17/04/2022 12:01 View: 13122

Đền Lảnh Giang Hà Nam thờ ai, đi lễ đền Lảnh Giang cầu gì?

Hai ngôi đền nổi tiếng thờ Quan Đệ Tam được cho là linh thiêng nhất đó là đền Xích Đằng - Hưng Yên và đền Lảnh Giang - Hà Nam. Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu về lịch sử, thần tích, sắm lễ - cầu gì khi đi lễ đền Lảnh Giang Hà Nam 

“Trăm nghìn, trăm cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây”

Hà Nam là mảnh đất nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, đặc biệt là các ngôi chùa, đền đài. Trong đó, không thể bỏ qua danh lam thắng cảnh đền Lảnh Giang. 

Đền Lảnh Giang Hà Nam – ngôi đền cổ linh thiêng vùng đất Hà Nam

Đền Lảnh Giang hay còn có tên gọi là đền Lảnh hoặc Lảnh Giang linh từ tọa lạc tại địa phận thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những điểm dừng chân tâm linh không thể bỏ qua bởi nét đẹp kiến trúc đền cổ hàng trăm năm tuổi linh thiêng, bí ẩn.

Theo người dân địa phương, vẫn chưa xác định được chính xác thời gian xây dựng đền Lảnh Giang Hà Nam. Dựa vào những kí tự Hán được khắc trên cây nóc ở đền thì đền được trùng tu lần cuối cùng vào niên hiệu Bảo Đại năm thứ 18 (1944). Trải qua nhiều biến cố thời gian, di tích đền từng bị tàn phá nặng nề. Được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của chính quyền địa phương cùng bách gia trăm họ công đức, đền đã được tu sửa, tôn tạo trở thành khu di tích quy mô, bề thế nhưng không mất đi dáng vẻ xưa của ngôi đền. 

Năm 1996, ngôi đền được bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đền Lảnh Giang Hà Nam thờ ai?

Đền Lảnh Giang hiện là nơi thờ tự Quan Lớn Đệ Tam và hệ thống các vị thần linh Tứ Phủ. Trong đó, ngôi đền nổi danh tứ phương là nơi thờ Tam vị tướng đời Hùng Vương – tương truyền là con của nàng Quý và Bát Hải Long Vương.

Họ đã có công giúp vua Hùng chống lại quân giặc Thục Phán nên được vua Hùng ban phong vị. Đền Lảnh Giang là nơi tưởng nhớ công ơn của các vị thần đã có công giúp vua Hùng giữ nước. 

Thần tích về Tam Vị Thủy Thần 

Ngày xưa, ở trang An Cố, huyện Thuỵ Anh, phủ Thái Ninh, trấn Sơn Nam có vợ chồng ông Phạm Túc ăn ở phúc đức, nhưng không có con.

Một đêm, vợ ông là bà Trần Thị Ngoạn đang dạo chơi bỗng gặp một người con gái mồ côi đi tha phương cầu thực. Động lòng trắc ẩn, bà Ngoạn liền đón cô về làm con và đặt tên là Quý. Vài năm sau, đột nhiên ông Túc mắc bệnh rồi qua đời. Hai mẹ con đã tìm một nơi đất tốt để an táng cho ông.

Sau ba năm để tang cha, một hôm nàng Quý ra bờ sông tắm gội, ngâm mình dưới nước, bỗng mặt nước nổi sóng, từ phía xa một con thuồng luồng khổng lồ bơi tới quấn lấy nàng, khiến nàng kinh hoàng ngất lịm.

Từ hôm đó nàng Quý mang thai. Không chịu được những lời gièm pha khinh thị, nàng đành phải trốn khỏi làng đến xin ngụ cư ở Trang Hoa Giám (nay thuộc thôn Yên Lạc). Rồi đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Tân Tỵ, nàng Quý chuyển dạ, sinh ra một cái bọc. Cho là điểm chẳng lành, nàng liền đem chiếc bọc đó quẳng xuống sông. Chiếc bọc trôi theo dòng nước tới trang Đào Động (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), mắc phải lưới của ông Nguyễn Minh. Sau nhiều lần gỡ bỏ, nhưng bọc vẫn cứ mắc vào lưới. Ông Minh thấy lạ bèn khấn: “Nếu bọc này quả là linh thiêng thì cho tôi lấy dao rạch thử xem sao” Khấn xong ông Minh rạch ra, bỗng thấy ba con rắn từ trong bọc trườn xuống sông. Con thứ nhất theo hướng về cửa sông Đào Động, con thứ hai về Thanh Do, con thứ ba về trang Hoa Giám – nơi nàng Quý đang sinh sống. Nhân dân các trang ấp trông thấy đều sợ hãi, cùng nhau ra bờ sông tế tụng, xin được lập sinh từ để thờ.

