04/06/2021 11:47 View: 13601

Nghi thức lập điện THỜ THÁNH tại gia

"Tôn cấp lập thờ" là những gì mà mọi người thường nghe thấy khi nhắc đến việc lập điện thờ Thành tại gia. Vậy trong quá trình lập điện thờ, gia chủ và các thanh đồng cần chuẩn bị những gì? Nghi thức và trình tự lập điện thờ tại gia như thế nào? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu. 

Lap dien tho thanh tai gia

Điện thờ vọng chúa bà Năm Phương tại Quảng Ninh - Đồng thầy Phạm Thị Mùi

Cách chọn vì trí để xây - lập điện thờ tại gia

Theo dân gian xưa thì một số người do nghiệp duyên, hoặc cũng có thể do một lý do nào đấy... mà phải rước Cha Mẹ về thờ (tức là lập điện tại nhà, để thờ hội đồng 4 phủ) hay nói một cách văn hoa là THỜ PHẬT TẠI GIA THỜ THÁNH TRONG NHÀ

Nhưng việc tôn cất lập thờ để làm sao không bị lỗi ....thì lại rất khó khăn, công việc này không đơn giản như bốc bát hương gia tiên tiền tổ. Tamlinh.org xin chia sẻ một chút kinh nghiệm khi chọn địa điểm để lập bản điện tại gia. 

Trước hết, thanh đồng muốn tôn cất lập thờ (gọi tắt là lập điện cho dễ) phải được nhà Ngài báo trước. Tùy duyên của mỗi người, mà nhà ngài báo bằng những đường khác nhau

  • Có người được giấc mơ cho nhìn thấy rõ hết
  • Có người soi qua, bói lại, cô đồng thầy nhìn ra
  • Thậm chí có người còn được báo cả ngày, giờ khởi công, vv và vv

Nhìn chung nhà ngài báo rất đa dạng, tuy vậy vẫn có những điểm chung là, cho nhìn thấy bản điện, bao nhiêu bát hương, cấu trúc như thế nào.....

Khi nhà ngài báo đến 2 hoặc 3 lần, mà đệ tử cố tình không thi hành, thì sẽ dẫn đến việc bị tái cơ hành, mà cơ hành lập đền lập phủ này thì nặng hơn và nhanh hơn việc cơ hành của căn đồng số lính rất nhiều.

Khi được báo, thanh đồng có ý định lập điện thì phải tìm một vị trí để lập điện thờ, tùy theo từng gia cảnh mà có thể to, nhỏ, rộng hẹp tùy ý....

  • Nếu được nhà ngài báo âm mà biết soi bói, thì nên làm rộng rãi một chút, để sau này hầu hạ còn được dễ xoay sở. 
  • Còn nếu như chỉ thờ để yên bản mệnh, thì có thể hẹp hơn cũng được, miễn gọn gàng sạch sẽ

Nhưng nhất thiết chỗ muốn để thờ phụng phải hợp với phong thủy của ngôi nhà, cụ thể như sau:

  • Trước hết phải chọn khu đất sạch sẽ, nếu là khu chăn nuôi cũ, thì phải hót đất đổ đi, sau đó đổ cát mới vào....
  • Không được làm trên bếp, nếu tầng dưới là bếp đun, tầng trên không được thờ điện. Nếu tầng 1 là bếp, điện thờ ở tầng 3 (cách tầng 2) thì được
  • Không được trên hoặc cạnh khu vệ sinh. Nếu tầng dưới là khu vệ sinh, hoặc cạnh cửa là khu vệ sinh thì sẽ không được
  • Không được để dầm nhà lao vào giữa điện. Tầng dưới có cái dầm, tầng trên muốn thờ điện, thì nhất thiết không được để dầm lao qua, chia đôi bản điện. Nếu bên trên có dầm, nhất thiết cũng không được đặt..... hoặc xem có thể quay ngang, để dầm nhà không được chia đôi bản điện
  • Cửa bản điện thờ không được đối diện với bất cứ cửa nào trong nhà
  • Không được thờ ngược hướng với ngôi nhà

Nếu hướng bàn thờ so với mệnh cung của thanh đồng mà được PHÚC ĐỨC, THIÊN Y, PHỤC VỊ, SINH KHÍ, là tốt nhất. Hoặc hướng thờ, so với mệnh cung của Thanh đồng được tương sinh là tốt ( theo ngũ hành)

Sau khi đã chọn được địa điểm để tôn cất lập thờ, người ta mới hoạch định, bố trí bản điện.

