30/07/2021 12:21 View: 1256

Top 5 lưu ý cần nhớ khi có người thân bị Covid

Gia đình có người bị Covid không nên tự ý mua máy thở vì mua không dễ, mua được cũng không dùng được. Đặc biệt, đo oxy máu bằng APP trên điện thoại cũng không có giá trị, anh chị đừng cố, mất công thôi ạ.

may tho oxi covid
Máy thở là thiết bị chuyên dụng, không có chuyên môn không dùng được

1. TÔI CÓ CẦN MUA MÁY TRỢ THỞ, MÁY ĐO NỒNG ĐỘ OXY KHÔNG?

Thưa anh chị: KHÔNG!
 
Vì: Mua không dễ, mua được cũng không dùng được, đó là thiết bị chuyên dụng mà thường thì các bệnh nhân nặng, các bệnh viện đang cần hơn chúng ta.
 
Đặc biệt, đo oxy máu bằng APP trên điện thoại: Không có giá trị, anh chị đừng cố, mất công thôi ạ.
 
Trên thế giới, ngay cả trong hướng dẫn chuyên sâu, các hiệp hội Tim mạch, Hô hấp, Hồi sức cấp cứu... cũng tiến tới lựa chọn các phương pháp chẩn đoán đơn giản sẵn có như: Đếm nhịp thở, đếm mạch, đo nhiệt độ... thay vì phải dùng máy móc và xét nghiệm phức tạp.
 
Để làm gì? Để bất cứ ai, bất cứ ở đâu, cũng có thể phát hiện ra một BỆNH NHÂN ĐANG CHUYỂN NẶNG.

2. PHÁT HIỆN BỆNH NHÂN COVID CHUYỂN NẶNG NHƯ THẾ NÀO?

Đang cách ly tại nhà, anh chị có thể áp dụng những phương pháp đơn giản để theo dõi sức khỏe sau đây:
 
vi tri dem mach
Vị trí để gia đình tự kiểm tra mạch cho bệnh nhân

Đếm mạch:

Vị trí đặt 3 ngón tay như hình, anh chị sẽ thấy mạch đập dưới tay mình.
  • Người lớn mạch từ 60 - 90 lần/phút là hoàn toàn bình thường.
  • Trên 100 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút, anh chị nên báo y tế.

Đếm nhịp thở:

Anh chị nằm thư thái tối thiểu 5-10 phút, sau đó nhờ người khác đếm số lần lồng ngực phồng lên xẹp xuống, hoặc có thể đặt điện thoại tự quay khung hình từ cằm xuống đến bụng, quay trong 3-5 phút, sau đó tự đếm hoặc gửi cho bác sỹ.
  • Người lớn nhịp thở bình thường từ 16-20 lần/phút.
  • Trên 22 hoặc dưới 15 lần/phút, phải báo y tế.
Mạch và nhịp thở bình thường của trẻ em thay đổi theo lứa tuổi, anh chị tham khảo chỉ số trong bảng phía dưới.
 
nhip tim theo do tuoi
Nhịp thở và tần số mạch trẻ em theo độ tuổi, anh chị tham khảo nhịp thở thôi, mạch trẻ em khá khó đếm

Đo nhiệt độ:

Dùng nhiệt kế kẹp nách trong tối thiểu 10 phút. Có thể dùng nhiệt kế bắn tai hoặc trán. Nhiệt kế tai chính xác nhất.
  • Từ 36.3 độ đến 37.1 độ là bình thường.
  • Sốt từ 37.5 đến 38.5 độ: Chườm, lau bằng khăn ấm.
  • Từ 38.5 độ trở lên, uống thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10-15mg/kg cân nặng. Ví dụ người 50 kg, có thể uống 1 viên đến 1,5 viên 500mg, tùy theo mức độ sốt.
Với trẻ em, liều thuốc hạ sốt cũng tính theo cân nặng, nếu trẻ sốt trên 38.5° C, cho trẻ uống gói thuốc hạ sốt hoặc đặt viên đặt hậu môn có thành phần Paracetamol, với liều 10-15 mg/kg cân nặng.
 
Ví dụ: Trẻ nặng 10kg có thể pha 1 gói Hapacol 150mg với ~ 30ml nước ấm cho trẻ uống, hoặc đặt hậu môn 1 viên Efferalgan 150mg.
 
Lưu ý: Chỉ đặt khi trẻ không thể uống được, bị nôn trớ... Vì đặt hậu môn nhiều có thể gây rối loạn bài tiết phân.
 
Tốt nhất phải hỏi ý kiến bác sỹ trước khi dùng thuốc.
 
