23/03/2022 12:10 View: 953

Trên đỉnh núi ở tỉnh Cát Lâm, từng có một con rồng ngày đêm bảo vệ bách tính

Lãnh thổ Trung Hoa vô cùng rộng lớn, rất nhiều vùng đất mà con người chưa từng đến, và có rất nhiều truyền thuyết cũng chưa bao giờ được nghe. Dưới đây là truyền thuyết về 3 vùng đất thiêng tại tỉnh Cát Lâm.

(Ảnh minh họa )

Truyền thuyết Trường Xuân

Vào thời cổ đại, phương tiện để con người chống chọi lại với thiên nhiên tương đối nguyên thủy và yếu ớt, hàng năm phía Đông Bắc chịu ảnh hưởng rất lớn bởi luồng không khí lạnh từ Siberia.

Một năm nọ, luồng không khí lạnh từ Siberia lại tràn xuống phía Nam, và luồng không khí lạnh lần này vô cùng khắc nghiệt, nhiều người già và trẻ em trong ngôi làng nhỏ bên bờ sông Y Thông vì đói rét bệnh tật mà rời bỏ nhân gian.

Những thôn dân còn lại chỉ biết khẩn cầu ông trời, hi vọng các vị thần tiên trên trời có thể nhìn thấy được sự đau khổ của nhân gian, để mỗi năm không gây ra cái lạnh hà khắc như vậy nữa, và cũng không cướp tính mạng nhiều người thân của họ mỗi ngày.

Sự chân thành của họ cuối cùng cũng đã khiến một vị tiên nữ lương thiện trên trời cảm động, nàng bay xuống nhân gian, tặng cho thôn dân hai nắm hạt giống, đồng thời bảo bọn họ:

“Các vị trồng những hạt giống này xuống, đợi đến khi chúng lớn lên, thì các vị không còn phải sợ cái lạnh nữa, cuộc sống của các vị cũng sẽ ngập tràn niềm vui”.

Thôn dân cẩn thận nhận lấy hạt giống, và gieo chúng bên bờ sông Y Thông. Vào mùa xuân năm sau, những hạt giống chứa đầy mồ hôi nước mắt và hy vọng của thôn dân cuối cùng cũng nảy mầm.

Không lâu sau, nắm hạt giống đầu tiên nở ra những đóa hoa đẹp đẽ – cây hoa hồng, thôn dân vô cùng thích thú, đặt tên là hoa Trường Xuân, hi vọng mùa xuân mãi mãi ở bên họ.

Truyền thuyết núi Ô Long

Tại phía Tây Nam thành phố Liêu Nguyên và vùng giáp ranh quận Tây Phong tỉnh Liêu Ninh, có một ngọn núi lớn kéo dài mười mấy dặm. Trên núi có một thung lũng chỉ mọc những cây bụi chứ không có cây to.

Nghe người già nói, nơi đây trước kia vốn là một cái đầm sâu và rộng, có một con Ô Long dài mấy trượng sống ở đó, mắt nó như đèn lồng, vảy và móng nhuộm một màu đen bóng loáng.

Ô Long thường xuyên bay qua bay lại xung quanh ngọn núi lớn, để kiểm tra tình hình dân chúng, tạo phúc cho bách tính. Hạn hán, nó sẽ khuấy động nước trong đầm chảy tràn xuống núi, tưới tiêu cho ruộng đồng; lũ lụt, nó sẽ há to miệng để hút nước, ngăn chặn lũ cuốn bất ngờ, không để lũ phá hủy mùa màng. Mùa hè khí hậu dễ thay đổi, nó sẽ tạo ra những tiếng “tu tu” chói tai, để dự báo cho mọi người về những cơn bão sắp tới. Bách tính trong vùng được Ô Long ban phước, đều ngưỡng mộ và sùng bái nó, họ liền gọi ngọn núi lớn này là núi Ô Long.

Không rõ là tháng nào năm nào, Ô Long nhận ý chỉ của Thiên đế, phải đến Hắc Long Giang. Lúc Ô Long rời đi, người dân đã thắp hương cúi đầu lạy tạ, và xây một ngôi miếu Ô Long ở trên núi, để mãi mãi tưởng nhớ công đức của nó.

