30/05/2022 08:33 View: 6626

Thân thế, cuộc đời Vương Cô Đệ Nhị nhà Trần

Trong công đồng Trần Triều không thể không nhắc đến Vương Cô Đệ Nhị hay còn gọi là Cô Đôi Nhà Trần- một trong hai Nhị Vị Vương Cô vạn phép uy linh. Ghi nhớ công ơn anh dũng vệ quốc phù dân của Cô, người Việt nghiêm cẩn thờ phụng Vương Cô tại nhiều đền trên cả nước.

Đệ Nhị Vương Cô nhà Trần là ai?

Đệ Nhị Vương Cô (Vương Bà) Đại Hoàng Công Chúa Trần Thị Tĩnh. Cô là con gái thứ của Hưng Đạo Đại Vương. 

Còn tương truyền rằng Vương Phu Nhân nằm mộng thấy vì sao sa xuống rồi lại thấy rồng ấp bên mình thì mang thai cô vào năm Bính Thìn. 

Danh hiệu của Đệ Nhị Vương Cô là gì?

Cô tuy là con gái ruột của Đức Đại Vương và Vương Phu Nhân nhưng sau này lại phải đổi ra thành nghĩa nữ lấy hiệu Anh Nguyên (Thủy Tiên) Quận Chúa. Nên danh hiệu của cô là : Đệ Nhị Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận Chúa. 

Giai thoại về Đệ Nhị Vương Cô nhà Trần 

Hưng Đạo Vương rất quý mến Phạm Ngũ Lão, muốn gả cô cho Đức Ông họ Phạm, nhưng quy định của tôn thất nhà Trần là phải lấy người trong hoàng tộc, để bảo vệ ngai vàng. Vậy nên Đức Ông phải cho cô ra làm con nuôi, để khỏi phạm vào hoàng luật. Cô mang danh nghĩa tử của Hưng Đạo Vương, kết duyên cùng Phạm Ngũ Lão, trở thành Phạm Điện Súy Phu Nhân. Cũng có khi, cô còn thay quyền Hưng Đạo Vương, chấp chính ba quân, cô cũng không hề ngại gian nan, sát cánh cùng cha nơi chiến trường trong sự nghiệp vệ quốc thời Trần. 

Sử nhà Nguyên xưa cũng chép rằng: Công Chúa (tức chỉ Vương Cô) dáng thanh như ngọc da trắng như ngà, dáng đi khoan thai giọng nói dịu dàng nhưng khi ra trận thi uy dũng, nam nhi ít người sánh bằng.

Thần Tích Đức Thánh Trần có ghi chép về Vương Cô như sau: “Bà tính tình thuần nhã, không kiêu căng, không sa sỉ, giữ đạo làm vợ, hiếu với cha mẹ, khi mất được phong Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận Chúa”. Cô là một nữ nhi kiệt xuất của Hưng Đạo Đại Vương, khi sống thì anh dũng góp công vệ quốc, khi thác hóa thì hộ quốc tí dân, tạo sự bình yên thịnh vượng.

Đệ Nhị Vương Cô theo về đạo Mẫu hay chỉ thờ bên Trần Triều?

Khi hầu về hàng Hội Đồng Trần Triều, giá Đệ Nhị Vương Cô hay được hầu nhất (vì cũng theo một số quan niệm, thì Đệ Nhị Vương Cô thường hay theo về bên Tứ Phủ, vậy nên những người hầu Trần Triều cùng với Tứ Phủ thường hay mở khăn giá Đệ Nhị Vương Cô). 

Đệ Nhị Vương Cô khi ngự đồng

Khi ngự đồng cô thường mặc trang phục giống như Vương Cô Nhất nhưng không phải màu đỏ mà là màu vàng, tuy nhiên cũng do ảnh hưởng của Tứ Phủ, một số nơi hầu Vương Cô Đôi lại mặc màu xanh, và hiện giờ thì đa phần người ta thường dùng màu xanh, khi ngự, cô dắt một chiếc kiếm và cờ lệnh sau lưng, còn tay thì cũng cầm một kiếm một cờ lệnh. 

