04/06/2021 11:51 View: 1479

Đạo Mẫu: Tân đồng MONG CẦU sau khi mở phủ

Họa phúc vô môn 
Duy nhân tự triệu

Người ta có nói: “Trọng Thầy mới được làm thầy”. Bây giờ quan hệ thầy trò thời hiện đại nó khác lắm. Mở phủ cho người cũng khác rồi. Không còn câu “Trên theo Phật Thánh dưới theo đồng thầy” nữa.

tu tue tran

Người ta có quá nhiều phương tiện nghe nhìn mạng xã hội thân ít sơ nhiều để tham khảo, nhưng đa phần là những kiến thức góp nhặt chưa có hệ thống, thậm chí nhiều bài viết quan điểm sai lệch, phiến diện, dẫn mê cũng có. Khiến cho người đọc đặc biệt là tân đồng mới chập chững bước vào đạo, đang ham cầu đạo, tìm hiểu kiến thức đạo bỗng thành ra rối trí loạn ảo thêm.

Rồi có những người tâm tham cầu quá lớn...

Nghe thầy theo phép của thầy đạo mình thì ít mà nghe người thiên hạ thì nhiều.

Thường gặp nhất là đi coi bói lại đặc biệt hay nghe là mình chuẩn bị có hạn mình khổ, mình lỗi nọ kia thậm chí thầy mình lỗi nọ kia... chứ chả thấy bao giờ đi soi bói họ bảo mình tốt lên. Vậy mà vẫn cứ đi và vẫn cứ tin không suy xét.

Đây là bệnh chung của các tân đồng thời hiện đại. Căn nguyên cũng bởi không đặt hết niềm tin vào thầy mình khi thầy mở phủ và càng không tin vào mình. Thế là từ bất tín tào đi học lề lối pháp tắc cóp nhặt loạn nên ở ngoài, nào so bì mong cầu... dẫn đến thậm chí ngã tâm sợ bóng sợ gió đủ loại... Rồi đi soi đi bói... 

Mà gặp các thầy khác người thì tốt có xấu có nhưng thường thì xấu thì nhiều, lời khuyên thì ít nhưng lời gièm pha thì chiếm 99%.

Họ không dậy cái gì nhưng họ chọc ngoáy để con đồng ngã tâm thì nhiều lắm. Gặp ai họ cũng bảo lỗi đồng nên xoay khăn, ma tà, âm binh nọ kia... Thậm chí họ biết thầy các bạn là ai còn gièm pha dựng chuyện bới móc thầy các bạn... Tốt thì không thấy nói, xấu thì họ nói chuyện nhỏ chuyện lớn nhiều vô kể.  Có khi là đơm đặt, bịa chuyện… bạn có phân biệt được chăng?

Cái câu “nhân vô thập toàn” ai cần biết?

Ông Thầy chứ có phải là ông Thánh đâu?

Phải hiểu ông thầy cũng chưa trọn và đang tu.

Thầy có đường tu của thầy, trò cũng vậy. Tân đồng tự suy diễn vọng ông Thầy thành ông Thánh, rồi đến khi chỉ một chút không vừa ý là vỡ mộng, sinh tâm chán ghét, nghi kỵ, xa thầy thậm chí phản thầy…

Đạo nghĩa thời nay đã không còn như xưa. Những từ ngữ như: Thầy tiền, Thầy lởm, Thầy tà, Thầy dởm, Đồng nát hay Thầy hổ mang… đã không phải hiếm mà có khi còn quá nhiều.

Bản chất của người thầy miền bắc thì 99 % là theo cửa nội đạo Thượng Từ Kiếp Bạc và cửa Đình Thần tứ phủ.

Thầy đồng bây giờ cũng có cái khó. Họ khổ hơn các thầy ngày xưa về truyền đạo nhiều. Vì đệ tử con nhang bây giờ nhiều người họ khác xưa quá, họ mong cầu quá, họ dãi đãi quá.

Mỗi ông mỗi nhà mỗi bà mỗi phép. Mọi việc muốn tốt thì cái gì cũng phải từ từ.

Ngày xưa người có căn sâu quả nặng cơ hành đủ loại nhờ các đến thầy mở phủ để dần an mệnh, để học đạo, tu đạo... Mọi việc xưa nó diễn ra bình thường và từ từ an yên. Đồng con không dám đơm sai hay sái tâm với cửa đạo, cửa đồng thầy. Ngày xưa gần như 100% không xoay khăn bỏ thầy.