Sau khi Ô Long đi, nước đầm trên núi dần dần cạn kiệt, một con rồng đá ẩn mình nhiều năm dưới đáy đầm, vốn dĩ bị Ô Long hàng phục, giờ bắt đầu dần tỉnh lại.

Đây là một con “Hán Long”, vô cùng xấu xí, sau khi nó tỉnh lại liền uống một lượng nước lớn. Lúc hạn hán, nước nguồn sớm đã bị uống cạn, dưới núi không có một giọt nước nào, mùa màng khô héo.

Hán long thường xuyên gây lũ lụt, hạn hán cho nhân dân. (Ảnh minh họa qua Wallpaperset) 

Lúc lũ lụt, nó lại há miệng phun nước tích ở trong bụng ra, hòa thành sóng lớn cùng cơn lũ, phá hoại ruộng đồng. Không chỉ có thế, nó còn nối giáo cho giặc, giúp cho tên nhà giàu Kim nhị gia ở dưới núi ức hiếp người dân.

Lúc đó, có một hậu duệ của người thợ đá sống dưới núi, sức lực dồi dào, tay nghề rất giỏi, anh ta cả năm đều ở trên núi làm việc. Anh ta nghe người già kể lại: Năm đó khi Ô Long sắp đi, từng nói với những người nghèo rằng, nếu như gặp phải tai họa, có thể đi tìm Ô Long.

Bây giờ thôn dân đang gặp khó khăn, người thợ đá trẻ tuổi cũng không chịu đựng được nữa, liền trốn khỏi tai mắt của Kim nhị gia và con rồng đá từ biệt thôn dân, đến Hắc Long Giang tìm Ô Long.

Anh ta trèo núi lội sông, băng qua núi cao hiểm trở, ngày đi đêm nghỉ, trải qua muôn vàn hiểm nguy, không biết là đi mất bao nhiêu ngày, cuối cùng anh ta cũng đến bên bờ Hắc Long Giang, tìm được Ô Long. Anh ta lần lượt kể lại tình hình thê thảm ở quê hương cho Ô Long nghe.

Ô Long vui vì gặp lại người thân ở quê hương, nhưng lại đau lòng vì người dân ở quê không may gặp phải sự thống khổ. Nếu như Ô Long không phải giữ trọng trách trấn thủ Hắc Long Giang, thì nó nhất định sẽ quay trở về diệt họa cho dân.

Không còn cách nào khác, cuối cùng nó đành đề nghị người thợ đá trở về lập tức tìm đá, đẽo ra bảy bảy bốn chín chiếc cối xay, 49 chiếc trục lăn lúa. Như vậy có thể phá giải tà khí của con rồng đá, nó sẽ không dữ dằn nữa.

Người thợ đá nhớ lời dặn của Ô Long, trở về quê hương, mang theo dụng cụ lên núi Ô Long. Từ đó, anh ta bắt đầu phá núi đục đá, mài cối xay đẽo trục lăn lúa. Hè qua đông tới, không ngại khổ cực, làm việc liên tục không ngừng nghỉ, thoắt cái đã tròn một năm.

Cứ như vậy, cối xay và trục lăn lúa cuối cùng cũng được đục xong, người dân xung quanh núi Ô Long đều dùng dụng cụ bằng đá mà người thợ đá làm ra.

Về sau, nơi đây năm nào cũng mưa thuận gió hòa, ngũ cốc dồi dào, nhân dân lại sống những ngày hạnh phúc, mọi người đều ca tụng công lao của người thợ đá.

Truyền thuyết Ngân Long (rồng bạc)

Truyền thuyết kể rằng vào thời xa xưa, có một năm vào mùa hè, ở hạ lưu sông Liêu Hà (Liêu Ninh), trên mặt hồ Chuyển Tâm, có một con Ngân Long đang hô mưa gọi gió, không biết vì lý do gì, đột nhiên bị rơi từ trên trời xuống, rơi xuống cạnh hồ Chuyển Tâm.

Ngân Long đang hô mưa gọi gió, bỗng nhiên bị rớt xuống. (Ảnh qua Vancouver Courier)

Lúc này, mây đen tản ra, trời quang đãng trở lại, giống như lúc buổi trưa, Ngân Long nằm phơi mình dưới ánh mặt trời, không có sức để bay lên. Dân chúng địa phương đổ ùa ra xem, chỉ thấy Ngân Long há mồm thở hổn hển, cặp mắt giàn giụa nước, trên vẩy có một chút máu tươi, những người dân lương thiện không dám nhìn.

Lúc này, có một vị trưởng giả nói với mọi người:

“Bà con! Chúng ta là truyền nhân của rồng, không thể trừng mắt nhìn con Ngân Long này chịu tội được, nó vì muốn hô mưa gọi gió cho chúng ta mà bị thương! Mọi người mau về nhà lấy chậu đất và thùng đựng nước, mang về đây tưới nước lên người nó!”.

Thế là mọi người lũ lượt về nhà lấy chậu đất, lọ sành, thùng gỗ đựng nước, dội nước tứ phía lên người Ngân Long, nam nữ già trẻ trai gái của mấy thôn xung quanh cũng đến, dùng đủ loại dụng cụ để múc nước dội lên thân rồng, dội nước ba ngày ba đêm, con Ngân Long mới tỉnh lại, dần dần khôi phục thể lực.

Mọi người cũng đổ đầy nước ở đây nối thông với hồ Chuyển Tâm, nó thích thú vùng vẫy ở trong hồ một lúc, sau đó ngoi lên khỏi mặt nước, khom mình cúi chào mọi người ở đó ba lần để cảm tạ ân cứu mạng, sau đó lao mình vào trong hồ Chuyển Tâm.

Thì ra, con Ngân Long này là Tam công chúa của Bột Hải Long Vương, khi hô mưa gọi gió trên trời, tia chớp của Lôi Công đã làm vẩy của nó bị thương, lại không cẩn thận nên bị rơi xuống mặt đất.

May mắn là bách tính địa phương đã cứu sống.

Ngân Long sống ở trong hồ Chuyển Tâm đã lâu, rất nhớ cha mẹ, thường từ trong hồ sâu ngoi lên khỏi mặt nước, nhìn khắc khoải về phía biển Bột Hải. Nhưng vì hồ Chuyển Tâm cách xa biển Bột Hải, nên không thể trở về bên cạnh cha mẹ được.

Ngân Long bỗng nhiên nhớ ra, cha mẹ từng đưa cho mình một viên bảo châu, đồng thời dặn dò sau này nếu gặp khó khăn, chỉ cần giơ viên bảo châu lên nói ra yêu cầu của mình, viên bảo châu sẽ trợ giúp.  

Ngân Long đang buồn bã lập tức vui vẻ trở lại, thế là nó há miệng nhổ viên bảo châu ra, hai chân nâng viên bảo châu lên khẩn cầu với trời: “Bảo châu ơi bảo châu, ngươi vốn là báu vật của Long cung, hôm nay xin nhờ vào thần lực của ngươi, hãy nối liền hồ Chuyển Tâm với biển Bột Hải!”.

Nói xong, trong nháy mắt liền thấy trên mặt đất xuất hiện một đường rãnh vừa rộng vừa dài, tạo thành một địa đạo rất sâu chạy từ hồ Chuyển Tâm về phía biển Bột Hải.

Chỉ nghe thấy tiếng nước hồ Chuyển Tâm cuồn cuộn, từ gần vọng ra xa, một lúc sau đường rãnh đầy ăm ắp nước, hình thành nên một con sông, quanh co uốn lượn không ngừng đổ về biển Bột Hải! Ngân Long thấy cảnh tượng trước mắt, rất đỗi vui mừng, liền thu lại viên bảo châu, đắm mình vào trong nước, bơi về phía biển Bột Hải.

Con sông này chính là sông Đông Liêu chảy qua phía Nam thành phố Liêu Nguyên, dòng sông cung cấp nước tưới tiêu cho toàn bộ khu vực, bờ sông với những dãy núi nhấp nhô, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thực vật tươi tốt, động vật hoang dã ở khắp mọi nơi, tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú. Dân cư bao đời đã lao động, sinh sôi và phát triển trên mảnh đất trù phú này.

Nguồn: TH - Theo Curiosmos