Khi sốt, nhịp tim (mạch) sẽ tăng lên, nhịp thở cũng nhanh hơn, anh chị muốn đếm mạch và nhịp thở chính xác cần hạ sốt cho bệnh nhân đã nhé.

Quan sát:

Sắc mặt, màu môi, đầu các ngón tay:
  • Hồng hào là bình thường
  • Nếu thấy mặt tái, vã mồ hôi, môi - đầu ngón tay tím... là dấu hiệu nguy hiểm.
fo cach ly tai nha
6 điều F0 cần làm khi cách ly y tế tại nhà

DẤU HIỆU BỆNH NHÂN DƯƠNG TÍNH COVID

Nếu bệnh nhân COVID (+) hoặc nghi ngờ (+) có dấu hiệu:

Triệu chứng Covid nhẹ:

  • Mệt nhẹ, ho ít, đau họng
  • Mất khứu giác, sốt dưới 38 độ
  • Mạch 60 - 100, thở 15 - 22L/phút...

là triệu chứng nhẹ.

Xử trí: Ăn uống đủ chất, nhiều rau quả, uống nước cam, sinh tố, vitamin C, vitamin 3B... nếu có. Nếu sốt trên 38.5 độ C, uống Paracetamol liều: 10-15mg/kg cân nặng. Ví dụ BN 50kg thì uống 1 đến 1.5 viên thuốc 500mg.

Triệu chứng khó thở do Covid

  • Mệt nhiều hơn, thở 22 - 25 lần/phút
  • Mạch 100 - 110 lần/phút
  • Mặt môi tái... là bắt đầu KHÓ THỞ.

Nếu có oxy phải cho thở oxy và báo y tế địa phương, cố gắng đưa BN đi bệnh viện càng sớm càng tốt.

Dấu hiệu bệnh nhân Covid nguy kịch:

  • Mệt lả, lơ mơ li bì
  • Thở trên 30 lần/phút hoặc dưới 10 lần/phút
  • Mạch trên 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút
  • Hoặc KHÔNG SỜ THẤY MẠCH.
Là dấu hiệu NGUY KỊCH, bằng mọi giá phải được can thiệp y tế nếu không sẽ đe dọa tính mạng.

3. BỊ COVID DÙNG TYLENOL hay PARACETAMOL?

Thực ra 2 thuốc này là một, đều chứa thành phần Paracetamol (giảm đau hạ sốt), anh chị không nhất thiết phải tìm bằng được TYLENOL của Mỹ làm gì, phí tiền, tốn công. Hoạt chất Paracetamol rất phổ biến, chất lượng các loại thuốc không khác nhau nhiều, và nếu QUÁ LIỀU, thì đều gây tổn thương gan cấp đe dọa tính mạng cả.
 
Anh chị không phải bác sỹ mong đừng tư vấn hoặc tự ý dùng thuốc, Covid đa số không chết đâu, nhưng suy gan cấp do Paracetamol thì khó sống lắm.

4. TÔI/NGƯỜI THÂN TÔI LÀ F0, TÔI CÓ THỂ CÁCH LY TẠI NHÀ/ ĐƯỢC ĐẾN BỆNH VIỆN KHÔNG?

Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào quy định và tình trạng tiếp nhận của y tế địa phương nơi anh chị sinh sống, do vậy anh chị cố gắng liên hệ y tế địa phương và trao đổi trực tiếp với họ, bác sỹ không thể can thiệp được.
 
Tuy nhiên, nếu phát hiện các dấu hiện chuyển nặng hoặc NGUY KỊCH như trên bài hướng dẫn, anh chị có thể mô tả rõ ràng triệu chứng để họ đánh giá được tình trạng, từ đó có thể hỗ trợ kịp thời hơn.

5. NGƯỜI THÂN TÔI LÀ F0, TÔI CẦN LÀM GÌ?

Nếu anh chị ở cùng nhà, khi một người (+) thì gần như chắc chắn gia đình anh chị cũng (+). Việc thực hiện 5K trong một mái nhà hầu như là không thể trong điều kiện hiện có, do vậy anh chị không nên cố chờ đợi kết quả xét nghiệm nữa.
 
Việc cần làm lúc này là theo dõi sức khỏe cho tất cả thành viên trong gia đình theo hướng dẫn phía trên.
 
Khi thấy bất thường lập tức báo các bác sỹ trong nhóm và y tế địa phương, yêu cầu hỗ trợ.
 
Chúc anh chị bình an.
Ths. Bs. Nguyễn Dũng, chuyên khoa Hồi sức cấp cứu