29/03/2022 11:59 View: 503

Tầm nhìn tương lai của Nikola Tesla đã thành hiện thực

Nikola Tesla, một người có tầm nhìn xa trông rộng, là một kỹ sư, nhà vật lý, nhà phát minh và nhà tương lai học nổi tiếng với những đóng góp trong việc thiết kế hệ thống cung cấp điện xoay chiều (AC) hiện đại. Nhưng còn nhiều, nhiều hơn thế nữa.

Một bức ảnh phơi sáng nhiều lần ghi cảnh Nikola Tesla đang ngồi bên cạnh "máy phát phóng đại" tạo ra hàng triệu vôn. Các vòng cung dài 7m không phải là một phần của hoạt động bình thường, mà chỉ được tạo ra để tạo hiệu ứng bằng cách xoay nhanh công tắc nguồn. (Ảnh: Tài sản công)

Ông sinh ra trong cơ hàn, chết không một xu dính túi.

Suốt cuộc đời, Nikola Tesla chịu đựng nhiều cơn bạo bệnh. Mặc dù vậy, ông đã phát triển nhiều công nghệ giúp đưa con người đến gần nhau hơn và làm cho thế giới thành một nơi đáng sống hơn.

Nỗ lực của nhà phát minh về căn bản là cứu cánh. Dù là khai thác năng lượng, phát triển thiết bị hay cung cấp sự tiện nghi, tiện lợi, anh ta đều đang mang thêm an toàn cho sự tồn tại của chúng ta.

—Nikola Tesla (Tất cả trích dẫn đều từ quyển sách “My Inventions: The Autobiography of Nikola Tesla,” tạm dịch: “Những phát minh của tôi: Nikola Tesla Tự truyện,” Ben Johnston biên soạn và hiệu đính.)

Sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Balkans, Tesla thường mơ ước về những cải tiến có thể làm cho cuộc sống tốt hơn và dễ dàng hơn cho con người. Ông muốn “khai thác năng lượng tự nhiên để phục vụ con người.” Ông tin rằng điều này chỉ có thể xảy ra tại “Miền đất hứa hoàng kim”—Hoa Kỳ—nơi mà mọi giấc mơ có thể trở thành hiện thực.

Bạn có thấy nguồn điện truyền vào ngôi nhà của mình quan trọng không? Hãy nghĩ đến Nikola! Bạn có nhìn lên bảng hiệu đèn huỳnh quang để tìm một doanh nghiệp nào đó không? Hãy nghĩ đến Nikola! Bạn có thích nghe những bản nhạc bất hủ hay cuộc nói chuyện thú vị trên radio không? Hãy nghĩ đến Nikola! Bạn có thích dùng thiết bị điều khiển từ xa để mở TV, mở cửa nhà để xe hoặc để vận hành một chiếc drone không? Hãy nghĩ đến Nikola! Và tất nhiên, có ai không dùng điện thoại di động không? Hãy nghĩ đến và cảm ơn Nikola Tesla.

Trí tưởng tượng và những ước mơ thời niên thiếu

Nikola sinh ra tại Smiljan, thành phố Lika, thuộc Đế chế Áo-Hung vào ngày 10/7/1856. Ngày nay, Smiljan là một phần của Croatia. Ông là người con thứ hai của bà Georgina (Djuka) và ông Milutin Tesla. Cha của bà Georgina là Đức cha Tesla (Nikola Mandić), một linh mục chính thống giáo Serbia. Nikola Tesla từng nói: “Ngay từ khi được sinh ra, tôi đã có ý định trở thành nhân viên văn thư và tôi luôn mang nặng ý nghĩ này trong tâm.” 

Không quan tâm đến đời sống tín ngưỡng, thay vào đó, cậu thiếu niên Nikola bị thu hút bởi sự thông minh và trí sáng tạo của người mẹ. Bà Djuka là người con lớn trong gia đình có 8 người con. Mặc dù bà là người duy nhất trong gia đình không được đến trường nhưng có lẽ bà là người cần cù và sáng tạo nhất.

Bà Djuka có tài chế tạo các công cụ thủ công và thiết bị cơ khí và có thể thuộc lòng các bài thơ sử thi của Serbia. Nikola thừa nhận trí nhớ và khả năng sáng tạo của mình (đôi khi được gọi thông tục là “nhớ như in”) được thừa hưởng từ mẹ.

Khi còn bé, Nikola rất yêu thích thiên nhiên. Những khu rừng trên núi cao mang đến nhiều cơ hội để mơ mộng và trải nghiệm với những nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió và đặc biệt là nước.

