14/09/2021 10:54 View: 1713

Trường thọ & đoản thọ: có phúc hay vô phúc?

Người đời với cái nhìn mê chấp tin rằng:  Hễ thấy một người "trường thọ" thì cho rằng người ấy "có phúc", hễ thấy một người "đoản mệnh" lại cho rằng người này "vô phúc"?

Vậy có đúng chăng?

 

 

tho truong phuc hoa
Thọ trường là có PHÚC?

Xin thưa rằng: quan niệm ấy là "hoàn toàn sai biệt" chẳng những không đúng với nhân duyên và còn trái ngược với quy luật vận hành trong tam giới! 

Để hiểu rõ hơn về vấn sự này, hôm nay thầy xin chia sẻ một phần tỉ dụ về con đường nhập phàm độ sanh của chư vị La Hán, Bồ Tát!

Chúng ta đều biết, chư vị La Hán, Bồ Tát vốn dĩ đã diệt tận các lậu hoặc, thoát khỏi luân hồi, cắt đứt mọi ràng buộc của nghiệp thân. Vậy thì khi chư vị ấy khởi pháp niệm trở lại nhân giới để độ chúng, hộ pháp thì phải làm thế nào? 

Có ba phương cách để độ chúng: 

- Thứ nhất: thị hiện, đây là phương cách đơn giản nhất nhưng lại có ít hiệu nghiệm nhất, đa phần chư vị không dùng cách này ngoại trừ một số pháp duyên đặc biệt, bởi vì sao? Bởi vì sự thị hiện của chư vị là hữu hạn, chỉ có thể tồn tại trong một thoáng chốc, và hữu hạn với một hay một số ít người hữu duyên, tâm tánh chúng sanh lại can trường khó độ, sự thị hiện này đôi khi còn làm xáo trộn tâm thức chúng sanh, cầu cạnh, xin lơn, hơn là tự mình nỗ lực, cố gắng.

- Thứ nhì: là nương tựa, chư vị có thể làm chủ linh thần của một tăng ni để hóa pháp độ sanh cho một pháp hội nào đó, trong một thời khắc nhất định, nhưng việc này rất hiếm khi xảy đến!

- Con đường thứ ba cũng là con đường gian nan nhất, đó là đi vào vòng luân hồi, tái sanh trong một phàm xác cụ thể để hoàn thành một pháp nguyện nào đó nhằm hộ pháp, độ sanh. 

Vì sao đây là con đường gian nan nhất? 

Vì khi này chư vị đi vào luân hồi phải bỏ lại Kim Thân, chỉ mang theo một pháp thân duy nhất làm hành trang đi vào luân hồi, khi đã đi vào vòng luân hồi, thì mọi sự chi phối của vô thường là không có ngoại lệ bất kỳ ai. 

Chư vị ấy cũng được sanh ra, lớn lên, có đầy đủ lục căn, đầy đủ ái dục, cho đến khi nào pháp duyên khai mở, thì mới có thể thực hiện được pháp nguyện của mình! 

Nếu nói: chư vị đã đoạn diệt các lậu hoặc, đoạn trừ mọi ràng buộc, căn duyên thì làm sao được sanh ra? Làm sao để được luân hồi? 

Kỳ thực đây là một lựa chọn vô cùng dũng cảm và gan gốc của chư vị, nếu không có một tấm lòng đại bi cao cả vì chúng sanh, chư vị sẽ không xả thân mình, chịu mọi gian khổ vì chúng sanh như thế, trong khi bản thân chư vị chỉ cần an trú trong cảnh giới niết bàn vô ngại, bất xâm mà mình đã đạt được, an trú trong hỷ lạc và thanh tịnh hằng cố bất biến.

Con đường luân hồi mà chư vị đi vào có sự sắp đặt? Lựa chọn? 

Hoàn toàn KHÔNG! 

Mà nó được chi phối bởi căn duyên còn sót lại của vị hành giả ấy đối với chúng sanh! 

Và vì căn duyên còn sót lại quá ít do chư vị đã đoạt diệt trước đó, cho nên sợi dây này với đời lại càng ngắn ngủi, đoản duyên: 

Có 5 mối đoản duyên mà chư vị La Hán, Bồ Tát gặp phải khi đi vào luân hồi để hộ pháp, độ sanh: 

