Các đồng nhân trong đạo Mẫu muốn cứu được người, muốn tu tập nói chung, hành đạo nói riêng mà không bao giờ có lỗi thì KHÔNG THỂ. Nhưng có thể khiến quá trình hành đạo giảm đi tối đa các lỗi sai, để hạn chế nhất khả năng bị ma tà quấy phá kiểm soát.
Rước ông Bát về miền tiên giới
Đất Cao Bằng nhớ lại công ơn
Nhân dân thờ phụng khói hương
Nhớ người tráng sĩ hiên ngang anh hùng.
Ảnh sưu tầm: Quynh Nguyen
Dị năng là năng lực không hiếm thấy của đồng nhân
Năng lực này có thể có trước khi ra đồng, vừa ra đồng hoặc sau khi ra đồng một thời gian... Nhìn chung đó là khả năng kết nối âm dương, cảm nhận những điều, những việc về phần âm mà sử dụng các giác quan thông thường không thể hiểu biết được.
Năng lực dị năng không phải để khoe mẽ với đời, đó có thể là năng lực từ thần thức nhiều kiếp phát ra, là do gia tiên giúp mà có, do chư Thánh ban cho, do oan gia thậm chí ma tà ban cho để lợi dụng con đồng... cũng có khi là sản phẩm phụ của tu tập mà thôi...
Khi ra đồng (trình đồng mở phủ), qua quá trình tu tập dần dần sẽ đến lúc ra hành đạo, lúc đó năng lực dị năng sau khi đã thanh lọc (không còn năng lực ma tà, oan gia ban cho để lợi dụng nữa) sẽ là công cụ để các bạn làm việc giúp đời phát huy đạo lành của dân tộc. Đồng thầy cũng luôn dặn các con đồng phải giữ nguyên tắc làm việc hành đạo chuẩn chỉnh.
Các trường hợp cụ thể về dị năng ở đồng nhân
Gần đây có mấy người nhắn hỏi trường hợp thực tế như sau:
- Con được ân duyên có năng lực dị năng xem bói từ trước khi ra đồng. Nay đã qua tam niêm xin phép bề trên được ra hành đạo giúp cho bách gia. Trước nay, con xem cho ai cũng luôn tuân thủ quy tắc hành đạo, không dám tham tiền hám bạc, đại đa số đều công nhận là đúng chẳng sai chỗ nào. Nhưng cũng có lần, con xem bói cho một vị kia, khi đó nhìn thấy sao, được sang tai thế nào ... con nói y như vậy nhưng khách vẫn bảo con nói sai, nói không chuẩn. Con không nhận tiền lễ của vị khách này và cũng nói thẳng rằng thấy sao con nói làm vậy, không dám nói điêu nói ngoa gì. Vị khách buồn bã đi về vẻ thất vọng. Họ đến nhờ con giúp nhưng con không những không giúp được, mà lại làm cho niềm tin của họ vào đạo ta bị ảnh hưởng. Con thắc mắc, tại sao con làm đúng nguyên tắc mà vẫn thành ra như vậy ?
- Con là đệ tử được thầy cho theo học pháp, được học những phương pháp giúp giải quyết các vấn đề về phần âm như trục vong, trừ tà, cúng lễ... Là đồng sáng (không phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực dị năng khi hành đạo) chứ không phải không biết, không hiểu mà dám làm việc. Đại đa số những lần làm việc đều có hiệu quả và con đã giúp được không ít người. Bản thân con cũng cảm nhận được sự tiến bộ về kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của bản thân trong quá trình vừa học vừa hành đạo.
Nhưng có lần, có người nữ kia bị vong ốp, con càng vỗ trục vong thì vong đó lúc đầu có bị vỗ ra sau lại nhập lại vào người nữ này, con cúi xuống vái xin phép nhà Thánh tại cửa điện để trục lại lần nữa nhưng vong càng lì lợm, làm loạn. Con không giúp được người còn bị xung quanh người ta dị nghị rằng phép Thánh không thiêng? Con buồn bã và không hiểu tại sao, thưa thầy ?....
