Sáng 7 giờ giao ban, không khí căng thẳng. Trưởng khoa nhăn nhó: sao ca này để mất, hôm qua đã diễn biến tốt lên rồi cơ mà. Kíp trực mệt mỏi: bệnh nhân suy hô hấp nặng lên từ chiều, bọn em cố gắng kéo không được, đến đêm thì ngừng tim.
Không một ai nói gì thêm nữa. Căn bệnh quái ác...
Chợt có tiếng bộ đàm léo nhéo từ buồng bệnh: Cấp cứu, bệnh nhân giường số 7 ngừng tim. Tất cả cùng quay phắt nhìn lên màn hình, qua camera thấy nhân viê y tế đang hì hục ép tim. Mấy nhân viên đang giao ban đứng vụt dậy, đi mặc đồ bảo hộ để vào hỗ trợ.
Buổi giao ban lại tiếp tục, liệt kê các bệnh nhân nặng, nguy kịch, rồi nhanh chóng kết thúc, mọi người đứng dậy, hối hả ai vào việc nấy. Trái với không khí im phắc của lúc giao ban, lúc này căn phòng hành chính, tổng hành dinh của khoa ồn như cái chợ. Tiếng người gọi nhau, cãi nhau, hỏi nhau vội vã, ồn ào. Đủ cả tiếng 3 miền, giọng bắc rõ ràng, giọng trung nặng, giọng nam thanh thanh, đúng là nhân viên cả nước về đây.
Rồi mọi người tản ra mỗi người mỗi góc đứng tỷ mỉ mặc bộ đồ bảo hộ PPE. Mặc bảo hộ thì không được vội và thật cẩn thận vì tiếp xúc với môi trường cực kỳ độc hại. Bộ bảo hộ này có nhiều món, phải mặc rồi sát khuẩn từng bước, từng bước để cuối cùng thành một cây trắng trắng toát, kín mít. Cuối cùng thì cũng đã mặc xong, chúng tôi chậm chạp tiến vào vùng nguy hiểm, nơi bệnh nhân đang chờ chúng tôi từng phút.
Nói để mọi người biết, phòng bệnh nhân nằm là vùng đỏ, vùng cách ly tuyệt đối, nguy hiểm nhất, bên ngoài là vùng chuyển tiếp gọi là vùng vàng, cuối cùng cứ điểm an toàn của nhân viên y tế là phòng giao ban là vùng xanh. Giao thông giữa vùng xanh và vùng đỏ riêng biệt, không trộn lẫn. Từ vùng xanh đi vào vùng đỏ phải mặc đồ bảo hộ an toàn, còn từ vùng đỏ đi ra phải cởi bỏ đồ bảo hộ ở vùng vàng và khử trùng toàn thân kỹ lưỡng trước khi vào vùng xanh. Về lý thuyết là thế nhưng nguy cơ bị lây nhiễm luôn trực chờ.
Chúng tôi tiến vào buồng bệnh. Mặc đồ bảo hộ xong mọi cử động đều rất vướng víu, kính bảo hộ mờ hơi nước, hơi thở khó khăn. Chúng tôi tỏa ra thăm khám người bệnh, động viên họ cố gắng chịu đựng. Người bệnh ai cũng bị cái khó thở dày vò, lại thêm nỗi lo lắng hoảng loạn khi chứng kiến người cùng phòng mình trở nặng rồi không qua khỏi. Chính sự lo lắng hốt hoảng đó lại làm người bệnh thở gấp, càng thiếu oxi hơn. Nhiều bệnh nhân biết nghe lời bác sĩ, nằm sấp tập thở đều, không lo lắng không than vãn, thì phần nhiều dần dần tốt lên. Còn những ai luôn than vãn thì phần nhiều trở nặng. Nhưng làm sao chúng tôi có thể giải thích tâm sự cặn kẽ với bệnh nhân như bình thường được. Nói nhiều ở đây là cấm kỵ, vì tăng nguy cơ bị lây bệnh. Chúng tôi phải tập thở nhẹ nhàng, không hít sâu, không gắng sức đột ngột để tránh luồng không khí quá mạnh đi qua khẩu trang, dễ lây nhiễm. Nói vậy thôi, khi có bệnh nhân đột ngột diễn biến xấu là chúng tôi quên hết, cái bản năng nghề nghiệp nổi lên, lao vào cấp cứu đến tụt cả đồ bảo hộ. Những ai bị hở bảo hộ lập tức bị đuổi ra khử trùng lại và thay bộ bảo hộ khác ngay.
