30/07/2021 11:40 View: 941

Hướng dẫn dùng thuốc giảm đau HẠ SỐT tại nhà

Thưa anh chị, thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol rất quan trọng để kiểm soát nhiệt độ và hạn chế biến chứng cho người bệnh, nhưng Paracetamol cũng rất NGUY HIỂM - nếu dùng quá liều hoặc sai chỉ định.

 
uong thuoc ha sot
Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt tại nhà
 
Thuốc có thể gây TỔN THƯƠNG GAN CẤP, với tỉ lệ tử vong cực kỳ cao, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống y tế đang quá tải như hiện nay.
 
Bác sỹ xin hướng dẫn anh chị sử dụng Paracetamol để HẠ SỐT trong trường hợp sốt cao do nhiễm Covid-19 như sau:
 
(Lưu ý: Đây là hướng dẫn sơ bộ anh chị có thể lưu lại để sử dụng khi cần, hoặc để khi anh chị hỏi, bác sỹ không phải mất thời gian viết lại. Còn trong mọi trường hợp bắt đầu sử dụng thuốc, anh chị vẫn nên tham khảo trực tiếp ý kiến của các bác sỹ)

CHỈ DÙNG THUỐC KHI:

Sốt trên 38.5°C.

Cách dùng:

Uống 1 liều 10mg - 15mg x số kg cân nặng. (Ví dụ: BN nặng 50 kg, có thể uống 1 viên đến 1.5 viên thuốc 500mg).
 
Tuy nhiên, tốt nhất chúng ta chỉ nên dùng liều 10mg/kg thôi, vì BN sốt do Covid-19 thường sốt kéo dài 5-7 ngày, uống liều thấp để hạn chế độc tính của thuốc.
 
Nếu đã uống thuốc mà vẫn sốt cao trên 38.5° C, phải tìm MỌI CÁCH để hạ nhiệt độ, cùng với thuốc, như: Miếng dán hạ sốt, lau - chườm trán, ngực, nách, tay, chân... bằng khăn ẤM (không được dùng khăn lạnh, sẽ làm co mạch, không thoát được nhiệt, làm nhiệt độ cơ thể khó hạ hơn).
  • Sau ít nhất 6 GIỜ, nhiệt độ vẫn trên 38.5° C, mới được UỐNG TIẾP liều thứ 2.
  • Một ngày tốt nhất không nên uống quá 2000mg (là 4 viên 500mg).
  • Nếu sốt quá cao (trên 39.5 độ C, liều 10mg/kg cân nặng + lau chườm... không hạ được nhiệt độ), có thể dùng đến liều tối đa 15mg/kg cân nặng, nhưng liều này KHÔNG ĐƯỢC LẶP LẠI dưới 8 giờ/lần.

Cách dùng với trẻ em:

Với trẻ em cũng tính liều như người lớn: 10-15mg/kg cân nặng.
 
Thuốc của trẻ thường là loại bột pha với nước, đóng gói 80mg, 150mg, 250mg. Anh chị tính cân nặng rồi pha thuốc với ~ 30ml nước ấm cho trẻ uống.
  • Nếu trẻ không thể uống được, có thể dùng viên thuốc đặt hậu môn.
  • Mỗi lần dùng thuốc cho trẻ cũng phải cách nhau tối thiểu 5 - 6 giờ.
Lưu ý: Chỉ đặt hậu môn cho trẻ khi trẻ KHÔNG THỂ UỐNG ĐƯỢC, vì đặt thuốc vào hậu môn trẻ nhiều lần sẽ gây biến chứng rối loạn bài tiết phân (tiêu chảy).
 
Sốt dưới 38.5°C: Chỉ chườm, lau cơ thể bằng khăn ấm thôi... chưa dùng thuốc ha anh chị.

KHÔNG DÙNG THUỐC KHI:

  • Có tiền sử DỊ ỨNG với Paracetamol.
  • Có bệnh lý cấp tính về gan, ví dụ ung thư gan, viêm gan virus đang giai đoạn cấp tính, đang điều trị tổn thương gan cấp do mọi nguyên nhân...
  • Bệnh nhân có bệnh lý về gan nhưng không trong giai đoạn cấp tính, phải giảm liều và giảm cả thời gian dùng thuốc.
  • Với người lớn, không được dùng thuốc liên tiếp quá 10 ngày, trẻ em không được quá 5 ngày

THUỐC GÌ ĐỂ THAY THẾ Paracetamol 

Khi không dùng được Paracetamol DÙNG THUỐC GÌ ĐỂ THAY THẾ?

