08/04/2022 13:13 View: 469

Khám phá vòng tròn kỳ bí của Trái Đất

Đảo Phục sinh, kim tự tháp Ai Cập, đường Nazca của Peru, quần thể đền đài Angkor Wat… Hãy tưởng tượng có một đường vẽ bản đồ kỳ bí kết nối một số địa điểm quan trọng từ thế giới cổ đại.

Khi lập biểu đồ trên quả địa cầu, người ta phát hiện nhiều địa điểm cổ đại quan trọng nhất trên thế giới xếp thành một vòng tròn gần như hoàn hảo. (Ảnh: Marco Di Lauro/Getty Images)

Trên thực tế, khi lập bản đồ các vị trí quan trọng này trên quả địa cầu thì sẽ xuất hiện một vòng tròn gần như hoàn hảo, cho thấy một bí ẩn mà khảo cổ học hiện vẫn chưa có lời giải.

Quý vị có thể tìm thấy trên vòng tròn bí ẩn này một danh sách đáng kinh ngạc về các di chỉ văn hóa quý báu của Trái Đất, vì nó đi qua các hòn đảo nhỏ, một số lục địa và thậm chí là các vị trí giả thuyết của các địa danh trong thần thoại.

Ở Phi Châu, đường cong này đi qua Cao nguyên Tassili trên sa mạc Sahara, các kim tự tháp của Ai Cập và các địa điểm chính dọc theo những dòng sông như Tigris, Euphrates và Nin – ba trong số những dòng sông có ảnh hưởng nhất thời cổ đại. Lần xa hơn theo vòng cung này, quý vị sẽ đến kinh đô Persepolis của Đế quốc Ba Tư cổ đại, đô thị cổ Mohenjo-Daro, đền thờ Thần Ammon trên ốc đảo Siwa, và thành phố bị lãng quên Petra – một trong bảy Kỳ quan mới của Thế giới Cổ đại.

Xa hơn nữa men theo đường cong này, quý vị sẽ tìm thấy thành phố Ur của người Sumer cổ đại, quần thể đền đài Angkor ở Campuchia và Thái Lan, Biển Chết, dãy Himalaya, sông Tiền Đường ở Trung Quốc và những di tích được một số người xếp vào danh mục lục địa Atlantis thần thoại. Thật đáng kinh ngạc, đường cong bí ẩn kết nối các địa điểm này với biên độ sai số dưới 1/10 của một độ vĩ độ. Tâm của vòng tròn này được tìm thấy ở đông nam Alaska.

Trong bài báo “The Prehistoric Alignment of World Wonders” (Tạm dịch: Đường thẳng Kết nối Các Kỳ quan Thế giới Thời Tiền Sử), tác giả Jim Alison mô tả rất chi tiết về nhiều hoán vị toán học có trong vòng tròn lớn này và các địa điểm trên vòng tròn đó. Ông viết: “Chúng ta có thể dễ dàng quan sát được đường thẳng kết nối các địa điểm này trên quả địa cầu thông qua một đường tròn. Nối bất kỳ hai địa điểm nào trong số các địa điểm này trên đường tròn, chúng ta đều được một đường thẳng chứa tất cả các địa điểm còn lại nằm trên vòng tròn đó. Các phần mềm vẽ bản đồ thế giới 3D cũng đều vẽ vòng tròn lớn quanh Trái Đất này.”

Vậy vòng tròn này cho chúng ta biết điều gì? Nhiều người nói rằng sự liên kết này cho thấy người xưa đã sở hữu một kho tàng tri thức lớn hơn nhiều so với những hiểu biết phổ biến hiện nay của chúng ta về tổ tiên. Những người khác lại cho rằng vì tâm của vòng tròn được tìm thấy ở Alaska, nên đường thẳng liên kết của nó có thể chỉ ra vị trí các cực của Trái Đất trước khi chúng chuyển đến vị trí ngày nay. Ngoài các lý thuyết và phỏng đoán, một điểm chung giữa nhiều địa điểm này là độ thủ công rất cao của các cấu trúc ở đó. Một số địa điểm dọc theo vòng tròn thể hiện một trình độ công nghệ tiên tiến mà các nhà nghiên cứu hiện đại chưa thể giải thích được.

Các kim tự tháp Ai Cập, thành phố Petra, pháo đài Ollantaytambo, và những nơi khác trên vòng tròn đại diện cho những kiệt tác kiến trúc vẫn còn gây kinh ngạc và truyền cảm hứng cho nhân loại. Cao nguyên Nazca cũng tạo ra cảm giác tương tự. Ngôi làng cổ đại này khiến các nhà nghiên cứu phải bế tắc trước câu hỏi: Làm thế nào và lý do tại sao những người thổ dân thời tiền Colombia có thể tạo ra hơn 300 bức vẽ địa lý khổng lồ trên vùng đất Peru. Giống như vòng tròn kết nối tuyệt vời nêu trên, các hình vẽ biểu thị các loài khỉ, chim, nhện và các động vật khác xuất hiện trên các đường Nazca nổi tiếng chỉ có thể được nhìn thấy từ một khoảng cách đáng kể ở trên không. Không có những cỗ máy bay hiện đại, những người cổ đại này có mục đích hay phương pháp gì khi sắp xếp những thiết kế khổng lồ như vậy?

Vào những năm 1920, nhà cổ vật nghiệp dư Alfred Watkins quan sát thấy các địa danh linh thiêng ở Anh nằm trên một chuỗi các đường thẳng liên kết với nhau, mà ông gọi là “ley lines” (đường Ley). Khi được vẽ trên bản đồ, những vòng tròn đá, các lăng mộ và các khu định cư cổ đại này xếp ngay ngắn, thẳng hàng trên khắp đất nước. Quan sát đó khiến một số người tin rằng những đường này thể hiện một hệ thống phong thủy địa lý mà con người cổ đại đã sử dụng khi xác định vị trí xây dựng các công trình kiến trúc khác nhau. Chúng rất giống các đường kinh mạch châm cứu trong Đông Y. Những người nghiên cứu các đường Ley này khẳng định rằng Trái Đất cũng có hệ thống kinh mạch của riêng mình.

Nếu con người cổ đại sử dụng một hệ thống như vậy để sắp đặt các công trình kiến trúc, làm thế nào họ xác định được vị trí đặt các đường thẳng? Hơn nữa, vị trí của các địa điểm trên vòng tròn lớn này có phải do ảnh hưởng của hệ thống phong thủy kỳ bí, nhưng với một quy mô lớn hơn không? Vì các nền văn hóa ở những địa điểm này vốn không có mối liên hệ nào với nhau, nên người ta phải xem xét liệu chúng có có đơn thuần là tuân theo một hệ thống mà vượt quá sự hiểu biết của con người ngày nay hay không.

Nguồn: ET