Môi trường nguy hiểm cùng đồ bảo hộ kín bưng khiến chúng tôi làm việc rất khó khăn. Điều dưỡng lấy ven khó, các em mọi ngày lấy ven siêu thế mà nay có khi 2 đến 3 lần mới được, vì mang mấy đôi găng nên cảm giác ngón tay giảm. Bác sĩ khám bệnh cũng khó, không thể dùng ống nghe được, hỏi bệnh cũng thật ngắn gọn, nên lúc này năng lực quan sát là quan trọng số 1. Nhìn kiểu thở nhẹ nhàng hay khó nhọc, hay nặng hơn nữa là nghịch thường, nhìn nét mặt, mồ hôi, màu da, đỏ gay hay tím tái... chúng tôi đánh giá được mức độ tiến triển của bệnh. Rồi đo SpO2, quan sát lượng oxi tiêu thụ, chúng tôi phác dần ra kế hoạch cho thuốc ngày hôm nay. Bệnh nhân nặng đa phần là béo phì. Không kể tuổi tác, cứ béo phì là dễ trở nặng và dễ tử vong. Hình như mô mỡ trong cơ thể là kho chứa cytokin hay sao ấy, nên nhiễm virus Sarc Covi2 là rất dễ bùng phát thành cơn bão cytokin. Nhìn những người bệnh thở khó nhọc, lớp mỡ bụng nặng nề phập phồng mà tôi đâm ám ảnh, đến bữa tự giác ăn giảm cơm hẳn đi để chống béo phì.
Rồi chúng tôi, cả điều dưỡng và bác sĩ đi đổ bô phân nước tiểu cho bệnh nhân. Họ không thể rời khỏi giường vì đi xa khỏi nguồn oxi là họ ngã ngay. Đi lấy nước cho bệnh nhân uống. Bệnh nhân khó thở thở gấp nên mất nước rất dữ, ngày uống vài lít nước. Những người nặng vừa tự uống được nước thì còn đỡ, nhưng cũng rất khó khăn còn những người nặng thở oxi mass che kín mặt thì có khi thiếu nước trầm trọng, khô hết cả người. Nhân viên y tế rất thiếu, không thể đủ để mà đứng cạnh phục vụ từng người bệnh. Giá mà lúc này có lực lượng tình nguyện được huấn luyện rồi cùng phục vụ đơn giản cho bệnh nhân thì tốt quá. Thời gian qua mau, người bệnh nặng được xử trí, người nhẹ hơn đang phục hồi, chúng tôi thấy yên tâm, mặc cho mồ hôi lúc này đang ướt đầm toàn thân. Đã đến lúc chuẩn bị quay ra vùng xanh để ghi chép bệnh án, thì lại có tiếng xôn xao ở phòng bên, có bệnh nhân diễn biến nặng, tất cả lại nhẹ nhàng kéo máy móc lướt về hướng đó, xúm vào cấp cứu... sau mấy phút bệnh nhân lại có nhịp tim trở lại, lại gắn vào máy thở tiếp. Các đồng nghiệp ai nấy mồ hôi vã ra như tắm nhưng ai cũng rạng rỡ cười sau tấm kính chắn, chúng tôi lại một lần nữa chiến thắng trong việc tranh giữ lại sinh mạng người bệnh.
Đến trưa chúng tôi mới ra đến vùng vàng chuyển tiếp, thận trọng cởi bỏ bộ đồ bảo hộ đang bám đầy virus rồi nhanh chóng đi tắm rửa khử trùng toàn thân, thay quần áo mới để quay về vùng xanh ghi chép bệnh án, cho thuốc, trực trên màn hình camera. Tốp kế tiếp lại lặng lẽ lệt sệt bước vào vùng đỏ. Cuộc chiến đấu của chúng tôi cứ thế, đang tiếp diễn...
Bác Sĩ Thế Dân - Bệnh viện Thống Nhất TPHCM