07/04/2022 11:37 View: 489

Sự thật 99.999 viên gạch "ma quái" xây cửa ải Vạn Lý Trường Thành

Câu chuyện về những viên gạch xây dựng Gia Dục Quan luôn là đề tài hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch tìm đến nơi này tham quan và tìm hiểu.

Vạn Lý Trường Thành là một trong những công trình vĩ đại nhất ở Trung Quốc, được xây dựng với mục đích bảo vệ Trung Hoa khỏi mối đe dọa từ người Hung Nô, Mông Cổ và những bộ tộc du mục phương Bắc khác. 

Kỳ quan này có chiều dài hơn 8.000 km bao gồm cả tường thành do con người xây dựng và tường hào/rào chắn tự nhiên. Trải qua hơn 2000 năm, Vạn Lý Trường Thành vẫn ở đó, uy nghi và sừng sững như một người cận vệ trung thành, chứng kiến lịch sử Trung Quốc xoay vần.

Ngày nay, công trình này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Vì có một bề dày lịch sử kéo dài hơn 2 thiên niên kỷ nên nơi này còn chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn mà hậu thế luôn muốn khám phá. Trong nhiều câu chuyện huyền thoại xoay quanh Vạn Lý Trường Thành, chuyện về 99.999 viên gạch ở Gia Dục Quan là bí ẩn và hấp dẫn nhất khiến địa điểm này trở thành điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch mỗi khi tới nơi đây du lịch.

Cửa ải Gia Dục Quan. Ảnh: Internet

Gia Dục Quan vốn là cửa ải nằm ở cực Tây của Vạn Lý Trường Thành, thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Nơi đây được xây dựng từ năm 1372 dưới thời nhà Minh và được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". 

Lần đầu tiên xây dựng, Gia Dục Quan chỉ cao 6 mét và có diện tích 2.500 mét vuông. Hiện tại, cửa ải này có tổng diện tích hơn 33.500 mét vuông, lớn hơn nhiều lần so với ban đầu. Cùng với Cư Dung Quan và Sơn Hải Quan, Gia Dục Quan chính là một trong những cửa ải chính và cũng chính là công trình quân sự cổ đại còn nguyên vẹn nhất của Vạn Lý Trường Thành. 

Truyền thuyết kể rằng từ khi khởi công, quan phụ trách đã yêu cầu người thiết kế ước lượng số viên gạch cần đến. Người đảm nhận công việc này là Dịch Khai Chiêm. Vốn là một nhà toán học lỗi lạc thời Minh, ông đã lên kế hoạch tỉ mỉ và nhận định cần tới 99.999 viên gạch để hoàn thành công trình. Tuy nhiên, viên quan phụ trách không tin và nói rằng chỉ cần tính sai một viên thì quân lính sẽ phải lao động khổ sai trong 3 năm, còn Dịch Khai Chiêm sẽ bị chém đầu.

Khi pháo đài hoàn thành, quả nhiên còn một viên gạch thừa lại. Viên quan phụ trách đắc ý, ra lệnh phạt Dịch Khai Chiêm cũng như số lính xây thành. Tuy nhiên, Dịch Khai Chiêm lại bảo viên gạch thừa là viên gạch Thành Chuyên, vốn do thần tiên đặt ở đó, nếu xê dịch sẽ khiến cả đoạn tường thành sẽ sụp đổ."

Viên quan nghe vậy chẳng tin và cho bỏ viên gạch đi. Chẳng ngờ khi viên gạch vừa bị xê dịch, đoạn tường thành liền đổ sập xuống và phải xây lại lần 2. Sau khi tái xây dựng, viên gạch đó đến nay vẫn được đặt trang trọng trên cổng thành Gia Dục Quan, hiện hữu như một “chứng tích lịch sử” sống động và thiết thực cùng năm tháng.

Đã trải qua gần 700 năm trôi qua, câu chuyện này vẫn khiến bao người ngưỡng mộ, thán phục về một Dịch Khai Chiêm tài giỏi, là bậc thầy trong kiến thiết xây dựng.

Nguồn: NTDVN