04/06/2021 11:33 View: 1309

Chị Mỵ

Năm tôi vẫn còn bé tý, suốt ngày đánh khăng đánh đáo thì chị Mỵ đã lấy chồng rồi. Chị Mỵ đẹp và dịu dàng, mẹ tôi bảo trong số các cháu gái đằng ngoại chỉ có mình chị là giống bà ngoại tôi từ tính nết đến dáng người. Chị nhẹ nhàng và đôn hậu. Ngày trẻ chị là một trong những cô gái giỏi việc đồng áng, đảm việc nhà nhất nhì trong số chị em chúng tôi.

chi my

Dòng đời xô đẩy, tôi cứ đi mãi về phía mặt trời, đi mãi để kiếm tìm những điều hay ho mà quên rằng phía đằng sau kia, bên lũy tre làng vẫn còn rất nhiều anh chị em con bá dì ngày bé coi nhau như con một mẹ.

Phải đến gần ba mươi năm, sau cái ngày chị Mỵ lấy chồng, tôi mới có dịp ngồi lại bên chị, xin chị số điện thoại, hàn huyên với chị mấy điều. Thế rồi ngay sau đó, cuộc sống lại cuốn phăng tôi ra khỏi những ký ức về tuổi thơ, về quê ngoại, về ngôi nhà của bà tôi nơi mùa hè tất cả các chị em con bá dì đều tụ tập vặt sung, tắm ao, cất vó tép ở đầm làng.

Bữa rồi mẹ tôi bảo. Con về thăm chị Mỵ đi, chị ấy có khi ly dị, chuyện chị ấy dài lắm nhưng số con bé đến là khổ, gặp thằng chồng quá tàn ác vũ phu….

Đời cơ bản là buồn. Suy cho cùng ra, ai cũng có những điểm chết trong lòng mình. Tôi gọi cho chị Mỵ
lần này chị bị đánh tàn nhẫn quá phải trốn ra ngoài thuê nhà trọ ở, nhưng chị vẫn lấn cấn với những đứa cháu, đứa con dâu đang mang bầu và mấy xào rau bắp cải. Những điều thực tế ấy,vừa là điểm yếu, chính là cái ngưỡng khó có thể vượt qua được của những người phụ nữ nông thôn. Đấy mới là con người và đấy mới là đời sống thực.

Chị Mỵ chẳng khóc, giọng buồn bã xa xôi, chị bảo có khi chị bỏ hắn thôi, hắn tàn ác quá, cờ bạc, rượu chè và say xỉn lười làm. Bao nhiêu năm từ khi lấy hắn chị chưa bao giờ được đối xử tử tế. Chị bị đánh, bị đày đọa nhưng vẫn phải sống vì con.

Cuộc đời nhọc nhằn nhưng hạnh phúc hay bình yên lại chính phần lớn do sự lựa chọn của bản thân mình. Tôi hỏi sao không bỏ hắn từ ngày trẻ, ,không đưa bọn trẻ về đằng ngoại. Chị bảo chị cũng mấy lần định thế, mẹ chị rất thương chị, nhưng còn mấy ông anh, nhất định rằng không. Chị biết đi đâu dưới gầm trời chật hẹp khi trong tay chẳng có tiền với ba đứa con còn đang tuổi ăn tuổi học. Chị lạ thật, ngày bé chị mạnh mẽ, vui tươi và thông minh là thế, sao bây giờ cứ lấn bấn mãi để đời mình phải khổ.

Câu chuyện của chị Mỵ bữa ấy cũng lại bị tôi để rơi vào quên lãng, bởi cuộc sống của tôi cũng quá nhiều mối lo toan, quan tâm và cả những nhọc nhằn. Hôm nay tôi lại được về ngủ trong ngôi nhà của mẹ để ngày mai về ngoại đi đám cưới cháu họ. Lại được nghe kể về chị Mỵ.