Bây giờ 99% thầy đồng đều có con nhang xoay khăn dù là người thầy đó nổi tiếng nhất danh giá nhất và cả tâm đức cũng có con nhang xoay khăn.

Trước đây: Trừ khi thầy đó không có đạo và Thánh tha ma nhập không trọng thầy của thầy mình.

Và người đồng nhân khi xưa cố gắng tu để học đạo và cầu an yên hơn là đủ. Vì mở phủ chưa ai có thể an hết được ngay, phải dần dần, và phải TU. Nhưng bây giờ xã hội mới thì đủ loại đòi hỏi mong cầu.

Tan dong mong cau

Những mong cầu của con đồng thường là:

Mình mở phủ rồi nhưng:

  • 1. Sao mình chưa có lộc lá tiền bạc giống người ta?
  • 2. Sao chưa phất và giầu nhanh
  • 3. Sao chưa có nhiều người yêu (con đồng chưa chồng chưa vợ), chưa gặp được hoàng tử hay công chúa?
  • 4. Sao chưa có địa vị công danh?
  • 5. Sao mở phủ rồi oan gia vẫn có?
  • 6. Sao thỉnh thoảng ta lại vẫn bị vong ốp nhập?
  • 7. Sao ta mở phủ rồi mà đến đền phủ vẫn bị trói hay bị cơ (Việc này phải xem nguyên nhân căn mệnh mà xử lý).
  • 8. Sao ta không biết xem bói, không có dị năng như đồng anh lính chị hay đồng đạo?
  • 9. Sao ta không kiều được vong?
  • 10. Sao ta không cảm nhận giao thiệp được với thế giới vô hình?
  • 11. Sao ta không dọa được vong ma (mà vẫn sợ ma)?
  • 12. Sao ta cũng có lộc soi bói, có dị năng khác mà không có người cậy sở đến?
  • 13. Sao ta không cầu xin được nhà Thánh?
  • 14. Sao ta chưa tỉnh táo để giống người bình thường triệt để? Lúc tỉnh lúc mê???
  • 15. Sao ta chưa có cuộc sống vợ chồng gia đình hạnh phúc? Sao thầy mình mở người kia giàu nhanh tốt nhanh, có năng lực nhanh… mà mình vẫn cơ đầy chưa hết?

Rất nhiều mong cầu, so bì…

Thậm chí nhìn một vài con đồng ở bản hội khác lại so bì và cho rằng mình chưa an yên, thầy mở chưa được, mở lỗi, mở sai…

Ở đời 99% con đồng thường so bì với người an yên nhanh hơn mình, tốt nhanh hơn mình mà không bao giờ so bì với người cũng mở phủ nhiều năm mà còn cơ hơn mình dù cho là một thầy mở. 

Tại sao vậy?

Xin thưa: MONG CẦU ai cũng có.

Người ta ham cầu nhìn lên để so bì chứ hiếm khi nhìn xuống để thấy mình may mắn an yên hơn người. Một người là Đồng Thầy thì thường hay gặp nhất là những câu hỏi trên của các con nhang. Khi đó:

 - Có thầy thì hướng con nhang tu các môn các pháp và lề lối với âm dương trong đạo để an yên. 

 - Và còn đâu 99% câu trả lời thường là: tu đi từ từ sẽ có

Có người hỏi tôi: Pháp gì? Thuật gì? Mà thầy cao tay là gì?

Tôi đáp: VẠN PHÁP QUY TÂM và cao nhất là “Đạo pháp tự nhiên”.

Cổ nhân nói: Tâm pháp nhân nhân pháp thần, thần pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên. Cổ nhân đâu nói sai, là do con người hiểu sai đó thôi.

Những thứ giản dị, mộc mạc mới là pháp.

Pháp ở quanh ta và cao tay nó cũng từ tâm ...thần… pháp... tự nhiên .

Đạo Mẫu có pháp môn hầu đồng lại tối tự nhiên. Không làm cũng như làm mới gọi là cao tay, vô hình vô tướng làm như không làm và ngược lại. Thánh nhân xưa kia ngồi một chỗ mà nhìn được cả thiên hạ, không rời nhà nửa bước mà vẫn trung dung.

Tôi theo Đạo Phật Thánh học dần cái của Thánh Nhân, qua rồi cái tiểu đạo sơ cơ hành trì và rồi cũng lấy tự nhiên và tâm đạo làm gốc.