Còn rất nhiều, rất nhiều những tâm sự của con đồng trong và ngoài bản hội về những việc gặp phải khi hành đạo tương tự ...
Nay thầy giảng cho các con đồng trong bản hội hiểu:
Nếu thực sự người cậy sở không có mục đích nào khác ngoài sự tín tâm nơi đồng nhân và Chư Thánh Việt, không có những lí do cá nhân cho việc không thừa nhận sự giúp đỡ, lai lời từ đồng nhân thì những sự cố trên có thể xuất phát bởi:
- Trước tiên là phải hữu duyên:
Đức Phật chỉ độ được người hữu duyên, đồng nhân cũng vậy, chỉ có thể hành đạo cứu giúp người có hữu duyên với mình chứ không phải bạ ai cũng giúp được. Việc người cậy sở đến gặp được đồng nhân có thể là do quen biết giới thiệu, về âm phần có thể do phần âm gia tiên đưa tới, nhưng cũng có thể do ma tà dẫn lối đưa đường, nhiều lí do. Nếu khi chưa đủ duyên để giúp thì việc soi xét hay giúp đỡ là khó thực hiện. Lúc này không nên cố cưỡng cầu, không tự ép mình và cũng không ép người tin hay cậy sở mình.
- Sau nữa xét tới năng lực bản thân con đồng:
Dị năng, nội lực hay nguồn năng lượng của con đồng truyền đi không tự nhiên mà có, không tự nhiên sinh ra hay mất đi và cũng không tồn tại bất biến. Khả năng vận dụng dị năng hay năng lực làm việc có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào tinh thần, sự tập trung và cả sức khoẻ ... của đồng nhân.
Bởi đồng nhân hành đạo đa phần làm việc về phần âm, nên sự cảm nhận chính bởi năng lực tinh thần và sự tập trung cao độ khi làm việc.
Ngoài ra, khi sức khoẻ yếu, hoặc do đã dùng năng lượng vào nhiều việc khác, cơ thể không thanh tịnh sạch sẽ thì khi hành đạo khó phát huy được năng lực tối ưu.
Những khả năng cảm âm, tác động âm, dù có là đồng mù (dựa vào dị năng cơ bản, hành đạo theo những khẩu quyết, vẽ bùa, chú, phù... được học âm chứ không thông không hiểu...) hay đồng sáng (có trau dồi học và hiểu các thuật chú, dị năng chỉ là sản phẩm phụ trong quá trình tu tập) đều bị suy giảm rõ rệt. Tức là khi LỰC TỰ TẠI không đủ thì có cố hết sức, có không muốn “ nói điêu” cũng thành vô ý mà nói sai hay làm đúng cách mà không hiệu quả, tạo hình ảnh xấu trong quá trình hành đạo.
- Bị ma tà, oan gia tác động:
Oan gia ở đây có thể là oan gia của người cậy sở, cũng có thể là oan gia của chính con đồng, nhìn chung ma tà hay oan gia đều nhằm mục đích che mắt để con đồng không nhìn thấy việc âm, nhìn sai lệch hoặc không rõ ràng, vừa là để việc cậy sở của người tín tâm không được toại thành, vừa phá hoại đường tu của đồng nhân.
Đừng nói ra đồng là không còn oan gia, đừng nói tu bao nhiêu năm, hành đạo cứu bao nhiêu người là pháp cao trên hết. Đạo cao một thước ma cao một trượng, đạo khai ma khởi. Người tu càng cứu giúp được nhiều người, càng tài năng đức độ, càng quả đạo cao càng lắm ma trướng, trong cuộc sống, trong việc tu tập và đặc biệt là khi hành đạo cứu người.
- Có những trường hợp sự thử thách đến từ chính Chư Thánh:
Và sự thử thách này không chỉ đến với những tân đồng, những người mới vừa ra hành đạo không lâu mà có khi có cả những đồng nhân lâu năm.