Trong hàng Trần Triều, cô là giá thứ 3 có làm phép để trừ tinh tróc tà, khi hầu cô người ta thường làm một số phép như: xiên lình (nghĩa là lấy chiếc ngạnh nhọn bằng sắt trắng, xiên từ má này sang má kia, bên trong miệng phải có ngậm quả cau.

Tuy nhiên hiện giờ cách xiên lình này không mấy người làm được mà nếu có người nào hầu về cô làm phép xiên lình thì thường chỉ dùng hai chiếc ngạnh, đêm vào hai bên má rồi xoắn lại cho nó chọc sâu vào má chứ không xiên từ bên này sang bên kia như lối cổ), ngoài ra còn có phép tiến lửa tróc tà (nghĩa là người hầu về cô đốt một bó hương rồi cho vào mồm ngậm tắt, vậy nên còn gọi là ăn lửa).

Thờ phụng Đệ Nhị Vương Cô 

Tại các đền phủ trên cả nước, cô cũng thường được thờ với Đức Đại Vương trong các đền phủ. Nhưng riêng ở Đền Kiếp Bạc và Đền Bảo Lộc, cô lại ngồi cận bên hữu của Đức Vương Phu Nhân.

Ngoài ra, những đền khác nổi tiếng thờ phụng Nhị Vị Vương Cô Nhà Trần có thể kể tên là Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) hay đền Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam).

Tiệc Đệ Nhị Vương Cô vào ngày bao nhiêu?

Ngày tiệc của Vương Cô Đôi là ngày 5/5 âm lịch. Tuy nhiên, các ngày tiệc của gia phong TRẦN TRIỀU trong cuốn Dược sơn kỷ tích toàn biên 1899 không ghi ngày này mà là 10 tháng 2 mới là hóa nhật triều thiên TRẦN TRIỀU VƯƠNG DƯỠNG NỮ THỦY TIÊN CÔNG CHÚA ĐIỆN HẠ

Trong khi hầu cô, văn thường hát những đoạn như:

“Cô Đôi tên hiệu Đại Hoàng

Quê cô Bảo Lộc, Thiên Trường, Trần Quan”

