26/04/2022 13:52 View: 9738

Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ: Ngôi đền thiêng giữa lòng núi hiểm Hà Nam

Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ - Ngôi đền thiêng có lịch sử từ đời vua Lý Thái Tông của nước Đại Cồ Việt.

 

Tín ngưỡng Thờ Mẫu từ ngàn đời nay đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Ngôi đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ thuộc mảnh đất Nam Công, Thanh Tân, Thanh Liêm, Hà Nam, nơi thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà khoác trên mình sự linh thiêng và cổ kính nhuốm màu thời gian.

Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ 

Lịch sử Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ

Đền Mẫu hay còn gọi là Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ là nơi có di tích lịch sử từ đời vua Lý Thái Tông của nước Đại Cồ Việt.

Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ - cổng vào 

Tương truyền rằng, ngôi đền thờ vị Vương Phi Mỵ Ê, vì muốn giữ danh tiết với người chồng quá cố đã lấy chiên trắng quấn quanh người rồi gieo mình xuống dòng sông Châu Giang tự vẫn. Cảm kích tinh thần liệt nữ của bà, sau này Vua Lý phong bà là Hiệp Chính Hựu Thiện Phu Nhân. Đời Trần Trùng Hưng lại gia liệt cho bà là Trinh Liệt Tá Lý Phu Nhân để biểu dương tiết đoan trinh của bà…"

Tượng thờ Vương phi Mỵ Ê cùng với hai cung nữ theo hầu thân cận được ngự tại gò đất chân núi có hang Vồng - nước trong xanh chảy quanh năm đổ ra một đầm Sen rộng mênh mông, đất đai tươi tốt, lại có 5 đỉnh núi đẹp tựa cảnh tiên: trái, phải gồm 4 đỉnh núi bao bọc, giữa có núi Bạch Hạc, trên núi có nhiều thú dữ và chim muông, là vùng núi hiểm trở, xa xưa thường gọi là Đức Thánh Mẫu Đền Vồng.

Sau đó, do sự bồi đắp của tự nhiên, ở giữa khu đầm lầy rộng lớn nổi lên một gò đất cao và rộng, tổ tiên cho là khu đất " Địa linh nhân kiệt" – Đất thiêng người giỏi. Năm 1470, đền Vồng được chuyển ra khu đất giữa đầm lầy, lấy tên là: Nam Sơn Linh Từ, đây cũng là tên gọi của ngôi đền tính đến thời điểm hiện tại.

Ngôi đền huyền thoại

Cách Quốc Lộ 1A khoảng 5km, nằm sâu trong lòng dãy núi đá vôi trùng điệp hiểm trở, ngôi đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ được miêu tả với vị trí đắc địa: "Xung quanh là núi, giữa là sông". Với cây cối bao phủ lâu đời, ngôi đền giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính với khói hương nghi ngút tỏa ngát cả một vùng núi non tĩnh mịch.

Đền Mẫu được chia làm hai đền nhỏ: Đền thờ Mẫu và Đền thờ Đôi Bà (thờ hai cung nữ theo hầu Mẫu), nối liền giữa hai đền nhỏ là cây Gạo gần 1000 năm tuổi tỏa bóng mát che phủ toàn bộ ngôi đền.

Hành hương về Đền Mẫu, đầu tiên khách thập phương sẽ đi qua Đền thờ Đôi Bà, mùi hương trầm với tiếng chim hót tạo nên vẻ thanh bình, yên ả nơi rừng núi hoang vu:

Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ - Đền thờ Đôi Bà 

Bên trên Đền Đôi Bà là Đền thờ Mẫu với 3 Cung: Cung ngoài, Cung giữa và Cung Cấm:

Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ - Cung ngoài thờ Công đồng các quan 

Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ - Cung giữa thờ Tam Tòa Thánh Mẫu 

Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ - Cung Cấm thờ Mẫu

Tuyệt nhiên Cung Cấm không phải là nơi bất kì ai cũng có thể ra vào, ngoại trừ Thủ từ là người coi giữ và hương khói cho Đền, người kêu cầu cho bách gia trăm họ được ấm no, hạnh phúc và là người duy nhất có chìa khóa mở cửa Cung.

