23/06/2021 17:42 View: 2346

Truyện kinh dị: Đứa trẻ giấy (Tập 6)

Chương 6: Hai đứa trẻ sơ sinh bị đông cứng

Suy cho cùng thì trong việc tìm kiếm người mất tích, công an vẫn có nhiều nghiệp vụ hơn. Nhờ người mốc nối quan hệ, yêu cầu công an Côn Sơn để ý hơn đến sự mất tích của Chu Tiêm Tiêm là việc làm thực tế nhất mà kẻ đang mang mặc cảm tội lỗi là tôi có thể thực hiện. Nếu ngay cả công an cũng không tìm ra manh mối gì, thì e rằng bảo tôi tự đi điều tra là điều hơi phi thực tế, vả lại hàng ngày tôi còn phải đến tòa soạn làm việc nữa chứ.

dua-tre-giay 6
Phần 6: Hai đứa trẻ sơ sinh bị đông cứng

 

Do không quen ai làm công an ở Côn Sơn, tôi đã phải móc nối quan hệ qua phía người quen là cảnh sát ở Thượng Hải, đợi xem liệu những người cùng làm trong ngành có thể tương trợ, giúp đỡ nhau chăng.

Kể ra thì tôi cũng kết bạn với rất nhiều người làm trong ngành cảnh sát ở Thượng Hải, tính riêng đám anh em thân thiết đã vài người. Song lần này người tôi hẹn ăn trưa và nhờ giúp đỡ lại là một giám định viên pháp y.

Một nữ giám định viên pháp y trẻ trung xinh đẹp, là con lai với cặp mắt xanh nhạt, tôi nhớ cô ấy không mang quốc tịch Trung Quốc.

Tên cô ấy là Hà Tịch.

Ồ vâng, tôi thừa nhận mình có hơi mượn việc công mưu việc riêng, hừm, hay ta nên nói là mượn hoa cúng Phât… hoặc theo cách khác là kẻ say không say vì rượu. Không rõ sao cứ nhắc đến cô ấy là tôi lại bắt đầu lắp bắp?

Đúng rồi, tôi nhớ cô ấy mang quốc tịch Thụy Sĩ. Một Hoa kiều mang quốc tịch Thụy Sĩ, bỗng dưng gia nhập hàng ngũ giám định viên pháp y trực thuộc hệ thống cảnh sát Thượng Hải cách đây không lâu, điều tuyệt đối chẳng bao giờ xảy ra trong hoàn cảnh thông thường, vậy mà giờ nó đã xảy ra. Trường hợp đặc biệt, xét về thứ bậc, tuy cô ấy chỉ là giám định viên pháp y, song nếu đánh tiếng chào hỏi công an Côn Sơn qua cô ấy thì hẳn sẽ ổn.

Sỡ dĩ tôi phải giải thích nhiều như vậy bởi tôi muốn nói rằng Hà Tịch đúng là người có thể giúp tôi trọng vụ mất tích của Chu Tiêm Tiêm, đó hoàn toàn chẳng phải là lời viện cớ để đuổi theo tán tỉnh.

Chẳng phái bắn một mũi tên trúng hai đích sẽ tốt hơn sao? Xưa nay tôi vẫn luôn thẳng thắn, mối quan hệ giữa tôi và Hà Tịch quả đúng là có chút không rõ ràng. Lại dùng sai thành ngữ nữa rồi, đáng nhẽ phải nói là khó nói hết trong một câu.

Lần đầu tôi gặp Hà Tịch, cô hãy còn là nhân viên nghiên cứu của một tổ chức y học tầm cỡ quốc tế. Hồi đó, do hai người đang bị cuốn vào mối nguy lớn, nên chúng tôi đã trở thành chiến hữu cùng chung lưng đấu cật bên nhau trong cơn hoạn nạn. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác, và tôi cũng không tiện đề cập sâu hơn ở đây. Khi chân tướng sự việc lần đó được làm sáng tỏ, mối nguy hiểm đã qua đi, rồi nếu không bị ép chia tay thì có lẽ giờ cô ấy được gọi là vợ anh Na rồi.

Sau một thời gian dài bặt vô âm tín, năm nay lúc bất ngờ hay tin Hà Tịch đã trở thành giám định viên pháp y của cơ quan cảnh sát Thượng Hải, tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy mừng cho cô ấy. Nhưng hệt như một mô típ quen thuộc trong kiểu tiểu thuyết ngôn tình mà tôi cực ghét, cô ấy còn có một vài sự thay đổi khác.

