04/06/2021 11:45 View: 1664

Ăn quả vải có gây ngộ độc không?

Mùa vải, thường xuất hiện các bệnh lí liên quan đến ăn vải, phát bệnh với các triệu chứng giống viêm màng não, bệnh lí thần kinh và tử vong. Đến nay, Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra lời giải chính xác. Công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không thể đồn đoán hay kết luận vải gây ngộ độc như báo chí được. Vì bản thân quả vải nó không có chất độc.

qua vai ngo doc

Việt Nam trồng rất nhiều vải, khi xảy ra các bệnh lí sau khi ăn vải, người ta thường nghĩ tới ngộ độc và nghi ngờ những yếu tố chất lượng trong vải như thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng... Quá trình điều tra dịch tễ, phân tích thành phần, xét nghiệm cận lâm sàng... đều không cho ra bất kì yếu tố nào liên quan đến ngộ độc như phán đoán. Thế, tại sao lại rối loạn tiêu hoá, phù nề màng não, co giật, hôn mê, suy hô hấp và tử vong?

Đầu tiên, phải khẳng định rằng, vải không độc, kể cả vải rừng.

Vì không cứu xét một cách tổng thể các biến chứng từ nhẹ tới nặng khi ăn vải hay các loại hoa quả tính nóng khác. Bỏ qua các trường hợp nhẹ như mọc mụn nhọt, rôm sẩy (bị rất nhiều), chỉ chú ý đến các trường hợp nặng (bị ít). Cho nên, không kịp thời sáng tỏ thôi.

Y học cổ truyền xét tính khí (đặc điểm) của vải, căn cứ vào đó mà biết nó gây hại khi ăn nhiều, ăn không đúng cách, đúng lúc. Còn y học hiện đại xét chất trong vải, nên không thể tìm ra một chất cụ thể của quả vải gây hại trực tiếp như chất độc nhiễm vào. Tuy nhiên, chỉ bằng cảm giác cũng thấy rõ ràng, cơ thể nóng hơn sau khi ăn nhiều vải. Nếu có máy đo nhiệt thân trước và sau ăn vải, sẽ thấy rất rõ. Và y học cổ truyền gọi đặc điểm này là tính nóng. Tính nóng không nhất thiết phải có chất gây nóng theo quan điểm của y học hiện đại. Nhưng một khi cơ thể bị nóng do chất nóng hay tính nóng, đều gây ra hậu quả xấu, nặng nhẹ tuỳ điều kiện, trường hợp cụ thể. Y học hiện đại có thể trị dễ dàng hậu quả của chất gây nóng (định danh rõ), nhưng bế tắc với tính nóng (không định danh được). Chất gây nóng và tính nóng giống như rượu và người nóng tính, người nóng tính không cần uống chất cồn mà vẫn nóng người và cả hai cùng có thể dẫn đến hậu quả xấu nhất là đột quỵ.

Y học cổ truyền xét tính của vải là đại nhiệt (cực nóng).

Ăn nhiều gây mụn nhọt, rôm sẩy, đại tiền lỏng. Nặng thì cồn cào, buôn nôn, chóng mặt, hoa mắt, quay cuồng, co giật, hôn mê, xuất huyết trong (thường gây chẩy máu mũi). Các chứng lâm sàng này phù hợp với bệnh lí viêm nhiễm (bao gồm viêm màng não), tăng thân nhiệt của y học hiện đại, xảy ra với người phát bệnh sau ăn vải. Hạt vải tính đại nhiệt hơn cùi vải, nhưng chỉ gây phản ứng khi ăn nhai nát hoặc nghiền bột uống. Còn nuốt trôi được hạt, không làm sao, vì hệ tiêu hoá không nghiền nát hạt vải được, nó theo phân ra ngoài nguyên trạng. Không ai ăn vải lại nhai ăn cả hạt (rất khó ăn), nên không cần chú ý khuyến cáo. Nếu ăn/uống > 4 hạt vải nghiền, chắc chắn phải cấp cứu thôi.

