30/07/2021 11:24 View: 1074

Bị thành F0 có NGUY HIỂM không?

Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh thành, số lượng FO tăng lên rất nhanh, có ngày con số lên đến 7-8 nghìn người. Vậy nếu không may bị trở thành F0 thì có nguy hiểm không? 

Hãy cùng chuyên mục Sức khoẻ của Tamlinh.org tìm hiểu về nguy cơ trở nặng hoặc tử vong của F0 qua bài viết rất dí dỏm của bác sĩ Ngô Đức Hùng (Hùng Ngô) - một trong những bác sĩ tuyến đầu chống dịch. 

f0 covid
Bị thành F0 có sợ không?

F0, F1, F2, F3 LÀ GÌ?

F0 là gì? 

F0 là bệnh nhân dương tính hoặc được xử lý như dương tính với virus Corona. Nếu bạn đi từ vùng dịch về hoặc có những triệu chứng như: Ho, sốt, khó thở và có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh, nghi ngờ mắc bệnh trong vòng 14 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng bệnh. Đừng quên báo ngay tình trạng của mình cho những người đã từng tiếp xúc với bạn (F1). 

F1 là gì? 

F1 là người nghi nhiễm, tiếp xúc trực tiếp ca dương tính virus Corona F0. Bạn cần báo cho y tế quận và đi cách ly tại bệnh viện, đồng thời tự báo cho F2 của mình.

F2, F3 là gì?

F2, F3 là người tiếp xúc với người nghi nhiễm (F2 tiếp xúc với F1 và F3 tiếp xúc với F2). Báo ngay cho y tế quận rồi làm theo hướng dẫn cách ly (tại nhà hoặc tập trung), tự báo cho những người đã từng tiếp xúc

Bị thành F0 có nguy hiểm không? 

Câu trả lời là không.
 
Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm từ tháng 1.2020 khi dịch mới bắt đầu. Các bạn anti vẫn chụp hình cái tút tôi cười he he và bảo nó không đáng sợ rồi đi rêu rao rằng rồ ôi nó tiền hậu bất nhất, bây giờ thì quay sang bẩu Covid nguy hiểm lắm. Cũng không sao cả. Tại sao vậy?
 
Bản thân virus SARS_COV 2 có độc lực không mạnh, tỉ lệ gây chết chỉ 0.2-2%. 80% sẽ không có hoặc có rất ít triệu chứng.
 
Sars cov2 nguy hiểm khi nó lây lan nhanh gây ra quá tải hệ thống y tế, lúc ấy tỉ lệ tử vong tăng lên do chất lượng chăm sóc và điều trị đi xuống. Như vậy, hạn chế nguồn lây sẽ làm giảm được nguy cơ tăng nặng và tử vong. Càng ngày hiểu biết về virus này càng rõ ràng hơn nên chiến lược điều trị càng tốt hơn, với điều kiện là hệ thống y tế không bị quá tải.
 
Nếu chẳng may bạn bị COVID, bạn sẽ có 15-20% nguy cơ diễn biến nặng, tỉ lệ này tăng lên với người lớn tuổi, có bệnh nền mạn tính, bệnh rối loạn chuyển hóa… Vì vậy nếu chúng ta là những người trẻ tuổi, hãy có ý thức bảo vệ người xung quanh mình, đặc biệt là trẻ em và người già.
 
Diễn biến nặng đa phần xảy ra trong 7-10 ngày đầu, nếu qua giai đoạn này mà bạn vẫn OK thì chúc mừng bạn đã lọt vào nhóm 80% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Rồi khỏi.
 
Nếu bạn được thông báo mình nhiễm COVID, cũng chẳng có gì phải hoảng hốt, bạn hãy bình tĩnh mà chuẩn bị 3 vấn đề sau:

1. Chuẩn bị hậu cần:

Sắp phải vào cách ly tập trung (hoặc giả như phải cách ly tại nhà)
  • Hãy chuẩn bị vật dụng cá nhân đầy đủ vào vali
  • Đồ ăn vặt, đồ khô hoặc bất cứ thứ gì bạn thích và tính toán làm sao đủ cho 15 ngày
  • Đồ giải trí: quyển sách đọc đỡ buồn, cái điện thoại hay máy tính để chém gió với bạn bè.
  • Khẩu trang và nước rửa tay.

2. Chống nhiễm khuẩn khi cách ly Covid:

Việc cách ly giúp bạn không lây bệnh cho người xung quanh, bởi bạn đã trở thành cái lò ấp virus, cần giảm tải cho ngành y bằng cách đừng lây cho người khác. Nếu phải cách ly tại nhà, OK, hãy chọn 1 phòng hoặc hẳn 1 tầng nhà để ở. Cần giữ khoảng cách với những người trong gia đình mình để tránh lây sang cho họ.
 
  • Mở thoáng cửa đón gió tự nhiên, thường xuyên đeo khẩu trang. Ở trong phòng 1 mình thì chả cần đeo.
  • Hàng ngày lấy nước sát trùng, hoặc chí ít nước lau nhà lau 2 lần bề mặt, tay nắm cửa, việc chổng mông lau nhà ngày 2 lần cũng là cách để các bạn tập thể dục cho đỡ ươn người.
  • Tất cả tiếp xúc với người còn lại trong gia đình không được trực tiếp, hãy để 1 cái bàn ngoài hành lang để cơm nước đặt vào đó, rồi bạn ra lấy.
  • Rác cho vào túi buộc kín, nhà vệ sinh dùng riêng và bật quạt thông hơi nếu có.
  • Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng.
  • Bất kể giao tiếp nào cũng phải cách xa tối thiểu 2m và đeo khẩu trang. Nói nhỏ đủ nghe đừng gào lên hay kéo khẩu trang ra để nói.

3. Điều trị khi bị Covid-19:

Triệu chứng nhiễm covid cũng giống các virus khác như sốt, đau mỏi người, sổ mũi nhức đầu…
 
Không sao cả, chỉ cần theo dõi ăn uống đầy đủ, thứ gì cũng được miễn là ngon miệng. Bù đủ nước hàng ngày, uống hạ sốt giảm đau nếu sốt cao.
  • Bạn sẽ phải báo cho bên y tế để nhập viện nếu như: đau ngực nhiều, hít thở khó khăn, ho nhiều hoặc mệt 1 cách thái quá không lý giải được.
  • Các loại vitamin hoặc thuốc tăng cường miễn dịch uống cũng được, mà không có cũng không sao. Đừng tìm kỳ hoa dị thảo làm gì. Bởi nhiễm virus theo nguyên tắc đủ ngày đủ tháng nó sẽ bị hệ thống miễn dịch tiêu diệt. Miễn sao bạn ăn tốt ngủ tốt là được. À quên, làm theo các thánh nhân cõi mạng có nguy cơ gia tăng đi bán muối.
Nếu bạn không có triệu chứng gì, thì càng tốt, cứ yên tâm mà theo dõi thôi. Đến ngày đến giờ thì nhân viên y tế sẽ ngoáy mũi 1 phát để xét nghiệm. Lúc ấy thì hãy cầu âm tính hộ em đi, là xong.
 
Thế thôi. Covid không đáng sợ, thứ đáng sợ hơn cả là lòng người.
 
Cố gắng thư giãn và đọc sách nhiều hơn, biết đâu sau khi nhiễm covid khỏi bệnh, bạn sẽ thành nhà thông thái.
 
Bác sĩ Hùng Ngô