Gần 3 thập kỷ đã qua, bí ẩn về âm thanh khác thường này vẫn khiến giới khoa học không ngừng tìm hiểu.
Các nhà hải dương học Mỹ dự đoán nó là con cá voi xanh khổng lồ. (Nguồn: Washington Post)
Ở phía Bắc Thái Bình Dương có một chú cá voi. Tất nhiên, trong đại dương bao la ấy có vô vàn cá voi. Thế nhưng chú cá voi này vô cùng khác biệt. Nó là một con cá voi đực thuộc giống cá voi xanh hoặc cá voi vây. Không một ai có thể chắc chắn, vì chưa một ai từng nhìn thấy nó. Bí ẩn, vô hình, chú cá voi này vẫn nổi tiếng khắp thế giới, vì nó là chú cá voi cô đơn nhất hành tinh.
Ngày 7/12/1992: Tròn một năm Liên Xô giải thể, Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô kết thúc. Trạm Không quân Hải quân đảo Whidbey (Mỹ) vẫn còn. Thái Bình Dương vẫn vậy - vùng biển rộng lớn và vô hạn, vượt ra ngoài đường băng mang tên William Ault - phi công hi sinh trong Trận chiến biển San Hô thời Thế chiến II nhưng thi thể chưa bao giờ được tìm thấy - đã chứng minh một điều: Đại dương "nuốt chửng" con người và khiến họ trở nên bất tử dưới dòng nước sâu.
Nhưng trong những ngày cuối năm 1992 đó, cũng tại trạm không quân hải quân đó, Thái Bình Dương xuất hiện một thứ gì đó hữu hạn: Âm thanh kỳ lạ. Có tần số bất thường 52 Hz.
Âm thanh phát ra từ một sinh vật đang di chuyển qua vùng biển Thái Bình Dương. Nó đang "hát" một khúc ca đơn độc, cao vút.
Phân tích ảnh phổ của sinh vật bí ẩn này, các nhà hải dương học Mỹ dự đoán nó là con cá voi xanh khổng lồ (dài 30m, nặng khoảng 180 tấn), phát ra tần số khiến không một loài cá voi nào có thể nghe thấy. Họ đặt tên nó là 52 Blue (hay Cá voi 52 Hertz).
Đối với con người, 52 Hz là một âm thanh thấp - giống như nốt thấp nhất của kèn Tuba - nhưng nó cao đối với cá voi. Thông thường, cá voi "hát" để điều hướng, tìm thức ăn, giao tiếp và tìm kiếm bạn tình. Tiếng hát của chúng dù cách xa hàng ngàn dặm vẫn được đồng loại nghe thấy. Miễn là chúng có cùng tần số, cá voi xanh phát ra tần số từ 10 đến 39 Hz, cá voi vây là 20 Hz (tương đương với những nốt trầm nhất của phím đàn piano).
Bài hát phát ra tần suất mà không một loài cá voi nào có nghe được. Nó cao vút đến kỳ lạ. Và cũng cô độc đến khác thường.
Không ai chắc chắn tại sao 52 Blue lại hát ở tần số bất thường này. Một số nhà sinh vật học đưa ra giả thuyết rằng chú cá voi này có thể bị dị hình theo một cách nào đó hoặc là con lai của hai loài cá voi.
Vì không có đồng loại nào nghe được tiếng nó gọi, giới khoa học quyết định lắng nghe 52 Blue nhiều hơn. Dù có thể nó cô độc ở thế giới đại dương nhưng lại không hề lạc lõng giữa tình yêu của các nhà khoa học, của con người. Giới khoa học lắng nghe và cố gắng "hồi đáp" với nó.
Khu vực 52 Blue được các nhà hải dương học phát hiện bài hát nó phát ra những năm 1990. (Nguồn: Washington Post).
Không chỉ phát ra tần suất cao, hành trình của 52 Blue cũng rất khác thường. Năm 2004, các nhà nghiên cứu của Viện Hải dương Woods Hole đã xuất bản một bài báo về 52 Blue trong một tạp chí có tên Deep Sea Research, với nội dung: 52 Blue di chuyển liên tục trên khắp các vùng nước sâu của vùng trung tâm và phía đông lưu vực Bắc Thái Bình Dương. Nó đang thực hiện hải trình rộng nhất so với bất kỳ loài cá voi nào trên thế giới.
