Có những điều tưởng chừng như rất gần gũi với chúng ta nhưng khoa học vẫn mãi chưa thể lý giải được. Hãy cùng Tamlinh.org khám phá về 6 năng lực bí ẩn của cơ thể người mà có thể bạn đã từng trải qua rồi nhưng không nhớ
- Đã bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao mình lại ngủ, lại có những giấc mơ, hay có cảm giác kỳ lạ khó lý giải nào đó chưa?
- Chúng ta thường chấp nhận những điều ấy như một điều hiển nhiên hoặc không để ý đến.
Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn… thì đó chính là những năng lực bí ẩn của cơ thể người - sẽ khiến ta phải kinh ngạc.
Khoa học đã có những bước tiến rất lớn, đưa chúng ta đã đến những vùng xa xôi nhất trong hệ mặt trời, lên đến đỉnh của những ngọn núi cao nhất và thăm dò các đại dương sâu thẳm.
Giờ đây, khoa học đã có thể giải mã trình tự bộ gen người và thậm chí đang cố gắng tạo ra người máy có đầy đủ tư duy và cảm xúc như con người.
Nhưng có những điều tưởng chừng như rất gần gũi với chúng ta nhưng khoa học vẫn mãi chưa thể lý giải được, đó chính là Cơ thể người - hay nói chính xác hơn là con người chúng ta!
1. Bí ẩn về Hiệu ứng giả dược
Con người có thể dùng tinh thần để trị bệnh - điều này từ lâu vẫn là một ẩn đố đối với giới y học, và nổi bật nhất là “Hiệu ứng giả dược”.
Theo đó, những bệnh nhân tin là đã được điều trị bằng một loại thuốc hiệu quả có thể khỏi bệnh, ngay cả khi họ chỉ được cho uống các viên thuốc giả bằng đường.
Niềm tin ấy đã khiến cho não của họ tạo ra những trao đổi chất và phản ứng sinh hóa trong cơ thể để điều trị bệnh.
Điều thú vị là cùng một loại giả dược nhưng ở tình huống khác nhau lại đem lại các tác dụng trái ngược hoàn toàn.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã dùng giả dược và nói với bệnh nhân là họ đang được dùng một chất kích thích. Sau khi dùng thuốc, nhịp tim, huyết áp, và tốc độ phản ứng của bệnh nhân đều tăng lên.
Vẫn với viên thuốc đó nhưng được giới thiệu là thuốc giúp ngủ ngon, thật ngạc nhiên, thuốc lại cho tác động ngược với thử nghiệm trước. Người bệnh cảm thấy dễ đi vào giấc ngủ hơn khi được uống thuốc.
Hiệu ứng giả dược cũng đúng với cả trong phẫu thuật.
Vào năm 2002, các nhà nghiên cứu của Trường Y - Đại học Baylor chia ngẫu nhiên 180 bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối thành 3 nhóm điều trị khác nhau:
Nhóm thứ nhất được phẫu thuật thật sự để cạo lớp sụn bị hỏng ở đầu gối.
Nhóm thứ hai được bơm chất lỏng vào khớp gối và loại bỏ các chất có thể gây viêm.
Ở nhóm thứ ba, các bác sĩ chỉ rạch và phun nước muối vào khớp gối.
Kết quả thật đáng ngạc nhiên! Nhóm dùng giả dược có cải thiện tương đồng với 2 nhóm đã được phẫu thuật thật.
Hiệu ứng này cho thấy sức mạnh tinh thần huyền bí mà khoa học chưa thể giải thích được. Nó khiến nhiều người phải nhìn nhận lại về quan điểm Triết học “ý thức quyết định vật chất” hay “vật chất quyết định ý thức”, hay cần mở lòng để đón nhận quan điểm rằng “chúng thật sự là một thể thống nhất”.
2. Bí ẩn về Giấc ngủ
Mọi người đều cần ngủ. Nếu không, chúng ta dễ trở nên cáu kỉnh và mất tập trung.