Không phải là mất trí nhớ, song cũng chẳng khác là bao.

Các bạn bè biết về trải nghiệm li kì - do mong muốn trở thành bất tử gây ra vào năm 2005, đều nghĩ nếu có ngày tôi gặp lại Hà Tịch, cô ấy hẳn đã có cuộc đời mới. Cụm từ “cuộc đời mới” ở đây được dùng để chỉ sự sống vượt lên trên hoàn cảnh không thể, và hơn thế, còn là cuộc đời mới.

Cô ấy chưa quên tôi, vẫn hoàn toàn lưu lại mọi ký ức, song tình yêu đâu chỉ đơn giản là sự ghi nhớ.

Có thể vì dấu tích sâu đậm mà tình yêu in dấu lại nơi con tim lúc cơn sóng tình rút khỏi bờ, nên khi gặp lại cô đối xử với tôi vẫn có phần hơi khác. Tôi không nên tiếp tục oán hận gì, rốt cuộc cô ấy đã xuất hiện trước mắt tôi, để ít nhất tôi có được cơ hội làm lại từ đầu.

Thứ tình cảm bùng cháy trong hiểm nguy thường rất dữ dội và mãnh liệt, nhưng giờ tôi đã học được cách giữ kiến trong lòng, để nó cứ bền bỉ, âm thầm chảy mãi như dòng nước nhỏ. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ ngày nào đó tôi sẽ chinh phục được cô ấy, chỉ là tôi đang giúp cô ấy tìm lại những cảm giác đã mất.

Hà Tịch luôn luôn đúng hẹn, nhưng giờ đã quá mười phút so với giờ hẹn. Tôi bèn gọi hai đĩa đồ ăn nguột, ăn lót dạ trước.

Ngồi ở bàn bên là đôi tình nhân trẻ đang làm nũng nhau. Đang cầm đũa gắp hạt lạc xào cho vào mồm, chợt thoáng thấy anh chàng lúc nào cũng mỉm cười chăm chăm nhìn người yêu bất ngờ rời khỏi gương mặt đối phương…

Ngoảnh lại, tôi liền nhìn thấy Hà Tịch, cùng vô số ánh mắt - hoặc lén lút hoặc công khai, đang hướng về cô ấy.

“Hiếm khi nào được thấy em đến muộn.” Tôi cười với Hà Tịch.

“Em vừa thực hiện xong một vụ mổ xẻ là vội vàng đi luôn.” Hà Tịch ngước mắt nhìn tôi, nói: “Anh có giấy không? Cho em lau tay chút!”

“Hả…” Tôi giật thót mình, “Mổ xong em vẫn chưa… rửa tay mà đi ngay à?”

Hà Tịch tỉnh bơ chìa tay cho tôi xem.

Mười ngón tay thon mảnh, trắng muốt và mềm mại. May mà không có vết máu nào.

“Đùa anh thôi, là do tắt đường!” Hà Tịch mỉm cười.

Trong mắt đồng nghiệp, Hà Tịch là cô gái vừa xinh đẹp vừa rất khác người, song dạo gần đây hình như cô rất hay cười trước mặt tôi.

Đây là nhà hàng Tứ Xuyên rất nổi tiếng. Tôi cố tình gọi mấy món tương đối cay cay, bởi tôi thích được nhìn Hà Tịch khi gương mặt cô ửng hồng và có những giọt mồ hôi lấm tấm nơi chóp mũi, một hình ảnh hoàn toàn trái ngược so với lúc thường ngày…

Trong lúc đợi món, tôi tường thuật vắn tắt lại câu chuyện về Chu Tiêm Tiêm cho cô hay.

“Được thôi, nhưng không chắc là sẽ tìm được.”

Tôi gật đầu. Với vụ mất tích xảy ra đã lâu, nếu công tác điều tra ban đầu không được tiến hành cẩn thận, thì việc tìm kiếm bây giờ quả thực là rất khó.

Hà Tịch không phải là người thích nói nhiều, nên nếu không muốn cuộc trò chuyện đi vào ngõ cụt, tôi luôn phải vắt óc nghĩ ra đủ kiểu đề tài lúc ở bên cô ấy. Tôi từng có lần thử thi gan với cô ấy đến cùng, kết quả là hai người chúng tôi chỉ giương mắt nhìn nhau hơn hai mươi phút. Mặc dù cô ấy rất đẹp, nhưng tôi chẳng thể nào tiếp tục giữ im lặng, đã giơ cờ trắng xin hàng. Đáng bực nhất là cô ấy vẫn tỏ vẻ thản nhiên như không.

