24/03/2022 11:49 View: 969

Khối đá sát sinh Sesshoseki tách đôi, hồ ly 9 đuôi tái xuất?

Theo như truyền thuyết tảng đá này tách ra sẽ phá vỡ phong ấn, con cáo chín đuôi sẽ xuất hiện trở lại, bám lên thân người.

Theo như truyền thuyết tảng đá này tách ra sẽ phá vỡ phong ấn, con cáo chín đuôi sẽ xuất hiện trở lại, bám lên thân người. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Ngày 5/3 vừa qua, một cư dân mạng của Nhật Bản đăng tin trên mạng xã hội cho biết, anh một mình tới các danh lam thắng cảnh ở tỉnh Tochigi, đảo Honshu, chiêm ngưỡng di tích Sesshoseki (tảng đá sát sinh). Tuy nhiên, anh phát hiện ra tảng đá được cột bằng dây Shimenawa đã bị nứt tách ra làm đôi, sợi dây cũng bị đứt. Shimenawa là một loại dây rơm được sử dụng trong tế lễ, có tác dụng trừ tà.

Cư dân mạng này đã rất sợ hãi nói rằng, theo như truyền thuyết, tảng đá này tách ra sẽ phá vỡ phong ấn, con cáo chín đuôi sẽ xuất hiện trở lại, bám lên thân người. Các cư dân mạng cũng liên tiếp bình luận, cho rằng đó là điềm chẳng lành, như ‘có phải con hồ yêu đã được thả ra không’, ‘tôi cảm thấy sắp tới sẽ có chuyện lớn xảy ra’, ‘lẽ nào đại tai nạn sắp tới?’

Vậy rốt cuộc tảng đá sát sinh này có nguồn gốc thế nào, vì sao có thể khiến các cư dân mạng lo sợ đến thế?

Cửu vĩ hồ và đá sát sinh

Đá sát sinh là một tảng đá độc, nó có thể phun ra một loại độc dịch, hoặc loại thể khí không xác định, dù là côn trùng hay chim, một khi tiếp xúc với tảng đá này đều chắc chắn bị chết.

Tảng đá Sessho-seki (Sát sinh thạch) ở Nhật Bản. (Ảnh qua Japan Travel)

Trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản kể rằng, có một con cửu vĩ hồ (cáo yêu tinh 9 đuôi) mặt trắng, đuôi vàng, biến hoá thành mỹ nữ Tamamo Mae. Vào cuối thời Heian ở Nhật Bản, nó đã mê hoặc Thiên Hoàng Toba.

Nhắc tới cáo 9 đuôi, mọi người có thể nghĩ ngay tới cửu vĩ hồ trong chuyện ‘Phong Thần diễn nghĩa’. Và con cáo 9 đuôi Nhật Bản này chính là con hồ yêu đã chiếm hữu thân thể của Tô Đát Kỷ, dùng mê hồn pháp để mê hoặc Trụ vương, lợi dụng Trụ vương để làm rất nhiều việc xấu.

Tương truyền sau khi nhà Thương sụp đổ, con cáo 9 đuôi bám trên thân Đát Kỷ đã bị Khương Tử Nha giết chết. Con cáo này có 9 cái đuôi, mỗi đuôi đại biểu cho một mạng sống, giết nó một lần thì không thể giết nó chết hẳn được. Khương Tử Nha cũng biết điều này nên ông đã phái những dị sĩ, và người có khả năng để truy bắt nguyên thần của con cáo chạy thoát. Mặc dù con cáo 9 đuôi trốn thoát được, nhưng việc mất đi một mạng khiến nguyên khí của nó bị tổn thương nặng nề. 

Trùng hợp Ấn Độ cũng có truyền thuyết:

Sau khi Chandragupta sáng lập vương triều Maurya, bởi vì ông tín phụng Phật giáo, cả đời hành thiện tích đức, không sát sinh, sau khi ông qua đời đã hoá thành 3 viên xá lợi, bên trong nó lưu trữ pháp lực vô cùng. Con cáo 9 đuôi biết được sự việc này, bèn tới Ấn Độ, mong muốn chiếm được 3 viên xá lợi. 