Cách bố trí bản điện tại gia

Sau khi đã chọn được địa điểm, phương hướng chúng ta sẽ phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, phải hoạch định, tính toán xem thờ bao nhiêu bát hương để từ đó có thể xây bệ thờ, hoặc đóng bàn thờ cho hợp.

Trong quá trình xây bệ thờ, hoặc đóng bàn thờ, các kích thước cũng phải được vào những cung đẹp, từ chiều cao, dài, rộng, các cung riêng lẻ, đều phải đẹp. Thường thường cấu trúc của bản điện tính theo người đứng ngoài, quay mặt vào bản điện thì:

Ở giữa -  chính cung:

Là thờ HỘI ĐỒNG TỨ PHỦ (gọi tắt là CÔNG ĐỒNG). Trên công đồng này có rất nhiều bát hương, sẽ có 3 bát hương là BẮT BUỘC PHẢI CÓ

  • 1) Bát hương thờ ĐẠI CHUẨN ĐỀ MINH VƯƠNG BỒ TÁT, hoặc thờ chung HỘI ĐỒNG NHÀ PHẬT
  • 2) Bát hương thờ TAM TÒA THÁNH MẪU
  • 3) Bát hương thờ TỨ PHỦ CÔNG ĐỒNG bát hương này thường to hơn các bát hương khác trong bản điện, thường là to nhất

Ngoài ba bát hương chính ra, thì tùy theo bản mệnh gia chủ, mà quan thầy có thể bốc thêm một số bát hương nữa, thí dụ, vua cha, quan Hoàng, cậu, vv và vv Trên công đồng này, cũng có thể để bát hương bản mệnh của gia chủ

Trên bệ thờ người ta tôn cao bát hương, theo từng cấp độ.....

Có thể 3 cấp hay 5 cấp (tùy theo, không nhất thiết phải là 3 hay 5 cấp). Thường thường là :

Ở hệ 3 cấp thì

  • Cao nhất là bát hương thờ PHẬT ( gọi tắt cho dễ hiểu)
  • Thứ hai là bát hương thờ THÁNH MẪU
  • Thứ ba là bát hương CÔNG ĐỒNG

Còn ở hệ 5 cấp thì có phần khó hơn và nhiều quan điểm khác nhau

  • Cao nhất vẫn là bát hương thờ PHẬT
  • Thứ hai là bát hương thờ VUA CHA, ở bệ thứ hai này có quan thầy thờ vua cha NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ nhưng cũng có quan thầy thờ TAM TÒA VUA CHA nghĩa là thờ ba vua THIÊN, ĐỊA ,THỦY và cũng có quan thầy ngu ngơ, chỉ nói chung chung là thờ vua cha, không rõ là vua cha nào. Theo tác giả thì thờ NGỌC HOÀNG thượng đế sẽ đúng hơn, vì vua cha Ngọc Hoàng cai quản cả ba cõi
  • Tiếp theo, cấp thứ 3 là thờ TAM TÒA THÁNH MẪU
  • Cấp thứ tư: Có quan thầy thờ NGŨ VỊ TÔN ÔNG (nghĩa là thờ 5 vị quan). Có quan thấy thờ CHÚA BẢN ĐỀN. Có thầy lại thờ...... Tứ phủ Thánh Hoàng.... Nhìn chung cấp thứ tư này rất nhiều quan điểm khác nhau.... Thôi thì tùy duyên, tùy Phước của gia chủ, được thầy giỏi thì may, mà không thì..... Không may... Theo như ý kiến cá nhân của tác giả thì cấp thứ tư này, nên thờ NGŨ VỊ TÔN ÔNG. Vì 5 vị quan này thay mặt hội đồng 4 phủ, phê duyệt, kiểm soát công Đức, tội phúc của Trần gian. Còn muốn thờ thêm thì nên bốc bát hương nhỏ hơn, và đặt ở bên cạnh bát hương này
  • Cuối cùng là cấp thứ 5, liền với mặt sàn: Đây là cấp thờ TỨ PHỦ CÔNG ĐỒNG, các bạn đừng hỏi sao lại không có TAM PHỦ VẠN LINH ở đây nhé.  Xin thưa, trong hội đồng tứ phủ là đã có tam phủ rồi đấy.... Bát hương này rất quan trọng, vì cả hội đồng, các bóng, các giá, ...... mình thờ chung một bát hương, nên cho to hơn một chút. Nay mai khi thắp hương, nếu là hương nén, thì nên thắp 5 nén, đừng thắp 1 hoặc 3 nén.

