Từ châu Âu đến châu Á, và sau đó đến Bắc Mỹ ở phía bên kia đại dương, tại sao lại có sự trùng hợp đáng kinh ngạc trong tri thức về sao Thiên Lang?
Sao Thiên Lang, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, nền văn minh Ai Cập cổ đại 4.000 năm trước đã thông thuộc chu kỳ vận hành của nó. (Được cung cấp bởi Bí ẩn chưa được giải đáp)
Nếu không phải do sự trùng hợp ngẫu nhiên, thì những nền văn minh cổ đại này có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với nhau như thế nào?
Xin chào quý vị độc giả! Nhân vật chính của câu chuyện hôm nay của chúng ta là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời mùa đông, gọi là sao Thiên Lang, tên tiếng Anh là sao Sirius.
Nói một cách chính xác, sao Thiên Lang là hằng tinh sáng nhất có thể được nhìn thấy từ Trái Đất. Nó sáng gần gấp đôi so với sao Lão Nhân (Canopus) xếp thứ hai, nên rất dễ nhận biết. Trong số 88 chòm sao được cộng đồng thiên văn quốc tế phân hoạch, sao Thiên Lang thuộc về một trong hai chú chó săn lớn nhất của những người thợ săn trong chòm sao Orion. Nó có thể được quan sát vào ban đêm từ các khu vực phía nam 73 độ vĩ Bắc, vì vậy về cơ bản tất cả mọi người trên Trái Đất đều có thể nhìn thấy nó. Và sao Thiên Lang này có những truyền thuyết thú vị được lưu truyền trên khắp thế giới.
Vị trí của sao Thiên Lang. (Ảnh: Wiki)
Người Ai Cập cổ đại và sao Thiên Lang
Ở Ai Cập cổ đại, sao Thiên Lang được đánh giá mạnh nhất vào thời điểm nó “mọc lên cùng với Mặt Trời” (heliacal rising).
Mọc lên cùng với Mặt Trời là gì? Đó là hiện tượng khi sao Thiên Lang sau một thời gian dài uẩn tàng phía dưới đường chân trời, lần đầu cùng với Mặt Trời xuất hiện trên đường chân trời phía đông lúc bình minh. Sao Thiên Lang sẽ trở lại bầu trời đêm vào khoảng thời gian Hạ chí hàng năm, mà ngày này chính là đại biểu cho mùa nước dâng của dòng sông sinh mệnh của Ai Cập – sông Nile. Nước sông tràn ngập mang lại nhiều phù sa màu mỡ cho hai bờ sông Nile từ các khu vực xích đạo mưa ở thượng nguồn, rất thích hợp cho trồng trọt và là bảo đảm tốt nhất cho người nông dân năm sau có một vụ mùa bội thu.
Do đó, sao Thiên Lang có một địa vị cao quý ở Ai Cập cổ đại và được gọi là “Sopdet”, đối ứng với “Isis”, Thần Mẹ của người Ai Cập. Trong thần thoại Ai Cập cổ đại, Thần Isis có pháp lực cường đại và trí huệ siêu phàm, địa vị được tôn sùng. Như chúng tôi đã giới thiệu trước đây, trong kim tự tháp có rất nhiều đường hầm và phòng nhỏ, dường như chính là được sử dụng để quan trắc sao Thiên Lang. Cổng chính của rất nhiều ngôi Thần miếu của Ai Cập cổ đại cũng mở ra theo hướng sao Thiên Lang mọc lên.
Người Ai Cập cổ đại thậm chí còn lấy ngày sao Thiên Lang mọc cùng Mặt Trời làm ngày bắt đầu năm mới, và phát triển một loại lịch sao Thiên Lang độc đáo, dựa trên chu kỳ sao Thiên Lang mọc lại ở cùng vị trí với Mặt Trời. Từ thời gian mà tính, chu kỳ này là 365,25 ngày; nếu không bao hàm phần sau dấu phẩy thì đó chính xác là thời gian của năm dương lịch.
