Chạy Grab như sống trong một xã hội thu nhỏ, nơi có người tốt nhưng cũng không ít kẻ lưu manh. Bằng chứng là gần đây, có rất nhiều vụ án giết người cướp tài sản mà nạn nhân là tài xế chạy xe Grab. Vậy để bảo vệ tài sản & trên hết là tính mạng của mình, những tài xế chạy Grab hãy trang bị cho mình kỹ năng thoát hiểm cần thiết khi đối diện kẻ thủ ác.
Mới đây, sự việc nam sinh chạy xe ôm công nghệ bị sát hại và được tìm thấy thi thể tại bãi đất hoang phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và bàng hoàng. Vụ việc trên đã khiến nhiều tài xế cảm thấy lo lắng và bất an khi làm việc trên đường.
Trung tá Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho biết, những tên cướp xe ôm luôn mong muốn chiếm đoạt được tài sản, càng nhiều càng tốt để thỏa mãn nhu cầu vật chất, thực hiện hành động cướp xe một cách quyết liệt, tàn bạo, bất chấp tính mạng con người, miễn là cướp được tài sản. “Từ thực tiễn công tác điều tra cho thấy, những đối tượng cướp xe ôm thường giả vờ là khách thuê xe ôm chở đến những cung đường, địa điểm hẻo lánh để thuận tiện cho việc gây án. Sau khi giết người, đối tượng thường lục soát quần áo, tư trang hành lý của nạn nhân để lấy tài sản rồi phi tang xác nạn nhân” - Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Chuyên gia mách nước lái xe đối phó khi nguy hiểm
Theo chuyên gia tội phạm học, để đề phòng những trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra, người lái xe chở khách:
- Không nên chở quá số người quy định, vào đêm khuya, hoặc nơi vắng người.
- Không chấp nhận yêu cầu dừng lại hoặc đi chậm lại của khách.
- Dọc đường, người lái xe nên chú ý quan sát người khách qua gương chiếu hậu.
Khi gặp nguy hiểm, kĩ năng xử lý tình huống hết sức quan trọng để giữ mạng sống và tài sản cho người lái xe. Lúc này:
- Chỉ có sự bình tĩnh mới giúp nạn nhân có thể thoát khỏi nguy hiểm.
- Nếu bị đối tượng khống chế bằng hung khí, nạn nhân cần tỏ ra hợp tác, sẵn sàng giao tài sản, không nên chống trả.
- Nếu đối tượng tấn công quyết liệt và bản thân có thương tích nặng, cần xác định phải chống trả đến cùng, vì tên cướp đã hạ quyết tâm giết chết mình.
- Lúc này, cần tận dụng tối đa địa hình, địa vật xung quanh, vơ gạch đá, cành cây thủ thế để chống trả lại rồi bỏ chạy, trình báo công an.
Trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, những đối tượng gây án như trên sẽ phải đối mặt với tội giết người theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự và tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình, hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản là tù chung thân.
Khi kết tội, tòa án sẽ tổng hợp hình phạt của hai tội danh này mà các đối tượng phải đối mặt có thể là tử hình. Ngoài ra các đối tượng này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân.
“Tuy nhiên qua đây cũng cho chúng ta thấy cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng thoát hiểm cho các lái xe. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo quyền lợi của người lái xe về việc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác khi tai nạn, rủi ro xảy ra”, luật sư Lực phân tích.
Tamlinh.org
Theo báo Pháp luật