Những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết mà chúng ta thường nghe khi còn nhỏ đều có nhắc đến “người khổng lồ”. Ví như trong thiên sử Hy Lạp “Odyssey”, nhân vật chính từng trôi dạt đến một hòn đảo và chạm trán với một người khổng lồ một mắt, rồi chiến đấu với anh ta.
Dấu chân khổng lồ ở đền Ain Dara, Syria. (Ảnh: NTDTV chụp màn hình video)
Trong truyện cổ Grimm cũng đề cập đến một người đàn ông tên là Jack, người đã leo lên đỉnh của cây đậu thần và gặp một người khổng lồ. Cuốn tiểu thuyết “Gulliver Du Ký” cũng có đề cập đến vùng đất Brobdingnag (đất nước của những người khổng lồ). Còn trong cuốn “Thái Bình Quảng Ký” ở Trung Quốc thì có một câu chuyện kể rằng, có một nhóm phụ nữ đi thuyền, bởi vì muốn tránh bão nên đã ghé vào một hòn đảo, kết quả bị một nhóm người khổng lồ trên đảo bắt gặp và bị gọi đi may quần áo cho họ.
Từ rất nhiều câu chuyện như vậy, có thể thấy rằng dường như những người khổng lồ đã thực sự tồn tại. Nhưng kể từ thế kỷ thứ 19, sau khi Darwin đưa ra “Thuyết Tiến hóa”, những người được gọi là chuyên gia về nhân chủng học đã cho rằng người khổng lồ là không thể tồn tại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước những phát hiện khảo cổ liên tục về người khổng lồ, cộng với những nghi ngờ về “Thuyết tiến hóa” của Darwin, đã khiến người ta phải suy nghĩ lại.
Vậy, truyền thuyết về “người khổng lồ” rốt cuộc có phải chỉ là truyền thuyết hay không?
Hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu về “dấu chân” của những người khổng lồ trên khắp thế giới.
Dấu chân khổng lồ ở thị trấn Nam Phi
Vào năm 1912, một người thợ săn tên là Stoffel Coetzee đã vô tình giẫm phải một dấu chân khổng lồ ở Mpuluzi, một thị trấn nằm ở phía đông bắc của tỉnh Mpumalanga, Nam Phi, gần Swaziland. Dấu chân dài khoảng 1.2 mét này đã được các nhà khảo cổ xác định có lịch sử khoảng 3.1 tỷ năm. Người dân địa phương gọi đó là “dấu chân của Chúa”, vì dấu chân này gần như tương xứng một cách hoàn mỹ với bàn chân của con người.
Theo các chuyên gia khảo cổ, nếu dấu chân này là của một người khổng lồ để lại, thì người khổng lồ đó phải cao ít nhất là 7 mét. (Ảnh chụp màn hình video “Truyền thuyết Tiểu vũ trụ”)
Nhà nghiên cứu cổ vật người Áo Klaus Dona và nhà thám hiểm Nam Phi kiêm nhà văn Michael Tellinger đã đến hiện trường nơi có dấu chân này. Theo họ, nếu dấu chân này là của một người khổng lồ để lại, thì người khổng lồ đó phải cao ít nhất là 7 mét.
Dấu chân này nhúng trên một khối đá granit “phenocrystic”, trải qua các giai đoạn ngưng tụ khác nhau, trên bề mặt khối đá đã hình thành các hạt vật chất với kích thước khác nhau. Phần dấu chân cũng có hình dáng tương tự, có nghĩa là nó đã trải qua một quá trình tương tự, bởi vậy rất không có khả năng là nó được chạm khắc bởi bàn tay con người.
Các chuyên gia còn cho biết, các dấu vết tại mặt bên của khối đá cho thấy rõ ràng rằng chuyển động của các bản khối đại lục đã đẩy khối đá này lên trên mặt đất. Muốn xác định tuổi chính xác của dấu chân thì vẫn cần thêm các kết quả kiểm tra khoa học.
Một số người cho rằng, đó đơn thuần là sự ngẫu nhiên, chỉ là một hình dạng do tự nhiên hình thành. Tuy nhiên, ông Tellinger đã phản bác quan điểm này. Ông dẫn lời Pieter Wagener, một nhà toán học tại Đại học Port Elizabeth ở Nam Phi rằng: “Khả năng một người ngoài hành tinh màu xanh lá cây dùng lưỡi liếm ra hình dạng này còn lớn hơn so với khả năng là do xói mòn tự nhiên”.