Điều đáng ngạc nhiên là trong số 2.000 ngôi sao mà chúng ta có thể phân biệt được bằng mắt thường, với chu kỳ chính xác là 365,25 ngày, chỉ có duy nhất một ngôi sao mọc lên cùng lúc với Mặt Trời, đó là sao Thiên Lang. Bằng chứng khảo cổ học cho thấy ngay từ năm 3000 trước Công nguyên, trong thời kỳ của triều đại đầu tiên Pha-ra-ông Jett cách đây 5000 năm, người Ai Cập đã bắt đầu sử dụng ngày đầu tiên của sao Thiên Lang là ngày bắt đầu năm mới. Vào thời của Vương triều Pha-ra-ông thứ tư, cách đây 4.500 năm, lịch Dân sự (Civil calendar) dựa trên chu kỳ sao Thiên Lang đã trở nên thịnh hành.
Vậy thì vào bốn hay năm nghìn năm trước, trong thời kỳ xa xưa viễn cổ, làm thế nào người Ai Cập phát hiện ra đặc điểm này của sao Thiên Lang trong biển sao rộng lớn, và làm thế nào họ tính toán chính xác một năm là 365,25 ngày? Đến nay đây vẫn là một bí ẩn.
Người Hy Lạp và Sirius
Tuy nhiên, trên khắp Địa Trung Hải, đến Hy Lạp cổ đại ở đối ngạn, sao Thiên Lang hay Sirius không còn phổ biến nữa. Từ Sirius trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Σείριος (Sirios), có nghĩa là “thiêu đốt”. Bởi vì đối với người Hy Lạp, ngày mà sao Sirius mọc lên cùng Mặt Trời báo trước sự xuất hiện của “tam phục thiên”, khi đó thời tiết trở nên khô nóng, cây cối khô héo, con người trở nên mỏi mệt và nóng nảy, nên nó không được hoan nghênh.
Trong sử thi nổi tiếng “Iliad” của Homer, có một mô tả như vậy:
Sao Thiên Lang lưu động trong bóng tối chầm chậm thăng lên
Vào một đêm hè, giữa các vì sao
Họ gọi nó là con chó của Orion, ngôi sao sáng nhất
Nhưng cũng mang đến cho nhân loại một dự liệu tà ác,
Nỗi thống khổ viêm nhiệt và sốt
Trong bài thơ, sao Thiên Lang được gọi là chú chó của chòm sao Orion, cũng là chòm sao mà Thiên Lang thuộc về. Trong thần thoại Hy Lạp, nó đại biểu cho lễ vật được Thần Zeus tặng cho Europa là chú chó Leilapus, và sau này nó được gọi là Canis Major. Và sao Thiên Lang ngoài tên Sirius còn có một biệt danh khác nghe không mấy dễ chịu, được gọi là “Cẩu tinh”.
Tuy không được ưa chuộng nhưng sao Thiên Lang vẫn có chỗ đứng trong nền văn hóa Hy Lạp. Vào mùa hè, những người dân đảo Kea trên biển Aegean đã hướng tới nó và Thần Zeus hiến tế để cầu mong có được những làn gió mát, và sau đó họ quan sát trạng thái của sao Thiên Lang khi nó mọc lại. Nếu khi mọc lên, nó sáng láng và rõ ràng, thì điều đó cho thấy may mắn; nếu nó có sương mù hoặc ánh sáng yếu nhược, thì điều đó dự trắc bệnh dịch sắp đến. Một đồng xu thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên được tìm thấy trên đảo có in họa tiết phóng xạ ánh sáng, nhìn vừa giống một con chó vừa giống một ngôi sao. Các chuyên gia đã phân tích rằng điều này tượng trưng cho sao Thiên Lang. Có thể được in hình trên tiền xu, hẳn là sao Thiên Lang phải có một địa vị nhất định trong văn hóa Hy Lạp.
Điều thú vị là trong rất nhiều nền văn hóa khác, sao Thiên Lang cũng xuất hiện hình tượng một chú chó hoặc động vật thuộc loài chó. Người La Mã cổ đại tế bái sao Thiên Lang vào khoảng ngày 25 tháng 4, dâng một con chó cùng với hương, rượu và một con cừu cho nữ thần Robigo để cầu cho lúa mì sinh trưởng khỏe mạnh. Thiên văn học Ả Rập thời Trung cổ gọi chòm sao nơi sao Thiên Lang tọa lạc là “al-Kalb al-Akbar”, có ý nghĩa là “đại cẩu” (con chó lớn).
Sao Thiên Lang trong văn hóa Trung Quốc
Điều khó tin hơn nữa là, ở nơi cách nửa vòng Trái Đất, bên kia dãy núi Himalaya, Trung Quốc cổ đại cũng gọi nó là “lang”, nghĩa là chó sói, họ hàng gần của chó, và giống như trong văn hóa Hy Lạp, hình tượng của nó không được tốt cho lắm. Trong cuốn “Tấn thư – Thiên Văn chí” nói: “Sói là dã tướng, chủ xâm lược”. Vì vậy, có thể nói sao Thiên Lang là một ngôi sao hắc ám.
Trong “Sở từ – Cửu ca – Đông Quân” của Khuất Nguyên, thiên tượng giai nhật thăng thiên (mọc lên cùng Mặt Trời) lúc bình minh của sao Thiên Lang có một cách hiểu khác:
Thanh vân y hề bạch nghê thường, cử trường thỉ hề xạ Thiên Lang
Thao dư hồ hề phản luân hàng, viên Bắc Đẩu hề chước quế tương
Soạn dư bí hề cao đà tường, yểu minh minh hề dĩ đông hành
Dịch thành bạch thoại, nó có nghĩa là nói: Chỉ thấy Thần Mặt Trời Đông Quân chiến bào phấp phới, đứng giữa không trung, lấy mây xanh làm áo, cầu vồng trắng làm quần, giương cung tiễn hướng về phía Thiên Lang, Thiên Lang hóa cát bụi. Đắc thắng trở về ăn mừng, chỉ thấy Đông Quân thu thiên cung, cất thần tiễn (mũi tên thần), lấy 7 sao Bắc Đẩu làm muỗng, múc rượu quế hoa tại Nguyệt cung, thưởng thức rượu ngọt, rồi bất tri bất cảm hướng về hoàng hôn. Đông Quân tay kéo dây cương, cưỡi lên chiến xa, phi nước đại, nhất lộ hướng Đông, biến mất trong bóng tối mênh mông.
Đương thời, quan hệ giữa nước Tần và nước Sở đang căng thẳng. Có người nói có thể nào Thiên Lang bị bắn ở đây ám chỉ nước Tần đang muốn thôn tính nước Sở? Rất có khả năng không phải vậy. Vì đây là bài tế văn tế tự Thần Mặt Trời. Đối với người dân Sở 2000 năm trước mà nói, một quốc gia trên nhân gian dù cường đại đến đâu cũng không thể trở thành địch nhân của Thần. Vì vậy, một số học giả tin rằng, ý tứ lời cầu nguyện trong bài tế tự là mong muốn hòa bình, nó miêu tả cảnh tượng quang minh làm tiêu tan hắc ám. Khi Mặt Trời còn chưa xuất hiện, sao Thiên Lang hắc ám có ánh sáng mạnh nhất trên thiên không. Tuy nhiên, Thần Mặt Trời cuối cùng đã đến, quang diễm vô tận, và sao Thiên Lang rất nhanh sẽ mờ đi và biến mất dưới ánh sáng vô tận của Mặt Trời.
Cung tiễn mà Thần Mặt Trời sử dụng ở đây, chính là “cung” trong bài thơ cũng là vật phi phàm, là chòm sao “Hồ Thỉ” (cung tên) trong chiêm tinh cổ đại, cùng với sao Thiên Lang thuộc về 28 tinh tú trong “Tỉnh Túc” phương Nam. Hồ Thỉ do 9 ngôi sao tổ thành, nằm về phía đông nam của sao Thiên Lang, đối ứng với hai chòm sao Canis Major và Puppis trong tinh hệ phương Tây.
Trong “Sử ký – Thiên quan thư” nói, “Hồ cửu tinh, tại Lang đông nam, thiên chi cung dã. Dĩ phạt bạn hoài viễn, hựu chủ bị đạo tặc chi gian tà giả”. Bùi Nhân, một sử học gia nổi tiếng thời Nam triều trong cuốn “Sử ký tập giải” đã tiến hành giải thích một bước, nói: “Hồ Thỉ hướng Lang động di, đa đạo tặc; Minh Đại biến sắc, diệc như chi. Thỉ bất trực Lang, hựu đa đạo tặc; Dẫn mãn, tắc thiên hạ tận binh dã”, cũng chính là nói, sao Thiên Lang chủ đạo tặc, chòm sao Hồ Thỉ là lực lượng phòng thủ. Nếu chòm sao Hồ Thỉ di động về phía sao Thiên Lang, hoặc không nhắm thẳng vào Thiên Lang, khả năng liền có động loạn; Nếu sao Thiên Lang đột nhiên biến trở nên đặc biệt sáng, hoặc không ngừng nhấp nháy, thậm chí biến sắc, thì càng là biểu hiện của động loạn xã hội; Nếu Hồ Thỉ kéo căng cung, ý vị chính là khả năng thiên hạ đại loạn.
Nói đến đây, chúng ta hãy cùng giải đáp một bí ẩn nho nhỏ, đó là câu “Hội vãn điêu cung như mãn nguyệt, Tây Bắc vọng, xạ Thiên Lang” (căng cung như trăng tròn, hướng về Tây Bắc bắn Thiên Lang) trong “Giang Thành Tử – Mật Châu xuất liệp” của Tô Thức, một đại văn hào thời Bắc Tống”. Nguyên nhân là sao Thiên Lang ở Trung Quốc chỉ xuất hiện tại bầu trời phương Nam, do đó nếu Tây Bắc vọng (nhìn về Tây Bắc) thì nhìn không thấy, vậy Tô học sĩ chẳng phải sai sao? Nhưng cũng có người lý giải nói, Thiên Lang có lẽ đối ứng với Tây Hạ luôn xâm nhiễu nhà Tống chăng? Tuy nhiên, đối với nhà Tống mà nói, Tây Hạ luôn là bại tướng nên không có gì phải lo lắng, kẻ địch thực sự mạnh là Liêu và Kim ở phía đông Tây Hạ. Nếu vậy, nên phải là “Đông Bắc vọng” mới đúng? Vì vậy, liên quan đến làm thế nào để “vọng” mới bắn được con sói Thiên Lang, lâu nay mọi người vẫn mơ hồ.
Tuy nhiên, một bạn am hiểu về chiêm tinh học cho biết thứ mà Tô Thức đương thời mô tả kỳ thực là cây thiên cung “Hồ Thỉ” của Thần Mặt Trời của nước Sở. Bản đồ sao sau đây lấy từ Bản đồ thiên văn khắc trên đá đến từ Tô Châu, đây là bản đồ sao toàn bầu trời căn cứ trên thực trắc, được khắc trên đá cổ lão nhất hiện tồn. Thời gian quan trắc là vào những năm Nguyên Phong triều Bắc Tống, vừa khớp là niên đại của Tô Thức. Hình ảnh cho thấy rõ ràng mũi tên của chòm sao “Hồ Thỉ” chỉ vào hướng Tây Bắc của sao Thiên Lang. Đây chẳng phải là “Tây Bắc vọng, xạ Thiên Lang” sao?
