04/06/2021 11:35 View: 1968

Truyền thuyết: Phúc thần Mục Thận bắt hổ cứu vua

Sử xưa có chép, vào thời nhà Lý, niên hiệu Thái Tông, bá quan văn võ trong triều ai nấy cũng đều có sự nể trọng với thái sư đương thời là Lê Văn Thịnh. Người này còn từng được vua Tống ngự ban chức Long Đồ Các Đãi Chế, sau lại được Lý Nhân Tông cất lên làm Thái Sư để khỏi lo nỗi Tống triều muốn mượn cớ phong danh mà chiếm đoạt hiền tài.

den tho muc than, vi than chai luoi, ho tay, vong thi

Đền thờ ông nay nằm ở mé sát hồ Tây, người dân từ xưa đã đồn rằng nơi này linh dị vô cùng, mỗi năm đến ngày lễ bạt là lại có con rắn từ dưới cột đền chui lên, ba ngày thiết lễ xong xuôi thì nó lại chui xuống, không hề làm hại ai cả

Lại nói, cùng vào thời điểm này, có người họ Mục, tên Thận, lấy nghề chài lưới ở ven sông làm kế sinh nhai. Người này có tài dùng ảo thuật hóa ra mãnh thú, thái sư Lê Văn Thịnh nghe đồn như vậy thì cũng lấy làm hiếu kỳ. Ông nhiều lần cho người đến mời Mục Thận để hỏi chuyện nhưng không được.

Mãi cho đến khi thái sư nghĩ ra kế sách đưa Mục Thận về làm gia nô thì mọi sự mới được an bài. Trong suốt mấy năm làm kẻ hầu người hạ ở phủ thái sư, Mục Thận vô tình đã có lòng trung với Lê Văn Thịnh, coi đó là cái ơn nuôi dưỡng nên rất tận tình báo đáp. Đã vậy, Thận còn dụng tâm truyền lại phép linh dị ảo thuật cho thái sư, chỉ trong mươi ngày, Lê Văn Thịnh đã có thể dùng thần thông mà hóa ra hùm hổ, quả thật là nhân tài học đạo.

Về sau, cũng không rõ sự tình thế nào, Mục Thận cáo biệt thái sư mà xin về làng chài để sống nốt cuộc đời nhàn hạ. Trước khi đi, Mục Thận còn căn dặn với thái sư rằng sau này chớ có đến bên hồ mà kẻo gặp họa sát thân.

Một lần, vua Nhân Tông ngự thuyền ra hồ Dâm Đàm xem đánh cá, ấy là vào một ngày hoa tươi liễu đậm, sóng nước bình hòa, thuyền rồng ung đùa mây gợn nước mà đi trên mặt hồ. Nhân Tông vì nghĩ dưới chân thiên tử khó có kẻ dám làm loạn, mà nước nhà bấy giờ thì yên vui, mùa màng quanh năm lại tươi tốt, nhân dân ít ai làm ác, dẫu có muốn thì cũng khó lòng mà tung hoành ở đất vua. Cho nên, khi xa giá, vua chỉ đem theo có mấy người nội thị, thuyền rồng tuy mỹ lệ khang trang nhưng tính cả vua thì mới được độ chục người.

Bấy giờ, đang lúc thung dung thưởng cảnh, vua hốt nhiên thấy có cơn gió nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây đen vần vũ kéo đến ngay trên đầu mù mịt khắp cả một vùng. Trong thoáng chốc, tất thẩy mọi người trên thuyền đều thấy có con hổ lớn lông trắng vằn đen từ trong mây đang há miệng mà nhào về phía vua. May sao, thuyền rồng của vua lại gặp đúng lúc Mục Thận đi ngang, biết là có điềm chẳng lành, Mục Thận hóa phép tung lưới tiên bắt gọn quái hổ.

Khi mây đen đã vãn, cảnh sắc trở về sự bình yên vốn có, người ta lại thấy trong lưới tên là thái sư Lê Văn Thịnh, vua cho rằng kẻ làm tôi như Lê Văn Thịnh có ý muốn mưu phản, bắt đầy Văn Thịnh vào tận xứ Thanh.

Về triều, vua khen Mục Thận là người có công phò chúa, phong làm Đô Úy tướng quân, sau này còn tiến cấp làm Phụ Quốc Tướng Quân. Khi ông mất, vua ban chiếu phong làm Thái Úy, lập từ đường đúc tượng mà thượng phụng hương hỏa.

Nhân dân sau này tôn ông làm Phúc thần, đền thờ ngày một trang nghiêm diễm lệ. Niên hiệu Trùng Hưng năm thứ tư, sắc phong Trung Tuệ Công. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong thêm hai chữ Võ Lượng.

Đền thờ ông nay nằm ở mé sát hồ Tây, người dân từ xưa đã đồn rằng nơi này linh dị vô cùng, mỗi năm đến ngày lễ bạt là lại có con rắn từ dưới cột đền chui lên, ba ngày thiết lễ xong xuôi thì nó lại chui xuống, không hề làm hại ai cả. Hàng năm, ngày 14/2 Âm lịch, là ngày giỗ Mục Thận, cũng trở thành ngày hội của làng Võng Thị và một số làng lân cận như Trích Sài, Hồ Khẩu.

Dân làng tổ chức rước kiệu từ đền Dục Khánh và đền Vệ Quốc - là nơi thờ hai con trai của Mục Thận có công dẹp giặc, được phong tướng công về đền Võng Thị. Ngày này cũng trở thành một ngày hội văn hóa duy trì từ thời Lý đến nay với nhiều hình thức như: Tế lễ, văn nghệ dân gian…

Quang Nguyễn 

Tamlinh.org