28/04/2022 08:06 View: 826

Nguyên nhân cái chết bí ẩn của Alexander Đại đế là gì?

Tháng 7 năm 323 TCN, Alexander Đại đế qua đời ở Babylon, hưởng thọ 32 tuổi, sau khi chinh phục được cả một đế chế trải dài từ Albania ngày nay cho đến miền đông Pakistan.

Câu hỏi về cái gì, hay ai, đã giết chết vị vua của vùng đất Macedonia này chưa từng có lời giải thỏa đáng. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây rất có thể sẽ giúp chúng ta giải được bí ẩn 2000 năm tuổi này.

(Ảnh: Gettyimages)

Alexander III của xứ Madedon, cũng được biết đến là Alexander Đại đế, sinh ra ở Pella vào năm 356 TCN. Ngay từ năm 13 tuổi, ông đã theo học Aristotle, một triết gia nổi tiếng người Hy Lạp cho đến lúc 16 tuổi. Ông trở thành vua của Macedon, một quốc gia ở phía bắc Hy Lạp cổ đại, và đến năm 30 tuổi ông đã tạo nên một trong những đế chế lớn nhất trong thế giới cổ đại, trải dài từ biển Ionian (thuộc Địa Trung Hải) đến dãy Himalaya.

Bất bại trong tất cả các trận đánh, Alexander được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử.Ông đã chinh phục được toàn bộ đế chế Ba Tư, nhưng chưa dừng lại ở đó. Là một chiến binh hoài bão, ông tìm cách tới được “những nơi tận cùng của thế giới”, chinh phạt Ấn Độ vào năm 326 trước Công nguyên rồi quay trở lại quê hương.

Ông đã sáng lập khoảng 20 thành phố mang tên mình, trong đó có thành phố Alexandria ở Ai Cập cổ đại và truyền bá văn hóa Hy Lạp tới phương Đông.

Đế chế của Alexander đại đế trải dài từ Châu Âu, Châu Phi (Ai Cập), Trung Đông, sang đến tận khu vực Châu Á (Ấn Độ)

Tuy nhiên, trước khi hoàn tất kế hoạch xâm chiếm Ả Rập, Alexander Đại đế đã qua đời một cách bí ẩn, sau 12 ngày chiến đấu với tử thần.

Từ các tư liệu lịch sử chúng ta biết rằng Alexander đã tổ chức một buổi yến tiệc để tưởng nhớ cái chết của một người bạn thân. Nhưng đến giữa buổi đêm, ông bỗng đau đớn dữ dội rồi ngã gục xuống. Ông được mang đến phòng ngủ, và sau những ngày vật lộn giữa sự sống và cái chết, trong cơn sốt cao, co giật và mê sảng, ông chìm vào hôn mê và qua đời.

Những phản ứng ban đầu của ông là kích động, rùng mình, cứng cổ, và nhói đau ở khu vực dạ dày. Sau đó ông đổ sụp và chịu sự đau đớn cùng cực bất cứ khi nào người khác chạm vào người ông. Ông cảm thấy khát nước dữ dội, đồng thời xuất hiện triệu chứng sốt và mê sảng. Suốt đêm hôm đó ông đã trải qua những cơn co giật và ảo giác, theo sau bởi những khoảng lặng. Trong giai đoạn cuối cùng, ông bị cấm khẩu, mặc dù ông vẫn có thể di chuyển đầu và hai tay. Sau cùng, việc hô hấp trở nên khó khăn và ông qua đời.

Alexander Đại đế trên giường bệnh. (Wikipedia)

Hiện có 4 giả thuyết về cái chết của ông: sốt rét, bệnh thương hàn, ngộ độc rượu hoặc bị kẻ thù cố tình đầu độc. Trong đó có 3 giả thuyết không được coi là thuyết phục.

Bệnh sốt rét thường chỉ nảy sinh ở các vùng nhiệt đới, do muỗi đốt và ít khi xuất hiện tại các vùng sa mạc như miền Trung Iraq ngày nay, nơi Alexander qua đời.

