04/06/2021 11:35 View: 1009

Người Việt ly hương P2: Nghe điện thoại mới biết con mình còn sống

Sau những ngày lê la ở ngôi nhà hoang trên đất Pháp. Một tối, Châu cùng nhiều người khác được người dẫn đường báo:

Lên đường.

nguoi viet sang anh, vuot bien

Họ có 15 phút để chuẩn bị trước, và được đưa lên xe tải đến nơi tập kết. Từ đó, tất cả được chia nhóm, một nửa lên thùng container. Châu cùng những người khác lên thùng xe tải. Đêm đó, họ từ Pháp sang Anh.

Châu kể:

- Các xe tải qua Anh bằng đường bộ sẽ qua máy chiếu cắt lớp. Tuy nhiên khi xe đông (hoặc được hối lộ trước), việc kiểm tra sẽ qua loa. Đêm đó, xe của cháu không bị "chụp X quang" nên thoát.

Không biết tiếng Anh, chưa bao giờ ra nước ngoài, cháu làm sao để có thể quăng mình vào một chuyến đi như vậy?

- Trước khi lên đường từ VN, cháu liên hệ với một người bà con họ hàng gần. Tất cả những gì cháu hiểu biết về nước Anh là ... số điện thoại của người đó. Người đó cũng đi lậu như cháu và đã ở Anh nhiều năm, nhờ vậy có thể nuôi được vợ con ở quê nhà.

Trước khi vượt biên từ Pháp qua Anh trên xe tải, người của đường dây đưa cho mối người một điện thoại di động loại rẻ tiền, lắp sim của một mạng di động ở Anh. Họ dặn, xe chạy chừng 4 tiếng thì bật máy, khi nào thấy có sóng di động thì tức là đã đến Anh. Kể từ khi đó, họ hết trách nhiệm. Chạy mâyd tiếng nữa thì đến gần London, bọn cháu sẽ tự gõ thùng xe cho lái xe biết, họ sẽ chạy chậm lại. Mọi người sẽ dùng dao rạch bạt, chui ra và lần lượt nhảy xuống đường chứ xe không dừng

Và cháu đã rạch bạt nhảy xuống?

- Không, xe cháu lọt qua biên giới nhưng không có cơ hội đó.

Khi đến gần London, sắp tới khu vực lẽ ra sẽ rạch bạt nhảy xuống thì bị xe cảnh sát đuổi theo. Tài xế cho xe rời xa lộ chạy vào một con đường vắng bên cánh đồng, xa nữa là rừng và dừng lại. Chúng cháu chạy túa vào rừng. Cảnh sát xuống xe và chạy bộ đuổi theo nhưng không kịp, rồi trực thăng cảnh sát bay tới, họ đuổi nhưng không nổ súng, cuối cùng thì họ bắt được.

Sao cháu không bị trục xuất?

- Họ đưa chúng cháu về giam giữ, cháu nhỏ con, mặt còn trẻ nên dù 19 tuổi nhưng cháu khai 14. Thế là họ tách cháu ra, đưa đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ và đưa về một khách sạn.

Khách sạn?

- Dạ, là một khách sạn. Ở đó có một tổ chức chăm sóc trẻ em đón nhận và nói sẽ tìm bố mẹ nuôi cho cháu. Họ nói nếu tìm được ai đó nhận cháu làm con nuôi, thì họ sẽ cho phép bảo lãnh mang cháu về, nuôi cháu, cho đi học và sau đó có thể nhập quốc tịch. Trong thời gian đó cháu được ở khách sạn do tổ chức bảo trợ trẻ em chi trả!

Còn nếu không có ai nhận làm con nuôi?

- Khả năng là cháu sẽ được trục xuất theo quy định. Tuy nhiên "14 tuổi" và khai đã bị bắt lang thang qua nhiều nước châu Âu trước khi vào Anh, không cung cấp bất kỳ thông tin gì về hộ tịch, tên tuổi quê quán, Home Office (cơ quan di trú) sẽ không có cơ sở xác minh và trục xuất. Kiểu gì cũng được ở lại Anh.

Thời gian lưu lại khách sạn để chờ tổ chức kia tìm người nhận cháu làm con nuôi, là bao lâu.

Đó là tổ chức của nhà nước hay hội đoàn?

- Cháu không biết, đến giờ vẫn không biết vì cháu trốn ngay hôm đó!

Trốn? Sao mà trốn khi cháu sẽ được nhập tịch, điều mà những người nhập cư lậu, sau này giàu có, muốn nhập cũng không được, vẫn phải sống "chuột chũi"?

- Nhưng cháu qua Anh có phải để trở thành người Anh đâu. Giả sử có ai đó nhận, thì cháu "mới 14 tuổi" nên sẽ phải đi học, từ đó cho đến lúc cháu đủ quyền công dân là 4 năm. Thời gian ấy mẹ và hai em cháu ở quê lấy gì sống, trả nợ và em cháu tiền đâu mà ăn học? Cháu qua Anh là để đi làm...

Trốn giữa London như nào?

- Cháu vẫn giữ số điện thoại của người họ hàng. Cháu rời phòng khách sạn, xuống sân, đi nhanh qua nhiều con phố, đến một trạm Bus và mượn điện thoại của một người đi đường rồi gọi cho người họ hàng...

Cháu được dặn đừng ngồi một chỗ, loanh quanh ở đấy. Người họ hàng của cháu sẽ đến trạm Bus đứng đấy, và chờ cháu đến, nhận ra nhau thì đón cháu về.

Những giờ phút đầu tiên của cháu khi "tự do" ở nhà người họ hàng?

- Tối đó, việc đầu tiên là cháu ngủ một giấc để trấn tĩnh. Sau đó cháu gọi cho mẹ: "Mẹ ơi con đã đến Anh, con đang ở với cậu!"

Đầu dây bên kia, mẹ cháu im lặng sững đi một lúc: "Trời ơi con. Rứa là con sống rồi!"

Sau này cháu mới biết, suốt thời gian ở châu Âu, không được sử dụng điện thoại, mẹ cháu bắt đầu lo. Nếu trước đây mẹ chỉ nghe chân rết của đường dây nói về sự chắc chắn và cuộc sống đổi đời, thì từ khi cháu đi mẹ liên tục tìm hiểu và biết những gì một người nhập cư lậu phải nếm trải: Đi bộ băng rừng trong đêm tối giữa bão tuyết để trốn biên phòng; chui lủi thùng container để qua cửa khẩu; bị truy đuổi; bị tù; thậm chí bị sang tay cho những băng đảng trồng "cỏ" (bồ đà) mà cuộc đời mù mịt chưa biết về đâu.

Những ngày bặt tin con, mẹ cháu hối hận, căng thẳng. Lúc đó mẹ cháu đã có khi tuyệt vọng và chỉ ước mơ cháu còn sống, không mất con. Mẹ cháu không cần gì hơn nữa.

Vì thế, cuộc điện thoại ấy với mẹ cháu là một sự hồi sinh.

Còn với cháu, cháu nghĩ gì?

- Cháu nghĩ: đã qua đến đây, thì phải sống được và có tiền gửi về chuộc nhà cho mẹ. Rồi cháu ngủ thiếp đi!

(còn tiếp)

Bài phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Đức Hiển

Báo Polo.vn