Tôi dần tìm ra những chủ đề khiến Hà Tịch hứng thú. Sau khi thuật lại toàn bộ câu chuyện về sự mất tích của Chu Tiêm Tiêm, tôi quay sang kể cho cô ấy nghe về đứa trẻ giấy.

Do có thói quen dùng bút ghi chép lại những điều bản thân trải qua ra giấy, nên khi kể lại bằng miệng, tôi biết cần tạo cao trào để thu hút người nghe ở đoạn nào. Thêm vào đó, bản thân câu chuyện cũng đã rất huyền bí nên khi đồ ăn đã lần lượt mang lên, mà tần suất động đũa của Hà Tịch lại dần giảm xuống, rõ ràng cô ấy đang bị hút vào câu chuyện li kì này của tôi.

“Vậy đứa trẻ giấy về sau thế nào?” Nghe xong Hà Tịch liền hỏi

“Về sau à? Anh không biết, chắc là được xử lý.”

“Chà, giá như để em giải phẫu thì tốt biết bao!” Hà Tịch thở dài.

“Ối chà, cái này…” Tôi không ngờ việc đầu tiên cô ấy nghĩ đến lại là vậy.

“Còn sản phụ thì sao?” Hà Tịch lại hỏi.

“Hẳn em không định giải phẩu cả người sống nữa chứ? Về sau cô ấy phát bệnh tâm thần, hôm qua anh về thăm nhưng không gặp được.”

“Hừm nếu trong vòng ba năm trở lại đây cô ấy không sinh đứa nào nữa, thì có làm siêu âm kiểu B cũng chẳng rõ; làm siêu âm TVS[1] thì tốt nhất là phải xem theo từng lớp cắt. Nhiều khả năng đó không chỉ là vấn đề ở tử cung, nên cần tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện, giá như có thể để cô ấy mang thai thêm lần nữa để quan sát lâm sàng nhi. Chà, không được nhìn thấy đứa trẻ giấy quả thật là tiếc!”

[1] TVS là chữ viết tắt của Trans Vaginal Sonography, một loại siêu âm đặt ngang qua âm đạo, không chỉ rà ở bên ngoài ổ bụng.

Dù đã biết Hà Tịch hơi lập dị nhưng tôi vẫn ngây ra trước những lời cô lẩm bẩm với mình.

“Nói về chuyện này thì tuần trước em mới thực hiện ca mổ giám định trẻ sơ sinh đấy.”

Hiếm khi nào Hà Tịch chủ động đưa ra đề tài bàn luận khi trò chuyện với tôi, chỉ có điều đề tài này...

“Mổ á?” Tôi ấp úng hỏi.

“Mổ giám định xác một đứa trẻ sơ sinh.”

Nhìn món ăn nóng hổi đang nghi ngút bốc khói trên bàn, cảm giác thèm ăn trong tôi bỗng như những bọt bong bóng xà phòng, dần thu nhỏ rồi tan biến vào hư không…

“À…” tôi chẳng thể nào đáp trả cô với vẻ đầy thích thú, “mà này, tuần trước ấy hả? Anh nhớ em nói là đi Hàn Quốc cơ mà.”

“Vâng, em sang đó mổ giám định xác của một đứa trẻ sơ sinh.”

“Liệu ta có thể không nhắc đến từ mổ… được không?”

Hà Tịch liếc tôi một cái, ra ý cười cười. Lẽ nào là cô ấy cố tình, dù chẳng còn sức đâu để nghĩ, song tôi lại cảm thấy vui vui.

“Anh biết em là thành viên thuộc tổ chức nghiên cứu bệnh lý học đặc biệt của quốc tế mà.”

“Anh biết? Anh biết từ khi nào vậy?” Tôi lấy làm lạ hỏi.

“Ồ, thế em chưa nói gì à, nhưng giờ thì anh biết rồi đấy.”

“Đấy là tổ chức gì?”

“Là tổ chức nghiên cứu các bệnh lý học đặc biệt.”

“Quan tâm đến một vài trường hợp bệnh kì lạ, bao gồm cả trường hợp tử vong bất thường, tổ chức quốc tế chưa công khai chính thức này có liên quan với cảnh sát các nước, bởi cảnh sát là ngành hay phát hiện thấy những trường hợp tử vong bất thường nhất, và điều này thường gây khó khăn cho các giám định viên pháp y của họ.” Cô khẽ giải thích.