Lần ấy cũng như bao nhiêu lần chị ra đi nhưng rồi lại trở về nhà để chịu đựng. Mới đây, một lần chị ốm, không thể dậy đi làm, cũng không thể phục vụ hắn, hắn cầm con dao chém con chó đứt làm đôi rồi dựng chị dậy đánh đấm. Chị nhìn thấy con chó máu me giãy dụa ở sân rồi thì ngất đi và khi tỉnh lại thì ở trong bệnh viện.

Có những người họ làm gì cũng ổn, rành mạch, rõ ràng và chính xác chỉ có điều không hoạch định được con đường cho hạnh phúc bản thân mình. Họ ngu ngơ và lấn bấn trong suốt cuộc đời với một cuộc hôn nhân đầy đau khổ.

Tôi cứ mãi hỏi vì sao khi mẹ tôi, mẹ chị họ đều có một lý do để cho chị nấn ná lại bên thằng chồng man rợ ấy, rằng thì là hai thằng con trai nhà chị chúng đều con thơ cái quấn, chúng không muốn chị bỏ đi hoặc ly hôn lúc này, bởi bây giờ là lúc chúng cần nhất sự hỗ trợ của chị để chúng còn đi làm để kiếm kế sinh nhai. Hai bà mẹ nói rằng nếu chị bỏ đi thì sau này con chị sẽ có lý do để trách móc này kia. Cuộc đời những người đàn bà thật khổ, con bé thì sống vì con, cho con. Chúng vương trưởng thì lại lo cái tiếng để đời, sợ điều ra tiếng vào, sợ con cái trách móc. Thế ai vì họ đây.

Đàn bà nhà quê nhiều người như chị Lệ tôi. Họ thậm khổ, cả cuộc đời làm quần quật để nuôi con nuôi thằng chồng hãm tài nhưng ác độc. Tài sản cuối cùng của họ chỉ là mấy đứa con và những vết chân chim trên gương mặt, đôi bàn tay chai sần vì lao động vất vả.

Tôi cứ tự hỏi vì sao những đứa con chị chúng phải là người thấy đủ, chứng kiến hết nỗi đau khổ, vất vả nhọc nhằn của chị. Tại sao khi chị thoát ra khỏi cái ông chồng vũ phu ấy, lẽ ra chúng phải thấy vui, thấy mừng cho mẹ chúng, đằng này chúng lại van nài chị ở lại để trông con, giữ nhà, và nuôi bố chúng cho chúng nhẹ gánh. Phải chăng là chính trong môi trường gia đình đầy tàn ác ấy, chúng đối diện quá nhiều với nỗi đau, quá quen với sự chịu đựng của chị nên chúng cho rằng chuyện đó bình thường. Sự ích kỷ, sự vô tâm của anh em ruột thịt, của con cái trong gia đình ở nông thôn cũng một phần dung túng cho thói bạo hành ngày một gia tăng ở các làng quê Việt nam.

Tôi biết chị Mỵ tôi không hề dại. Vậy tại sao chị không tự thay đổi cuộc đời mình? Có lẽ Khôn dại ở đời chẳng có công thức chuẩn. Trong dại có khôn, trong khôn có dại. Lý trí và sự điềm tĩnh nội tại của những người phụ nữ nhà quê luôn nghĩ cho con cái khiến đánh bật họ ra khỏi những tranh đấu cho cá nhân trước những nhọc nhằn trong đời sống hôn nhân. Họ quên đi những ấm ức để lựa chọn cái được nhiều hơn cho con cái và những người cùng chung sống.

Ai trong chúng ta cũng có những mối dây ràng buộc quen thuộc đó là con cái và cha mẹ. Khi con người trưởng thành hơn sẽ bị chính những mối ràng buộc đó làm quên đi và hoá giải những nỗi đau và khốn khó của riêng mình.

Đời cơ bản là buồn và cuộc sống cơ bản là càng sống lâu càng thấy chả ra đâu vào đâu cả.

Nguồn: Loan ngẫn