23/03/2022 13:23 View: 579

Tộc người không đầu Blemmyes: Sinh vật bí ẩn thời cổ đại

Thời cổ đại, rất nhiều chủng tộc kỳ dị đã được đồn đại, sống ở những vùng xa xôi trên khắp thế giới. Ngày nay, rất ít người tin vào sự tồn tại của những sinh vật ấy. Tuy nhiên, không tin, không thấy không có nghĩa rằng điều đó không tồn tại.

Bức bích họa mô tả 2 người của tộc Blemmyes trong nhà thờ Dalbyneder, Đan Mạch. (Ảnh: Ancient Origins)

Chủng tộc không đầu Blemmyes

Blemmyes bắt nguồn từ một bộ tộc sinh sống ở Nubia, là một vùng dọc theo sông Nile, nằm ở bắc Sudan và nam Ai Cập. Tên gọi Nubia có nguồn gốc từ người Noba, những người du mục đã định cư khu vực này vào thế kỷ thứ 4, sau sự sụp đổ của Meroe – Kinh đô của Vương quốc Kush (trong những tác phẩm địa lý Hy Lạp thời kỳ đầu, vương quốc Meroe được biết đến với tên gọi Ethiopia).

Các Blemmyes lần đầu tiên được mô tả vào 2.500 năm trước bởi sử gia Hy Lạp Herodotus, nơi ông gọi họ là akephaloi ( tiếng Hy Lạp : ἀκέφαλοι – không có đầu). Theo Herodotus, những sinh vật này sống ở phía tây của Libya, được cho là “rất đồi núi và rừng rậm, và có động vật hoang dã”. Blemmyes được cho là có hai loại: với mắt trên ngực hoặc với đôi mắt trên vai. Ngoài những sinh vật không đầu, phần này của thế giới được cho là ngôi nhà của những sinh vật kỳ lạ như những con rắn khổng lồ, những con lừa có sừng và những sinh vật có đầu chó, tất cả đều mô tả trong những chuyện ngụ ngôn.

Ảnh mô tả các sinh vật kỳ lạ năm 1544 của họa sĩ Sebastian Münster. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Cái tên Blemmyes có thể được tìm thấy trong The Geography of Strabo. Nhà địa lý học Hy Lạp thế kỷ thứ nhất này mô tả Blemmyes không phải là quái vật, mà là một bộ tộc sinh sống ở phần dưới của Nubia, dọc theo sông Nile hướng tới Biển Đỏ. Nhà văn La Mã Pliny the Elder khẳng định những người không đầu trên là có thật trên thế giới. Theo Pliny, những người đặc biệt này là một bộ tộc du mục, từng sống ở Ethiopia.

Câu chuyện về tộc Blemmyes tồn tại vào thời Trung Cổ xuất hiện trong The Travels of Sir John Mandeville  vào thế kỷ 14. Mặc dù họ không được gọi là Blemmyes nhưng thông qua mô tả của Mandeville về những sinh vật này thì chúng ta có thể biết ông đang nói tới tộc Blemmyes: “người có tầm vóc thô tục và loại đáng nguyền rủa không có đầu. Và đôi mắt của chúng nằm trong vai của chúng”. Tuy nhiên, Mandeville không nói họ ở Châu Phi, thay vào đó, trên một hòn đảo ở Châu Á.

Bức tranh minh họa những người Blemmyes và những tộc người kỳ lạ khác vào thế kỷ 13. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Thế kỷ 16 – 17, nhà thám hiểm người Anh Walter Raleigh, cũng thuật lại những sinh vật giống như Blemmyes. Raleigh báo cáo rằng các sinh vật “được gọi là Iwaipanoma; họ được báo cáo là có đôi mắt nằm trong vai của họ, và miệng thì ở giữa ngực”. Không giống như Herodotus, hay Pliny, hay Mandeville, Raleigh tuyên bố rằng những sinh vật không đầu này sống ở Guyane thuộc Pháp, ở Nam Mỹ. Mặc dù Raleigh không thấy Iwaipanoma, nhưng ông tin rằng họ là thật, dựa trên những tường thuật mà ông cho là đáng tin cậy.

Bản đồ khắc họa vị trí chủng tộc không đầu Iwaipanoma. (Ảnh: Wikipedia)

Trong The Romance of Alexander, một trong số rất nhiều bộ sưu tập các truyền thuyết liên quan đến Alexander Đại đế, đã mô tả việc Alexander bắt gặp những người không đầu màu vàng cao 6 feet và có râu đến đầu gối. Trong phiên bản tiếng Pháp, Alexander bắt 30 người không đầu để mọi người biết về phần còn lại của thế giới, một yếu tố thiếu trong bản gốc tiếng Latin.

Alexander Đại Đế gặp những người không đầu màu vàng. (Ảnh: Wikipedia)

Nhà văn, nhà soạn kịch thiên tài William Shakespeare cũng ám chỉ đến những huyền thoại xung quanh Blemmyes như những sinh vật không đầu trong các vở kịch của mình là The Merry Wives of Windsor (1602), Othello (1605) và The Tempest (1611).

Tác giả khoa học viễn tưởng Bruce Sterling đã viết một truyện ngắn mang tên “The Blemmye’s Stratagem”, bao gồm trong bộ sưu tập “Visionary in Residence”. Câu chuyện mô tả một Blemmyes trong cuộc Thập tự chinh, là một người ngoài hành tinh. Sterling sau đó nói rằng ý tưởng cho câu chuyện của anh được lấy từ câu chuyện của trẻ em bởi Waleed Ali (là một cầu thủ bóng đá người Kuwait, một quốc gia tại Tây Á).

Blemmyes được khắc họa tại nhà thờ Cattedrale di San Giorgio (trái) và nhà thờ Ripon.

“Hình Thiên” trong Sơn Hải Kinh

Tộc người không đầu cũng được nhắc đến trong kỳ thư thời cổ đại Sơn Hải Kinh của Trung Quốc với tên gọi là Hình Thiên.

Theo thần thoại Trung Quốc thì Hình Thiên là một hung thần tranh ngôi vị với Hoàng Đế, bị bắt chém đầu rồi mà vẫn không chết, có thể  “dùng hai vú làm mắt, dùng rốn làm miệng, cầm mộc mà múa”.

Hình Thiên. (Tranh minh họa qua Facebook)

Theo cuốn Tử bất ngữ  được viết vào đời nhà Thanh, có người tên là Khiêm Quang kể lại rằng: “Từng dạt vào một đảo lạ, có trên ngàn người, đều béo lùn không có đầu, lấy hai vú làm mắt, chớp chớp động đậy. Lấy rốn làm miệng, đưa thức ăn tới gần thì húp vào mà nhai, tiếng nói lí nhí không nghe rõ…”

Nhiều người cho rằng ấy là tộc người Hình Thiên, rất có thể là hậu duệ của hung thần Hình Thiên năm xưa.

Trải qua hàng nghìn năm, câu chuyện về dị tộc không đầu vẫn luôn được nhắc tới và lưu truyền trong đời sống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của chúng ta. Tuy nhiên, ngày nay họ đã trở nên hư cấu như một chủng tộc được cho là những con quái vật có đầu và mắt trên ngực.

Nguồn: TH