01/04/2022 12:18 View: 709

Mộ cổ hơn 200 tuổi ở Sài Gòn: Người nằm trong tóc vẫn đen, da vẫn mịn

VTC News có viết, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam có ghi chép rất tỉ mỉ về ngôi mộ này. Khi mới phát hiện vào năm 1994, ngôi mộ cổ nằm xen giữa 15 ngôi mộ bình thường khác tại khu xóm Cải, quận 5, TP.HCM.

Khuôn viên khu mộ cổ trước khi được khai quật. (Ảnh: VTC)

Duy chỉ có cổ mộ đặc biệt này có thiết kế bề thế, rộng hàng trăm mét vuông cùng kết cấu vững chắc như một ngôi đình.

Sau khi khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện trong mộ có 2 quan tài song táng, 1 nam và 1 nữ. Quan tài của người nam vẫn còn nguyên màu sơn đen, bên trong còn lại 1 ít xương cốt cùng nhiều hiện vật. Trong đó phải kể đến 7 chiếc nhẫn vàng có mặt đá, nút áo mạ vàng, hộp bạc…

Về phần quan tài của người nữ, cả quách và quan tài đều còn nguyên, bên trong được sắp xếp ngăn nắp, 2 chiếc chiếu cói che phủ bên trong còn giữ được màu tươi sắc. Phía dưới chiếu là lớp giấy bản cùng 1 tấm lụa có nhiều chữ Hán. Hầu hết các chữ đã bị nhòe, chỉ đọc được 4 chữ mang nghĩa “Hoàng gia cung liệm”.

Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật, người trực tiếp tham gia vào quá trình khai quật vẫn còn nhớ, lúc mở nắp quan tài này ra thì đã rất kinh ngạc vì người nằm ở trong vẫn còn nguyên vẹn.

Bên trong ngôi mộ là 2 quan tài song táng. (Ảnh: Gia Đình Và Cuộc Sống)

“Mở tiếp chín lớp áo vải, lụa, gấm quý, tay tôi run run xúc động khi bắt đầu chạm tay vào thi hài. Mùi dầu thông thơm nồng, bà nằm được bao phủ trong lớp nước dung dịch màu đỏ.

Gỡ lớp mạng che mặt, mọi người ngỡ ngàng trước nét mặt bình thản giấc thiên thu của bà. Ước định khoảng 60 tuổi, mái tóc đen chớm vai chỉ có ít sợi bạc, bà có làn da mịn màng, hơi có màu đỏ sậm, cũng dễ hiểu vì đã ngâm hàng trăm năm trong dầu thông.” – ông Truật kể lại.

Người phụ nữ nằm bên trong vẫn giữ được hầu hết sự nguyên vẹn dù đã qua hơn 200 năm. (Ảnh: Dân Việt)

Đặt bên cạnh của người này còn có 1 đôi hài vàng được đục 7 lỗ theo chòm sao Đại Hùng tinh Bắc Đẩu, rất giống những cổ mộ của bậc cung phi, hoàng thân vua chúa từng được khai quật ở khu vực phía Bắc.

Kiểm tra kĩ lưỡng hơn, các chuyên gia còn trầm trồ khi các khớp xương trải qua hàng trăm năm vẫn có thể co duỗi linh hoạt, cơ thể chỉ bị teo lại chút ít, các bộ phận chưa có dấu hiệu phân hủy.

Căn cứ vào các di vật tìm kiếm được cùng với hiện trạng của thi hài, giới khảo cổ tạm chấp nhận quan điểm về nhân thân của người nằm trong mộ là bà Nguyễn Thị Hiệu. Dựa trên vóc dáng cơ thể, các nhà khoa học nhận định lúc sinh thời bà sống trong cảnh an nhàn, không phải lao động vất vả.

Đôi hài được tùy táng cùng người nằm trong mộ. (Ảnh: Dân Việt)

Kèm theo những giấy tờ, đồ vật tùy táng và nghiên cứu thêm cả lịch sử triều Nguyễn, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng bà Hiệu là hoàng thân quốc thích, nhiều khả năng là em ruột của thân phụ vua Gia Long - vị hoàng đế khai triều nhà Nguyễn.

Thi hài bà Nguyễn Thị Hiệu đã được đưa về nghiên cứu thêm tại Đại học Y dược TP.HCM. Sau này, người ta đưa bà về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, coi như một bảo vật giữ gìn cho hậu thế chiêm ngưỡng.

Hiện nay, bà Nguyễn Thị Hiệu vẫn đang được đặt trong lồng kính uy nghiêm tại viện bảo tàng. Tuy nhiên sau khi bị không khí xâm nhập thì hiện trạng thi hài của bà đã không còn mềm như khi mới khai quật, thân hình khô cứng, gương mặt gần như bị phân hủy hoàn toàn.

Hiện bà Nguyễn Thị Hiệu đang được để tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. (Ảnh: Dân Trí)

Thi hài của bà Nguyễn Thị Hiệu được xem là di sản quý báu của đất Sài Gòn. Các chuyên gia vẫn luôn cố gắng duy trì việc kiểm tra, bảo vệ để giữ được hiện trạng một cách tốt nhất.

Nguồn: Yan