Bên tay phải sẽ là cung thờ hội đồng Trần Triều

Số lượng bát hương ở cung này cũng tùy theo quan thầy sắp xếp:

  • Có người chỉ 1 bát hương thờ chung cả HỘI ĐỒNG NHÀ TRẦN
  • Nhưng có người sát nhà Trần, có khi phải thờ thêm những bát hương khác nữa - nhưng cũng chỉ trong hội đồng nhà Trần thôi, hoặc giả chỉ được phép đặt thêm bát hương bản mệnh của thanh đồng là cùng

Bên tay trái là thờ CÁC CHÚA CÁC TƯỚNG, SƠN LÂM SƠN TRANG, THẬP NHỊ TIÊN NÀNG

Cung này số lượng bát hương cũng tùy theo quan thầy

  • Có 1 bắt chính thờ SƠN TRANG là bắt buộc
  • Còn lại cũng tùy theo bản mệnh gia chủ, có thể bốc thêm một số bát hương, thí dụ, chầu Bà, chúa bói..... Cũng có quan thầy để bát hương bản mệnh của gia chủ ở bên này..

Phía dưới bản điện, bên dưới công đồng... là thờ NGŨ HỔ

Ở dưới này có 1 bát hương bắt buộc, đó là bát hương thờ NGŨ HỔ THẦN TƯỚNG. Nói là bát hương thờ ngũ hổ nhưng khi sắp lễ, người ta thường sắp 7 xuất, nghĩa là còn có thanh Xà, Bạch Xà (ta thường gọi là ông rắn) một xanh, một trắng, cùng phối hợp với 5 ông hổ......

Đây cũng là thế lực thần linh để bảo vệ bản điện. Vì đây là bát hương ở dưới cùng nên gọi là hạ ban nhưng thực chất, thì hai ông xà được treo ở phía trên, đầu nghoảnh vào trong.

Về bát hương, có người còn bốc thêm cả bát hương thờ thổ địa.

Bên phía ngoài sẽ là ban thờ Mẫu Cửu

Ở ban này chỉ có 1 bát hương duy nhất thờ Thánh Mẫu CỬU TRÙNG THIÊN, bà là THANH VÂN cung chủ
Cũng có những người xây bệ để thờ, thì trên thờ Mẫu, dưới thờ thổ địa cũng được. Nếu chỉ là cái ban thờ, ghim vào tường, thì thổ địa thờ chung trong hạ ban (tức là trong ban ngũ hổ)

Nhiều bạn thắc mắc sao lại thờ thổ địa vào ban ngũ hỗ - vì ông THỔ ĐỊA này rất nhiều tên, có nơi gọi chúa bản đền, có người gọi thần linh chúa đất, miền Nam gọi ông địa, miền Bắc gọi thổ địa.... Nhìn chung là tùy theo từng địa phương mà có tên gọi khác nhau.....

Về vấn đề ban bệ trong điện thờ:

Có người mua bàn thờ thì dễ, nhưng cũng có người điều kiện không cho phép, không mua được bàn thờ thì phải xây.  Khi xây dựng cũng tùy theo từng cảnh đền mà người ta xây hay đổ bệ thờ

  • Nếu rộng rãi, có thể 5 cấp, tam cung, lục viện
  • Nếu khiêm tốn về diện tích, thì chỉ 1 bệ cũng xong.

Nhìn chung, phối thờ bản điện thì tùy theo từng gia cảnh, tùy theo từng con người, mọi thứ đều do tâm mà ra... Tất cả đều xuất phát từ một chữ... TÂM....