Lạ thay, vào một đêm trăng sáng, trời bỗng nổi cơn giông, ngoài cửa sông sấm sét nổi lên dữ dội. Đến gần sáng, gió mưa ngớt dần, mọi người đều thấy dưới sông có tiếng người ngâm vịnh:

Sinh là tướng, hóa là thần

Tiếng thơm còn ở trong dân muôi đời

Khi nào giặc dã khắp nơi

Bọn ta mới trở thành người thế gian

Tương truyền ba vị tướng thời Hùng là con của Bát Hải Long Vương và Nàng Quý. Nàng Quý là con nuôi của vợ chồng ông Phạm Túc. Do vậy về sau nhân dân ghép họ Phạm cho các ông.

Bấy giờ Thục Phán có ý định cướp ngôi vua Hùng Duệ Vương. Thục Phán cầu viện binh phương Bắc đánh vào kinh đô. Duệ Vương bèn lập đàn cầu đảo. Đêm ấy nhà vua chiêm bao thấy có người sứ giả mặc áo xanh từ trên trời bước xuống sân rồng, truyền rằng: “Nhà vua nên triệu ba vị thuỷ thần sinh ở đạo Sơn Nam, hiện còn là hình con rắn thì tất sẽ dẹp xong được giặc”. Tỉnh dậy Duệ Vương liền cho sứ giả theo đường chỉ dẫn trong giấc mộng tìm về đạo Sơn Nam. Sứ giả vừa đến trang Đào Động (nay thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bỗng nhiên trời đổ mưa to, sấm sét nổi lên dữ dội ở cửa sông. Một người mặt rồng mình cá chép, cao tám thước đứng trước sứ giả xưng tên là Phạm Vĩnh, xin được đi dẹp giặc. Sau đó, ông Phạm Vĩnh gọi hai em đến bái yết thân mẫu, rồi cùng nhau đi yết kiến Duệ Vương.  Hai em và các tướng hợp lại, dưới sự chỉ huy của ông, quân Thục đều bị tiêu diệt.

 Vì có công lớn nên nhà vua lại phong cho ông là “Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần” nhưng ông không nhận, chỉ xin cho dân Đào Động hàng năm không phải chịu sưu dịch. Được vua Hùng đồng ý, ông Phạm Vĩnh cùng hai em về quê hương bái yết thân mẫu và khao thưởng gia thần, dân chúng.

Ngày 25 tháng 8 năm Bính Dần, trong lúc ông đang ngự tại cung thất của mình, bỗng dưng giữa ban ngày trời đất tối sầm, mưa gió ầm ào đổ xuống. Khi trời quang mây tạnh, dân làng không nhìn thấy ông đâu nữa. Cho là điều kỳ lạ, nhân dân trang Đào Động làm biểu tâu với triều đình.

Được tin ông Phạm Vĩnh về trời, nhà vua liền gia phong cho ông là “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ưng Thái Thượng Đẳng Thần”, đồng thời đặt lệ quốc lễ, ban sắc chỉ cùng 400 quan tiền cho dân Đào Động rước thần hiệu, tu sửa đền miếu để phụng thờ. Các triều đại sau đó cũng có sắc phong cho ông (hiện trong đền còn giữ 12 sắc phong. Sắc sớm nhất là đời Lê Cảnh Hưng, sắc muộn nhất vào triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 7. Ngôi đền Lảnh Giang Hà Nam thờ ông cùng 2 anh em rắn còn lại.

Thần tích về Tiên Dung – Chử Đồng Tử

Cùng trên mảnh đất thiêng này có câu chuyện về mối tình Tiên Dung, Chử Đồng Tử từ ngàn xưa còn vọng đến hôm nay. Thần tích lưu truyền rằng, ở thôn Đằng Châu có một nhà nghèo gặp cơn hỏa hoạn. Hai cha con chỉ còn một manh khố ngắn dùng chung để khi có việc ra ngoài. Lúc người cha qua đời, Chử Đồng Tử đã dành chiếc khố cuối cùng khâm liệm cha. Từ đó, ngày ngày chàng thường phải ngâm mình dưới nước.

Một hôm, Tiên Dung con gái vua Hùng đi du ngoạn, cảm nhận cảnh sông nước nên thơ, công chúa cho dừng thuyền lại bên bãi cát. Chử Đồng Tử đang mò cá dưới sông, nhìn thấy thuyền rồng, cờ rong lọng tía mà kinh sợ, vội vàng vùi mình dưới cát. Ngay lúc đó Tiên Dung sai các thị nữ quây màn để tắm đúng vào nơi mà Chử Đồng Tử ẩn nấp. Nước xối từ trên người nàng, trôi dần cát ở dưới chân, lộ Chử Đồng Tử trong màn quây. Sau giây phút ngỡ ngàng, cả hai người cho là duyên trời đã định, cùng nhau về triều xin phép vua cha cho kết duyên thành vợ chồng. Chử Đồng Tử, Tiên Dung đã về trời nhưng tình yêu, lòng hiếu thảo còn ở lại mãi với trần gian.