Bản văn Đệ Nhị Vương Cô 

Trên ngàn tía đùng đùng gió cuốn

Đỉnh non xanh cuồn cuộn mây lồng

Trần triều đương thưở hưng long

Vua tôi cá nước mây rồng duyên ưa

Trời sinh đức đại vương giúp trị

Gia nguyên thần lai và ỷ thân

Phong trào nảy mực cầm cân

Ngoài biên phủ việt mấy sửa sang

Một sâm rợp cành vàng lá ngọc

Giòng kỳ sân chủy dác liền sinh

Một nhà chung đỉnh trâm anh

Đông a rạng vẻ bắc đình thêm xuân

Tiên bồng đảo vui trần bay xuống

Phật quan âm cũng giáng chân thân

Mơ màng giấc quế đêm xuân

Sao sa điềm ứng thánh thần thác sinh

Hoa sau trước trăm cành đua nở

Đóa hải đường hớn hở chiều xuân

Dáng đài các vẻ thanh tân

Song song ngọc đúc vàng cân khác thường

Tư trời lại đoan trang minh mẫn

Việc khuê môn giảng sẵn gia đình

Nữ tì bằng bậc khoa danh

Quyển vàng sách ngọc tập tành trong cung

Buổi vương phụ bệ rồng vâng chiếu

Ban kiếm cờ tiếu tiễn giặc nguyên

Trâm thoa đổi với cung tên

Giúp trong khổn nội chu toàn đảm đang

So nương tử đường nghiêu thưở trước

Trên tử điện sớm đội ơn trời

Trâm anh nếp cũ lâu đài nền xưa

Nền nhân cửa tướng khác vời

Năm mây có chiếu trên trời truyền cho

Đức thánh nữ kén vô cung cấm

Trưởng lụa cung đằm thắm thiên hương

Giúp trong trị nước an bang

Chu mười tội có áp khương mới vừa

Đức nghĩa nữ duyên ưa quyền quý

Tước phu nhân hiệu súy ngôi cao

Bia non ghi chép huân lao

Rõ ràng chung đỉnh dồi dào móc mưa

Khôn đức đều vẹn vừa trinh thục

Giá đã đành kim ốc nhường ai

Phong tiên sớm đội ơn trời

Trâm anh nếp cũ lâu đài nền xưa

Trên tử điện sớm trưa chầu trực

Áo cẩm bào sực nức danh hương

Thâm nghiêm lầu hán cung đường

Kìa chiêu dương với phần hương khác nào

Ra sáu phép gần xa sức khỏe

Độ muôn dân già trẻ sống lâu

Giá đưa mây cuốn một màu

Ngày nghiêu tháng thuấn ra màu quan sơn

Mới ra uy lực trí thần thông

Lưới sa cá nước mây rồng

Nửa reo bích thủy nửa sông ngân hà

Thét một tiếng ngoan tà trốn chạy

Phép hai cô lừng lẫy vân tiêu

Giá đưa đông liễu tây đào

Vào trung ra hiếu trăm chiều đảm đang

Ngàn thu để khói nhang nghi ngút

Chín rồng chầu một giọt nước vơi

Khi xuống đất lúc lên trời

Gươm vàng hai chiếc rạch đôi sơn hà

Quế lan đã một màu xanh lá

Cũng ra tay phù tá đức ông

Quyền phong tiết chế trào trung

Xe loan chảy xuống mây rồng đưa lên

Gánh giang sơn hai vai còn nhẹ

Tuốt gươm thiêng rạch sẻ chín sông

Hương thơm thấu đến cửu trùng

Tỏa ra nghi ngút như dòng xích lâu

Đã khác trốn lầu tần quán sở

Gửi vào nơi chư sử ngũ kinh

Bút hoa chép để rành rành

Hương thơm bất tuyệt phúc lành hữu dư

Người tâm niệm phụng thờ tấu đối

Kẻ khấn cầu vọng bái xin con

Ai mà phải giống phạm nhan

Hay quân tàn sát hay đoàn yêu ma

Trên tấu đối ba tòa soi xét

Hai cô đều vạn phép uy linh

Muôn người bách bệnh tan tành

Nam sinh thanh tú nữ lành phương phi

Kể chi giống mã nhi bất nghĩa

Cùng nhưỡng loài càn sát nghạnh cường

Phong trần tuốt lưỡi gươm vàng

Chờ loài yêu quái ma vương bỏ ngoài

Bước vào trốn thiên thai quỷ phục

Chảy xuống miền địa ngục thần kinh

Hai cô vạn phép uy linh

Kẻ lên trướng tía người về cung hoa

Khi lên điện thánh bà tấu đối

Khi về chầu thánh phụ quỳ thưa

Trăm triều nghiêm ngặt khoan từ

Khi chơi địa phú lúc chơi thiên đình

Thét một tiếng tà linh trốn lủi

Phép hai cô dũng mãnh tài cao

Tàng hình biến tướng trăm chiều

Yêu ma sợ hãi tót vào trong thanh

Thét một tiếng thần kinh quỷ phục

Hai cô đều giáng phúc lưu ân

Cát đằng duyên hợp tấn tần

Các miền đệ tử xa gần cùng sang

Người xin dấu cửa đền sân miếu

Kẻ ra vào lĩnh chiếu đổi gươm

Đêm về tu thiết tĩnh đường

Đêm ngày vọng bái đèn hương khẩn cầu

Đặng sống lâu bách niên trường thọ

Lợi lộc tài đôi chữ kiêm thu

Lòng thành bái vọng hai cô

Năm canh quỳ trước hương lô khẩn cầu

Sớm khuya tam chắp khấu đầu

Ngàn năm hưởng thọ thiên thâu thọ trường.