Cách bốc bát hương và treo nón công đồng khi lập điện tại gia

Sau khi đã tìm được chỗ đặt bản điện, đã hoạch định thờ bao nhiêu bát hương, thì quan thầy sẽ phối hợp với gia chủ, tìm ngày tháng tốt để tiến hành BỐC BÁT HƯƠNG

Cách treo nón công đồng trong điện thờ

Trước khi bốc bát hương, phải treo ảnh nhà ngài, nón công đồng, nón mẫu, nón quan, thanh xà, bạch xà trước. Thứ tự treo nón như sau:

  • Nón Mẫu ở trên cùng
  • Tiếp theo là nón quan
  • Sau đó là nón công đồng
  • Các nón chầu, Hoàng, cô, cậu, thì treo sau nón công đồng theo thứ tự, từ trong ra ngoài.

Như vậy, trong bản điện, nón công đồng sẽ ở giữa. Sau khi treo nón xong mới tiến hành bốc bát hương.

Các thủ tục phải tuyệt đối cẩn thận, vì nếu nhỡ khi bốc bát hương mà tà ma ngoại đạo xâm nhập, thì bản điện thờ Thánh, sẽ bị biến thành bản điện thờ tà ma ngoại đạo... Lúc đó, mọi Vật Phẩm cúng Thánh sẽ bị tà ma chiếm hết, không những thế, nó còn quấy phá gia đình, làm cho lộn xộn, bản mệnh không yên, các biểu hiện giống như bị vong theo phá. 

Chuẩn bị bát hương cho điện thờ

Mỗi một bát hương phải lót giấy trang kim ở xung quanh, có một bộ THẤT BẢO ( mua sắm ở cửa hàng bán đồ thờ, rất sẵn tùy theo giá tiền, đắt có, rẻ có) quan thầy sẽ viết dị hiệu bát hương. Mỗi thầy có một cách viết dị hiệu riêng không ai giống ai, nhưng tựu chung thì là lời cung thỉnh các Thánh mà mình thờ, giáng vào bát hương.

  • Trước khi bốc gia chủ phải rửa sạch sẽ bát hương, tẩy uế bằng nước rượu gừng, lau sạch, khô...
  • Trên mặt bản điện, trên mặt các ban, các bệ, cũng phải tẩy uế bằng rượu gừng, sạch sẽ
  • Tro để vào bát hương cũng phải sạch sẽ, cũng phải rẩy nước rượu gừng để tẩy uế cho sạch

Sau khi tẩy uế, lau khô bát hương, bắt đầu tiến hành bốc bát hương,

Nghi thức bốc bát hương tại điện thờ 

Người bốc bát hương có thể là quan thầy, nhưng cũng có thể là thanh đồng chủ nhang,. Nhưng nhất thiết phải THÀNH TÂM.

Trước khi bốc phải rửa tay sạch sẽ, rồi nhúng tay qua nước rượu gừng để tẩy uế những bụi bẩn còn dính vào tay người bốc...

Quan thầy sẽ thắp một ngọn nến, thỉnh ba tiếng chuông, thắp năm nén hương, tiến hành trì chú vào bát hương. Ở đây thường là câu LỤC TỰ THẦN CHÚ có tác dụng trừ tà ma ở trong lòng bát hương, hoặc có những hồn cốt của con sâu, con bọ, mà khi sản xuất bát hương, vô tình dính vào đó.

Sau Khi trì chú xong, gõ một tiếng chuông, lẩm nhẩm khấn bài khấn bốc bát hương thờ điện như sau:

"Thanh đồng con tên là....  tuổi.... Nay nhất tâm thờ Phật tại gia, thờ Thánh trong nhà, xin thiết lập lô nhang..... ( bốc bát hương nào thì khấn tên bát hương đó)....