Nếu điều tra dịch tễ những người phát bệnh, liên hệ với môi trường, tình trạng cơ thể khi ăn vải, thức ăn đồ uống sau ăn vải, thì kết quả sẽ khớp với nhận định của Y học cổ truyền. Ăn nhiều vải vào lúc thời tiết nóng bức (mà mùa vải lại trúng mùa nóng), trong ngoài đều nóng, nhiệt huyết tăng cao, đương nhiên xảy ra các chứng như trên và tử vong, nếu bị nặng và không được cứu chữa kịp thời.

Các yếu tố thúc đẩy dẫn đến biến chứng sau ăn vải

Đây cũng là khuyến cáo khi ăn vải để đảm bảo được an toàn, theo y học cổ truyền:

  • - Ăn nhiều (1 lúc hoặc nhiều lần trong ngày). Y học cổ truyền không cho ăn nhiều vải, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai, người âm hư hoả vượng. Thường chỉ vài ba quả là cùng, nhưng người ăn vải ngày nay không ăn thế, mà ăn bằng no bằng chán mới thôi. Những trường hợp phải cấp cứu và tử vong do ăn vải vừa qua (trẻ con), nghe nói, toàn vải nhà trồng được. Tức là rất sẵn vải để ăn và ăn bất cứ lúc nào, thậm chí, ăn thay bữa (ăn no vải và không ăn gì nữa).
  • - Ăn lúc đói. Y học cổ truyền cấm ăn vải lúc đói. Nếu ăn nhiều, chắc chắn sẽ say, nặng thì dần dần hôn mê, co giật, xuất huyết. Kêu là chứng quái lệ chi.
  • - Ăn lúc thời tiết nóng bức. Do vải chín vào mùa hè (nóng), nên thường chỉ cho ăn vải vào buổi tối (nhiệt độ môi trường đã giảm đáng kể), lúc mát trời, sau ăn cơm. Ăn vải sau mưa rào, vải nhạt hơn, tính nóng cũng giảm đi, các loại hoa quả tính nóng khác cũng vậy. Mùa vải nhiều, người xưa ăn tươi rất ít, chủ yếu lấy cùi làm khô, chế thành mứt, để dùng dần là rất thông minh và phù hợp. Bởi sau mùa hè, thời tiết đã mát mẻ, mùa đông và xuân dùng mứt vải, tiết trời khá lạnh, ăn cùi vải khô, mứt vải giúp ấm cơ thể, ôn bổ tỳ vị.
  • - Ăn vải cùng các loại hoa quả, đồ uống có cùng tính nóng. Sự cộng hưởng huyết nhiệt sẽ gây ra bệnh.
  • - Ăn vải xong đi tắm. Tắm nước lạnh, uống nước đá sau ăn vải là cấm kị, giống các loại đồ ăn, thức uống đại nhiệt khác. Nóng lạnh bất thường, đột ngột, làm cho thân nhiệt bị rối loạn, huyết mạch và não bộ bị tổn thương.

Những trường hợp xảy ra bệnh lí sau ăn vải, chắc chắn phải liên quan chặt chẽ tới ít nhất 1 trong những yếu tố trên, gây ra chứng huyết nhiệt hoả bốc, làm tổn thương huyết và não bộ, chứ không phải ngộ độc (chất gây độc).

Phép điều trị biến chứng sau khi ăn quả vải

Do vải có chất đường, tác dụng ôn bổ tỳ vị, hấp thụ rất nhanh, nên khi phát hiện ra, thường không còn ở tỳ vị, nên không dùng phép thổ, phép tả hạ cũng không tác dụng nữa, vì chất thải chỉ còn cặn bã mà thôi. Mặt khác, người bệnh lúc này có thể bị ỉa chảy, nếu tả hạ, sẽ làm biến chứng nguy hơn.

