04/06/2021 11:35 View: 1974

Clip: Sự thật kinh hoàng bên trong trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt

 ‘Đùa với bố mày đấy à? Trong túi xách bao giờ cũng có dao đấy nhé’. Giáo viên N.T.T.D. (SN 1992) tại Tâm Việt vừa ném bóng liên tiếp, vừa hét lên vào mặt một học sinh nữ là trẻ tự kỷ khi em không chịu tập. 

 

Tháng 6/2019, trên một diễn đàn kín dành cho phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ, xuất hiện những thông tin phản ánh việc dạy học tại một trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở tầng 3 khu KTX trường Đại học TDTT Bắc Ninh (TX Từ Sơn, Bắc Ninh) mang tên Tâm Việt.

Hàng loạt phụ huynh chia sẻ trung tâm quảng cáo với những lời hết sức hấp dẫn: ‘Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia’; ‘Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì’… nhưng sự thật lại trái ngược với mong đợi.

trung tam tam viet, tre tu ky

Trước những lời quảng cáo rầm rộ của trung tâm, nhóm phóng viên VietNamNet đã mất nhiều tháng trời tìm cách thâm nhập, trong vai trò là giáo viên tìm hiểu hoạt động của trung tâm.

Trẻ tự kỷ được luyện xiếc với lời hứa trở thành các kỷ lục gia

Theo người quản lý của Tâm Việt, trung tâm này có khoảng 45 học sinh nhưng không phải tất cả các em đều mắc hội chứng tự kỷ. Có người tuổi ngoài 30, được trung tâm giới thiệu ‘mắc bệnh trầm cảm vì vợ ngoại tình’ cũng được đưa vào đây học chung với những trẻ tự kỷ, để ‘huấn luyện’ thành kỷ lục gia.

Tháng 7/2019, có mặt tại trung tâm với vai trò giáo viên tập sự, chúng tôi được chứng kiến nhiều phụ huynh đưa con đến đây gửi gắm.

Khi có phụ huynh, đại diện trung tâm đưa một số em khá nhanh nhẹn, tỉnh táo hơn so với các em còn lại ra biểu diễn.
Trên hành lang, các em được yêu cầu diễn xiếc với các bộ môn tung bóng, đi xe đạp 1 bánh… như một cách để quảng cáo cho trung tâm.

Phụ huynh đưa con đến đây từ các tỉnh khắp cả nước, xa nhất là TP.HCM, họ biết đến trung tâm đa phần từ các kênh truyền thông.

Trong những ngày làm giáo viên tập sự tại trung tâm, chúng tôi thấy trẻ nhận vào trung tâm không trải qua bất kỳ một bài test kiểm tra mức độ nặng, nhẹ của bệnh. Khi hỏi một số phụ huynh đưa con đến học, họ cũng cho biết con họ được nhận vào trung tâm không có kiểm tra đầu vào, đánh giá mức độ tự kỷ. Thậm chí, giáo viên ở đây thừa nhận trẻ tự kỷ, trẻ bị tâm thần, đến người lớn bị trầm cảm… đều được đào tạo chung.

Tất cả đều theo một phương pháp là: luyện xiếc với 4 kỹ năng.

Theo đó, các học sinh được chia vào 4 phòng đào tạo các môn: đội  chai nước lên đầu; tung 3 -5 quả bóng; đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh…

Sau khi thành thục các động tác trên, học sinh sẽ chuyển sang học môn phối hợp đồng thời đội chai nước, đi xe đạp, tung bóng hoặc đồng thời đội chai nước, đứng trên con lăn, tung bóng.

Dụng cụ dạy học ở đây rất thô sơ, là các chai nước, bóng tennis, con lăn được làm bằng sắt, những tấm gỗ cũ… Mặc dù các môn học khá mạo hiểm, dễ khiến trẻ mất thằng bằng, ngã nhưng trong quá trình luyện tập các em không có đồ bảo hộ (mũ bảo hiểm hay bất kỳ đồ bảo hộ tay, chân nào khác).

tam viet dang so, day tre tu ky

Quá trình thâm nhập trung tâm với vai trò giáo viên tập sự, chúng tôi được yêu cầu học cùng các em.

Chương trình giáo dục tại Tâm Việt dành cho trẻ tự kỷ bắt đầu từ 6h sáng. Các em được dạy môn đi xe đạp 1 bánh. Sau đó suốt thời gian còn lại của buổi sáng và buổi chiều, các học sinh được đưa vào 4 phòng học để học tung bóng, đội chai nước.

 4 phòng học này được ngăn cách với hành lang bằng 1 cánh cổng sắt kiên cố. Đây cũng là phòng ngủ, sinh hoạt của các học sinh. Các học sinh luyện tập tại phòng, ăn uống tập thể tại hành lang lớp.

Trong phòng, có những tấm phản được dựng tại góc. Buổi trưa, tối các tấm phản này được dựng xuống để làm chỗ cho học sinh ngủ.