Đối với hầu hết các loài cá voi khác, chúng thường di cư đến cùng một khu vực mỗi năm: Di cư đến vùng biển nhiệt đới vào mùa đông và đến vùng nước lạnh hơn vào mùa hè.
Tuy nhiên, đối với 52 Blue lại khác biệt. Hải trình của nó thay đổi từ năm này sang năm khác và nó không dành nhiều thời gian ở một nơi. Đôi khi nó quay lại dọc theo bờ biển mà anh ta vừa đi. Một mùa khác, nó lại bơi ra vùng nước sâu hơn.
Chính vì sở thích đi vô định, không thể đoán trước của 52 Blue mà cho đến tận ngày nay, không một nhà khoa học nào từng tìm được nó, nhìn thấy nó. Tất cả những gì con người biết về cá voi 52 Blue là giọng hát cao vút vừa bi thương, vừa cao ngạo của nó.
Nhìn vào những đường rối rắm trên bản đồ của 52 Blue, các nhà khoa học không thể không đặt câu hỏi: 52 Blue đang tìm kiếm thứ gì vậy?
Còn rất nhiều bí ẩn về 52 Blue mà giới khoa học chưa thể giải đáp.
Dù phát hiện ra 52 Blue từ năm 1992 đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể hiểu hết về "huyền thoại biển xanh" này: "Chúng ta chẳng thể hiểu 52 Blue. Chú cá voi ấy có đơn độc hay không? Người ta thích mường tượng về một sinh vật khổng lồ, năm này qua năm khác vẫn hát một khúc ca độc hành mà chẳng đồng loại nào nghe được. Nhưng có thật là 52 Blue chỉ có một mình trong đại dương sâu thẳm? Hay 52 Blue không có thật mà chỉ là một "bóng ma" đại dương? Thật mơ hồ".
Điều này thật dễ lý giải vì cho đến nay, chưa một ai từng nhìn thấy hoặc tìm kiếm 52 Blue. Nói cách khác, chưa một ai tận mắt nhìn thấy nó. 52 Blue không chỉ một sinh vật khổng lồ cô độc nhất hành tinh, câu chuyện về nó ẩn dụ cho sự cô đơn.
52 Blue không chỉ một sinh vật khổng lồ cô độc nhất hành tinh. (Nguồn: Internet).
Một trong những nỗ lực tìm kiếm 52 Blue đến từ Josh Zeman, một nhà làm phim thực hiện bộ phim tài liệu có tên "52: The Search for the Loneliest Whale in the World" (tạm dịch: Hành trình tìm kiếm cá voi cô độc nhất hành tinh).
Trong số những chủ đề đạo diễn Josh Zeman nổi bật lên chủ để về sự cô đơn hiện đại, và các con người phản ứng với câu chuyện của cá voi 52 Blue trong kỷ nguyên kỹ thuật số khi Internet hứa hẹn kết nối hàng triệu người online nhưng thực sự có thể khiến chúng ta bị cô lập sâu hơn.
Tuy nhiên, không chỉ ẩn dụ về sự cô đơn, 52 Blue còn truyền tải thông điệp về sự lạc quan: Gần 3 thập kỷ kể từ khi con người phát hiện ra thông điệp âm thanh của nó, 52 Blue vẫn luôn cất tiếng hát giữa đại dương sâu thẳm. Nó vẫn miệt mài gọi đồng loại, và thực hiện hành trình khác lạ để tìm kiếm bạn. Hy vọng ngày nào đó tự nhiên sẽ đáp hồi.
Dẫu thế, những gì con người hiểu về sinh vật khổng lồ này vẫn chẳng là gì. Cái mác "cô độc" mà bao người gán vào 52 Blue có phải sự thực hay không? Có thật là 52 Blue chỉ có một mình trong đại dương sâu thẳm? Hay thậm chí liệu 52 Blue có thực sự tồn tại hay chỉ là một "bóng ma" biển cả? Tất cả những câu hỏi này đều đã được đưa ra suốt hơn 30 năm, và chúng ta chỉ có thể tiếp tục chờ đợi câu trả lời.
[Ngưỡng nghe của con người có tần số dao động từ 20 đến 20.000 Hz. Dưới tần số 20 Hz gọi là hạ âm. Trên tần số 20.000 Hz gọi là siêu âm].
Nguồn: KH