Nhưng không ai có thể đưa ra lời giải thích thuyết phục tại sao con người cần phải dành ⅓ cuộc đời của mình cho việc ngủ, và giấc ngủ thực sự có tác dụng gì?
Các nhà nghiên cứu thậm chí còn xem giấc ngủ là một trong những bí ẩn lớn nhất của khoa học.
Giả thuyết được biết đến nhiều nhất là “Ngủ để bảo tồn năng lượng”.
Nhưng sau một đêm dài nằm ngủ, cơ thể chỉ tiết kiệm được khoảng 110 calo, tương đương với năng lượng của một ổ bánh mì thịt. Vậy phải chăng chúng ta có thể ăn thêm một ổ bánh mì mà không cần ngủ mỗi ngày?
Rõ ràng, câu trả lời là không. Điều này cho thấy giấc ngủ còn có ý nghĩa quan trọng khác đối với con người.
Một giả thuyết khác cho rằng ngủ là cách để cơ thể dọn dẹp các rác thải tích tụ trong quá trình chúng ta thức, giúp phục hồi sức khỏe và duy trì chức năng của não.
Theo giả thuyết này, nếu không ngủ trong một thời gian dài, con người có thể chết.
Vậy chúng ta giải thích sao đối với những người như ông Nguyễn Trọng Tuất ở tỉnh Phú Thọ hay ông Thái Ngọc tại tỉnh Quảng Nam đã không ngủ suốt 40 năm qua nhưng vẫn khỏe mạnh và vui vẻ?
Do vậy, điều tưởng chừng như bình thường này đến nay vẫn còn là một thách đố với các nhà khoa học.
3. Bí ẩn về Kinh mạch
Hệ thống mạch Nhâm - Đốc và các đại huyệt, chứa đựng những năng lực bí ẩn của cơ thể chúng ta.
Học thuyết kinh mạch trong cơ thể người là một bí ẩn đối với khoa học, vì nó vốn là những vật chất vô hình, giải phẫu lâm sàng về căn bản không thể tìm thấy tung tích của nó.
Nhưng dù các nhà khoa học tranh cãi thế nào, thì cảm giác và hiệu quả châm cứu đối với bệnh nhân là vô cùng chân thực, là điều không thể phủ nhận suốt hàng ngàn năm qua.
Học thuyết kinh mạch có lịch sử lâu đời, gần 2.000 năm trước, cuốn sách Hoàng Đế Nội Kinh đã ghi lại một cách hệ thống vị trí của các kinh mạch.
Trung Y tin rằng các kinh mạch là những đường dẫn khí của cơ thể.
Điều này không phải là chuyện hoang đường.
Gần đây, các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đã xác nhận sự tồn tại của kinh lạc, và gọi nó là “hệ thống dẫn truyền đặc biệt”.
Các nhà khoa học gần đây đã sáng chế ra một thiết bị có độ nhạy cao và phát hiện ra rằng thành phần trong kênh năng lượng của kinh mạch là các hạt vật chất dưới dạng sóng điện từ và những thông tin di truyền dưới dạng DNA.
Chúng tỏa sáng gấp 2,5 lần so với các photon ánh sáng.
Năm 1950, bác sĩ Yoshio Nakatani đã đo điện trở trên da bệnh nhân và phát hiện được những “đường dẫn kỳ lạ”.
Ông đặt tên cho chúng là “Ryodoraku”, có nghĩa là “đường dẫn điện mạnh”. Đáng kinh ngạc là chúng tương ứng với các đường kinh mạch mà Trung Y nói đến.
Điều đó cho thấy rằng, không phải các đường kinh mạch không tồn tại, mà là khoa học hiện đại chưa phát triển tới mức có thể chứng minh sự tồn tại của chúng. Các nghiên cứu vẫn chỉ dựa trên hiện tượng, nhưng nó còn xa mới có thể tiết lộ những bí ẩn về kinh mạch.
4. Bí ẩn về Trực giác
Chúng ta dùng 5 giác quan nhìn, nghe, nếm, sờ, và ngửi để cảm nhận thế giới xung quanh.
Nhưng còn có một giác quan thứ 6 dường như không tuân theo khoa học duy vật.