Phòng đầu tiên là phòng đội chai nước do một giáo viên nữ tên H. (SN 1995) đứng lớp. Tràn ngập phòng là mùi khai, hôi do các học sinh đi vệ sinh không được lau dọn kỹ càng.

Trong lớp có khoảng 7, 8 học sinh thay nhau tìm cách giữ nguyên một chai nước khoảng 350ml trên đầu và di chuyển.

Khi chúng tôi hỏi lý do tại sao học sinh tập các bài này và có tác dụng  gì, H. không nắm được, nói: ‘Chỉ có ông (Phan Quốc V., CEO Tâm Việt Group) mới nắm được’.

Trẻ tự kỷ bị giáo viên chỉ thẳng mặt, dọa có dao trong cặp

Điều đáng nói là học sinh đủ các lứa tuổi (bé nhất 6 tuổi) đến ngoài 20 tuổi đều học chung. Có những em đang lứa tuổi phát triển dậy thì, có hành vi thường xuyên nghịch ‘vùng nhạy cảm’ ngay trong lớp học. Tuy nhiên, các thầy cô ở đây cũng lúng túng trong cách xử lý.
Trong quá trình dạy, dù có các giáo viên mới, nhưng các giáo viên của Tâm Việt vẫn thẳng tay đánh hoặc nhục mạ khi học sinh không chịu tập luyện.

Tại phòng tập ném bóng, khi một học sinh nữ là trẻ tự kỷ không chịu tập, N.T.T.D. (SN 1992) - giáo viên Tâm Việt, ném bóng liên tiếp, chỉ tay vào mặt em và hét lên: ‘Đùa với bố mày đấy à? Trong túi xách bao giờ cũng có dao đấy nhé’.
Trong giờ ăn, khi một em học sinh không nghe lời, người nấu bếp dùng đũa đánh liên tiếp vào em khiến học sinh này khóc trong hoảng loạn.

Giáo viên ở đây cũng thừa nhận, đào tạo trẻ lớn huấn luyện trẻ bé hơn. Có những em học sinh hướng dẫn các bạn khác, sẵn sàng đánh, tát vào mặt nếu em bé đó không chịu tập luyện.

Trung tâm này cũng để cho các học sinh nhanh nhẹn hơn tự vệ sinh cá nhân cho những em khác nên rất qua loa và bẩn. Nhà vệ sinh nồng nặc mùi khai.

Theo lời của nữ giáo viên tên H. tại trung tâm, một số học sinh nhanh nhẹn hơn được chăm chút luyện tập hơn. Các thầy cô ở đây thường xuyên quay video gửi về cho bố mẹ xem. Trong khi đó, một số em khác nằm vạ vật giữa nhà. Thậm chí, có học sinh chỉ mặc quần đùi, chân tay tróc lở, ngồi thu lu trong góc phòng.

tre tu ky, trung tam tam viet

Việc luyện tập không hợp lý, môi trường ăn ở không đảm bảo đã khiến một số học sinh, phụ huynh phải ‘tháo chạy’ giữa chừng. Những người chứng kiến đã nói gì về trung tâm? 

ĐỌC TIẾP PHẦN 2: THÁO CHẠY

Chia sẻ của một bà mẹ có con tự kỷ khi theo dõi phóng sự này: 

Là một người mẹ có con tự kỷ, cảm giác của tôi sau khi đọc bài báo này sáng nay là vừa đau xót vừa hả hê.

Đau xót thì rõ rồi. Đứa trẻ nào dù bình thường hay mắc bệnh, cũng đều là những tài sản vô cùng quý giá của cha mẹ, nữa là 1 đứa trẻ tự kỷ thậm chí không biết nói, thậm chí không biết tự vệ sinh cá nhân, rối loạn hành vi, giao tiếp... nhưng bị nhốt chung tất cả vào một ngôi nhà bẩn thỉu, hôi hám, nam nữ lẫn lộn, 6 tuổi lẫn với 30 - 40 tuổi rồi hàng ngày không được dạy dỗ hiểu biết mà chỉ bị đánh đập để làm sao làm được xiếc.

Đau xót vì tại sao vẫn có hàng trăm bậc cha mẹ bị truyền thông dắt mũi, tin vào một trung tâm gắn mác can thiệp tự kỷ nhưng không hề hiểu trẻ tự kỷ cần gì. Đúng là họ không có lỗi, vì họ thiếu tỉnh táo, thiếu hiểu biết, tin rằng những gì truyền hình quốc gia hay một tờ báo ca ngợi chắc hẳn là đúng. Nhưng XIN NHỚ: KHÓ KHĂN CỐT LÕI CỦA TRẺ TỰ KỶ CHÍNH LÀ KHẢ NĂNG GIAO TIẾP VÀ HÒA NHẬP VỚI XÃ HỘI.

