dụng cho mục đích này. Thay vào đó, chúng chỉ tồn tại trong thần thoại.

Albrecht Classen, giáo sư tại Đại học Arizona, Mỹ, giải thích đàn ông thời Trung cổ nhiều khả năng không dùng đai trinh tiết để kiểm soát trinh tiết của người vợ. Đai trinh tiết chưa bao giờ được ghi nhận trong các tài liệu và mâu thuẫn với nghiên cứu y học hiện đại. Một người phụ nữ không thể sống sót sau vài ngày mang đai trinh tiết vì những vấn đề vệ sinh và sức khỏe.

Bản vẽ đầu tiên mô tả về đai trinh tiết ra đời năm 1405 trong một ấn phẩm mang tên Bellifortis. Nhưng quyển sách về chế tạo này bao gồm nhiều chuyện cười và Classen tin rằng đai trinh tiết cũng nằm trong những câu chuyện cười đó. Hầu hết các tác phẩm văn học sau này liên quan đến đai trinh tiết đều mang hàm ý ngụ ngôn hoặc châm biếm.

Sarah E Bond, phó giáo sư nghiên cứu trường phái cổ điển tại Đại học Iowa, Mỹ, cho rằng các sử gia thế kỷ 18 và 19 tin đai trinh tiết có thật vì nó gắn bó mật thiết với tình dục, quan hệ giữa hai giới và cấu trúc quyền lực trong gia đình.

 "Sự thực là những cái đai đại diện cho trinh tiết không có nghĩa chúng được sử dụng để khóa cơ quan sinh dục của phụ nữ thời kỳ Trung cổ", Bond viết."Đai trinh tiết chủ yếu chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết thời kỳ Phục Hưng và đầu thời hiện đại như một hình ảnh mang tính khơi gợi về thời Trung cổ trước đây".

Những chiếc đai trinh tiết đầu tiên có nguồn gốc ở Rome cổ đại, nơi cô dâu mặc áo dài trắng và đeo thắt lưng để thể hiện sự trong trắng. Thắt lưng được buộc nút thắt để người chồng tháo ra sau đó. Các nam quân nhân cũng đeo thắt lưng có nút thắt tương tự. Ý tưởng này xuất hiện ở thời kỳ cổ đại và trung cổ, tượng trưng cho sự chung thủy cũng như khiêm nhường.

"Ý tưởng những người đàn ông Trung cổ khóa vợ mình bằng đai kim loại để ngăn họ ngoại tình là một quan điểm hoang đường do người hiện đại dựng lên để chỉ ra sự thiếu văn minh ở các thời kỳ trước đó", Bond kết luận.

 

Nguồn: PNTD