Đương thời, con trai của Chandragupta đang nắm quyền, ông ta tên là Bindusara. Vậy là con hồ yêu lại sử dụng chiêu trò quen dùng của nó, lắc mình biến thành một cô gái kiều diễm, và đã thành công trở thành phi tử của vua Bindusara. Nó ý định dùng thủ đoạn như trước đây với nhà Thương, dần dần từng bước khiến vương triều Maurya bị phá huỷ, thừa cơ lúc loạn lạc mà ăn cắp xá lợi. Dưới sự hoạ loạn của người phi tử này, vương triều Maurya bị khuynh đảo, phá vỡ tan nát. Con trai của hoàng hậu Dharma - thái tử Ashoka, đã nhìn thấy rõ thân phận của con hồ yêu, và đuổi nó ra khỏi cung điện. 

Đó là vào thời nhà Hán của Trung Quốc, một tăng nhân Ấn Độ mang theo một trong ba viên xá lợi quan trọng nhất tới Trung Quốc truyền giáo. Con cáo 9 đuôi lén lút đi theo người tăng nhân này quay trở về Trung Quốc. Tới Trung Quốc không lâu, các trận tranh chấp nổi lên khắp nơi, con cửu vĩ hồ và xá lợi đồng thời cùng biến mất. 

Khi viên xá lợi này xuất hiện trở lại, là vào triều nhà Đường. Bởi vì Huyền Trang đi Tây Thiên thỉnh kinh, Phật giáo Ấn Độ bèn dâng tặng Huyền Trang một trong ba viên xá lợi. Vậy nên đại Đường đã có hai viên xá lợi. Đây quả thực là một cơ hội tốt mà con hồ yêu không thể bỏ qua, nhưng không đợi tới nó ra tay.

Nhật Bản đã phái sứ giả tới Trung Quốc giao lưu văn hoá, thỉnh cầu cao tăng Giám Chân tới Nhật Bản truyền thụ Phật Pháp. Hoàng đế Đại Đường đã ban một viên xá lợi cho Giám Chân mang tới Nhật Bản. Con cáo lại đi về phía đông để tới Nhật. Đúng lúc này vào thời kỳ Heian ở Nhật Bản, mâu thuẫn giữa triều đình và quý tộc hết sức gay gắt. Thời đó, các tăng lữ quý tộc có địa vị rất cao trong xã hội Nhật. Khi viên xá lợi tới Nhật, nó đã được đưa vào đền và bảo vệ cẩn thận.

Khi viên xá lợi tới Nhật, nó đã được đưa vào đền và bảo vệ cẩn thận. (Ảnh: Pixabay) 

Trên đường đi tới ngôi đền, con cáo 9 đuôi biến thành một bé gái. Cặp vợ chồng võ sĩ tới đền cầu xin có con, nhìn thấy bé gái, đã đem về nuôi dưỡng. Bé gái càng lớn càng xinh đẹp, diễm lệ lạ thường, hơn nữa tài năng xuất chúng, tinh thông cầm kỳ thi hoạ, được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất mỹ nữ. Trong một thời gian, danh tiếng cô gái nổi tiếng khắp Kyoto.

Chẳng bao lâu chuyện gia đình một võ sĩ có cô con gái xinh đẹp đã đến tai Thiên Hoàng Toba. Thiên Hoàng vô cùng ngưỡng mộ sắc đẹp của cô gái, đã nhận cô vào cung và ban cho cái tên Tamamo Mae. Vậy là con hồ yêu diễn lại chiêu trò cũ, mê hoặc Thiên hoàng điên đảo. Không lâu sau Thiên hoàng mắc bệnh lạ, chỉ nằm trên giường không dậy nổi. 

