30/07/2021 11:09 View: 999

Covid - 19 lây nhiễm như thế nào?

Làm thế nào để đảm bảo an toàn, không bị lây nhiễm giữa tình tình dịch Covid-19 đang cực kỳ căng thẳng và có thêm nhiều biến thể nguy hiểm? Trên mạng có rất nhiều bài viết khuyên chúng ta nên uống cái nọ, súc miệng cái kia, xịt họng cái này sẽ chết ngay virut... Nhưng thực tế thì những lời khuyên này có đúng? 

Hãy cùng chuyên mục Sức khoẻ của Tamlinh.org tìm hiểu về cơ chế lây nhiễm của Covid-19 hiện nay qua bài viết rất dí dỏm của bác sĩ Ngô Đức Hùng (Hùng Ngô), tác giả của cuốn sách "Để yên cho bác sĩ hiền", "3 phút sơ cứu", "Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể".... rất dễ hiểu & rất đời thường.

co che lay nhiem cua covid 19
Cơ chế lây truyền của Covid - 19
 
"Tôi viết bài này để mọi người có con mắt nhìn hiểu biết hơn về con đường lây nhiễm của COVID, từ đó có thể nhận định được các “truyền thuyết cõi mạng” do các thánh nhân viết ra có đáng tin hay không.
 
SARS-CoV-2 (gọi tắt là con Covid đi) là tân binh mới nhất trong các anh chị em coronavirus gây bệnh cho người. Nó nguy hiểm hơn các anh chị em còn lại ở chỗ nó phát tán âm thầm trong vài ngày mà không bị phát hiện. Như vậy, 1 anh hay 1 chị bị nhiễm virus sẽ phà hơi thở có chứa các hạt virus cho những người xung quanh trong khi đi lại tung tăng một cách vô tình, trước khi biết mình bị nhiễm bệnh.
 
Covid có kích thước lớn gấp đôi con cúm mùa, gấp 3 HIV và được xếp vào top virus có bộ gen lớn nhất trong họ nhà virus RNA. Vì nhiều gen nên chúng có cơ chế phòng vệ khá tốt. Nó có cơ chế kiểm tra bộ gen để ngăn chặn các đột biến có hại (thuốc kháng virus cơ bản diệt virus bằng cách tạo ra đột biến trong quá trình sinh sản, sẽ không có tác dụng). Hoặc chúng có gen tạo ra các protein ru ngủ hệ thống miễn dịch, làm các cái còi báo động hoạt động chậm chạp nên chúng thỏa mái âm thầm lây lan trước khi cơ thể kịp phát hiện ra và xuất hiện triệu chứng.
 
Khi ho hoặc hắt hơi, 1 người có thể tạo ra 46k hạt lớn và 1,1 triệu hạt bé trôi nổi lửng lơ. Mỗi hạt có chứa gần 200 TRIỆU hạt virus.
 
Covid ra ngoài lang thang trong không gian như con tàu vũ trụ, muốn có bến đỗ nó phải có địa hình phù hợp để bám vào. Tế bào niêm mạc mũi họng có đầy các bến đỗ như thế gọi là ACE2. Số bến đỗ này giảm dần từ họng xuống phổi. Đó là lý do nó lây qua đường hô hấp là chính. Và dịch tiết mũi họng sẽ là bệnh phẩm tập trung nhiều covid nhất.
 
Bám vào được tế bào miêm mạc mũi họng, tế bào phổi, covid hòa luôn vỏ của nó vào vỏ tế bào, đổ ào phát vật liệu di truyền vào đó, khống chế tế bào không cho nó kêu cứu đến hệ miễn dịch. A lê hấp, tất cả trở thành công xưởng sản xuất và lắp ráp các hạt virus mới. Cuối cùng làm tế bào chết, lớp màng bị xé rách giúp chúng thoát ra ngoài.
 
Tế bào niêm mạc chết khiến hàng rào bảo vệ đầu tiên bị phá vỡ, virus có cơ hội lọt vào máu chạy đến các cơ quan khác rồi định cư ở đó. Như vậy bạn đã hiểu việc 1 anh “bác sĩ cõi mạng” bảo...tiêu diệt niêm mạc mũi bằng nước muối thật mặn sẽ phòng lây covid. Nhưng làm thế sẽ khiến cơ thể nhiễm bệnh nhanh hơn vì mất hàng rào đầu tiên các mẹ ạ.
 
Lúc này, số tế bào chết tăng lên nhanh chóng, hệ miễn dịch mới ớ người ra (giống hệt các anh thánh nhân ban đầu bảo không sao không sao cho lây tự do đi cho có miễn dịch cộng đồng) kêu gào thảm thiết. Cuộc chiến bắt đầu
 
Nếu các anh chị miễn dịch tuân thủ đúng hướng dẫn, làm ăn bài bản và lành nghề. Thì cơ thể sẽ xuất hiện triệu chứng hoặc không. Cũng may độc lực của con này khá yếu. Đủ ngày thì virus bị diệt bằng hết. Khỏi.
 
Nếu các anh chị miễn dịch hàng lởm kiểu sPO2 1% tao bóp ngực nó lên 99% ấy mà, cơ thể sẽ xuất hiện cơ bão cytokin, sự ngu dốt của hàng rào bảo vệ cùng con virus khôn lỏi sẽ đánh sập cơ thể. Như vậy chúng ta sẽ đi vào tình trạng sock nhiễm khuẩn nặng. Nhiệt tình cộng ngu dốt thành phá hoại. Người nhiễm tử vong.
 
Cuộc chiến nào cũng có đau thương. Chiến địa ở đâu tổn thương ở đó. Tế bào phổi bị phá hủy, tế bào máu bị đông vón, tế bào não tổn thương...Các anh lính miễn dịch cũng chết vô số. Tổng thể sẽ tạo ra bức tranh của bệnh nhân nhiễm Covid.
 
Các biến thể của virus chính là các đột biến tạo ra nhiều protein bề mặt gọi nôm na là “giác hút” giúp chúng bám vào các bến đỗ ACE2 dễ dàng hơn. Như vậy khả năng lây nhiễm sẽ cao hơn. Chủng Anh, chúng Ấn độ theo cơ chế này.
 
Vậy nên, việc đeo khẩu trang sẽ giúp hạn chế các hạt virus phát tán ra không khí, và người đeo khẩu trang sẽ có lớp màng vật lý chặn bớt các hạt virus lang thang. Kèm theo giữ khoảng cách sẽ giảm quá trình lây nhiễm cho người khác.
 
Vậy nên các anh chị ạ, đừng nghe theo các thánh nhân cõi mạng, chúng "giết" các anh chị đấy."
 
Bác sĩ Hùng Ngô