Con xin....
Cho con xin bốc TÀI.... cho con xin bốc LỘC..... (vân vân và vân vân... Cứ như thế cho đến khi được bốc số lẻ... mà đầy bát hương là được. Nên nhớ, tuyệt đối không được lèn chặt tro, trong bát hương)

Sau khi bốc xong một bát, cần đánh dấu, ghi rõ bát hương thờ vị nào để tránh việc nhầm lẫn.... Và quan thầy phải đặt một tờ BÙA trừ tà ma, lên trên miệng bát hương để tránh việc bát hương chưa cúng nhưng có tà ma ngoại đạo thâm nhập vào bát hương trước Khi thỉnh Thánh về nhập vào bát hương

Cứ thế, lần lượt sẽ bốc đến đủ số lượng bát hương dự định thờ

Sau khi đã bốc đủ bát hương thì tiến hành đặt bát hương vào nơi thờ cúng. Nếu phải trèo lên điện để đặt bát hương thì người được trèo lên phải thay quần áo khác, quấn 2 bàn chân bằng 2 túi ni lông, buộc chặt chẽ mới được trèo lên bản điện.

  • Khi đặt bát hương xong - nhớ ngắm cho ngay ngắn, thẳng hàng, mặt Nguyệt quay ra ngoài
  • Khi đã đặt xong, tiến hành bài trí, đặt các thành phần phụ như chóe nước, đèn trang trí, hoa quả, .....và tiến lễ lên công đồng....
  • Tiến lễ xong, lúc này Pháp sư sẽ đi vào khoa thỉnh Phật,

Lúc này bát hương chưa có linh khí, trên miệng mỗi bát vẫn có một lá bùa để trừ tà, cho nên không cần thắp hương trong các bát hương.

Sau khi cúng Phật xong, Pháp sư sẽ mở bỏ lá bùa trừ tà của từng bát hương một, niệm câu thần chú và mời vị Thánh (tương ứng với bát hương đó) về nhập vào bát hương.

Việc trì chú xong là hoàn thành việc RƯỚC THÁNH VỀ THỜ TẠI GIA

***********************

Lưu ý: Lúc này bát hương mới có một chút linh khí thôi. Trong quá trình thờ cúng thì bát hương mới tăng dần sự linh thiêng.... Sau khi trì chú, mời Thánh về nhập bát hương, thầy Pháp sư phải có lễ cúng để thỉnh các bóng, các giá thụ hưởng. Nếu có hầu Khai quang điện, thì bây giờ quan thầy có thể Bắc ghế hầu để khai quang bát hương

Nếu không hầu thì lúc này thầy Pháp sư sẽ cầm 5 que hương, một cái quạt, một cái gương và tiến hành trì chú để khai quang bát hương. 

Linh tại ngã, bất linh tại ngã

Chuyện rằng: "Có một người buôn bán đến nhờ thầy lập ban thần tài. Sau một thời gian làm ăn thua lỗ anh ta quay lại trách thầy làm không linh. Thầy điềm đạm hỏi

Tôi bảo nhà anh sáng ra tam nhất (hương một nén, trà một ly, vái một lần) anh có thực hiện không?

Người buôn bán thật thà trả lời

- Có, tôi sai một nhân viên chuyên làm việc đó

Thầy lại hỏi

- Vậy nhân viên đó công việc có nhàn không, lương lĩnh có đủ không?

Người buôn thật thà trả lời

- Vì lo việc thờ cúng nên tôi cũng miễn cho nhân viện đó một số việc và thấy lo ban thờ rất chu đáo nên cuối tháng tôi cũng thưởng thêm. 

Khi đó thầy mới nói:

- Vậy là ban thờ tôi lập rất linh, nhưng nó chỉ linh với người thật tâm cầu khấn. 
—————

Đây chỉ là câu chuyện vui, nhưng qua đó ta phải hiểu: Việc tâm linh phải có tâm, nên không ai hộ ai được. Thầy chỉ mang tính trợ duyên, trợ pháp, nếu tâm không có thì duyên pháp cũng vô nghĩa.

Việc tâm linh theo được là rất tốt, nhưng theo nó không đơn giản. Nếu cảm thấy mình chưa đủ lực, chưa đủ tín thì nên sám hối, lộc đáng 10 chỉ cầu 1 cầu 2. Còn theo kiểu phong trào, lập điện lên thờ mà không tới nơi tới chốn thì tiền mất tật mang là điều khó tránh khỏi.

Chiếc áo đẹp không hẳn phải đính nhiều kim cương mà quan trọng nó phải vừa với chính mình.

Bản quyền thuộc về tác giả Dương Khánh Hùng