Nó được gọi là ‘trực giác’.
Từ ‘trực giác’ có nguồn gốc từ tiếng La-tinh “intueri”, có nghĩa là ‘nhìn vào bên trong’.
Trực giác hay còn gọi là “linh cảm” là khả năng nhận biết và hiểu được mà không cần có sẵn kiến thức về nó, không cần suy luận hay phân tích lô-gíc.
Thực tế là mỗi người chúng ta đều có nó nhưng ở các mức độ nhạy bén khác nhau.
Theo Cuộc điều tra của Tạp chí PRWeek và Burson-Marsteller năm 2006, 62% các tổng giám đốc thường ra các quyết định kinh doanh dựa trên trực giác của mình, thay vì dựa vào việc phân tích dữ kiện.
Sau trận sóng thần năm 2004 ở Châu Á, chính phủ Sri Lanka đã ghi nhận một hiện tượng kỳ lạ: “Biển đẩy lên hàng trăm xác người, nhưng không có xác của bất kỳ con vật nào, dù chỉ là một con mèo”.
Theo nghiên cứu cho thấy, chỉ vài phút trước khi biển dâng lên, các động vật sống trong vùng đã chạy tới những vùng đất cao của hòn đảo.
Cùng lúc đó, những bộ lạc thổ dân trong vùng, có hàng ngàn năm tiếp xúc với môi trường tự nhiên, đã bắt chước theo hành vi của các loài động vật và cũng chạy trốn đến khu đất cao hơn.
Kết quả là hầu như tất cả những thổ dân địa phương đều sống sót thoát khỏi dòng nước hung dữ.
Có lẽ thế mà Lão Tử đã từng nói rằng: “Sức mạnh của việc hiểu biết theo trực giác sẽ bảo vệ chư vị khỏi bị hại cho đến cuối đời”.
Nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein cũng khẳng định: “Thứ duy nhất có giá trị thực sự là trực giác”.
Có thể thấy, những thổ dân địa phương và các loài động vật nhận biết được mối đe dọa sắp xảy ra trước cả các thiết bị ra-đa hiện đại.
Mặc dù tất cả vẫn còn là ẩn đố đối với các nhà khoa học, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy con người cổ đại sống gần thiên nhiên hơn, có đạo đức cao thượng và tín Thần, nên trực giác của họ nhạy bén hơn con người hiện đại vốn ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, khiến trực giác ngày càng thui chột đi.
Do vậy, khả năng để lý giải về trực giác theo con đường khoa học duy vật cũng càng trở nên mờ mịt.
5. Bí ẩn Đau chi ma
Bạn có bao giờ nghe nói một người từng bị mất chân tay, mắt hoặc răng nhưng vẫn còn có cảm giác chạm thấy, nóng, lạnh và đau trên phần cơ thể không còn tồn tại ấy không?
Theo ước tính, có đến 80% bệnh nhân bị cắt cụt chi trên toàn thế giới gặp phải hiện tượng “đau chi ma” kỳ lạ này.
Vậy lý giải hiện tượng này như thế nào?
Năm 1998, các giáo sư tâm lý học của Đại học Vanderbilt cho rằng: “Đau chi ma’’ là do não cố gắng tự tổ chức lại sau tổn thương. Nhưng lý giải này gặp phải bế tắt khi những đứa trẻ không có chi bẩm sinh cũng có những triệu chứng tương tự.
Một giả thuyết được đưa ra gần đây, thu hút nhiều sự chú ý và được xem là có thể lý giải được hiện tượng này.
Đó là có một cơ thể vô hình cấu tạo từ các hạt hạ nguyên tử sắp xếp trong không gian khác cùng tồn tại song song với cơ thể vật lý của chúng ta.
Do vậy, khi một chi bị loại bỏ thì nó vẫn còn nguyên vẹn ở chiều không gian khác.
Năng lượng và các hạt hạ nguyên tử cấu tạo nên chi đó vẫn gắn liền với cá nhân và não của anh ta ở các chiều không gian khác.