Trần Danh Lâm (1705-1777) khi về thăm Lảnh Giang đã có bài thơ:

                                 “Con gái vua Hùng, tướng vua Hùng

                                 Đền này truyền việc lại nhà thờ chung

                                 Sự nghiệp nhân duyên thì rất đẹp

                                 Tình đời chẳng đẹp đáng thau không”

Đặc biệt kiến trúc đền Lảnh Giang

Dừng chân tại cổng đền, ta sẽ thấy tòa tam quan được xây theo kiểu chồng diêm tám mái đặc trưng của đền chùa Việt Nam. Nổi bật nhất là các đầu đao cong vút theo hình đầu rồng đắp nổi, đan xen mặt nguyệt, lá lật cách điệu mềm mại. Từ đây nhìn hướng ra là dòng sông Nhị Hà hay Sông Hồng.

Khu vực sắp lễ tại khuôn viên bên ngoài gian thờ

Đền Lảnh Giang được xây dựng theo thiết kế nội công ngoại quốc bao. Cung chính thờ Quan đệ Tam và Tứ Phủ Công Đồng. Hai bên là gian nhà khách, động Sơn Trang, cung Mẫu, lầu thờ. Bên ngoài khuôn viên đền Lảnh Giang là đền Cô Bơ Tam Giang. Tổng diện tích đền vào khoảng 3.000 m2.

Từ cửa đền cung thờ chính, ta sẽ đến với ban Tứ Phủ Ông Hoàng – ban Tứ Phủ Công Đồng và ban Trần Triều. Tiến vào sâu bên trong là ban Tam Phủ.

Gian trong cùng chính là ban thờ Ông Hoàng Bảy – Quan Đệ Tam và Ông Hoàng Mười.

Bên trái cung thờ chính ta là khu vực cung Mẫu và động Sơn Trang. Cung Mẫu thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Chầu Bơ và Cô Bơ. Lầu Cậu nằm bên phải cung thờ chính. Lầu Cô nằm vị trí đối xứng Lầu Cậu qua cung thờ chính

Ngay trước khuôn viên đền là chiếc hồ lớn, đi về phía này khoảng 200m ta sẽ tới khu vực cung thờ Cô Bơ Tam Giang.

Ban thờ Cô Bơ Tam Giang nằm ở gian trong

Đi qua hồ khoảng 200m ta sẽ đến khu vực đền Cô Bơ Tam Giang. Nơi đây thờ Tứ Phủ Công Đồng và Cô Bơ. Ban Tứ Phủ Công Đồng nằm ở gian ngoài cùng. Hai bên là ban Trần Triều và ban Mẫu đền lảnh giang hà nam

Đến với di tích đền Lảnh Giang Hà Nam, con hương có thể đến tham quan vãn cảnh các đền thờ xung quanh như Đền Đức Vua Cha thờ vua Lê; Đền thờ Ngọc Hoa Công chúa – em gái của Tiên Dung Công Chúa; đền thờ Trần Khánh Dư, vị tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công đánh giặc Nguyên Mông trên chiến tuyến Vân Đồn (Quảng Ninh).

Từ thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên), theo quốc lộ 60A đi 8km đến ngã ba thị trấn Hòa Mạc, rẽ trái đi tiếp khoảng 5km đến cầu Yên Lệnh, ngược bờ đê sông Hồng 3km là tới đền. Đền nằm sát cạnh chân đê nối với các tỉnh Hà tây cũ, Hà Nội và Nam Định. Phía đối diện của đền  là tỉnh Hưng Yên. Du khách có thể di chuyển bằng xe máy hay ô tô đều rất thuận tiện. 

Đi lễ đền Lảnh Giang cần chú ý điều gì

Hằng năm, du khách đổ về các đền Lảnh Giang Hà Nam rất đông đúc và nhộn nhịp. Ai ai cũng đều sắm sửa bên mình mâm lễ vật thể hiện lòng thành để dâng bái cửa đền.

Thông thường, các con hương sẽ sắm một mâm lễ chay mặn tùy tâm, không cần sang nhưng cần thành ý. Những vật lễ nên có thường là hoa quả, hương nhang, phẩm oản, cút rượu, xôi gà,…

Lễ hội đền Lảnh Giang vào ngày nào

Mỗi năm, đền tổ chức hai lễ hội, từ ngày 2 đến 5 tháng 6 âm lịch và 20 tháng 8 âm lịch. Đầu tiên nghi thức tế lễ, rước thánh được tổ chức đầu tiên thu hút hàng ngàn khách thăm quan về xem và thành tâm.

Ngoài phần lễ còn có phần hội gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: Diễn xướng dân gian hầu Thánh (hát chầu Văn) tái hiện huyền tích vị Thánh đền Lảnh Giang; múa rồng, múa lân, múa sư tử, võ vật, chọi gà, đánh gậy, đấu cờ người, tổ tôm điếm, thi thổi cơm trên quang gánh, diễn tập trận giả, hát chầu văn, thi bơi chải trên sông Hồng…