24/03/2022 11:37 View: 585

Top 3 lý do khiến thị vệ không bao giờ dám ám sát hoàng đế?

Luôn đem theo vũ khí bên mình, sẽ ra sao nếu những thị vệ có ý định ám sát hoàng đế? Lẽ nào các hoàng đế nhà Thanh chưa từng lo nghĩ về điều này?

Ngự tiền thị vệ (binh lính hoàng gia) là lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cho hoàng đế. Họ phải luôn túc trực bên cạnh hoàng đế ngày cũng như đêm. Quá trình tuyển chọn vị trí này vô cùng khắc nghiệt. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn rằng triều đình thường có quy định vào gặp hoàng đế thì tuyệt đối không được mang vũ khí theo.

Vậy các ngự tiền thị vệ ai cũng kè kè thanh kiếm bên người, nếu một trong số họ có dã tâm ám sát vua thì sẽ thế nào? Thế nhưng, trái với nghi ngờ của hậu thế, người xưa tin rằng, các ngự tiền thị vệ không bao giờ có ý định hành thích vua, vì 3 lý do sau đây.

1. QUÁ TRÌNH TUYỂN CHỌN CỰC KÌ NGHIÊM NGẶT

Những cuộc thi tuyển chọn ngự tiền thị vệ luôn có tính cạnh tranh rất lớn. Không chỉ số lượng cần tuyển rất ít mà yêu cầu dự tuyển cũng vô cùng cao. Đầu tiên, điều kiện tối thiểu để tham gia cuộc thi tuyển chọn thị vệ hoàng cung là: Họ phải là người Mãn và là thành viên của gia tộc có công với triều đình. Bên cạnh đó, người đăng kí dự tuyển cũng phải có tướng mạo đẹp, có đủ tài văn võ.

Ngoài ra, lòng trung thành tuyệt đối với hoàng đế cũng là một trong những yêu cầu hàng đầu của ngự tiền thị vệ. Phần lớn những thị vệ phục vụ trực tiếp bên cạnh hoàng đế đều là những thành viên hoàng gia đã hiểu rất rõ về triều đình. Ví dụ như một vị đại thần thời Khang Hi – Nạp Lan Minh Châu, ông cũng từng đảm đương qua chức ngự tiền thị vệ. Sau này con đường quan lộ không ngừng thăng tiến và cuối cùng trở thành Đại học sĩ.

Có thể nói quá trình làm ngự tiền thị vệ chính là bước đệm vững chắc để Nạp Lan Minh Châu đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được bước tiến này cũng không phải là điều mà ai cũng có thể làm được.

Ngoài tài năng xuất chúng, Nạp Lan Minh Châu còn có một lòng trung thành tuyệt đối với triều đình. Và còn có điều quan trọng khác, đó chính là thân phận của ông. Được biết, cha ông vốn là anh em họ với Hoàng Thái Cực - ông nội của hoàng đế Khang Hi.

Nhiệm vụ chính của những Ngự tiền thị vệ là bảo vệ hoàng đế. (Ảnh: Baidu) 

Do đó, ngoài tướng mạo và tài năng xuất chúng thì xuất thân cũng là yếu tố quan trọng để triều đình xét duyệt một người vào vị trí ngự tiền thị vệ. Thậm chí, yếu tố thân phận của ứng viên còn được đưa lên trước yếu tố tài năng.

Ngự tiền thị vệ vốn là chức vụ làm những công việc bảo vệ an nguy của hoàng đế hàng ngày, thậm chí là tiếp xúc rất gần. Những bậc đế vương không thể không đề phòng. Nếu 1 ứng viên dù có xuất chúng đến nhường nào nhưng xuất thân không rõ ràng thì có thể chắc chắn rằng, người này sẽ bị loại.

2. ĐÃI NGỘ LỚN, VINH QUANG HIỂN HÁCH

Sau khi trải qua cuộc tuyển chọn đầy khắc nghiệt và thành công trở thành ngự tiền thị vệ hầu hạ bên hoàng đế thì họ sẽ được hưởng mức đãi ngộ rất cao.

Theo những ghi chép trong cuốn sử liệu "Giáo Trạch Bi", phần thưởng cho một ngự tiền thị vệ sau khi trúng tuyển là: Hoa Linh (một bộ phận cao quý trên mũ quan thời nhà Thanh, xem thêm về Hoa Linh tại đây), được khoác lên mình bộ trang phục Hoàng Mã Quái (một loại quan phục chuyên dụng cho những thị vệ cấp cao hoặc những đại thần có công lớn).

Không những vậy, trước cửa nhà những ngự tiền thị vệ còn được treo tấm biển do hoàng đế ban tặng với nội dung: Phủ Ngự tiền thị vệ. Có thể nói, đây là niềm tự hào và vinh quang cho cả dòng họ của những người thành công đạt được chức vụ này.

Hoàng Mã Quái là 1 trong những phần thưởng danh giá của ngự tiền thị vệ. (Ảnh: Baidu)

3. SỰ RĂN ĐE CỦA LUẬT PHÁP PHONG KIẾN

Thực tế, trong số những ngự tiền thị vệ của hoàng đế, không phải tất cả đều được phép mang đao kiếm bên mình. Những người tham gia ứng tuyển và thành công trở thành ngự tiền thị vệ đều có phẩm hàm từ cấp bậc 3 đến 6. Những thị vệ được trao đặc quyền mang đao kiếm bên mình nằm ở cấp bậc thứ 4 trở lên.

Từ phẩm hàm cấp 4 trở lên, đại đa số đều là những thành viên hoàng gia thân tín của hoàng đế. Hoàng đế đối với những người này cũng vô cùng hiểu rõ nên mới cấp cho họ quyền được mang đao kiếm bên mình. Do đó, tỉ lệ những ngự tiền thị vệ có lòng muốn ám sát hoàng đế gần như bằng 0.

Cho dù có ai đó trong số họ thật sự nhen nhóm ý định về vấn đề này thì luật pháp của triều đình cũng làm họ phải sợ đến mức lập tức dập tắt ý nghĩ đó.

Luật pháp phong kiến cứng rắn làm cho bất cứ kẻ nào có dã tâm ám sát hoàng đế cũng phải nghĩ lại. (Ảnh: Baidu)

Bởi luật pháp thời phong kiến luôn lấy hoàng đế làm trung tâm, chỉ cần ảnh hưởng đến lợi ích của hoàng đế là đã phạm trọng tội. Nếu ám sát vua, người đó sẽ bị nhận hình phạt tru di cửu tộc (tức giết từ cao tổ đến huyền tôn). Sai lầm của một người nhưng cả gia tộc sẽ phải gánh chung.

Một người có được chức ngự tiền thị vệ đồng nghĩa với nhận được tiền tài và danh vọng nhất định do triều đình ban cho. Với cuộc sống giàu có lại hiển hách như vậy, vì cớ gì mà những ngự tiền thị vệ cần phải nung nấu ý định ám sát hoàng đế? Ám sát hoàng đế há chẳng phải là tự hủy hoại đi cuộc sống hoàn hảo của chính bản thân họ hay sao?

Nguồn: DV