Nghiên cứu về tiềm thức não bộ phải nói là cực kỳ thú vị. Thú vị đến nỗi, không cần gặp mặt, không cần nói chuyện, chỉ cần đọc stt (status, Caption) trên Facebook cũng đã hiểu phần nào về một con người.
Nếu một ngày, facebook sử dụng trí tuệ nhân tạo phân tích câu chữ, thì tất cả chúng ta sẽ phơi bày trần trụi. Tất cả những câu chữ ngày ngày chúng ta thể hiện trên mạng sẽ nói lên chúng ta là người như thế nào.
Cha mẹ sinh con trời sinh tính
Các cụ có câu “trời sinh tính”, là bởi vì tính người không thay đổi được.
Thực ra, tính người không phải trời sinh, mà được hình thành từ trong tiềm thức. Tiềm thức mạnh đến nỗi điều khiển mọi hành vi của ta. Hành vi và tính cách con người được hình thành từ khi còn là bào thai. Bào thai đó đã tiếp nhận mọi hỉ nộ ái ố từ người mẹ và những người xung quanh.
Đến 10 tuổi (áng chừng thôi) thì con người đã hoàn thiện về mặt tính cách. Tiềm thức đã định hình con người đó. Thậm chí, định hình luôn cả tương lai, sự nghiệp. Chúng ta không tin điều đó đâu, nhưng đó là sự thật. Kể cả chúng ta có thành GS, TS, thành chuyên gia não bộ cũng không thể nào thay đổi được. Đơn giản, vì nó mạnh hơn ý thức một cách tuyệt đối.
Cơ chế bảo vệ sẽ làm lộ hết bản chất của chúng ta trước chuyên gia tâm lý
Hạnh phúc hay tổn thương đều góp phần tạo ra sự định hình trong tiềm thức. Nó sinh ra cơ chế bảo vệ cơ thể. Cái cơ chế bảo vệ cơ thể này, sẽ làm lộ hết bản chất của chúng ta trước những chuyên gia tâm lý. Vậy nên:
- Một người hay khoe cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ, sự thưởng lãm toàn diện về vật chất lẫn tinh thần phơi bày cho thiên hạ thấy, có thể là một người đang đau khổ và bất hạnh tột cùng.
- Một ông nghèo kiết xác, đang nợ đầm đìa, có khi đang lừa đảo trốn nợ... cũng chăm chỉ khoe xe đẹp, tiền nhiều, mồm ngập cigar thơm.
- Mấy bà buôn thúng bán mẹt luôn đeo đẫy vàng, mấy doanh nhân trẻ ranh luôn cà vạt xanh đỏ xách theo ca táp bước xuống từ chiếc mer bóng lộn đi thuê.
- Mấy ông giàu xổi mới nổi tích cực khoe cảnh ăn uống nhậu nhẹt chơi bời quên ngày tháng.
- Những kẻ lừa lọc, hại người, ác nhân, luôn miệng nói về nhân quả, đạo đức... bởi vì họ cần phải thể hiện ra như vậy để an ủi tiềm thức luôn làm việc vô đạo đức của mình.
- Kẻ ít chữ, thì hay nói nhiều, viết dài, thích cãi, bởi hắn rất khó khăn và dài dòng trong việc chuyển tải một vấn đề. Và mấy kẻ đó rất hay nhìn vấn đề phiến diện cực đoan, thích nói theo ý mình, theo sự hiểu biết nông cạn của mình.
Những cái thể hiện đẹp đẽ ra bên ngoài, chính là cách tiềm thức đang thực hiện kỹ thuật “xấu che tốt khoe” để bảo vệ bạn sống sót giữa cái xã hội đầy phức tạp này. Đó là “trí khôn” của tiềm thức.
Người Nhật có câu rất hay: Bông lúa mẩy cúi đầu! Kẻ mạnh mẽ, đủ đầy, họ đâu có nhu cầu tự vệ nữa!
Tamlinh.org
Chia sẻ từ nhà báo Phạm Dương Ngọc