04/06/2021 11:47 View: 2266

Tu để làm gì? Tu để thấy gì?

Trong đạo Phật, đạo Mẫu, đạo Giáo.. chúng ta thường nghe thấy mọi người nhắc về tu hành. Vậy tu để làm gì? Tu để thấy gì? Tu để làm thầy có phải không? 

tu hanh

Tu tập để làm gì? 

Tu tập để hiểu bản thân mình cần gì, mình điều tiết các nhu cầu đó ra sao để không ảnh hưởng tiêu cực đến xung quanh, không gây hại xung quanh

Ví dụ ăn để sống, mà cái ăn của mình phải sát mạng loài khác để sinh tồn thì cần tiết chế ra sao để không gây hại muôn loài, giảm tối đa sát nghiệp có thể. Vì chúng sinh nào cũng muốn sống, muốn được bình an và hạnh phúc

Nhu cầu mặc để ấm hay mặc để đẹp, người ta vì cái đẹp, cái ấm đó mà sát mạng các loài động vật có da lông đẹp dày ấm để khoác lên mình, vậy nhu cầu đó nó không hợp lí lắm vì mình chỉ cần ấm hay đẹp, tại sao phải sát mạng kẻ khác.

Cứ đặt mình vào hoàn cảnh muôn vật xung quanh, mình sẽ hiểu hơn và tự nhiên nhận thức giá trị cuộc sống, trân trọng nó như chính cuộc sống của mình vật, đó là sự dung hoà, hoà hợp giữa người với trời đất vậy.

Mục đích tu tập nói chung của muôn loại, muôn giáo pháp cũng lấy dung hoà ấy làm nền tảng

Mỗi chúng sinh đều là một thứ tồn tại vĩnh hằng theo thời gian, nó chỉ thay đổi hình dạng, trạng thái, cấu trúc của sự hiển hiện bên ngoài qua sắc thọ tưởng hành thức. Vô thường là vậy. Cuối cùng những thứ giả tạm hư huyễn đều sẽ trở về không, còn bản thể của năng lượng vĩnh hằng đó, tuy mỗi cá thể đều dị biệt, nhưng lại giống nhau về tính chất cơ bản. Giống như mỗi hạt cát hay mỗi giọt nước, sẽ không bao giờ có cái giống y chang nó, nhưng cơ bản thì các hạt cát sẽ giống nhau, các giọt nước nhìn sẽ giống nhau, tính chất giống nhau vậy. 

Tu hành trong đạo Phật

Vì vậy bước đầu vào đạo, Phật dạy chúng ta phải giữ năm giới. Giữ năm giới là tu. Phật tử nào không phạm năm giới là người sống xứng đáng trong đạo cũng như đời. Do chúng ta biết giữ năm giới hiện đời bản thân mình tốt, mọi người chung quanh mến thương. Khi nhắm mắt biết chắc chắn sẽ trở lại làm người tốt, nên trong tâm không lo sợ hoảng hốt. Ðó là tu Nhân thừa Phật giáo.

Người không sát sanh đời sau sanh ra tuổi thọ dài. Không trộm cướp đời sau sanh ra có tài sản nhiều. Không tà dâm đời sau sanh ra đẹp đẽ trang nghiêm. Không nói dối đời sau sanh ra nói năng lưu loát, ai cũng quí cũng tin. Không uống rượu mạnh, không uống say; không hút á phiện, xì ke, ma túy đời sau sanh ra được trí tuệ minh mẫn. Như vậy, giữ được năm giới hiện đời sống hạnh phúc, đời sau càng hạnh phúc hơn.

Nên nói tới tu là điều cần thiết cho bản thân mình, cho gia đình và cho cả xã hội nữa. Chớ không phải tu là cầu những chuyện lạ lùng, huyền bí. Nếu một thôn, một xóm ai cũng giữ tròn năm giới thì thôn xóm đó có vui không? Không ai sợ bị ăn cắp, sợ người khác hại, sợ người khác phá gia cang của mình v.v. Ðó là chỗ hòa vui.

Vì vậy tu là biết được gốc của sự an vui. Những gì làm đau khổ chúng ta tránh, những gì tạo niềm an vui chúng ta làm thì cuộc đời tốt đẹp biết dường nào. Nếu không biết tu chúng ta cứ làm những điều xấu, rồi tự chuốc khổ cho mình cho người. Chính mình chủ nhân tạo ra mọi sướng khổ, chớ không phải thần thánh nào cả. Thế nhưng có người động tới liền xin thần thánh "tha cho con". Thật buồn cười.

Chúng ta gieo nhân tốt mới hưởng được quả tốt, không gieo nhân mà đòi hưởng quả đó là chuyện viển vông. Không cần phải xin xỏ ai cả, chỉ khéo tạo nhân tốt để được quả tốt, đó là người sáng suốt thực tế. Phật bảo đó là người khéo tu, biết tu vậy.

Mong tất cả quí vị hiểu được ý nghĩa "chữ tu" cho thật đúng, khéo ứng dụng vào cuộc sống của mình, thì dù nghe ít vẫn lợi lạc nhiều. Bằng ngược lại nghe nhiều mà không khéo tu, cứ mặc tình tạo các nghiệp bất thiện thì chẳng những không được chút lợi lạc, mà phải chuốc quả khổ đau nữa.