04/06/2021 11:48 View: 1833

Xử thế biết mình, hiểu người: Hơn nhau ở chữ ĐỘ

Trong đối nhân xử thế: Người giỏi việc Dùng người hay Trị người đều nhờ sự hiểu biết về Nhân tướng học và Tâm thuật. Vậy cổ nhân đã dạy chúng ta cách ứng xử như thế nào để trở thành người giỏi dùng người và trị người? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

doi nhan xu the

Dùng người & trị người: Hiểu Nhân tướng học và Tâm thuật

"Người vô dụng có thể bị người khôn khéo bóc lột công sức cho đến khi hơi thở cạn kiệt. Còn người hữu dụng thì sao? Người thấy việc gì cũng làm được, thành ra việc gì cũng ôm lấy, cáng đáng, vọng động, vọng tưởng, cuối cùng cũng làm con rối cho bọn quyền thế cường hào. Tựu trung, hữu dụng hoặc vô dụng cũng đều bị DÙNG. Người đạo đức, theo người xưa là người hiền trí. Trí để không ai lợi dụng mình. Hiền để không ai ghét mình. Chỉ có bậc hiền trí mới tránh được cạm bẫy của người khác“.

"Tri kim, nhi bất tri cổ, vị chi manh cổ; tri cổ, nhi bất tri kim, vị tri lục trầm" ta đã biết chuyện đời nay, ta lại cần phải học chuyện đời xưa, ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới không đến nỗi khiếm khuyết. Vì, tuy chia làm cổ, kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi sớm, buổi chiều trong một ngày của trời đất, kẻ học giả mà câu nệ chấp nhất, chỉ biết cổ không muốn biết kim, hay chỉ biết kim không muốn biết cổ, thì sao gọi là "bác cổ thông kim" được! – ( Nhà văn Ngô Nguyên Phi).

Đitơcuppơ có nói: “ Muốn điều khiển phải biết người. Muốn biết người phải hiểu mình trước đã”. Biết mình, hiểu người, xử thế hơn nhau ở chữ Độ.

Ứng xử đối với người khác

Tuyệt đối không được ngạo mạn, châm biếm hay chế giễu họ.

Người xưa có câu rằng: “Khiêm tốn được phúc báo, tự mãn chiêu mời họa”, người luôn ngạo mạn, cho rằng mình hơn người là người chưa trưởng thành và trí tuệ không cao. Thiên thời không bằng Địa lợi, Địa lợi cũng không bằng Nhân hòa. Được nhân hòa là được lòng người. Đối xử với người ngoài xã hội phải giữ mức độ, có thái độ hòa nhã, có văn hóa.

Dù bị người khác gây chuyện mà không gây tổn hại thì phải học cách Nhẫn nhịn “ Một điều nhịn là chín điều lành”. Người biết nhẫn nhịn là người không hề yếu đuối mà họ là người có Trí tuệ cao hơn người, có Đức cao và lòng Nhân thì mới Nhẫn được. Ở đời, mình muốn được người khác tôn trọng thì mình phải biết tôn trọng người khác. Có thái độ tôn trọng người khác.

Ứng xử với bạn bè

Trong mối quan hệ bằng hữu phải biết giữ tín nghĩa.

Điều tối kỵ giữa bạn bè là nghi ngờ vô căn cứ. Nghi ngờ vô căn cứ là điều khiến mọi người dễ dàng xa nhau.

Bạn bè không có lòng tin tưởng tuyệt đối sẽ rất khó duy trì được mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài. Chân tình với bạn bè và tuyệt đối không được lợi dụng bạn bè vào mục đích riêng của mình. Bạn bè là Nghĩa phải giữ Tín Nghĩa.

Đối với người yêu: "Yêu đừng yêu quá đắm say. Ghét đừng ghét đắng, ghét cay sinh thù - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khuyên như vậy.

Ứng xử trong gia đình

“Quốc có Quốc pháp, Gia có Gia qui” đất nước có pháp chế kỷ cương pháp luật, gia đình nào cũng có quy tắc, gia quy, có người trên kẻ dưới phải biết giữ Đạo lý lễ nghĩa.