Ông Dona thì cho rằng Trái Đất đã từng trải qua nhiều trận đại hồng thủy, trong đó phần lớn con người và động vật đã bị hủy diệt, chỉ còn một số ít may mắn sống sót. Ông cảm thấy rằng nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường khoa học hiện đại, chiến đấu lẫn nhau và phá hủy thiên nhiên, thì nhân loại sẽ một lần nữa tự đẩy mình đến sự diệt vong.
Ngoài ra, ông Dona cũng liên hệ dấu chân khổng lồ này với “bộ xương khổng lồ” được tìm thấy ở Ecuador.
Một dấu chân khổng lồ dài gần 90 cm được tìm thấy ở bang Kansas, Mỹ. (Ảnh: Floyd M. Gurley)
Vào năm 1964, gia đình của linh mục Công giáo Carlos Vaca đã phát hiện thấy một số bộ hài cốt khổng lồ trong một thung lũng ở miền nam Ecuador. Ông Klaus Dona đã tìm đến gặp linh mục Carlos Vaca và mang một vài mảnh hài cốt về Áo để làm cổ vật cho triển lãm “Những bí ẩn chưa được giải đáp” (Unsolved Misteries) của ông.
Ông Doner (phía trên bên trái) xác nhận việc phát hiện ra hài cốt của người khổng lồ ở Ecuador vào năm 1964 và tính xác thực của bức ảnh chụp hài cốt trong một email. (Ảnh chụp màn hình trang web / Epoch Times tổng hợp)
Sau khi trải qua thẩm định của nhiều chuyên gia, đã xác định được rằng hai trong số những mảnh hài cốt đó là xương gót chân và xương chẩm, cả hai đều thuộc sở hữu của người khổng lồ với chiều cao 7.6 mét. Điều đáng tiếc là tuổi của bộ xương đã quá lâu, nên không thể trích xuất DNA hợp lệ để các chuyên gia nghiên cứu.
Bức ảnh chụp xương đùi người hóa thạch dài đến 120 cm. (Ảnh chụp màn hình video “Truyền thuyết Tiểu vũ trụ”)
Vào cuối những năm 1950, rất nhiều xương hóa thạch có kích cỡ rất lớn đã được tìm thấy trong các thung lũng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi điều tra, người ta đã xác nhận rằng chúng rất giống với xương người nhưng kích thước lại lớn đến kinh ngạc. Giống như trong bức ảnh trên, đây là một xương đùi người hóa thạch dài đến 120 cm. Theo tỷ lệ này, chiều cao của “người này” là 5 mét, và không quá khoa trương khi gọi đó là một người khổng lồ.
Dấu chân khổng lồ được tìm thấy ở Kansas, Hoa Kỳ. (Ảnh chụp màn hình video “Truyền thuyết Tiểu vũ trụ”)
Dấu chân trong bức ảnh này thì được Tiến sĩ C. N. Dougherty mô tả trong cuốn sách “Thung lũng của những người khổng lồ” (Valley of the Giants), đây là dấu chân khổng lồ được tìm thấy ở Kansas, Hoa Kỳ. Người ta ước tính rằng nếu đó là dấu chân của một người khổng lồ, thì người đó phải cao khoảng 25 feet (7.62 mét).
Những dấu chân khổng lồ ở đền Ain Dara
Một cặp dấu chân khổng lồ khác được tìm thấy tại ngôi đền Ain Dara, nằm ở Tây Bắc Aleppo, Syria vào năm 1955. Đó là ngôi đền có từ hàng nghìn năm trước từ thời kỳ đồ sắt. Người khai quật ngôi đền, ông Ali Abu Assaf cho biết ngôi đền tồn tại từ năm 1300 đến năm 740 trước Công nguyên, và nó được xây dựng trước Đền thờ của Solomon.
Đền Ain Dara được chia thành ba phần: hiên trước cổng vào, tiền sảnh và đại sảnh (bao gồm cả điện thờ). Ngôi đền được trang trí với hàng trăm hình ảnh chạm khắc, chẳng hạn như: sư tử, thiên thần, động vật thần bí, Thần núi, thiết kế hình học, v.v. là những minh chứng của một quá khứ huy hoàng.
Những khối đá được chạm khắc ở Đền Ain Dara. (Ảnh: wikipedia)
Điểm đặc biệt nhất là nơi đây có 4 dấu chân khổng lồ trên nền đá, mỗi dấu chân dài khoảng 1m. Hai trong số chúng nằm ở cạnh nhau chỗ hiên trước cổng, một cái khác ở phía trước hai cái này; và một cái ở lối vào đại sảnh.