Nhà Thánh thử thách con đồng vì sao ?
Chính là để xem con đồng có vì bản ngã, vì danh tiếng, lợi lộc, tiền tài... mà:
- + Không thấy mà nói là thấy ? Làm không được mà nói làm được?
- + Có nói năng nhăng cuội, làm bừa làm ẩu hay không?
- + Có đâm lao theo lao, nói điêu quen miệng, làm sai quen thói rồi trở thành tay sai cho ma tà lợi dụng hay không?
- + Có tự nhận ra bản thân còn yếu kém để tự trau dồi tu tập không? Hay thấy người nọ kẻ kia nhận xét đánh giá bỉ bôi lại nản lòng thoái chí thậm chí đổ cho Chư Thánh không giúp sức, dẫn đến lung lay niềm tin nơi chư Thánh, nơi cửa đạo?
- + Có biết soi xét lại nguyên nhân của sự việc cho chu toàn để tìm phương thức giải quyết triệt để vấn đề cho người cậy sở không, hay chỉ làm qua loa đại khái cho xong ? Ví dụ: Vong linh oan gia của người cậy sở được chư Thánh cho phép ốp nhập để báo cho giả chủ biết mà tìm thầy hoá duyên phù hợp hay trường hợp oan gia nhiều kiếp đòi nợ nếu người thầy pháp không khéo léo thuyết phục, đưa ra các phương án phân định âm dương phù hợp thì việc áp chế giải vong ngay là không hiệu quả mà còn gây thù chuốc oán với vong linh.
- + Có dũng cảm thừa nhận núi cao còn có núi cao hơn, có khiêm tốn biết mình biết ta hay vẫn tự cao ngã mạn coi mình là nhất, có chấp nhận mình đã tu, đang tu và trên đường tu luôn có chướng ngại. Con người không hoàn hảo, không một ai là không bao giờ sai lầm, nhưng có chịu nhận sai sửa sai và tránh lặp lại sai lầm đó hay luôn mặc định mình đúng mà cố tình làm sai tiếp hay không ?
- + Có bị tâm lý sợ hãi, chán nản, xấu hổ ... khi bị không thừa nhận năng lực, bị những kẻ ngoại đạo hay đối nghịch bôi bác bêu xấu ... mà không tiếp tục giúp người, cứu người, bị tâm lý sợ hành đạo (rắn cắn 1 lần cả đời sợ cành củi khô) hay không?...
Đây là phép thử rất thực tế, thường thấy và cũng rất hiệu quả đối với con đồng. Vì nếu khi hành đạo dễ dàng quá, chẳng có vấp ngã, chẳng có chướng ngại... thì con đồng không có sự rèn luyện, không có sự đối chiếu so sánh các trường hợp, dẫn đến quá dựa vào kinh nghiệm quá khứ và dị năng nhất thời mà tự viễn bản thân sinh ngã mạn hay áp đặt các pháp một cách mù quáng.
Như kiểu: Cứ thấy vong ốp là trục vong, cứ thấy oan gia đến đòi nợ là làm bùa chú áp chế, xua đuổi...
Vậy làm sao để không còn tình trạng này ?
Nên nhớ rằng đồng nhân có dị năng hay pháp lực (dù là tự thân có hay được ban, được giúp) giống như một vị bác sỹ có con dao mổ, có máy siêu âm, máy điện tim... nói chung là công cụ, thiết bị để cứu người vậy. Có thiết bị tốt chưa chắc cứu được tất cả bệnh nhân hay có thể chữa được tất cả các loại bệnh dù bác sỹ đó có tài có tâm đi nữa.
Công cụ có tốt, thiết bị có ngày càng hiện đại, hay với kiến thức tài năng uyên thâm ... không bác sỹ nào dám vỗ ngực khẳng định mình không bao giờ mắc sai lầm, không bao giờ vấp ngã mà thành tài, không bao giờ phải bất lực nói câu: “đã cố gắng hết sức ...!!!” ...