Ibuprofen 400mg:

  • Uống 2 viên/ngày, sáng 1 viên, tối 1 viên (cách mỗi 12 giờ), không được dùng quá 1200mg (3 viên/ngày).
  • Thuốc có rất nhiều tác dụng phụ, chỉ dùng khi không thể sử dụng Paracetamol.

Aspirin 100mg:

Uống 10mg-15mg/kg cân nặng (BN 50kg uống 5-6 viên/lần) mỗi 6 GIỜ. Một ngày không được quá 3.500mg (35 viên).
 
Thuốc gây kích ứng niêm mạc dạ dày nên phải uống lúc ăn no, hoặc uống kèm thuốc giảm tiết axit như: Esomeprazole 40mg x 1 viên/ngày.
 
Nếu 5 - 7 ngày chưa hết sốt cao trên 38.5°C, ngoài việc cân nhắc đổi thuốc, anh chị phải yêu cầu bác sỹ khám lại, tìm nguyên nhân, lúc này có thể bệnh nhân đã bội nhiễm vi khuẩn và phải cân nhắc sử dụng kháng sinh để điều trị hoặc dự phòng.

MỘT SỐ THUỐC KHÁC HAY SỬ DỤNG:

Giảm ho:

  • + Alimemazin 5mg, uống 4 viên/ngày, sáng 2 viên, tối 2 viên.
Trẻ em dùng 1/2 viên/lần x 2 lần/ngày. Thuốc có tác dụng an thần, không được lái xe, điều khiển máy móc sau khi dùng thuốc.

Dự phòng loét dạ dày:

Cùng với tác dụng phụ do dùng thuốc thì tâm lý lo lắng, căng thẳng sẽ làm gia tăng nguy cơ loét dạ dày, anh chị dùng:
  • + Esomeprazole 40mg
  • + hoặc: Pantoprazole 40mg
  • + hoặc: Deslansoprazole 30mg
Uống 1 viên/ngày.
 
Nếu đã có tiền sử viêm loét dạ dày, viêm trào ngược dạ dày thực quản... đang có triệu chứng, nên uống dài 1-2 tháng, đồng thời khám tiêu hóa, nội soi sớm nhất có thể... để điều trị nguyên nhân.

Thuốc chống dị ứng:

  • + Chlorpheniramin 4mg
  • + hoặc: Cetirizin 10mg
  • + hoặc: Loratadin 10mg
  • + hoặc: Desloratadine 5mg
... Là những thuốc anh chị có thể mua dự phòng, khi cần thì uống theo hướng dẫn của bác sỹ.

Kháng sinh (chỉ dùng khi có chỉ định của bác sỹ):

  • + Amoxicilin/acid Clavulanic 1g
  • + Hoặc: Cefuroxim 500mg
  • + Hoặc: Levofloxacin 500mg
... Anh chị có thể mua sẵn 5 đến 7 ngày để khi cần có thể sử dụng ngay.

Thuốc chống viêm:

  • + Methyl Prednisolone 16mg
  • + Dexamethaxone 4mg
  • ... Dùng theo chỉ dẫn của bác sỹ.

Bổ sung:

  • Vitamin 3B, Vitamin C, Kẽm... nên uống thêm nếu có
  • Nhớ ăn uống đủ chất, nhiều rau củ quả, sinh tố...
  • Nghỉ ngơi điều độ, tập luyện nhẹ nhàng, hạn chế vận động quá sức...
  • Sốt nhiều quá mất nước phải uống bù thêm nước nhé.
 
Và luôn nhớ nhiễm Covid-19 đa số sẽ ổn thôi (80% thể nhẹ và không có triệu chứng), nhưng quá liều thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol hoặc các thuốc khác do không tuân thủ chỉ dẫn của bác sỹ thì tỉ lệ tử vong cao hơn rất nhiều lần.
 
Chúc anh chị bình an.
Ths. Bs. Nguyễn Dũng, chuyên khoa Hồi sức cấp cứu