Do hai dấu chân phía sau cùng là dấu chân trái và dấu chân phải, và dấu chân trên dưới cách nhau khoảng 9 mét, cho nên một số người suy đoán rằng đây có thể là dấu chân do một người khổng lồ để lại. Nếu có thể đi được khoảng cách 9 mét trong một bước, thì chiều cao của người khổng lồ này hẳn là khoảng 20 mét
Vậy, những dấu chân khổng lồ này là do người khổng lồ lưu lại, hay là do Thần linh hoặc động vật lưu lại? Hay là đến từ một nơi khác? Nó đại diện cho điều gì? Hiện bí ẩn này vẫn chưa có câu trả lời chính xác cuối cùng.
Ngón tay khổng lồ ở Ai Cập
Cho đến hiện nay, bằng chứng có ảnh hưởng nhất chứng minh cho sự tồn tại của những người khổng lồ là bức ảnh di vật ngón tay dài 38 cm do doanh nhân 56 tuổi người Thụy Sĩ, ông Gregory Spörri, công bố vào năm 2012, và được trang web Bild.de của Đức đưa tin. Ông Gregory tuyên bố đã nhìn thấy một ngón tay khổng lồ được ướp xác ở Ai Cập vào những năm 1980.
Ông Gregory Spörri nói rằng mình đã đi du lịch đến Ai Cập vào năm 1988. Vào ngày cuối cùng của chuyến đi, tại Bir Hooker, cách Cairo 100 km về phía đông bắc, ông đã gặp một ông lão tự nhận là kẻ trộm mộ. Ông lão bảo sẽ cho ông Gregory Xem một ngón tay khổng lồ, nếu cho ông ta 300 USD.
Ông Gregory mô tả rằng, ngón tay này được đặt trong một cái bọc hình bầu dục và có mùi nấm mốc. Sau khi mở ra, móng của ngón tay này có thể thấy rõ là đã bị tổn thương, trên phần da bị rách còn có nấm mốc. Ông lão còn cho ông xem hai tài liệu từ những năm 1960 để chứng minh đây là ngón tay của người khổng lồ, một là phim chụp X-quang, hai là giấy xác nhận của bác sĩ xác nhận rằng đó là ngón tay người.
Ngón tay khổng lồ được ông Gregory Spörri người Thụy Sĩ nhìn thấy ở Ai Cập vào năm 1988. Ở góc dưới bên phải là ảnh chụp X-quang ngón tay và giấy xác nhận của bác sĩ. (Ảnh chụp màn hình video / Epoch Times tổng hợp)
Ông lão khẳng định rằng sẽ không bán ngón tay khổng lồ này, và nói với ông Gregory rằng mọi thứ mà gia tộc ông trộm được từ lăng mộ đều có thể bán, ngoại trừ ngón tay này. Cuối cùng ông Gregory chỉ chụp được một vài bức ảnh, một trong số đó là tờ tiền dài 15 cm được đặt cạnh ngón tay để so sánh.
Về sau, ông Gregory đã quay trở lại Ai Cập để tìm kiếm ông lão và ngón tay của người khổng lồ, nhưng không rõ tung tích.
Ngày nay, một người cao hơn 2 mét thì đã có thể được gọi là “người khổng lồ” rồi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Liên Hiệp Quốc vào năm 1983, người đàn ông cao nhất vào lúc đó là anh Fyodor Makhnov người Belarus, với chiều cao 2.85 mét; người phụ nữ cao nhất là Sandy Allen người Mỹ, với chiều cao là 2.32 mét. Vào ngày 21/3/1987, tờ “Nhật báo Nội Mông” đưa tin rằng, Gabriel Estêvão Monjane, một người lao động bình thường 39 tuổi ở Mozambique, Phi Châu, với chiều cao cơ thể 2.45 mét, đã được sách kỷ lục Guinness ghi vào danh sách những người cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng những hiện vật cổ đại này có thể chứng minh sự tồn tại của người khổng lồ. Rất nhiều người cho rằng đây chỉ là một câu chuyện thần thoại do người xưa hư cấu. Nhưng nếu “người khổng lồ” chỉ là thần thoại, tại sao chúng ta lại thấy những dấu chân “quá khổ” như thế trên khắp thế giới? Thậm chí là cả vết tích về cuộc sống của họ? Và tại sao niên đại và lịch sử của những dấu chân này lại nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta?
Người ta đều nói rằng, ai bước đi cũng sẽ lưu lại dấu vết, vậy những dấu chân được phát hiện này muốn nói với chúng ta điều gì?
Nguồn: Etviet - Theo Epoch Times