04/06/2021 11:35 View: 835

Người Việt ly hương P1: Cháu đến Anh vì bế tắc

Châu, quê Hà Tĩnh, đang học năm thứ nhất Đại học tại TP.HCM thì bỏ học, về quê và hai tháng sau lên đường sang Anh

Một đêm tháng 10-2016, cậu đến đón tôi tại Holiday Inn Hotel. Cậu gọi một chiếc Balck Cab taxi và đưa tôi đến một nhà hàng Trung Hoa ở Zone 3, London.

chau den anh vi be tac, nguoi viet tha huong

Và đêm đó, trong men rượu, tôi đã nghe Châu và những người khác kể về hành trình sinh tử đến nước Anh

Cháu đã đến Anh như thế nào?

- Mồ côi cha. Mẹ cháu nuôi cháu và hai em ăn học. Dân biển, nhưng nhà cháu không có tàu cũng chẳng có vốn. Cháu vào Đại học, chi phí học cháu tự trang trải bằng cách phục vụ cho một chỗ nấu đám tiệc, nhưng vẫn không đủ. Mẹ cháu gánh cá thuê ngoài bến. Cháu còn hai em ăn học.

Không nhất thiết phải học Đại học. Vì cháu không cần bằng cấp. Bằng cấp nếu có, với cháu, cũng chỉ là giấy chứng nhận mưu sinh. Vì thế cháu định đi xuất khẩu lao động. Nhưng có muốn đi cũng phải có đường dây, phải chung chi. Chú đừng nghĩ cứ học nghề, học tiếng là chắc chắn có vé đi Hàn.

Thế sao cháu không chọn một nghề khác ở quê?

- Nếu cháu ở quê, chưa có tay nghề, chỉ đi làm thuê. Mà ai thuê cháu? nếu có, cũng là cái giá rất rẻ, chỉ đủ cháu sống tiện tặn. Nhu cầu của cháu là có một việc làm, để có thể nuôi hai em vào đại học. Và cần ngay!

Thì vẫn có thể vay?

- Nhà cháu cũng có cái nhà cấp 4 ven bờ biển, chỗ người ta hay phơi nôốc (phơi tàu và cạo vỏ hàu). Nhưng thế chấp vay ngân hàng thì vẫn không đủ những nhu cầu ấy. Còn vay tiền họ hàng "nuôi con học đại học, đến khi nào có thu nhập sẽ trả", thì ở cái làng này, ai có tiền cho vay và dám cho vay mạo hiểm thế hả chú? Mà biết bao giờ mới trả được. Ở quê cháu, ai cũng tốt nghiệp đại học, nhưng tóit nghiệp rồi muốn lên miền núi dạy cũng phải "mua suất", rồi sau này lại "mua suất" để về xuôi. Quay đi quay lại cả đời chỉ trả tiền học và tiền mua suất. Trừ khi làm nghề gì, chức gì có "màu".

Thì vẫn có thể buôn bán, học nghề?

- Thế thì chờ cháu ra nghề, ngân hàng đã xiết nợ mất nhà, và em cháu lại phải bỏ học.

Thế là cháu ra đi?

- Vâng, có một người chú của cháu làm công chức ở Sài Gòn, chú ấy vẫn hỗ trợ cháu, nhưng dĩ nhiên là không thể nuôi cháu và các em cháu ăn học. Thương mẹ, cháu nghĩ con đường duy nhất là sang Anh. Ra đi vì lẩn quẩn và bế tắc.

Quê cháu, người ta đi đầy, Lộc Hà, Thạch Hà, Hồng Lĩnh và Can Lộc đi nhiều nhất. Cháu đi, vì nhìn thấy ở họ một con đường để thoát khỏi sự bế tắc ấy.

Cháu nghĩ vì sao 4 huyện ấy đi nhiều nhất?

- Cháu nghĩ dân 4 huyện ấy hoặc bám mặt đường, hoặc bám biển mưu sinh nên bản lĩnh ngang tàng, dễ thích ứng. Họ năng động hơn các huyện trung du hay đồng chiêm như Đức Thọ, Hương Sơn...

Cháu qua Anh như nào?

- Cháu qua Nga, rồi từ đó qua Pháp và vào Anh. Gần 4 tháng từ khi rời Hà Tĩnh, ra Hà Nội và bay sang Nga bằng visa du lịch thì cháu vào đến Anh.

Cháu đến đâu ở Anh?

- Cháu đến London

Tiếng Anh cháu chắc rất tốt?

- Cháu qua Anh 3 năm và tới giờ tiếng Anh vẫn thua chú (tiếng Anh của tôi rất tệ- NV), tí đi nhậu chú nghe thì biết.

Cháu ở Pháp bao lâu?

- 3 tháng, trong một ngôi nhà hoang, cùng với 40 người Việt khác, chờ ngày đi.

Ba tháng ấy trải qua như nào?

- Mỗi ngày cháu đều mong được đến Anh, vì chờ đợi có quá nhiều rủi ro, sợ bị phát hiện và trục xuất thì gần tỷ đồng nộp cho đường dây coi như mất trắng. Nhớ nhà, tương lai mịt mù. Đã lên đường là chấp nhận thôi chú. Những ngày chờ ở Pháp, nhiều đêm cháu nghĩ: Biết thế này ở nhà thất nghiệp rau cháo với mẹ và em cũng được, cũng quê hương. Như giờ mà cháu chết thì mẹ cháu đã mất con, mà em cháu lại thất học, ngân hàng lại siết nhà. Rồi mẹ và em sẽ còng lưng cả đời lo khói hương cho cháu, cho bố cháu và lo trả nợ. Nghĩ thế, cháu chỉ còn con đường phải sống và đến Anh

ĐỌC TIẾP PHẦN 2

Ảnh: Tôi đã đề nghị Châu công khai chuyện đời của mình, và cậu ấy đồng ý, như một bài học để những người có ý định như vậy, cân nhắc.
Trở về từ Anh, tôi viết bài, nhưng bài phỏng vấn này thì vì nhiều lý do, tôi để lại giờ mới công bố.

Bài phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Đức Hiển

Báo Polo.vn