Nhưng bởi hai từ “y đức” mà người bác sỹ thực sự sẽ phải nỗ lực hết mình bằng tất cả khả năng, tâm huyết, nhiệt huyết, kiến thức, lương tâm ... để cứu giúp người bệnh.
Cũng vậy, đồng nhân khi ra hành đạo phải hiểu rõ bản thân trong quá trình hành đạo dù sớm dù muộn cũng sẽ có trường hợp bản thân muốn giúp mà không thể giúp được người cậy sở. Thì khi đó hãy dùng tất cả khả năng của mình, dùng tất cả cái tâm của mình đã.
Đừng vì đã từng không cứu được một người mà lại từ bỏ không cứu những người khác, cũng đừng vì đã từng vấp ngã trong quá trình hành đạo mà không nỗ lực tu tập tiếp, rút ra kinh nghiệm bản thân từ những lỗi sai đã phạm.
Đặc biệt, tối quan trọng, chính là đừng bao giờ dù biết đã hành đạo sai nhưng vẫn tiếp diễn cái sai mà hại người hại mình, mà sái tâm với Chư Thánh, có lỗi với đạo!
Muốn cứu được người, muốn tu tập nói chung, hành đạo nói riêng mà không bao giờ có lỗi thì KHÔNG THỂ. Nhưng có thể khiến quá trình hành đạo giảm đi tối đa các lỗi sai, để hạn chế nhất khả năng bị ma tà quấy phá kiểm soát.
Bằng cách: PHẢI TU.
Phải rèn luyện năng lực, rèn luyện sức khoẻ, trau dồi kiến thức đạo, nâng cao ý chí, khả năng tập trung khi làm việc. Để phân biệt được đâu là chân thực, đâu là do ma tà oan gia che mắt, phân biệt âm dương, biết rối ở đâu để gỡ ở đó chứ không nói bừa làm liều ...
Dần dần năng lực bản thân, kinh nghiệm hành đạo đã có, cùng với dị năng được ban ngày càng vững chắc sẽ xử lý được những tình huống khó khăn phức tạp, và giúp được nhiều người hơn nữa.
Ta lại nhắc thêm:
- - Hiện nay, có nhiều trường hợp những kẻ có dị năng cấp thấp đang hành đạo dưới danh nghĩa Đạo Mẫu, chúng chẳng sợ chẳng màng quy tắc, lại được ma tà ban cho năng lực dị năng. Chúng đứng sau những kẻ mượn danh phá đạo này để ăn cắp tín ngưỡng lực bách gia tín đạo ta. Thực trạng này rất nhiều và ngày càng nhiễu loạn.
- - Thêm nữa là những kẻ ngoại đạo, những kẻ đối nghịch luôn âm mưu cố tình phá hoại, bêu xấu Đạo Mẫu bằng nhiều cách, từ những video dàn dựng biến tấu về hầu đồng, về đồng nhân, những phát ngôn hay tuyên truyền phỉ báng truyền thống đạo, đơm đặt chống phá người tu đạo và hành đạo chân chính, thậm chí còn cài cắm đóng vai người đến soi bói, cậy sở nơi cửa điện, nơi làm việc các cô đồng cậu đồng mục đích bêu xấu hay hạ nhục đồng nhân từ đó làm xấu hình ảnh của đạo...
Đồng nhân,đặc biệt là những tân đồng mới chập chững trên con đường tu học và hành đạo cần vững tin nơi cửa đạo, tự tu tập rèn luyện cho mình không những cao đạo mà cao cả bản lĩnh, để sẵn sàng vượt qua những khó khăn khách quan, chủ quan, vượt qua chướng ngại từ oan gia, ma tà, lẫn những kẻ tay sai phá đạo trên dương trần.
Biên chép theo lời giảng của Đồng thầy Trần Thêm – Tự Tuệ Trần.