Một người mẹ băn khoăn hỏi tôi rằng: Các bé gần nhà chị có hành vi không tốt như hay dành đồ chơi, chửi tục hay đánh quát. Liệu mình có nên để con trong nhà và cấm con chơi với các bé kia.
KHI NÀO TRẺ CÓ TÌNH BẠN THẬT SỰ?
Các bé từ 4-5 tuổi trở lên bắt đầu nhận thức thích chơi chung, do đó trẻ cũng hiểu việc chơi với bạn, hoặc chia sẻ mối quan tâm về trò chơi, cái này cái kia với người mà bé thường gặp hay chơi cùng, nhưng tình bạn thực sự bắt đầu phải đến sau đó 3-4 năm.
BẠN BÈ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
Nếu như gia đình là đơn vị xã hội đầu tiên của trẻ, thì bạn bè là môi trường thứ 2 mà những kỹ năng xã hội được phát triển. Theo TS. Hay. ĐH Cardiff, Anh Quốc, bạn bè ở độ tuổi sớm mặc dù chưa hẳn là những tình bạn thật sự, nhưng nó liên quan đến khả năng hòa nhập và kết bạn có tốt hay không của trẻ sau 10 tuổi, mặc dù sự chấp nhận một ai đó là bạn hay người chơi cùng ở độ tuổi trước 10 là tùy thuộc vào tính cách của mỗi trẻ.
Tuy nhiên, liệu khi chơi với bạn xấu trẻ có bị ảnh hưởng không? Nhiều cha mẹ có lẽ sẽ băn khoăn hành vi của trẻ có thể thay đổi khi bắt đầu đi học như hay nói 1 từ vô nghĩa có lúc không hay như "trời ơi!", "sao vậy?" hoặc thậm chí có thái độ dễ nóng và ít tự kềm chế hơn lúc trước...
Nhưng, thực ra trẻ tiếp nhận các hành vi khác nhau từ xấu đến tốt là một phần của học hỏi và chọn lọc. Độ tuổi dưới 14 là lúc trẻ hình thành cách chơi chọn lọc, và rất ít bị ảnh hưởng của một cá nhân nào, và xem tất cả người chơi chung là bạn. Tuy nhiên, do biết chơi chọn lọc trẻ có thể nhận ra cá nhân nào chơi vui và cá nhân nào không chơi vui. VD, trẻ có khuynh hướng không chơi với trẻ nào đó hay ăn gian hay cọc tính, hay khóc nhè, hay mách lẻo...
Tuy nhiên từ 14 tuổi có thể kéo dài đến 30 tuổi trẻ có xu hướng bị ảnh hưởng bởi bạn bè vì lúc này trẻ hình thành khái niệm "thần tượng" và có thể bị ảnh hưởng bởi 1 cá nhân. Nếu một cá nhân xấu và trở thành hình mẫu có thể ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, hành vi của trẻ.
NÊN CHỌN BẠN TỐT CHO TRẺ?
Thực ra việc chúng ta muốn trẻ chơi với bạn tốt hơn không sai, nhưng việc kiểm soát trẻ nên chơi với ai là không hiệu quả cho tất cả tình huống, đặc biệt khi trẻ đi học.
Với trẻ dưới 14 tuổi, việc dạy trẻ cách chơi sao cho đúng khi chơi với bạn thì tự trẻ sẽ biết lựa chọn ai chơi cùng.
VD, trẻ có thể được dạy khi chơi phải công bằng, oẳn tù tì thì ai thua ai thắng rõ ràng. Dù chơi với bạn (mẹ/bố), bạn cũng không cho trẻ ăn gian bạn, nếu trẻ ăn gian bạn, bạn xử thua. Thì khi trẻ chơi với trẻ khác nếu bạn nào ăn gian thì trẻ sẽ nhận ra và chọn bạn khác chơi tốt hơn. Đó là 1 quy luật lựa chọn tự nhiên. Tương tự với cách nói chuyện, cách chia sẽ,... bạn nên dạy trẻ là người chơi tốt-công bằng thì trẻ sẽ tự thu hút bạn chơi tốt với trẻ.
Với trẻ từ 14 tuổi, việc cấm đoán trẻ chơi với các trẻ không tốt khác cũng không phải giải pháp hiệu quả. Một cách bạn có thể làm là chia sẻ và nói chuyện với trẻ nhiều hơn để hiểu người đang ảnh hưởng trẻ, nhưng đừng tỏ thái độ kì thị hay chỉ trích người mà trẻ đang thần tượng. Thật ra trẻ không ý thức được hành vi trẻ đang làm là sai, mà công việc của bạn là cho trẻ nhận ra những hành vi là chưa đúng, chứ không phải dùng cách phủ định thần tượng của trẻ và phủ định hành vi.
Mọi đứa trẻ ở từng độ tuổi sẽ có khái niệm về bạn chơi cùng khác nhau. Điều mà chúng ta nên làm là phải hiểu trẻ đang chơi với ai và hành vi nào chưa đúng để giúp trẻ làm tốt lại hành vi đó, chứ không cần nổ lực sửa sai ở suy nghĩ "bạn tốt bạn xấu" trong trẻ. Khi đó, trẻ luôn xem cha mẹ là người bạn tốt và sẽ biết cách chọn bạn tốt hơn.
Notes
Steinberg, L., & Monahan, K. C. (2007). Age differences in resistance to peer influence. Developmental psychology, 43(6), 1531–1543.
DALE F. H. 2005. Early Peer Relations and their Impact on Children's Development.