“Em sang Hàn Quốc vì một trường hợp tử vong bất thường? Là một đứa trẻ sơ sinh?” Tôi hỏi.

“Một vụ án kì lạ, giám định viên pháp y bên họ gặp phải một số khó khăn.”

“Kết quả là em đã giải quyết xong?”

“Vẫn chưa.” Hà Tịch nhún vai, “trên thực tế, sau khi qua đó, em mới phát hiện ra điều kì lạ nhất, rất khó giải thích.”

Điều cô nói càng thôi thúc tính hiếu kỳ trong tôi.

Hà Tịch vốn là nhân viên nghiên cứu của đơn vị y học hàng đầu. Sau “Sự kiện đứa trẻ nhà họ Nguyên”, nhất định cô ấy đã trau dồi được một vài năng lực đặc biệt. Chưa nói đến cái khác, cách nhìn cuộc đời của Hà Tịch hẳn đã đạt đến trình độ hoàn toàn mới. Nhìn cô ấy bây giờ mà xem, ngày ngày mải mê với công việc giải phẫu, mổ xẻ và mong muốn nghiên cứu kiểm chứng, vậy một trường hợp mà ngay đến cô ấy cũng xem là kì lạ thì sẽ như thế nào nhỉ?

“Kể anh nghe xem!” Tôi dè dặt đề cập, dù thực ra bản thân đã rất tò mò.

Hà Tịch mở xắc tay, lấy mấy tấm ảnh ra đưa cho tôi xem.

“Đây là…” Tôi nhíu mày.

“Xác đứa trẻ sơ sinh bị đông lạnh” Hà Tịch nói.

Nhìn những món ăn nóng sốt trên bàn, dù thần kinh vững thế nào, tôi cũng chẳng dám chắc liệu chút nữa mình còn bụng dạ nào ăn tiếp không.

Vì cớ gì mà rất nhiều bộ phim kinh dị thích chọn trẻ con làm nhân vật chính, chính là bởi khi đứa trẻ đã trở nên hung ác, độc địa, thì tính cách hoàn toàn đối lập với bản tính thiên bẩm của chúng, điều này sẽ khiến người xem vô cùng kinh sợ. Rất nhiều nơi người ta cho rằng xác đứa trẻ sơ sinh là thứ có nhiều oán khí, linh hồn đứa trẻ khó bề siêu thoát, nên càng khó trừ bỏ hơn các linh hồn thông thường.

Chớ nghĩ rằng đứa trẻ sơ sinh sau khi qua đời sẽ trông giống như lúc nó đang ngủ. Trên thực tế, do máu trong cơ thể trẻ mất nhiệt và nhanh đông hơn nên khi cơ bắp cứng lại, hình dáng cơ thể chúng sẽ có dôi chút khác biệt so với khi còn sống, thêm vào đó, da đứa trẻ cũng sẽ thay đổi theo độ dài ngắn của thời gian tử vong. Một vài thay đổi không rõ ràng này cũng đủ gây nên cảm giác nhộn nhào không lấy làm dễ chịu ở người xem.

Vậy xác đứa trẻ bị đông lại thì thế nào? Hay nói chính xác hơn, xác đứa trẻ bị đông lạnh rồi lại được rã đông sẽ thế nào?

Nếu bạn mua một miếng thịt về nhà đem đi đông lạnh, rồi sau đó cho rã đông, thì miếng thịt trước khi đem đông lạnh và sau khi rã đông gần như không thay đổi nhiều, cùng lắm mùi vị của nó chỉ hơi khác đi một chút, nên bạn mới không để ý xem miếng thịt ban đông trông thế nào.

Một đứa trẻ sơ sinh thì lại khác.

Chẳng hạn như trên bề mặt da của trẻ sẽ xuất hiện nhiều nếp nhăn lạ hơn, một vài chỗ sẽ bị chảy nhão, một số chỗ thì bị nứt ra, ngũ quan trở nên méo mó, hay có thể nói là không rõ ràng; còn hai chân đứa trẻ, tôi bỗng nhớ đến hai chân giò được chặt rời, đang được cấp đông trong ngăn đá tủ lạnh ở nhà mình mới mua hôm trước.

------------------------

Đọc tiếp Phần 7: So sánh ADN

Đọc trọn bộ: ĐỨA TRẺ GIẤY - NA ĐA