  • - Phụ, mẫu đoản duyên: phàm chư vị khi ra đời thì song thân hiếm khi còn trọn vẹn do duyên phụ mẫu của chư vị đã đoạn còn sót lại một phần ngắn ngủi mà thôi!
  • - Phu, phụ đoản duyên: phần căn duyên này cũng tương tự như phụ mẫu, người hữu duyên phu phụ cũng chỉ là ngắn ngủi, do chư vị đã đoạn diệt khi đắc thành thánh quả.
  • - Sư, đồ đoản duyên: phần duyên sư đồ của chư vị cũng ngắn ngủi vì vốn dĩ người thầy ấy chỉ là một phần duyên để khai căn đối với chư vị, sự liễu thâu giác ngộ phần lớn được sanh khởi từ chính pháp thân mà vị ấy có được khi đi vào luân hồi!
  • - Thọ mạng đoản duyên: Chư vị ấy có thể sống rất ngắn ngủi (có khi chỉ vỏn vẹn mấy mươi năm trong đời), khi pháp nguyện đã thành tựu viên mãn thì mối duyên với phàm tục cũng đã chấm dứt, chư vị trở lại với Kim Thân an trú trong niết bàn vô ngại. 

Phần duyên còn sót lại với nhân gian sẽ đưa chư vị ấy tái sanh vào bất kỳ một thân phận nào đó, trong thân phận ấy, có khi chư vị sống đến cuối đời mà không gặp được duyên khai ngộ để pháp thân khởi tiến, pháp nguyện hoàn nguyên, có khi một kiếp, hoặc một vài kiếp không đủ thuận duyên, chư vị ấy vẫn chỉ là người bình thường trong đời! 

Vì vậy, cho nên, người phật tử trong đời không nên sanh tâm khinh mạn kẻ khác: kể cả đó là một tên đồ tể, một người bần hèn, một cô gái bán hoa, một kẻ ăn mày vì biết đâu rằng trong số ấy là tàng thân của một La Hán, một Bồ Tát trên con đường nhập thế độ sanh? 

Sự khinh mạn, xem thường người khác bao giờ cũng là điều sai trái mà người phật tử phải cầu thị liễm thâu!

Vậy thì ta lại thấy việc viếng Phật, Bồ Tát, La Hán, hộ Tăng ngoài phạm trù tôn kính còn là tạo một mối nhân duyên, có những mẩu chuyện về sự luân hồi của chư vị Bồ Tát hóa sanh làm con của một vị nữ  Phật Tử vì hằng ngày cô ấy đều thắp hương khẩn thỉnh xin vị Bồ Tát ấy cho mình một đứa con! 

Điều này không phải hoàn toàn là thêu dệt, vì một vị Bồ Tát phàm đã đắc thánh quả trải hơn trăm, ngàn kiếp rồi, mối duyên với phàm trần gần như chẳng còn nữa, cho nên nếu đi vào luân hồi để hộ pháp, độ sanh phần nhiều sẽ nương theo những pháp duyên phát khởi, mà ở đây nữ Thiện Tín kia là một trong số pháp duyên ấy, điều này thuận lẽ tự nhiên. 

Vì vậy trong đời mạt pháp hiện tại, người phật tử không ngừng gieo duyên với chư Phật, chư vị Tăng Ni, hiền triết, bằng lòng tôn kính, thành tâm, thì pháp duyên sẽ sớm đưa ta đến bến bờ giác ngộ chứ không nên cậy mình đọc được vài quyển kinh sách, hay là người có địa vị, quy quyền xem thường Tam Bảo, khinh mạn kẻ bần hèn, vì trong phàm cõi nhân gian này, trong nhục thân gá tạm này chưa đủ cho ta nhận ra thượng-hạ, phàm-thánh, thần-quỷ, ma-tăng.

Cần nhìn chúng sanh bằng tấm lòng từ bi, yêu thương, và chia sẻ tất rằng thứ ta nhận được cũng là hạnh phúc và niềm vui! 

"Trường" hay "đoản" không nói lên thành tựu, công hạnh nào

Vậy cho nên "Trường" hay "đoản". Không biểu thị cho một khía cạnh thành tựu, công hạnh nào, tất cả chỉ là phạm trù khái luận của phàm phu dưới cái nhìn đoản kiến mà thôi! 

Vậy nên thay vì khi ta lễ Phật, hộ tăng nguyện trì cho thân mạng được trường thọ, sống lâu ta nên nguyện trì để được khai pháp giác ngộ mới là điều thật sự ích hữu và thuận pháp!

Qua đây ta cũng thấy được rằng: NHỮNG KẺ TRONG ĐỜI TỰ XƯNG LÀ HIỆN THÂN CỦA PHẬT NÀY, THÁNH KIA, TẤT CẢ ĐỀU LÀ THÊU DỆT, KHÔNG THẬT, ĐẠI CHÚNG CẦN HIỂU BIẾT ĐỂ KHÔNG BỊ LÔI KÉO DẪN DỤ MÀ LẦM VÀO MA ĐẠO, ĐÁNH MẤT PHÁP DUYÊN QUÝ GIÁ CỦA HIỆN KIẾP VỚI CHÁNH PHÁP PHẬT ĐÀ. 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!

Quy luật Tam Giới