Từ xưa đến nay, những gia tộc lớn, hiển vinh đều là những gia tộc có gia quy đúng đắn, rõ ràng. Con cháu trong gia tộc đều tuân theo gia quy một cách cẩn thận và tôn kính.

Ứng xử giữa cha mẹ với con cái 

Tuyệt đối không dùng lời nói nhiếc móc, rỉa rói người già. Khổng Tử nói rằng, việc hiếu thảo khó khăn nhất của con cái đối với cha mẹ chính là việc giữ được nét mặt vui tươi.

Cha mẹ nhìn con cái có nét mặt khó khăn, sao có thể vui được, huống chi phải nghe những lời nhiếc móc? Người già lại dễ tủi thân, động lòng, cho nên chỉ một lời nói, vô tình có thể khiến cha mẹ tổn thương và dẫn đến cái kết không hay.

Cha mẹ với con phải có tình thân

Cha mẹ phải dùng lòng nhân từ dạy bảo con, con phụng dưỡng cha mẹ phải hiếu thuận cung kính. Cha nhân từ, con hiếu thảo thì tất sẽ có tình thân.

Cha mẹ không được quá cưng chiều con cái, đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện. Hãy cho con cái biết được rằng, mỗi một vật, mỗi một thứ mà cha mẹ cho con đều phải đổ mồ hôi mới có được để con biết quý trọng công sức của người khác.

Thường xuyên cưng chiều con quá, trẻ sẽ cho rằng, những điều trẻ muốn là thứ đương nhiên cha mẹ phải đáp ứng. Đã không hiểu và trân quý được tài sản của người khác, sau này lớn lên, trẻ sẽ trở thành người không tốt.

Con cái đối xử với cha mẹ phải Hiếu thảo, trong các tội thì tội bất Hiếu là lớn nhất

Bổn phận làm con là phải hiếu thuận với cha mẹ. Trong “Luận ngữ – Vi chính II, 5”, Khổng tử giải thích: “Sanh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ” (Hễ làm con, khi cha mẹ còn sống, phải phụng sự cho có lễ, khi cha mẹ chết, phải chôn cất cho có lễ, rồi những khi cúng giỗ, cũng phải giữ đủ lễ). Khổng tử khuyên người ta thờ cha mẹ một cách sáng suốt. Không phải bất kỳ điều gì cha mẹ sai khiến đều vâng theo, gọi là có hiếu. Người có hiếu nên biết phân biệt những điều lành của cha mẹ mà tuân theo, những điều dữ của cha mẹ mà can gián.

Đối với người làm cha phải là người hiễu rõ lễ nghĩa, là tấm gương tốt cho con thì con sẽ tự nhiên hiểu rõ hiếu kính.

Nếu cha có chút sai sót phải khiêm tốn nghe lời giãi bày của con. Làm con phải tận hiếu, nghe lời dạy của người lớn, nếu có sai lầm phải biết tiếp nhận lời khuyên của bề trên mà cải sửa. Có như vậy thì mới là tròn đạo cha – con.

Có câu nói rằng: “Bách thiện hiếu vi tiên”, có nghĩa là trong trăm cái thiện thì chữ Hiếu đứng đầu. Người phương Tây sau khi trưởng thành, kết hôn liền rời xa cha mẹ để sinh sống độc lập. Bởi vì con cái không sinh sống cùng cha mẹ, nên cần phải thông qua ngày của cha, ngày của mẹ để thể hiện lòng hiếu kính.

Nhưng ở phương Đông theo văn hóa truyền thống, rất nhiều nơi là tồn tại các gia đình 2, 3, hay 4 thế hệ, vậy nên mới có câu “Tứ đại đồng đường”. Bởi vì con cái sống cùng cha mẹ, sớm chiều thăm hỏi, ngày ngày đều báo hiếu, cho nên thực ra mỗi ngày đều là ngày của cha, ngày của mẹ, thật sự không cần một ngày chuyên biệt nào nữa. Nhưng cũng chính vì quan niệm “Sống cùng nhà” như vậy nên dễ nảy sinh những mâu thuẫn trong gia đình. Nếu không biết cách ứng xử cho phù hợp thì gia đạo không yên vui dễ trở thành bi kịch.