Thời đó Nhật Bản có một vị âm dương sư rất nổi tiếng là Abe no Seimei. Theo tài liệu sử ghi chép lại, gia đình Abe có 3 âm dương sư xuất sắc, Abe no Seimei là một trong số đó. Ông đã được triệu kiến vào cung để chẩn đoán bệnh cho Thiên hoàng. Ông đã phát hiện ra Tamamo Mae - cô gái luôn bên cạnh Thiên hoàng, chính là một con hồ yêu 9 đuôi, khi đó ông hiểu ra ngay căn nguyên bệnh của Thiên hoàng. Thấy thân phận đã bị nhìn thấu, con hồ ly chỉ còn cách bỏ chạy. Bệnh của Thiên hoàng cũng dần dần khỏi. 

Thiên hoàng vô cùng nổi giận khi biết mình suýt chút nữa đã bị con hồ ly hại chết, đã hạ lệnh cho người truy bắt nó. Thế nhưng các võ sĩ được phái đi đều trở về tay không. Thiên hoàng Toba lần này bèn phái một nhóm đông các cao tăng đắc đạo, và âm dương sư phối hợp với nhau, đi hàng phục cửu vĩ hồ. Trận chiến lần này vô cùng kịch liệt, trời đất mịt mù. Tương truyền, một nửa Nhật Bản đã bị phá huỷ trong cuộc chiến này. Ở Nhật, vì Tamamo Mae có sức chiến đấu siêu thường, nên nó được xếp vào một trong ba yêu quái lớn.

Tảng đá Sessho-seki (Sát sinh thạch) là hóa thân của cáo chín đuôi. (Ảnh: Epoch Times)

Cuối cùng Abe no Seimei cùng các tăng nhân và âm dương sư khác liên thủ, phong ấn con hồ ly vào trong một tảng đá. Nhưng con hồ ly vẫn không chịu từ bỏ. Mặc dù bị phong ấn nhốt vào trong tảng đá, nó vẫn không ngừng phát ra độc khí, sát hại tất cả những ai tới gần nó. Và tảng đá độc đó được người dân làng gọi là đá sát sinh.

Người dân làng quanh đó rất sợ tảng đá này, họ đã nhiều lần thỉnh mời các cao tăng tới trấn hồn, nhưng đều bị khí độc của nó làm hại. Mãi cho tới thời đại của Nam Bắc triều, vị trụ trì thế hệ đầu tiên của chùa Aizu Gengenji - cao tăng Gennou, đã dùng pháp lực, phá tảng đá thành nhiều mảnh. Các mảnh đá vỡ rơi xuống khắp nơi ở Nhật Bản. Còn tảng đá sát sinh ở tỉnh Tochigi đã được chính phủ chỉ định là di tích lịch sử vào năm 1957, và nó trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng.

Các nhà khoa học hiện đại phát hiện ra phần lớn đá sát sinh xuất hiện ở xung quanh miệng núi lửa, cái gọi là đá sát sinh chỉ là sự kết hợp của sulfur dioxide, hydrogen sulfide và các chất này phát ra khí độc, vì thế các sinh vật tiếp xúc gần với tảng đá đều trúng độc và chết.

Tuy nhiên, tới nay chính phủ Nhật vẫn chưa có giải thích rõ nguyên nhân vì sao tảng đá đột nhiên bị tách nứt ra.

Từ con thú mang điềm lành thời thượng cổ tới yêu ma làm loạn nhân gian

Con hồ ly trong câu chuyện trên có ma tính cực đại, làm hại nhân gian. Nhưng thực ra cửu vĩ hồ từng là Thần thú thượng cổ. Mô tả đầu tiên về cửu vĩ hồ có thể tìm thấy trong ‘Sơn Hải Kinh’, trong đó ‘Nam Sơn Kinh’, ‘Đông Sơn Kinh’, “Hải ngoại đông kinh’ và ‘Đại hoang đông kinh’ đều có những ghi chép liên quan tới cửu vĩ hồ.