Một người có căn sâu quả nặng ra trình đồng ai cũng cần giải thoát từng phần chứ không bao giờ giải thoát hết chuyện cơ hành một lúc, lấy 15 đề mục các tân đồng ở trên. Chỉ cần an yên được 3 câu ở trên mà mình mắc và 6 câu hỏi đề mục tốt dần lên là yên 90% rồi.

Vì rằng ai cũng có nghiệp. Không lẽ ông thầy là ông Thánh à? Cứ mở phủ là phải yên hết à? An yên ngay hay sao?

Trước khi ra mở phủ, ta xem mình cần gì và mong cầu điều gì. Chọn cho mình ba cái đề mục ở trên. Nếu mở phủ một thời gian khoảng 1 năm mà an một cái là có tiến bộ.

Rồi tu dần, an yên dần dần.

Đừng cứ không an yên 100% ngay là đổ tội cho ông thầy, xoay khăn tứ tung chửi cả Thánh lẫn Thầy.

Thầy đã nhất tâm cửa Thánh thì thầy dù dốt lẫn giỏi 99% mở phủ cho con nhang cũng làm hết sức mình. Còn việc con nhang có tốt lên, có chuyển biến cũng cần thời gian, cần sự tu tập của đồng con và cả sự bảo ban của đồng thầy. Đừng đổ hết cho thầy cho Thánh.

Dù người thầy tốt không tham cầu tiền tài con nhang tín cậy, đã làm lễ họ đều ra công hết sức và luôn muốn con nhang mình tốt lên.

Không ai muốn mình mở phủ mà nó còn không bằng không mở.

Khi con nhang ra trình đồng một thời gian vẫn còn không bằng lúc mình không mở mới phải xem lại chút, thầy trò cùng xem lại, cùng cân chỉnh.
Chứ con nhang tốt lên dù là một chút thôi lại không chịu nỗ lực tu theo thầy, lại đi học hỏi linh tinh, đi xem bói, tự nhiễu loạn tâm mình, khinh bạc ông thầy đã từng giang tay cứu vớt dẫn mình vào đạo, hay tự cao ngã mạn xa thầy bỏ đạo ... thì tự con đồng mới là sai.

Nhớ rằng:

Họa phúc vô môn
Duy nhân tự triệu 

Do mình bị ngã tâm đi nghe lời thiên hạ, cho rằng thiên hạ toàn người nói tốt, bói tốt, soi tốt… rồi thầy mình dở, thầy mình kém, thầy mình không bằng người… thậm chí chê Thánh chửi Thầy xoay khăn thì tự chịu.

Tân đồng nên nhớ:

Thầy nào cao thấp giỏi mấy cũng không qua được chữ tâm đức.

Cứ nhìn vào cuộc sống gia đình họ và tâm đức của họ, cung cách hầu hạ và lối sống là biết.

Họ tốt, gia đình họ tốt… mới nói lời tốt, dẫn đạo tốt. Chứ còn họ và gia đình họ không ra sao thì họ khuyên các liệu có thực hữu ích? Cũng phải xem lại tư cách của họ.

Cũng vậy, người đời nói ta bị nọ bị kia, lỗi này lỗi khác, thầy ta thế này thế nọ… ta cũng phải tự xét xem có đúng không chứ đừng vội cái gì cũng tin, rồi áp đặt niềm tin, rồi sái tâm là khổ.

Tân đồng cũng phải xem lại chính mình xem mình đã nỗ lực tu chưa? Đã theo chỉ dẫn của thầy chưa? Đã thực tín thực tâm chưa?... không có cứ đổ hết cho thầy mở phủ... thì cũng không ra sao.

Thấy mình tốt dần lên so với lúc chưa mở phủ thì hãy nỗ lực mà cố gắng. Đừng quá tham lam, đừng quá mong cầu an yên hết, cũng đừng nghe ai ngoài thầy mình và cũng đừng đi xem bói linh tinh. Chỉ thêm loạn.

Tôi cũng khuyên: "Các vị hay soi bói chọc ngoáy để người ta mà đặc biệt là tân đồng lỗi đồng lỗi đạo là những người chịu nhiều hậu quả nhất.  Vì do các vị nói láo làm họ ngã tâm, họ bị khổ một thì các vị khổ gấp hai lần, con cái các vị cũng gánh một phần. Thầy cũng có tam nghiệp đấy. Chớ có quên!"

Bản quyền thuộc về đồng thầy Trần Quốc Thêm – Tự Tuệ Trần - 2016