Ứng xử giữa vợ chồng

Người chồng là thuộc tính dương, là cương, mạnh mẽ. Người vợ là thuộc tính âm, là nhu mềm.

  • Trong gia đình, người chồng cương trực, vững chãi, khoan dung, độ lượng làm chủ, làm người bao bọc bên ngoài gia đình.
  • Ngược lại, người vợ có tính ôn nhu, nhún nhường, mềm mại làm phụ, làm người quán xuyến mọi việc bên trong gia đình.

Đây cũng chính là sự an bài theo đặc tính của người nam và người nữ.

Học thuyết Âm Dương từ khi xuất hiện và được ứng dụng trong triết lý học Phương đông đã tồn tại hơn 5000 năm chắc chắn không thể không có lý được, nó là nguồn gốc của Dịch, nó ứng dụng trong nền Y học cổ truyền, Nhân tướng học, Phong thủy... và để giải thích nhiều hiện tượng tự nhiên của vũ trụ.

Người chồng trong gia đình được xưng là chủ nhà, là trụ cột, là người đứng đầu, là chỗ dựa vững chắc cho mọi người trong gia đình, nên phải đảm đương trách nhiệm của một nam tử hán chứ không nên cậy mạnh mà sinh thói gia trưởng. Còn người vợ có nghĩa vụ phụ giúp chồng, dạy con, nghe theo lời đề xướng hợp quy phạm đạo đức của người chồng, cân bằng mối quan hệ của cả gia đình, gia đình là nơi bến cảng để mọi người nghỉ ngơi. Vợ chồng có chủ, có phụ, có trong có ngoài, có ân có tình cùng hỗ trợ cho nhau thì sẽ xây dựng được một gia đình hòa thuận, đầm ấm.

Cho nên, trong gia đình, vợ chồng phải yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, kính trọng nhau như khách, có việc thì cùng bàn bạc để làm. Lúc đó gia đình sẽ hòa thuận “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” mọi việc sẽ suông sẻ, sự nghiệp hưng thịnh và tự nhiên sẽ được “bách niên giai lão”.

Đại kỵ giữa vợ chồng là sự coi thường lấn át đối phương.

Người xưa cho rằng giữa vợ chồng phải “tương kính như tân”, luôn tôn trọng lẫn nhau.

Trong cuộc sống, hai người ở cùng nhau lâu ngày, sẽ coi nhẹ việc “tôn trọng” lẫn nhau, họ cho rằng điều đó là không cần thiết. Nhưng đây lại là điều đại kỵ mà người xưa khuyên mọi người không nên mắc phải.

Ứng xử với người trên kẻ dưới

Trong “Tư trị thông giám”, Tư Mã Quang viết: “Chu Văn Vương diễn dịch ‘Dịch Kinh’, đặt ‘kiền khôn’ đứng đầu. Khổng Tử giảng giải rằng: Trời cao Đất thấp, ‘kiền khôn’ theo đó mà được định ra. Cao thấp được đặt ra mà sang hèn được lập theo.” Điều này muốn nói rằng, địa vị của Quân (kẻ trên) và Thần (kẻ dưới) là do địa vị của Trời Đất lập ra, không gì có thể thay đổi được. Do đó, nguyên tắc xử thế giữa Quân và thần cũng được xác lập trước tiên là căn cứ vào địa vị.

Kẻ bề trên tránh thói cậy thế cậy quyền, ỷ mạnh mà ức hiếp kẻ dưới, trù dập, hãm hại. Kẻ dưới quan trọng nhất là phải biết vị trí của mình, biết mình là ai, có Lễ độ phép tắc và lòng trung thành.

Người trên phải dùng lòng Nhân mà đối đãi với người dưới. Người xưa rất coi trọng chữ Nhân. Trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử cũng viết: “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân.” Ý nói, một người mà trong lòng có chí lớn và có đức nhân, sẽ không vì tham sống sợ chết mà tổn hại đức nhân, chỉ biết không tiếc hy sinh tính mạng vì đức nhân.

Khổng Tử viết: “Nếu Quân vương có thể dùng lễ để đối đãi với bề tôi thì bề tôi sẽ tận tâm làm phần việc mà mình đảm nhận.”

Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử viết: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, có nghĩa là “vua phải ra vua” tức là làm đúng bổn phận hay đúng vai trò của ông vua. Quan phải ra quan tức phải làm đúng bổn phận của ông quan. Cha phải ra cha tức là khi làm cha mình phải đóng đúng vai trò của người cha. Và con phải cho ra con tức phải làm hết bổn phận của một người ở địa vị làm con. Đó là phép ứng xử của bề trên với kẻ dưới là như vậy.

Nhân: ở đây chính là có tấm lòng nhân từ, bao dung độ lượng.

Đối xử công bằng, thưởng phạt phân minh, xét người không vì lỗi nhỏ mà quên đi công lao lớn, không vì tình cảm riêng tư mà bênh vực nâng đỡ, không được tạo vây cánh mà kết bè kết đảng, làm việc nghĩa chớ kể công, làm việc nhân đức không mong báo đáp, biết yêu thương và biết ơn báo ơn là có lòng nhân nghĩa, nhân ái.

Dùng “nhân từ” để đối đãi với nhau luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Điều này không chỉ đúng với xã hội ngày xưa, mà còn đúng với cả xã hội ngày nay.

ĐỐI NHÂN XỬ THẾ TRONG NGHỀ NGHIỆP

Người làm quan mà lộng quyền, cậy quyền cậy thế để làm những việc trái lương tâm đạo lý, không sớm thì muộn cũng gặp báo ứng, dễ rơi vào nghịch cảnh thất thế và lao tù, người người oán ghét, đối thủ luôn có hận thù và tìm cách hạ bệ.

Người làm quan tòa phải tuyệt đối không được thiên vị, không được tư lợi, phải giữ được cán cân công lý, luật pháp nghiêm minh, công bằng phán xét.

Người làm kinh doanh không được buôn gian bán lận để trở thành gian thương, họ sẽ phải chịu hậu quả từ việc làm của mình, nếu có được tiền tài cũng không lâu bền, sẽ không giữ được đạo lý ngay từ trong gia đình của chính họ.

Người làm nghệ thuật mà dung tục, phóng túng bản thân và sống ảo thì bản thân họ sẽ gặp sự thất bại thậm chí tự tìm đến cái chết khi không tìm được lối thoát của tâm hồn. Người làm nghệ thuật có Tâm mới để lại được danh tiếng và tác phẩm vĩ đại cho nhân loại.

Người làm nghề thầy thuốc, tham của cải, ham danh vọng là điều tối kỵ, nếu làm việc cứu người mà không có chuyên môn làm việc cẩn trọng và có lương tâm nghề nghiệp dễ trở thành tội nhân giết người.

Người dạy học là việc làm thầy người khác, không được làm việc một cách qua loa, lấy lệ, làm cho xong việc, dạy cho đủ tiết học, đủ giờ là xong việc. Người thầy như vậy sẽ không bao giờ có được những người học trò có đủ Tài Đức được.

Người ta trong làm việc tránh tùy tiện, bạ đâu làm đấy mà không nghĩ đến hậu quả của việc mình làm, làm việc không cẩn trọng. Một người làm việc tùy tiện, không tuân thủ theo quy tắc thì sẽ rất khó để đạt được thành quả.

Người ta đối với lỗi lầm của mình điều quan trọng là nhận ra sai lầm và tìm cách sửa sai, không được cố chấp, không chán nản buông xuôi, ngã từ đâu phải đứng lên từ đó. Trong cuộc đời, ai cũng không tránh khỏi việc phạm phải sai lầm dù nhỏ hay lớn. Cứ mãi canh cánh bên lòng mà không buông bỏ được sự dày vò xuống thì không bằng hãy cải sửa để lần sau tránh phạm phải.

Người ta trong việc tu học không được lười biếng cẩu thả, khinh suất. Lười biếng sẽ không có được kiến thức thực hành. Cẩu thả làm việc không đến nơi đến chốn sẽ gặp thất bại, khinh suất sẽ khiến con người khó đạt được sự thành công cho dù là thành công nhỏ và có thể để lại những hậu quả to lớn không thể khắc phục được.

Người ta trong hành động của mình khi đối nhân xử thế tránh tính nóng giận và vội vàng, cảm xúc bộc phát không kiềm chế phải có lý trí và bản lĩnh. Hậu quả của những hành động không như ý đó thường nguy hại.

