16/04/2022 11:17 View: 289

Sao chổi khổng lồ từng bay về phía Mặt Trời, lõi băng nặng 500 nghìn tỷ tấn

Thông cáo báo chí của NASA hôm thứ ba (13/4) cho biết Kính viễn vọng Không gian Hubble đã quan sát được một sao chổi lớn nhất từng được nhìn thấy, với lõi băng nặng 500 nghìn tỷ tấn.

 

Hình mô phỏng sao chổi C/2014 UN271 hướng về phía Mặt Trời. (Ảnh: NOIRLab / NSF / AURA / J. Da Silva)

Kính viễn vọng Hubble đã tìm thấy một sao chổi, bao gồm đầu sao chổi, đuôi sao chổi và phần lõi băng, nó được đánh số C/2014 UN271, với lõi băng có đường kính lên tới 80 dặm và khối lượng khoảng 500 nghìn tỷ tấn, khiến nó trở thành sao chổi lớn nhất từng được ghi nhận.

Sao chổi này còn được gọi là Comet Bernardinelli-Bernstein, là sự kết hợp giữa tên của hai nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra nó vào năm 2010.

Nhưng chỉ đến bây giờ các nhà khoa học mới đo được nó thực sự lớn như thế nào. Đó một phần là do nó cách Trái đất khoảng 2 tỷ dặm, xa hơn cả Sao Thiên Vương. Một lý do khác là nó được bao quanh bởi một lớp vỏ khí và bụi dày, kéo theo đuôi đặc trưng của sao chổi.

Bằng cách kết hợp một lượng lớn dữ liệu quan sát của Hubble, các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Ma Cao cuối cùng đã có thể tách các phần của hạt nhân sao chổi ra khỏi vỏ ngoài của nó và tính toán khối lượng chính xác của cấu trúc lõi.

David Jewitt –  một trong những nhà nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Nó lớn vô cùng và đen hơn carbon. Cách đây rất lâu, chúng tôi đã nghi ngờ rằng sao chổi này cực lớn vì nó có vẻ rất sáng từ khoảng cách xa như vậy, và bây giờ nó cuối cùng đã được xác nhận.”

Trong hơn một triệu năm, C/2014 UN271 đã tiến gần Mặt Trời hơn. Các tính toán cho thấy vào năm 2031, nó sẽ gần sao Thổ hơn Trái Đất. Tuy nhiên, xét về kích thước thì khoảng cách này đã khá gần. Một ngày nào đó trong tương lai, nó sẽ bay cách xa Mặt Trời, và khoảng 3 triệu năm nữa nó mới quay lại gần Mặt Trời một lần nữa.

Sao chổi là một dạng thiên thể đặc biệt được tạo thành từ băng và bụi quay quanh Mặt Trời. Khi chúng ở đủ gần Mặt Trời, thì phía sau sao chổi sẽ kéo dài một cái đuôi, đây là đặc điểm nổi bật của loại thiên thể này. Đôi khi, đuôi sao chổi có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái Đất, là một cảnh đẹp hiếm có trên bầu trời đêm.

Các nhà khoa học đặc biệt chú ý đến các sao chổi ở những vị trí xa xôi, vì họ cho rằng chúng dành phần lớn thời gian ở rìa của hệ Mặt Trời, ở những vùng nhiệt độ thấp, chứa đựng rất nhiều vật chất nguyên thủy ở thời kỳ mới ra đời của hệ Mặt Trời.

Mặc dù chúng thường ở rất xa Mặt Trời, không hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi sức nóng của Mặt Trời, nhưng một số sao chổi vẫn hoạt động mạnh – liên tục phát ra khí và các chất khác nhau làm tăng độ sáng của chúng. Các nhà khoa học hiện chưa biết chính xác đây là loại cơ chế nào. Đối với các chuyên gia thì sao chổi C/2014 UN271 chính là một đối tượng tuyệt vời để nghiên cứu.

Nghiên cứu được công bố ngày 12/4/2022 trên tạp chí ‘The Astrophysical Journal Letters’.

Nguồn: SH - Theo The Epoch Times