“Tôi bị cuốn hút bởi hình ảnh dòng thác Niagara mà tôi đã xem qua và tôi hình dung hình ảnh một bánh xe lớn quay trong dòng thác. Tôi nói với chú tôi rằng tôi sẽ đến Mỹ quốc và thực hiện kế hoạch này. Ba mươi năm sau, tôi thấy các ý tưởng của mình đã được thành hiện thực tại Niagara. Tôi kinh ngạc trước bí ẩn không ngờ của tâm trí.” 

Mặc dù cha mẹ muốn Nikola trở thành một linh mục nhưng họ đã để cho con trai theo đuổi sở thích của mình sau khi cậu trải qua một trận dịch tả nghiêm trọng thời niên thiếu. Chỉ vài năm sau khi theo học trường Bách Khoa tại Graz, Áo và làm một vài công việc lặt vặt, Tesla bắt đầu phác thảo nguyên lý động cơ cảm ứng.

Làm việc tại Âu Châu, sau đó làm việc trực tiếp với Edison

Sau đó, một cơ hội làm việc với vai trò kỹ sư điện đã đưa ông đến Budapest. Tại đây, ông lại mắc trọng bệnh. Trong thời gian đau ốm, ông đã hình dung và rút ra những nguyên lý hoạt động của loại động cơ mới mẻ này.

Những hình ảnh mà tôi nhìn thấy rất sắc nét và rõ ràng, đồng thời có tính rắn của kim loại và đá. Tôi kinh ngạc đến nỗi tôi đã nói với ông ấy: “Hãy xem động cơ của tôi này; xem tôi cho nó chạy ngược này.”

Tiếp đó, ông được mời làm việc cho Công ty Continental Edison tại Pháp, nơi mà Tesla được tiếp cận với công việc của Thomas Edison – vốn là thần tượng của ông. Vì những thành tựu xuất sắc tại Paris, ông được “thúc ép” đến Mỹ và làm việc trực tiếp với Edison.

Tesla khởi hành đi New York vào năm 1884. Có lẽ do bị móc túi hoặc do ham mê cờ bạc mà khi đến nơi, ông chỉ còn lại vỏn vẹn bốn xu dính túi.

Tesla đã gây ấn tượng mạnh với Edison khi làm kỹ sư cho trụ sở của Thomas Edison tại Manhattan. Tuy nhiên, quan điểm khác nhau của họ về dòng điện một chiều (DC) với dòng điện xoay chiều (AC) đã dẫn đến cái mà một số người gọi là “Cuộc chiến của các dòng điện”. Trong “cuộc chiến” này, cuối cùng Tesla sẽ chiến thắng bởi vì dòng điện xoay chiều (AC) được chứng minh là hệ thống truyền tải điện hiệu quả và rẻ hơn theo đường dài. Tesla sớm rời công ty do sự bất đồng với Edison và bắt đầu con đường của riêng ông.

Thắp sáng Thác Niagara và New York

Tuy nhiên, Công ty Đèn điện Tesla gặp thất bại. Để lo cho bản thân, anh chàng nhập cư đầy kiêu hãnh đã nhận công việc đào mương với thù lao 2 đô la một ngày. Trong suốt thời gian đó, ông vẫn kiên trì và cuối cùng cũng tìm được người tài trợ cho nghiên cứu dòng điện đổi chiều của ông. Vào năm 1887 và 1888, ông được cấp hơn 20 bằng sáng chế cho những phát minh của mình. Trong khi trình bày cho Viện Kỹ sư điện Hoa Kỳ về những bằng sáng chế mới nhất của mình, Tesla đã thu hút sự chú ý của đối thủ lớn của Edison, George Westinghouse, nhà phát minh đã cho ra đời hệ thống điện xoay chiều đầu tiên gần Boston.

Westinghouse đã thuê Tesla làm việc, cấp bằng sáng chế cho động cơ cảm ứng một chiều đa pha và trả cho ông tiền bản quyền sáng chế với 2.5 đô la cho mỗi mã lực công suất điện được bán ra. Với thỏa thuận này, Tesla có đầy tiềm năng trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, không bao lâu, những người tài trợ cho Westinghouse buộc thương lượng lại hợp đồng, trong đó Tesla phải từ bỏ quyền bản quyền của mình.

Với ứng dụng dòng điện xoay chiều của Tesla, George Westinghouse giành được hợp động điện khí hóa tại Hội chợ Thế giới Chicago năm 1893—hay còn gọi là Triển lãm Columbia Thế giới. Ứng dụng dòng điện AC thành công rực rỡ tại hội chợ đã thuyết phục được Công ty Điện lực Niagara Falls trao cho Westinghouse hợp đồng sản xuất điện từ Thác Niagara. Là một trong những trạm thủy điện đầu tiên trên thế giới, Niagara Falls sẽ cung cấp điện cho Buffalo, New York và không lâu sau đó là điện khí hóa thành phố New York. Tesla sở hữu 9 trong số 13 bằng sáng chế được sử dụng trong dự án này. Giấc mơ thời thơ ấu của Tesla đã thành hiện thực.