Người ta trong ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt phải tuyệt đối tránh sự vô độ, vượt quá giới hạn an toàn. Một người sinh hoạt vô hạn độ không chỉ khiến cho sức khỏe bản thân bị ảnh hưởng xấu mà còn khiến cho con người mình mất kiểm soát cân bằng, sức khỏe, phát sinh bệnh tật và giảm thọ.

Người ta trong ngôn ngữ (lời nói, chữ viết) hết sức tránh sự dối trá, tục tĩu, khoe khoang, thổi phồng tâng bốc, nịnh hót, kích bác, dèm pha thị phi, tỏ vẻ ta đây, ngạo mạn, khinh người. Trong ngôn ngữ của mình mà có những điều đó sẽ khiến người khác mất lòng tin, ngôn ngữ không chân thật, lâu dần sẽ không còn ai tin tưởng người ấy nữa, ngôn ngữ tục tĩu là kẻ vô học vô văn hóa. Dèm pha, kích bác, thị phi, tâng bốc, nịnh hót, tự cao tự đại …cũng là những Khẩu nghiệp làm bản thân họ sẽ phải chịu quả báo xấu.

Người ta trong công danh sự nghiệp phải học tính kiên nhẫn và có ý chí nghị lực cao, mọi việc không nên buông bỏ dễ dàng, vừa gặp khó liền buông bỏ ngay hay tìm cách tránh né việc khó, đùn đẩy cho người khác mà phải vận dụng mọi khả năng hiểu biết của mình để giải quyết công việc một cách tốt nhất, phải biết học tập từ sai lầm và thất bại cũng như từ những việc đã làm được. Không có thành công nào là không phải trải qua khó khăn, nghịch cảnh. Không thể có thành công từ việc làm cẩu thả hay lười nhác nên phải có sự chuyên cần, chăm chỉ, nỗ lực làm việc.

Người ta ở đời sống có đến cả Trăm nghề nghiệp (bách nghệ) khác nhau nhưng làm nghề nào cũng cần có lương tâm và nỗ lực học hỏi thực hành thì mới có được thành tựu trong cuộc sống:
...
"Muốn thành công phải biết lo xa.
Mưu sự là ở người ta,
Thành công tốt đẹp suy ra tại trời.
Có trường hợp ở nơi nguy bại,
Được trời phù nên lại thắng to.
Hoặc khi tai nạn gay go,
Gặp may lại được trời cho an toàn.
Có đức mà nghèo hèn cơ cực,
Hẳn là do nghiệp chướng từ lâu.
Bất lương mà được giầu sang,
Chắc là kiếp trước bắc cầu thiên duyên.
Không thuốc nào chữa bệnh khanh tướng thọ,
Có tiền đâu mua được con hiền.
Vợ ngoan chồng chẳng ưu phiền,
Có con hiếu thảo cha yên cõi lòng.
Bởi uống say, nói không tử tế,
Vì tiền tài, huynh đệ từ nhau.
Nên xuống ngựa lúc qua cầu,
Có đường bộ chớ rủ nhau đi thuyền.
Áo trắng thì bụi đen dễ dính,
Khó an toàn bởi tính kiêu căng.
Lòng người hiểm hơn núi rừng,
Hãy suy luận, để coi chừng đó nghe.
Nếu phận nghèo thì nên nghèo trước,
Chớ dã tâm, bạo ngược khởi đầu.
Biết mệnh là bởi hiểu sâu,
Sống yên vô sự khác nào thần tiên.
Muốn sống lâu phải rèn luyện tốt,
Từ lao động ăn uống thuốc men…
Giữ gìn chừng mực cho quen,..
Một ngày vui khoẻ là tiên một ngày.
“Bọ ngựa bắt con ve tưởng bở
Sẻ lại rình bọ ngựa kề bên;
Người săn tặng sẻ mũi tên;
Hổ lang rình sẵn xông lên vồ người.
Hổ đắc ý lên rồi định biến,
Ngờ đâu xa xuống giếng mạng toi!
Mới hay mạnh yếu ở đời,
Nhãn tiền báo ứng rạch ròi phân minh”

- Trích bài thơ của Bạch Vân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm-