24/03/2022 12:03 View: 295

Nhà vật lý thiên văn nói rằng chúng ta có thể đã quan sát được lỗ sâu do người ngoài hành tinh tạo ra

Có thể một nền văn minh ngoài Trái đất cực kỳ tiên tiến đã tạo ra một mạng lưới vận chuyển gồm các lỗ sâu xung quanh vũ trụ, và chúng ta có thể phát hiện ra chúng bằng cách phân tích lại dữ liệu trong quá khứ.

Một nhà vật lý thiên văn cho rằng có thể một nền văn minh ngoài hành tinh cực kỳ tiên tiến đã tạo ra một mạng lưới vận chuyển gồm các lỗ sâu xung quanh vũ trụ. (Ảnh minh họa: Wikipedia)

Mặc dù mô tả bên trên chắc hẳn là một lý thuyết xa vời, nhưng theo một bài báo mới của BBC Science Focus, nó đã khiến một số nhà khoa học phải suy ngẫm. Nhà vật lý thiên văn Fumio Abe của Đại học Nagoya thậm chí còn cho rằng, chúng ta có thể đã thu thập được bằng chứng về một mạng lưới như vậy trong các quan sát hiện có - nơi chúng bị lãng quên trong biển dữ liệu. Ý tưởng này dẫn đến viễn cảnh về việc phân tích lại các quan sát cũ có thể dẫn đến một bước đột phá trong việc tìm kiếm trí thông minh ngoài hành tinh.

Abe nói với Science Focus: “Nếu các lỗ sâu có bán kính chỗ thắt từ 100 đến 10 triệu km, liên kết với Thiên hà của chúng ta và phổ biến như các ngôi sao bình thường, thì việc phát hiện ra chúng có thể đạt được bằng cách phân tích lại dữ liệu trong quá khứ”.

Như vậy, lỗ sâu là một lý thuyết hấp dẫn gợi ý một con đường nữa để tìm ra liệu loài người có đơn độc trong vũ trụ hay không.

Nói một cách đơn giản, lỗ sâu là những đường hầm lý thuyết có hai đầu ở những điểm riêng biệt trong thời gian và không gian. Mặc dù chúng không vi phạm thuyết tương đối rộng của Einstein, nhưng chúng ta vẫn không biết liệu chúng có thể thực sự tồn tại hay không, chứ chưa nói đến việc một nền văn minh tiên tiến đủ khả năng tạo ra chúng.

Tuy nhiên, để một lỗ sâu tồn tại, nó sẽ tiêu tốn một lượng năng lượng rất lớn.

Theo Science Focus: “Một lỗ sâu về cơ bản là không ổn định, nó sẽ cần 'chất liệu' phản trọng lực để giữ mỗi miệng mở ra và năng lượng tương đương với năng lượng phát ra từ một phần đáng kể của các ngôi sao trong một thiên hà". Ý tưởng sẽ là “nếu trí thông minh ngoài Trái đất đã tạo ra một mạng lưới các lỗ sâu, nó có thể được phát hiện bằng phương pháp thấu kính hấp dẫn (gravitational microlensing)”.

Trong quá khứ, kỹ thuật thấu kính hấp dẫn đã được sử dụng trong quá khứ để phát hiện hàng nghìn hành tinh và ngôi sao xa xôi bằng thông qua việc phát hiện cách chúng bẻ cong ánh sáng. Nhưng liệu chúng ta có thể sử dụng nó để phát hiện các lỗ sâu hay không rõ ràng là một câu hỏi mở.

May mắn thay, việc phát hiện lỗ sâu không phải là cách duy nhất của chúng ta trong việc phát hiện sự sống ở những nơi khác trong vũ trụ. Science Focus cũng chỉ ra việc tìm kiếm các siêu cấu trúc lý thuyết khai thác năng lượng của một ngôi sao bằng cách bao bọc nó hoàn toàn, hoặc các chất hóa học trong khí quyển có liên quan đến sự ô nhiễm do một nền văn minh tạo ra, hoặc một kiểu tàu vũ trụ được gọi là cánh buồm ánh sáng (light sail). Bất kỳ cấu trúc nào trong số đó về mặt lý thuyết đều có thể dẫn chúng ta khám phá ra nền văn minh của người ngoài Trái đất. 

Khái niệm về lỗ sâu là một viễn cảnh có sức hấp dẫn mạnh mẽ, đặc biệt là khi xét đến thực tế là chúng có thể mang lại cho một nền văn minh ngoài hành tinh - hoặc thậm chí là chúng ta - khả năng du hành qua những khoảng không gian và thời gian rộng lớn. Nhưng hiện tại, thật không may, chúng chỉ một thử nghiệm tưởng tượng thú vị.

Lỗ sâu là gì? Tại sao khó phát hiện ra chúng?

Trong vật lý, một lỗ sâu (wormhole), lỗ giun, hay Cầu Einstein-Rosen là một không thời gian được giả định là có cấu trúc tô pô đặc biệt tạo nên đường đi tắt trong không thời gian. Chúng nối thông từ một vùng không thời gian này đến vùng kia và đôi khi, vật chất đi từ vùng này sang vùng kia bằng cách chui qua hố này.

Tên gọi "lỗ sâu" được tạo ra khi tưởng tượng rằng vũ trụ là một bề mặt cầu. Muốn đi từ một điểm đến điểm đối diện trên mặt cầu cần quãng đường là nửa chu vi đường tròn lớn của mặt cầu. Tuy nhiên, nếu có một con sâu đục lỗ xuyên vào trong lòng hình cầu, nối thẳng hai điểm, quãng đường đi chỉ còn là đường kính mặt cầu.

Hình ảnh tưởng tượng về lỗ sâu Schwarzschild, trong đó vật chất chui vào một lỗ đen và thoát ra từ một lỗ trắng. (Ảnh: Wikipedia)

Trong không thời gian, một lỗ sâu có thể giúp đi qua các khoảng cách rất lớn, thậm chí đi tới một "vũ trụ khác". Có thể sự tồn tại của lỗ sâu trải dọc chiều thời gian, đi qua quá khứ, vì thế có thể đi ngược thời gian bằng cách đi qua nó.

Một ví dụ về cơ chế sinh ra lỗ sâu đã được tưởng tượng cho bên trong lòng các lỗ đen tích điện và quay. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của các lỗ sâu, các lỗ sâu hầu như không tồn tại.

Ngay cả khi một lỗ sâu có thể được hình thành, như theo cơ chế ở trên, nó sẽ không ổn định; chỉ một tác động nhỏ, bao gồm việc vật chất chui qua nó, cũng làm nó sụp đổ. Thậm chí nếu các lỗ sâu tồn tại và ổn định, việc con người có thể đi qua chúng cũng rất khó khăn, do bức xạ điện từ đổ vào trong lỗ sâu sẽ dịch chuyển sang tần số cực cao với năng lượng tập trung lớn, phá hủy sự sống.

Nguồn: NTDVN