Bệnh thương hàn do lây nhiễm virus qua thức ăn hoặc nước uống và thường lan truyền thành dịch chứ không thể chỉ có một cá nhân mắc bệnh. Trong tư liệu lịch sử không có bất cứ chi tiết nào đề cập tới việc Babylon bị dịch thương hàn, vào thời điểm Alaxander qua đời.

Giả thuyết Alexander chết do ngộ độc rượu được các chuyên gia bàn cãi nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng không có bất cứ tư liệu lịch sử nào cho thấy Alexander xuất hiện triệu chứng nôn mửa, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của ngộ độc rượu.

Rốt cục chỉ còn nguyên nhân bị đầu độc là hợp lý nhất. Theo sử sách, 6 ngày sau khi qua đời, thi hài của Alexander không hề bị phân hủy, mặc dù được quàn ở một nơi rất nóng nực, oi bức. Giải thích về hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, trong cơ thể Alexander có một lượng độc tố chết người, lan tỏa khắp nơi và chính độc tố đã làm giảm tốc độ phân hủy. Điều này cho thấy Alexander Đại đế đã bị đầu độc, nhưng bởi cái gì?

Nghiên cứu gần đây được Tiến sĩ Leo Schep tiến hành tại Trung tâm Độc tố Quốc gia ở New Zealand đã gợi ý rằng Alexander đã tử vong vì uống rượu độc làm từ một loài cây có vẻ ngoài vô hại, nhưng khi lên men, lại có độc tính cực mạnh.

Tiến sĩ Schep, người đã nghiên cứu bằng chứng chất độc trong một thập kỷ, nói rằng một số các giả thuyết khác về việc Alexander đã bị đầu độc – bao gồm thạch tín và cây mã tiền – là không thích hợp vì như vậy cái chết sẽ đến nhanh hơn rất nhiều, chứ không phải kéo dài đến hơn 12 ngày như sử sách đã ghi. Điều tương tự áp dụng với các loại chất độc khác như cây độc cần, cây phụ tử, cây kỳ nham và nghệ tây.

Tuy nhiên nghiên cứu của Tiến sĩ Schep cùng với chuyên gia lịch sử Tiến sĩ Pat Wheatley, xuất bản trên tạp chí y học Clinical Toxicology (Khoa Độc dược lâm sàng), đã phát hiện ra thủ phạm khả thi nhất là Veratrum album, hay còn gọi là cây lê lư trắng. Loài cây ra hoa màu trắng này, vốn có thể được lên men thành một loại rượu độc, là một phương thuốc thảo dược khá nổi tiếng đối với người dân Hy Lạp.

Thủ phạm gây ra cái chết của vị hoàng đế vĩ đại là cây lê lư trắng – loài cây có vẻ ngoài khá vô hại.

Tiến sĩ Schep cho rằng cây lê lư trắng có thể đã được lên men thành một loại rượu và dâng lên nhà vua. Thực tế, khi lên men, loại thảo dược này sẽ có vị rất đắng, nhưng có khả năng, những người chế biến đã làm tăng vị ngọt để thức uống hấp dẫn hơn. Rất có thể vị hoàng đế này đã uống khá nhiều rượu đến mức say mèm tại bữa tiệc. Các triệu chứng khi sử dụng loài cây này cũng khớp với miêu tả về triệu chứng của vị hoàng đế trong hơn 12 ngày cuối đời.

Alexander Đại đế đã uống rất nhiều rượu độc trong buổi yến tiệc. (Wikimedia)

Tuy nhiên, ngay cả nếu Alexander bị trúng độc, không có bằng chứng cho thấy ông đã bị viên tướng dưới quyền âm mưu giết hại. Đã từng có những trường hợp được ghi chép lại về những người chẳng may tự đầu độc bản thân với loài cây lê lư trắng này.

Năm 2010, tạp chí y học Clinical Toxicology có đăng bài viết về 4 người ở Trung Âu đã ăn loại cây này bởi tưởng đó là cây tỏi dại. Trong khoảng 30 phút họ đều xuất hiện triệu chứng nôn mửa, đau đớn khắp người, mất một phần thị lực, và nói năng không kiểm soát. Song không bất hạnh như Alexander Đại đế, họ đã được y học hiện đại cứu mạng.

Nguồn: DKN - Theo April Holloway, Ancient Origins