‘Nam Sơn Kinh’ viết:

Trên núi Thanh Khâu có con thú

Hình dáng giống cáo, và có 9 đuôi

Âm thanh phát ra giống như trẻ con khóc

Có thể ăn người, người mà ăn thịt nó sẽ không bị khí độc xâm hại

Cửu vĩ hồ ăn thịt người, và người cũng ăn thịt nó. Người ăn nó có thể miễn nhiễm độc, có tác dụng trừ tà. Ngoài cửu vĩ hồ ở núi Thanh Khâu, trong ‘Lã Thị Xuân Thu’ có nói về cửu vĩ hồ Đồ Sơn, kể rằng khi Đại Vũ trị thuỷ, lúc đến Đồ Sơn, dự cảm rằng việc hôn nhân của mình sẽ thuận lợi, bèn nói ‘việc lấy vợ của ta tất sẽ được’. Đúng lúc đó, một con hồ ly với 9 cái đuôi dài, mặt màu trắng xuất hiện trước mặt Đại Vũ. Lúc này mọi người đều coi cửu vĩ hồ là con thú mang điềm lành, nên nói: ‘Bạch giả, ngã phục dã, cửu vĩ giả, kỳ chứng dã’. Ý nghĩa là: xuất hiện cáo trắng biểu tượng cho bản thân mặc y phục màu trắng sẽ đón nhận việc tốt lành.

Người dân vùng Đồ Sơn cũng qua dự cảm về sự xuất hiện con cáo trắng và chọn một thiếu nữ gả cho Đại Vũ, họ cho rằng điều này sẽ mang phúc tới cho Đồ Sơn. Vì vậy họ có câu hát: “Tuy tuy bạch hồ, cửu vĩ bàng bàng, thành vu gia thất, ngã đô du xướng”. Ý nghĩa là nhìn thấy cửu vĩ hồ, nếu ở chỗ đó mà lập gia đình, tương lai con cháu nhất định phồn vinh. Và Đại Vũ đã cưới cô gái vùng Đồ Sơn, sau này họ sinh cậu con trai tên Khải. Câu chuyện Đại Vũ lấy vợ cho thấy cửu vĩ hồ không chỉ là biểu tượng nhiều con, nhiều phúc, mà còn đại biểu cho khí chất vương giả.

Cuốn sách ‘Bạch hổ thông nghĩa’ của Ban Cố thời Đông Hán có ghi chép về việc lấy cáo làm điềm báo ‘tử tôn phồn tức’ (con cháu phồn vinh).

“Hiếu Kinh” của Khổng Tử viết: “đức chí điểu thú, tắc hồ cửu vĩ”. Ý nghĩa là cửu vĩ hồ là loài chim thú nhân đức nhất

Cửu vĩ thiên hồ được vẽ trong Sơn Hải Kinh bản thời nhà Thanh. (Ảnh: Miền công cộng)

Hay trong “Bạch hổ thông đức luận” nói: “Đức chí điểu thú tắc phượng hoàng tường, loan điểu vũ, kỳ lân trăn, bạch hổ đáo, hồ cửu vĩ, bạch trĩ hàng, bạch lộc kiến, bạch điểu hạ. Hồ cửu vĩ hà? Hồ tử thủ khâu, bất vong bổn dã, minh an bất vong nguy dã. Tất cửu vĩ giả dã”. Có thể thấy cửu vĩ hồ cùng phượng hoàng, kỳ lân, nai trắng, hổ trắng… đều là những con thú mang điềm lành của Tiên giới.

Theo truyền thuyết, cái đuôi thứ 9 của cửu vĩ hồ là khó tu thành nhất. Khi con cáo tu tới cái đuôi thứ 8, sẽ nhận được một gợi ý, giúp đỡ chủ của nó thực hiện một nguyện vọng. Sau khi tâm nguyện hoàn thành sẽ mọc thêm một cái đuôi mới, nhưng cái đuôi trước đó sẽ rụng đi, nên vẫn chỉ còn 8 cái. Theo quy tắc này, dù có thế nào nó cũng không thể tu luyện ra được cái đuôi thứ 9. 

Nhưng có một con hồ ly rất chân thành, đã tu luyện không biết bao trăm năm, và cũng đã giúp không biết bao nhiêu người thực hiện nguyện vọng, mà nó vẫn chỉ có 8 cái đuôi. Một hôm, trong cơn mưa bão, nó nhìn thấy một thiếu niên bị bầy sói tấn công. Nó đuổi bầy sói đi một cách dễ dàng và cứu cậu bé.