Vậy các cha mẹ có con gửi gắm Tâm Việt ơi, học làm xiếc thì giúp gì cho con về giao tiếp? Kể cả con có trở thành kỷ lục gia làm xiếc như thanh niên tự kỷ K.N mà trung tâm Tâm Việt vẫn đem ra làm "con rối" trước truyền thông, thì con quý vị có tự phục vụ bản thân hàng ngày không, có tự kiếm được 1 công việc nuôi thân không, có thể tự giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp không?

Và tôi hả hê, vì cuối cùng cũng có 1 bài báo đúng nghĩa phản ánh những sự thật trần trụi xảy ra nơi đây. Từ khi là sinh viên đến khi mở doanh nghiệp, tôi đã dị ứng với trung tâm Tâm Việt. Chỉ với 2 trò tiểu xảo duy nhất là "đội chai thủy tinh đi thăng bằng" và "bước trên thủy tinh" mà ông Việt nghĩ ra với mục đích đặt ra thử thách cho 1 người nào đó để họ "vượt qua giới hạn của bản thân", cùng vài bài giảng mà ở góc nhìn của tôi là dùng ngôn từ hoa mỹ choang choác nhưng nội hàm không có gì đặc sắc, cỡ 20 năm nay ông kiếm tiền trên sự nhẹ dạ của sinh viên bằng hàng nghìn hội thảo hàng nghìn người, nói, cười, vỗ tay, gào thét xôm không thua gì hội thảo bán hàng đa cấp.

tam viet

Ông Việt được tung hô là Phù thủy ngôn từ và những triết lý đổi đời (ảnh: tamviet.edu.vn)

Đến khi tôi mở doanh nghiệp riêng được 4,5 năm, vô tình tham dự 1 CLB doanh nhân mà ông Việt tự đến và xin làm phó chủ tịch rồi tự tổ chức buổi "huấn luyện kỹ năng mềm" cho các CEO, cũng diễn lại 2 trò tiểu xảo ở trên, thêm món "yoga cười" rất vô duyên, khiến tôi nhanh chóng lủi về sau 20' bắt đầu, bởi nó làm tôi nghĩ đến gánh xiếc hơn là 1 CLB CEO đúng nghĩa. Ông luôn xuất hiện với bộ mặt đỏ gay, người có khi phảng phất có khi nồng nặc mùi bia rượu, và chém những câu đao to búa lớn nhưng không mấy khi trúng vào vấn đề được hỏi. Cách đây vài tháng, có 1 cháu bé học ở cơ sở Bắc Ninh tử vong, nhưng gia đình cháu không chịu lên tiếng nên câu chuyện cũng chỉ râm ran trong các nhóm kín của cha mẹ có con tự kỷ rồi cũng chìm.

Và khi đã là 1 người mẹ nuôi con tự kỷ, tôi thấy buồn khi ông Việt cũng nhảy sang "kinh doanh thêm" lĩnh vực can thiệp tự kỷ vốn đòi hỏi rất nhiều chuyên môn sâu, kết hợp nhiều lĩnh vực, trong khi ông là tiến sĩ... Toán. Nhờ vào truyền thông và dòng slogan "đào tạo kỷ lục gia" mà rất nhiều cha mẹ, đặc biệt cha mẹ có con tự kỷ nặng, đã tìm đến với ông ta, thường sau khi đã thử rất nhiều cách và đã quá mỏi mệt, họ trông chờ vào 1 phép màu nào đó có thể giúp con họ tiến bộ hơn. Đúng, "tâm vận động" cũng là 1 trong số cách phương pháp can thiệp tự kỷ, nhưng nó không giải quyết vấn đề cốt lõi ở trẻ tự kỷ đó là "GIAO TIẾP" mà chỉ giúp đứa trẻ tốt lên ở 1 mặt vận động nào đó. Và để dạy được trẻ tự kỷ cũng cần những giáo viên có chuyên môn, đặc biệt kiên nhẫn và nhiều tình yêu thương chứ không phải đòn roi hay chửi mắng.

Chúng vốn đã chịu đủ thiệt thòi rồi. Còn cha mẹ chúng thì cả tuần, thậm chí cả tháng mới được đến đón con một lần, và khi đón cũng không thể bước qua cánh cửa để biết thực sự con họ đã bị đối xử, dạy dỗ như thế nào. Tôi cám ơn bạn phóng viên đã phải giả danh một giáo viên tập sự tại Tâm Việt trong nhiều tháng trời để quay, chụp, ghi lại được những hình ảnh đau lòng này. Dù đau lòng nhưng tôi tin nếu tuyến bài được đi tiếp mà không bị "ai đó" can thiệp, thì sẽ cảnh tỉnh được rất nhiều cha mẹ khác!

Tôi không đại diện cho 1 tổ chức nào. Tôi cũng chẳng có tư thù cá nhân hay cạnh tranh kinh tế gì với ông Việt. Tôi chỉ phẫn nộ bằng trái tim của một người mẹ mà thôi. - Bạch Thuỳ Linh

Xem thêm:

Giám đốc Tâm Việt phủ nhận trẻ tự kỷ "trai lẫn gái ở chung phòng"

Nguồn: Báo Việt Nam Net