27/10/2021 09:34 View: 881

Đằng sau "Nhà Chúa cha" tại Bảo Lộc Lâm Đồng

Dùng danh xưng “Nhà Chúa cha”, cùng với những chiêu trò được dàn dựng sặc mùi mê tín dị đoan, nhóm người trên đã lôi kéo hàng trăm người tham gia.

Không có bằng cấp, không có chuyên môn ngành y, không một thiết bị y tế, tuy nhiên, nhóm tự xưng “Trừ quỷ Bảo Lộc” tuyên bố tất cả các loại bệnh tật mà con người mắc phải đều do quỷ, tà gây ra, muốn khỏi bệnh thì phải “trừ quỷ”. 

Lợi dụng tự do tín ngưỡng để lôi kéo chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan

Nguyễn Thị Thương (SN 1975, ngụ đường Lê Thị Pha, phường 1, TP Bảo Lộc), vốn là một giáo dân bình thường, sinh hoạt tôn giáo tại TP Bảo Lộc. Lẽ ra, một công dân và là con chiên của Chúa, thì phải chấp hành tốt pháp luật, thấu hiểu kinh thánh và phải biết vâng lời các đức bề trên. Tuy nhiên, năm 2012, Thương tuyên bố, mình “mang thai thánh” sau khi được bề trên ban phước, được Chúa cha tin tưởng chọn làm “thư ký” trong “thời đại cuối cùng”, là ngôn sứ của Chúa cha trong “thời đại mới”. Thương tự cho mình có quyền năng trừ tà, chữa bách bệnh và ban phát ân phước cho mọi người.

Theo tài liệu của cơ quan chức năng, Nguyễn Thị Thương lập nhóm “bầu khấn”, đồng thời lôi kéo hàng trăm người, phần lớn là những người đồng đạo hiếm muộn con cái tham gia. Sau khi lôi kéo, Thương chữa bệnh hiếm muộn bằng các phương pháp phản khoa học, sặc mùi mê tín dị đoan, thậm chí dùng bạo lực để “trừ quỷ”. Mặc dù việc chữa bệnh không đạt hiệu quả, nhưng với sự giúp sức của một số đối tượng khác, Thương vẫn lôi kéo được nhiều người cuồng tín, mê muội tham gia vào nhóm chữa bệnh bất hợp pháp này.

Lợi dụng tâm linh, coi thường pháp luật, Thương nâng cấp nhóm “bầu khấn” thành nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” với danh xưng “Nhà Chúa cha” với hơn 200 người tham gia, tại số 14, đường Lê Thị Pha, phường 1 và số 53/5, đường Hồ Tùng Mậu, phường 1, TP Bảo Lộc.

Ngoài ra, nhóm này hoạt động thêm nhiều lĩnh vực liên quan đến chữa bệnh, hoạt động tôn giáo trái luật.

Nguy hiểm hơn, để quảng bá, lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào nhóm của mình, các đối tượng đã tổ chức quay các video chữa bệnh phản khoa học, sau đó lập nhiều kênh trên mạng xã hội và đăng tải video.

Không có bằng cấp, không có chuyên môn về ngành y, không một thiết bị y tế, Nguyễn Thị Thương cho rằng, mọi nguyên nhân dẫn đến bệnh tật con người đều do ma quỷ làm, muốn khỏi bệnh thì phải “trừ quỷ”. Tất cả các nạn nhân do nhẹ dạ, cả tin, cuồng tín đến với Thương đều được áp dụng theo 1 quy trình chữa bệnh: Thương chủ trì, “hỏi lời Chúa” rồi truyền đạt “ý lệnh của Chúa cha” cho mọi người và bệnh nhân nghe. Sau đó, một số đối tượng trong nhóm lập tức “diễn” co giật, trợn mắt, nói nhảm... Tiếp đó, bệnh nhân sẽ bị nhóm này vây quanh, dùng bạo lực và cho uống nước lọc nhưng được gọi là “nước thánh”. Thực tế, do bị đánh quá đau nên cơn đau lấn át bệnh tật, bệnh nhân tưởng “trừ quỷ” đã xong, bệnh tình đã hết.

Ngoài Nguyễn Thị Thương, nhóm này còn tung hô một nhân vật khác là Nguyễn Chu Truyền, với khả năng chữa bệnh bằng cách đặt tay lên người, chữa bệnh từ xa qua điện thoại, truyền khả năng chữa bệnh cho người khác.