Nó nhận ra cậu bé là con của người chủ đầu tiên của nó. Theo quy định, nó cần giúp cậu thực hiện một nguyện vọng, sau đó cái đuôi rụng đi sẽ lại mọc thêm cái đuôi mới. Được trở thành chủ của bát vĩ hồ (cáo 8 đuôi), lại được thực hiện một điều ước, cậu bé đột nhiên vô cùng mừng rỡ. Nhưng nhất thời cậu không nghĩ ra mình có điều gì muốn thực hiện. Vậy là con cáo biến thành con mèo nhỏ, tạm thời cùng cậu bé.

Trong vài ngày, cậu bé tiếp xúc dè dặt với bát vĩ hồ. Cậu phát hiện trong mắt nó ngoài sự hờ hững với bên ngoài, còn có cả nỗi buồn. Khi cậu biết được bí mật tu luyện không có cách nào tiến lên của bát vĩ hồ, cậu chợt cảm thấy thương cảm cho hồ ly thần thông quảng đại. Cuối cùng, một hôm bát vĩ hồ hỏi cậu bé có nguyện vọng gì.

Cậu bé hỏi: “nguyện vọng nào cũng thực hiện được đúng không?” Nó liếc nhìn cậu khinh thường. Cậu bé nói từng từ một rõ ràng: “Vậy thì nguyện vọng của ta là ngươi có được cái đuôi thứ 9”. 

Bát vĩ hồ chết lặng, mắt nó tỏ vẻ đầy nghi hoặc, và sau đó biểu lộ sự biết ơn không thể nói nên lời. Nó cúi xuống, liếm tay cậu bé. Thế là bát vĩ hồ mọc ra cái đuôi thứ 9 tuyệt đẹp, thực sự biến thành cửu vĩ hồ, và cậu bé cũng có cuộc sống hạnh phúc, mãn nguyện cả đời. Hoá ra là như vậy, chỉ khi gặp được người sẵn sàng để nó viên mãn, bát vĩ hồ mới có cái đuôi thứ 9. Có thể vứt bỏ vận may hiếm có của bản thân để hoàn thành viên mãn của kẻ khác, đó là điều rộng lượng nhất thế gian, là sự cho đi chân thành nhất.

Chẳng qua trong ‘Phong Thần diễn nghĩa’, cửu vĩ hồ được Nữ Oa phái đi làm họa loạn Trụ vương. Nó vì cái lợi trước mắt, chiếm lấy thân thể Tô Đát Kỷ, tu thành hình người của Tô Đát Kỷ, dùng mê hồn pháp khống chế Trụ vương, còn lợi dụng Trụ vương làm nhiều việc xấu.

Dần dần, cửu vĩ hồ từ con thú mang điềm lành, biến thành hồ ly tinh chuyên mê hoặc người. Trong tác phẩm văn học Nhật Bản, câu chuyện cửu vĩ hồ đã được tái tạo và phát triển nhiều lần, dần dần tạo ra sự liên kết với Đát Kỷ, Tamamo Mae, vương phi của vua Bindusara và các hồ ly tinh trong truyền thuyết… Từ đó tới nay, nói tới cửu vĩ hồ, là nhất định chỉ tới yêu ma làm loạn nhân gian.

Một ví dụ nổi tiếng là tướng quân hạng nhất Diêm Tích Sơn của Trung Hoa Dân quốc. Vào năm 1948, trong đào tạo cán bộ trường tiểu học ở tỉnh Sơn Tây, ông đã nói: “cộng phỉ là cáo hồ ly tinh 9 đuôi, có thể mê hoặc người nhất”. 

Thế giới ngày nay không còn bình yên, tai hoạ liên tiếp, đúng lúc này tảng đá sát sinh ở Nhật Bản đột nhiên nứt tách ra, liệu có phải là dự báo cửu vĩ hồ gây hại cho nhân gian lại một lần nữa hành ác?

Nguồn: NTDVN - Theo Weiyushiguang