  • Y học cổ truyền xếp trường hợp này vào dạng cấp cứu, với phép trị căn bản là thanh nhiệt lương huyết (không dùng các vị tính lạnh, chất lạnh, chườm lạnh), nếu có viêm (kể cả ngoài da như mụn, nhọt...) thì tiêu viêm, nếu có xuất huyết thì chỉ huyết.
  • Trong khi y học hiện đại còn vướng mắc, loay hoay chẩn đoán, điều trị biến chứng sau ăn vải, thì hiểu biết và phép trị của y học cổ truyền ưu việt hơn.

Nếu nặng, kết hợp nhuần nhuyễn 2 bên, cơ hội cứu sống người bệnh chắc chắn nhanh và cao hơn.

Y học hiện đại bước đầu nghiên cứu các trường hợp này, mới tìm ra một chất trong vải làm hạ đường huyết (các bệnh nhân bị hạ đường huyết). Tuy chưa chắc chắn, song, khớp với y học cổ truyền, vì y học cổ truyền dùng vải để điều trị bệnh tiêu khát (đái tháo đường) thể tỳ hư hàn. YHHĐ xác định, chất gây hạ đường huyết trong hạt vải nhiều hơn cùi và YHCT cũng xác định vậy, nên dùng hạt vải điều trị đái tháo đường với hàm lượng ít hơn nhiều cùi.

Hạ đường huyết có sự liên quan đến sau ăn vải, nhưng không chắc mức độ hạ đường huyết này gây ra các chứng cấp trên. YHHĐ khuyến cáo điều trị cấp cứu bằng cách nâng đường huyết. Khuyến cáo này phù hợp với phép trị của YHCT, bởi hầu hết huyết thanh nâng đường của YHHĐ có công năng lương huyết, xét ̣̀theo YHCT. Tức là một hướng điều trị phỏng đoán đúng đắn của YHHĐ, nhưng chỉ lương huyết thì kết quả hạn chế. Việc dùng vải giáng đường huyết của người đái tháo đường cho thấy sự hiểu biết tinh vi và cặn kẽ của YHCT về vải. Vì nhẽ ra, đái tháo đường phải kiêng vải (ngọt).

Tóm lại, vải không độc, nên ăn vải không bị "ngộ độc" và không thể điều trị theo hướng "ngộ độc".

Tác hại lớn của vải chủ yếu gây ra ở trẻ con (thường dưới 13t), phụ nữ có thai và người có bệnh lí thể nhiệt. Người lớn bình thường không/ít bị hoặc có bị chỉ thường biểu hiện cảm giác nóng trong người, mụn nhọt, rôm sẩy. Vấn đề là do cách ăn mà thôi. Tuy vải rất bổ dưỡng, là vị thuốc quý, nhưng ăn/uống không chuẩn mực, thể nào cũng xảy chuyện. Là tại người ăn, không phải tại vải. Ăn uống thứ nào cũng thế cả, bổ dưỡng đến đâu chăng nữa, ngay cả dùng sai dã nhân sâm chính hiệu, cũng phát bệnh, huống là... Không phải cứ bổ là ăn no, ăn đẫy, thích ăn lúc nào thì ăn.

Một số loại quả đồng tính với vải và cùng mùa quả chín (tức sẽ gây huyết nhiệt): Vải rừng, chôm chôm, ruột đỏ dưa hấu, xoài, nhãn (trừ nhãn lồng Hưng Yên chính hiệu), đào, mận, na, dứa (thơm/khóm)... Ăn ít, đúng lúc, đúng cách thì thanh nhiệt, giải khát, trừ phiền. Ngược lại thì tác hại.

Như vậy có nghĩa, ăn một vài quả vải, rồi một vài quả nhãn, lại thêm một vài miếng dưa, các thứ tính nóng... thành nhiều và không đúng cách đúng lúc, cũng sẽ bị huyết nhiệt mà phát bệnh, nhất là trẻ em, người già âm hư, người bệnh nhiệt, chứ không riêng ăn vải.

Bác sĩ Quân y Phú Tuệ