Bạn có biết có một con dốc kỳ lạ tới mức khiến quy luật vật lý thông thường ở đây bị đảo lộn hoàn toàn tại sườn núi Mạo Sơn ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Lên dốc hay xuống dốc? Kỹ thuật leo & đổ dốc hoàn toàn không dùng được ở con dốc ma quái này.
Ở sườn núi Mạo Sơn thuộc thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, có một con dốc lạ. Khi xe lên dốc không cần nhấn ga, nhưng khi xuống phải đạp cật lực.
Người ta quen gọi nó là con dốc "ma quái".
Nằm cách trung tâm thành phố chừng 30 km về phía nam, xung quanh dốc được bao phủ bởi rừng cây rậm rạp và núi non trùng điệp.
Đoạn dốc này cách quốc lộ 102 chỉ hơn một km và có đường cao tốc Jingha chạy qua.
Bởi vậy, giao thông tại đây rất thuận tiện.
Đó là một con dốc dài chừng 80m, rộng khoảng 15m và khá bằng phẳng.
Dốc cao về phía tây, thoải dần về phía đông.
Từ tháng 4/1990, người ta đã phát hiện thấy điều kỳ lạ khi đi trên đoạn dốc này.
- Đó là, các phương tiện đi lên dốc đều rất nhẹ nhàng, thậm chí đi xe đạp không cần đạp nhưng vẫn chạy, còn khi xuống dốc lại khá vất vả.
- Thậm chí, xe tắt máy vẫn có thể tự động trượt từ chân dốc lên đỉnh.
Theo lời kể của người dân địa phương, năm 1990, một cảnh sát giao thông lái chiếc xe Zip xuôi theo đường vào núi để xuống dốc.
Nhưng sau khi tắt máy xe, viên cảnh sát này có cảm giác xe tự động trượt từ từ lên đỉnh dốc.
Rất ngạc nhiên nên anh cho xe chạy thử vài lần và lần nào kết quả cũng như vậy.
Kể từ đó, danh tính của con dốc "ma quái" ở Thẩm Dương đã lan rộng khắp nơi, thu hút du khách đổ xô tới chiêm ngưỡng cảnh tượng hiếm có.
Sự nổi tiếng của nó thậm chí thu hút cả giới chuyên gia.
Rất nhiều nhà khoa học và giới nghiên cứu đã về đây tìm hiểu, nhưng tới nay, chưa có cách giải thích nào về hiện tượng bí ẩn này được công nhận chính thức.
Một trong những cách lý giải được đưa ra đó là do tác dụng của từ trường.
Có người cho rằng, từ trường của phạm vi dốc mạnh nên hút xe cộ lên một cách dễ dàng.
Nhưng tới nay vẫn chưa có phát hiện về loại vật chất dạng sắt có tác dụng từ trường rõ rệt ở khu vực này.
Bởi vậy, lời giải thích này chưa thuyết phục.
Cách giải thích khác là do sai lệch thị giác của con người.
Do sườn phía tây núi Mạo Sơn có địa hình đông cao tây thấp, còn con dốc thì ngược lại - đông thấp tây cao.
Do vật tham chiếu của thị giác khác nhau đã gây ra cảm giác chênh lệch.
Hiện tượng xe trượt từ chân dốc lên đỉnh dốc khiến mọi người cảm giác đang lên dốc, nhưng thực chất là xuống dốc.
Suốt hàng chục năm qua, con dốc "ma quái" vẫn ở đó và không có gì thay đổi.
Bất chấp mọi lời đồn đoán, đến nay sức hút của nó không bị suy giảm, biến nơi này thành điểm đến để nghiên cứu và tham quan du lịch.
Nguồn: KH