Phát biểu trong buổi khánh thành trạm thủy điện Niagara Falls vào ngày 16/11/1896, Tesla đánh giá thành tựu ấn tượng của họ có ý nghĩa lịch sử:

Chúng ta đã có nhiều đài kỷ niệm về các thời đại trong quá khứ; chúng ta đã có các cung điện và kim tự tháp, các đền thờ Hy Lạp và các thánh đường Thiên chúa giáo. Các công trình này đã thể hiện được sức mạnh của nhân loại, sự vĩ đại của các quốc gia, tình yêu nghệ thuật và tín ngưỡng. Nhưng, công trình trạm thủy điện tại Thác Niagara có nét riêng của nó, phù hợp hơn với tư duy và xu hướng đương thời của chúng ta. 

Đây là công trình xứng đáng với thời đại khoa học của chúng ta, một biểu tượng chân chính của sự khai sáng và hòa bình. Công trình biểu thị cho sự chinh phục nguồn năng lượng thiên nhiên để phục vụ cho nhân loại, chấm dứt sử dụng các biện pháp man rợ, giải thoát hàng triệu người khỏi dục vọng và đau khổ.

Đến năm 1920, năng lượng thủy điện sẽ chiếm 25% tổng lượng điện được sản xuất tại Hoa Kỳ.

Máy phát điện xoay chiều của Tesla trong hồ sơ đăng ký bằng sáng chế năm 1888 tại Hoa Kỳ. (Ảnh: Tài sản công)

Nhập quốc tịch và 300 bằng sáng chế

Một ước mơ thời thơ ấu lại thành hiện thực khi Tesla chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ vào tháng 7/1891.

Tesla còn có những phát minh khác như máy biến áp cao áp, còn gọi là Cuộn Tesla, đèn huỳnh quang thắp sáng các bảng hiệu dọc các con đường trên khắp thế giới, và tua-bin Tesla, một loại động cơ pít-tông được dùng để cung cấp điện cho xe ô tô. Ông còn làm thí nghiệm với tia X, thực nghiệm về liên lạc vô tuyến tầm ngắn và trước sự ngạc nhiên của giới quan sát có mặt tại Madison Square Garden ở New York, ông điều khiển một chiếc thuyền bằng sóng vô tuyến. Ông nhận tổng cộng hơn 300 bằng sáng chế.

Trong giai đoạn ban đầu khi truyền thông có dây mới được khai thác, Tesla đã đề xuất phát triển truyền thông không dây. Thậm chí, ông còn mường tượng ra điện thoại thông minh và internet không dây ngay từ những năm 1890. Trong quyển tự truyện, ông đã viết: 

Khi mạng không dây được ứng dụng hoàn hảo, toàn bộ trái đất sẽ được chuyển đổi thành một bộ não khổng lồ. Trên thực tế, tất cả mọi thứ đều là những phần tử của một tổng thể chân thật và nhịp nhàng. Chúng ta sẽ có thể liên lạc với nhau ngay lập tức, bất kể khoảng cách. Không chỉ điều này, mà thông qua truyền hình và điện thoại, chúng ta sẽ nhìn thấy và nghe thấy nhau một cách hoàn hảo như thể chúng ta đang đối mặt trực tiếp bất chấp sự ngăn cách hàng ngàn dặm; và chúng ta sẽ có thể làm được điều này bằng các thiết bị đơn giản đến kinh ngạc so với loại điện thoại mà chúng ta đang dùng. Một người sẽ có thể mang một chiếc [thiết bị này] trong túi áo gi-lê của mình.

Thật không may, Tesla đã không thu được lợi nhuận từ những phát minh của mình. Ông chưa bao giờ có đầu óc kinh doanh sành sỏi—ông quan tâm đến việc nghiên cứu và cải thiện cuộc sống của người khác hơn là kiếm tiền. Một số dự án kinh doanh của ông gặp thất bại và đến những năm 1920, ông bắt đầu rút lui khỏi thế giới.

Ông qua đời trong cô độc và bần hàn tại một căn phòng khách sạn ở New York vào ngày 7/1/1943.

Mặc dù Tesla chưa bao giờ thành công về mặt tài chính nhưng niềm tin của ông vào nhân loại và tình yêu dành cho Mỹ quốc là không giới hạn, những đóng góp của ông làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn là vô cùng to lớn.

Chỉ bằng cách xóa đi khoảng cách ở mọi lĩnh vực, chẳng hạn như trong truyền tải thông tin tình báo, vận chuyển hành khách và hàng hóa hay truyền tải năng lượng, một ngày nào đó chúng ta sẽ có đủ điều kiện để bảo đảm các mối quan hệ thân thiết được lâu dài.

Nguồn: Etviet - Bài viết được đăng tải lại từ tạp chí American Essence.