Đồng thời, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” tung tin hoang đường rằng Truyền có thể chữa bệnh cho phụ nữ hiếm muộn chỉ bằng cách đặt tay lên bụng người muốn mang thai mà không cần phải quan hệ nam nữ vẫn sẽ có thai, và được nhóm này gọi là “thai thánh”.

Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, không ít bệnh nhân, trong đó có cả những người đồng đạo từ nhiều tỉnh, thành khác đã vô tình sa vào cạm bẫy và trở thành nạn nhân của nhóm người này, thậm chí làm u mê, lệch lạc về nhận thức, tư tưởng bằng những chiêu trò mê tín dị đoan.

Cần ngăn chặn và xử lý nghiêm nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”

Trong những năm gần đây, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” do Nguyễn Thị Thương điều hành đã lợi dụng hoạt động tự do tín ngưỡng để vi phạm pháp luật, đi ngược lại với giáo luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tôn giáo chân chính được pháp luật công nhận. Trước sự việc trên, Tòa Giám mục Đà Lạt đã nhiều lần viết thư kêu gọi hoặc nhắc nhở việc hoạt động tà giáo đối với nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” và cá nhân Nguyễn Thị Thương.

Bên cạnh đó, từng bị cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về tạm trú, về hoạt động chữa bệnh trái phép, tuy nhiên, Thương vẫn tìm mọi cách đối phó với cơ quan chức năng, ngang nhiên hoạt động, tiếp tục chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan, đi ngược với quy định chuyên môn và quy định của ngành y tế.

Linh mục Dương Công Hồ, Quản xứ Giáo xứ Thánh Tâm, TP Bảo Lộc cho biết: “Không chỉ linh mục, mà giáo dân bình thường cũng cảm thấy tổ chức này (nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” danh xưng “Nhà Chúa cha”- PV) không chuẩn, không đúng với giáo lý chính thống của Giáo hội, nên không thể chấp nhận được sự hiện diện và hoạt động của nhóm này. Sau nhiều lần làm việc nhưng Thương vẫn bỏ ngoài tai, nên Tòa Giám mục đã ra thông cáo chính thức và không chỉ cho Nguyễn Thị Thương đọc mà còn đọc trên toàn giáo phận ở trong ngày lễ chúa nhật để mọi người biết, Tòa Giám mục đã bác bỏ những hoạt động trái pháp luật và trái với giáo lý Giáo hội Công giáo.

Với trách nhiệm đức tin, sau nhiều lần nhắc nhở nhưng không có kết quả, Tổng Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã phạt vạ cấm chế giáo dân Têrêsa Nguyễn Thị Thương. Việc phạt vạ có nghĩa Thương không được tham gia vào việc cử hành thánh lễ, không được cử hành hay lãnh nhận các bí tích và tước bỏ các chức vụ trong Công giáo nếu có.

Việc tổ chức điều hành một nhóm hoạt động mê tín dị đoan của Nguyễn Thị Thương tại TP Bảo Lộc không những bị các cơ quan chức năng Nhà nước xử lý theo luật định mà còn vi phạm nghiêm trọng giáo luật, bôi nhọ thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa đã bị nhân dân trong vùng, đặc biệt là chức sắc và giáo dân phản ứng kịch liệt.

Liên quan tới việc khám chữa bệnh bất hợp pháp theo kiểu mê tín dị đoan này, thời gian qua, Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Lâm Đồng liên tục nhận được đơn tố cáo của người nhà các bệnh nhân đã được nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” danh xưng “Nhà Chúa cha” chữa bệnh. Theo nội dung các đơn tố cáo, sau khi được nhóm trên chữa bệnh nhưng bệnh tình không khỏi, và người bệnh còn bị u mê, có nhận thức lệch lạc, có nguy cơ từ bỏ cha mẹ, anh chị em trong gia đình để đi theo nhóm này hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan.

Hiện, Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với các cơ quan chức năng triệu tập Nguyễn Thị Thương lên làm rõ nội dung các đơn tố cáo, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng này về hành vi tổ chức hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan, hành nghề chữa bệnh trái pháp luật, gây hoang mang, bức xúc dư luận.

Nguồn: Báo Thanh tra