Đặc biệt hàng năm vào ngày 16/02 Âm lịch sẽ có Lễ Hội rước Mẫu, xin chân nhang về Đình Nam Công và các ngôi miếu lân cận để thờ cúng. Đây được coi là một trong những lễ hội trọng đại nhất với rất nhiều những nghi lễ đặc sắc, mang đậm vẻ đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu. Du khách thập phương đến tận hưởng lễ hội rộn rã, với những lời cầu may mắn cho gia đình, bạn bè và người thân, người cầu công danh, cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe, cầu thi cử đỗ đạt, cầu tình duyên, cầu con... Đền Mẫu cũng là ngôi đền từ hàng trăm năm nay được gắn với rất nhiều những câu chuyện đượm chất kì bí và huyền thoại.

Truyền thuyết gắn với Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ

Truyền rằng, xa xưa giữa vùng rừng núi hoang vắng, cây cối um tùm, rậm rạp, ẩn bên trong chính là ngôi đền Mẫu linh thiêng, ít người qua lại, trừ những ngày rằm hoặc mùng một đầu tháng mới có người nhang khói. Tận cùng bên trong ngôi đền, tương truyền có một căn phòng nhỏ - Cung Cấm, là nơi Mẫungự chỉ có một chiếc chăn, một chiếc gối, một chiếc chiếu, một chiếc khăn mặt, một đôi dép, một đôi đũa tre và một chiếc bát. Tượng Mẫu là một bức tượng tuyệt đẹp - một người phụ nữ nằm nghiêng trên chiếc giường một, tóc đen dài đến gót chân, " mặt hoa da phấn" và trên mặt có khăn phủ diện.

Người dân ở đây có tục: Gia đình nào có trẻ sơ sinh thường mang một mảnh vải trắng, đặt vào cửa Cung Cấm, vài ngày hôm sau quay lại lấy thì những tấm vải trắng đã được khâu thành những bộ quần áo vừa vặn và đẹp đẽ. Theo lời đồn, vào một buổi đêm muộn rằm tháng Tám, một người đàn ông đi làm đồng khuya ngang qua đền Mẫu, chợt thấy ánh sáng le lói tỏa ra trong Cung Cấm nơi Mẫungự, nghiêng mắt qua khe cửa gỗ cũ kĩ, người đàn ông tận mắt nhìn thấy Mẫu đang ngồi khâu áo cho trẻ sơ sinh. Đột nhiên ánh sáng vụt tắt, ngày hôm saungười đàn ông bỗng nhiên đột tử, từ đó cho đến bây giờ không ai nhìn thấy Mẫu nữa và cũng không còn tục lệ đó nữa.

Bên cạnh đó, còn vô vàn những câu chuyện truyền miệng khác xung quanh ngôi đền linh thiêng này, với rất nhiều những câu hỏi về sự bí ẩn của Mẫu, về những lời đồn đại xa, gần từ xưa đến nay. Nhưng tất cả vẫn chỉ là truyền thuyết, chưa hề có bằng chứng nào minh chứng cho những câu chuyện trên là có thật.

Trải qua thời gian gần một nghìn năm, Đền Mẫu Nam Sơn Linh Từ là cội nguồn để trở về không chỉ của con dân Hà Nam đất mẹ anh hùng, mà còn là nơi lui tới của hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu du khách thập phương. Các nhà nghiên cứu tại Viện Bảo Tàng tỉnh Hà Nam hiện đang trong quá trình nghiên cứu, chứng minh đây là Di tích lịch sử. Ngôi đền đang được tôn tạo do thời gian lâu dài đã làm gỗ đền mục nát và mái đền đã xuống cấp, nhưng tiêu chí trước tiên của Ban Khánh Thiết chính là giữ nguyên vẻ cổ kính để ngôi đền trở thành một nét đẹp văn hóa không bị mai một, góp phần chung vào bản sắc văn hóa của nước Việt ta.

Ngọc Xen / vietq.vn