Giả thuyết về “cơ thể vô hình” ban đầu nghe có vẻ thần bí, nhưng nó đã được Trung Y vận dụng suốt hàng ngàn năm qua.
Trong khi Tây y quan sát thấy có chỗ viêm hoặc loét trên cơ thể bệnh nhân, thì y học cổ truyền Trung Quốc lại cho rằng có một khối năng lượng (hay còn gọi là khí) bị tắc nghẽn tại vị trí đó trên hệ thống kinh mạch của cơ thể. Tuy không thể nhìn thấy được, nhưng khi kinh mạch được đả khai, cơn đau cũng biến mất.
Những phát hiện về năng lực bí ẩn của cơ thể người này tuy vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng nó đã khởi phát một sự quan tâm đặc biệt đối với bản chất thực sự của cơ thể chúng ta và bí ẩn về một không gian khác mà chúng ta chưa chạm đến được. Một khi những bí ẩn này được làm sáng tỏ, một cuộc cách mạng khoa học mới chắc chắn sẽ xảy ra.
6. Bí ẩn Giấc mơ
Giấc mơ là một đề tài mà mọi người vẫn hay nhắc đến, ai ai cũng từng nằm mơ, nên chúng ta thường cho rằng mơ chỉ đơn giản là một bản năng của con người.
Nhưng giấc mơ bí ẩn hơn chúng ta tưởng.
Theo triết gia thời Hy Lạp cổ đại Plato: “Giấc mơ là sự nối tiếp cuộc sống hàng ngày của con người”.
Ngành tâm lý học hiện đại phương Tây cũng đã đưa ra rất nhiều cách giải thích khác nhau về giấc mơ, như cho rằng: giấc mơ là sự thể hiện những tình cảm bị chôn sâu trong ý thức, hoặc để xử lý những thông tin mà ban ngày đã tiếp xúc, hay để loại bỏ những thông tin vô dụng giúp cho đại não tránh bị hỗn loạn thông tin. Có người lại cho rằng giấc mơ là một loại huyễn tượng không có ý nghĩa gì.
Trong khi đó, người Trung Quốc cổ đại lại có cách nhìn nhận khác, liên quan đến khí trong cơ thể.
Cuốn Hoàng Đế Nội Kinh đã mô tả: “Khi khí ở gan quá thịnh, có thể mơ thấy sự việc gây cáu giận. Khí ở phổi quá thịnh, có thể mơ thấy việc đau lòng mà khóc lóc. Khi các bộ phận phía trên cơ thể có khí quá thịnh thì có thể mơ thấy cảnh tượng bay lượn; còn khi các bộ phận phía dưới cơ thể có khí quá thịnh, có thể mơ thấy cảnh rơi từ trên cao xuống”.
Trên thực tế, có rất nhiều giấc mơ không có quan hệ gì với những trải nghiệm trong cuộc sống và phương thức tư duy của chúng ta, ví dụ như những giấc mơ báo trước tương lai, giấc mơ thấy các vị Thần hay ma quỷ...
Chúng ta không thể tự nguyện nằm mơ hay đoán được mình sắp nằm mơ điều gì. Có nghĩa là chúng ta đều bị động với hầu hết các giấc mơ, vậy phải chăng có nhân tố bên ngoài tham dự vào giấc mơ của chúng ta?
Giới tu luyện cho rằng những sinh mệnh cao tầng đang thông qua giấc mơ để can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của chúng ta và sự phát triển của lịch sử xã hội nhân loại.
Điều ấy lý giải 5 phát minh vĩ đại nhất lịch sử ra đời từ giấc mơ. Thiên tài Albert Einstein, Dmitri Mendeleev - cha đẻ của Bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học, Niels Bohr - phát triển ra mô hình nguyên tử, và nhiều nhà khoa học nổi tiếng khác đều tiết lộ rằng phát minh của họ đến từ những giấc mơ.
Vậy phải chăng mơ không phải là việc ngẫu nhiên, mà nó chứa đựng nhiều điều bí ẩn của sinh mệnh và vũ trụ?
Nguồn: NTDVN