Ảnh chụp từ video Epoch Times.
Nói như vậy, nhân đây tôi cũng xin giới thiệu những tri thức về bản đồ sao, bản đồ sao được mô tả theo hướng thượng bắc, hạ nam, đông trái tây phải, hoàn toàn ngược lại với tây trái đông phải của địa đồ. Vì vậy, sao Thiên Lang này trông giống như nó ở phía Đông Bắc, nhưng kỳ thực là ở phía Tây Bắc. Tô đại học sĩ căng cây thiên cung bắn sao sói Ngưu Lang, trong tâm sở nguyện, cũng có khả năng giống như Khuất Nguyên thời đó, là mong muốn rằng thiên hạ hòa bình, không khởi chiến loạn, chứ không phải nhắm vào một quốc gia nào đó trên mặt đất. Hoài bão của cổ nhân, kỳ thực so với những gì chúng ta tưởng tượng, là rộng lớn khai khoát hơn nhiều.
Nói xong về Trung Quốc, chúng ta hãy quay nửa vòng Trái Đất và đến với Bắc Mỹ. Nhiều bộ lạc giữa người Mỹ bản địa cũng liên hệ sao Thiên Lang với động vật thuộc loài chó. Các thổ dân ở Tây Nam Mỹ cho rằng ngôi sao này là một con chó đi theo con dê núi. Người Cherokees ở phía Đông Nam Mỹ coi Thiên Lang tinh là một trong những người bảo vệ Thái Tinh ở cả hai biên của “con đường linh hồn”. Có một bộ lạc “Sói” chỉ đơn giản gọi nó là “Sao Sói”, trong khi người Inuit ở phía bắc Alaska gọi nó là “Nguyệt khuyển”.
Từ châu Âu đến châu Á, và sau đó đến Bắc Mỹ ở phía bên kia đại dương, tại sao lại có sự trùng hợp đáng kinh ngạc trong tri thức về sao Thiên Lang? Nếu không phải do sự trùng hợp ngẫu nhiên, thì những nền văn minh cổ đại này có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với nhau như thế nào?
Sao đồng hành cùng Thiên Lang
Sao Thiên Lang A và B. (Ảnh: Wiki)
Một hiện tượng đáng chú ý khác của sao Thiên Lang là ngôi sao đồng hành của nó. Ngôi sao đồng hành mờ đến mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường, bởi vì nó chỉ sáng bằng một phần mười nghìn sao Thiên Lang. Vì vậy, mặc dù con người đã bắt đầu quan sát bầu trời vào ban đêm từ hàng nghìn năm trước, nhưng phải đến năm 1862, nhà thiên văn học người Mỹ Alvan Graham Clark mới quan sát thấy sự tồn tại của nó.
Tuy nhiên, vào những năm 1930, hai nhà nhân chủng học người Pháp Marcel Griaule và Germaine Dieterle nói rằng những người thổ dân Dogon gần như biệt lập ở Tây Phi đã biết đến ngôi sao đồng hành gần như vô hình này từ hàng nghìn năm trước. Càng thần kỳ hơn nữa, những người Dogon nói rằng chính những người từ sao Thiên Lang đã nói cho họ biết.
Viên đá này đã kích khởi ngàn tầng sóng. Bởi nếu điều này là sự thật, nó chứng minh sự tồn tại của người ngoài hành tinh. Do đó, không ít học giả có thái độ hoài nghi, cho rằng tri thức thiên văn của người Dogon cũng có thể đến từ các cuộc thám hiểm thiên văn hoặc những người hiện đại khác đã đến thăm họ vào thế kỷ 19. Cho đến ngày nay, mối quan hệ khó hiểu giữa người Dogon và Thiên Lang nhân vẫn là một chủ đề được tranh luận sôi nổi.
Nguồn: DKN - Theo Epoch Times