28/06/2021 08:16 View: 7324

‘’Cây cau trước ngõ, bụi chuối sau nhà’’ ngày nay có còn đúng?

Ông bà ta xưa có câu “trước cau, sau chuối’’ nghĩa là khi làm nhà phía trước sẽ trồng cây cau còn sau nhà thì trồng bụi chuối. Điều này được đúc kết từ đời sống lâu năm của các thế hệ đi trước nên tỷ lệ đúng rất cao. Tuy nhiên trong bài viết này Tamlinh.org xin giải thích nguyên nhân của sự đúc kết kinh nghiệm này, đồng thời chỉ ra phần chưa đúng khi áp dụng để bố trí cây trong ngôi nhà ngày nay.

cay cau truoc ngo
Trước cau sau chuối

Ngày xưa, các ngôi nhà thường được xây theo hướng Nam và Đông Nam để tạo không gian sống thoáng mát, dễ chịu cho người cư ngụ . Vì đây là hướng có gió mát, có ánh nắng mặt trời buổi sớm, không bị nắng gắt buổi chiều từ hướng Tây và cũng không ảnh hưởng nhiều bởi gió lạnh từ hướng Bắc.

Theo Phong Thủy, khoảng trống trước (sân) có tác dụng là vùng đệm thanh lọc khí, đón khí tốt vào nhà, còn khoảng trống sau (vườn) thường nhỏ hẹp hơn, có tác dụng giữ cho khí từ từ thoát ra, tránh sự thoát khí đột biến, đồng thời che chắn gió lạnh từ bên ngoài, giữ ấm cho ngôi nhà. Sân trước cần rộng rãi, thoáng đãng, sân sau hẹp và tạo thế che chắn.

Cây trước nhà thường chọn cau.

Cây cau thân tròn, nhiều đốt, mọc cao và thẳng, lá ở tít phần ngọn trên cao. Hàng cau trước nhà vừa thẳng tắp vừa đẹp mắt, lại không che khuất tầm nhìn, có tác dụng như một hàng rào danh dự trấn giữ, che chở, bảo vệ cho ngôi nhà.

Bên cạnh đó, cây cau, dừa cao lớn, vươn lên trời, có khả năng bắt ion dương, điện tích vũ trụ (tức là thiên khí) rất tốt. Khi trồng cây cau, dừa trước ngõ, do tác dụng bắt ion dương tốt, không khi lưu chuyển qua ngõ vào nhà sẽ mang theo luồng dương khí, tiếp sinh khí mạnh mẽ cho ngôi nhà. Dĩ nhiên không nên so sánh ion dương trong trường hợp này với ion dương của điện thế cao do cột điện trước cổng nhà mang lại. Cái gì thiên nhiên cũng nhẹ nhàng, tốt đẹp hơn mà.

Hồi những năm 90, khi truyền hình cáp còn chưa thông dụng, người ta dù ở đô thị hay nông thôn cũng muốn cây ăn ten nhà mình là cao nhất, để không bị nhiễu sóng TV do các tòa nhà che chắn. Người ta thi nhau gắn anten lên các cây tre, tầm vông, cột đưa lên rất cao. Tuy nhiên, nếu ai về một số vùng nông thôn sẽ thấy nhiều hộ nông dân không cần đưa anten lên cao, họ chỉ cần cột sợi dây kim loại vào thân cây dừa rồi nối đến anten râu TV là có thể bắt sóng ngon lành. Nói như vậy đủ thấy khả năng dẫn ion dương của cây cau, dừa tốt đến cỡ nào; hệt như kim loại dẫn điện vậy.

Nếu làm ngược lại, đi trồng cây cau, dừa sau nhà thì luồng sinh khí đi vào cửa chính nhà sẽ không còn được bổ trợ khí tốt nữa. Do đó nên ông bà ta dạy rằng “Cây cau phải trồng trước ngõ”.

cay chuoi
Bụi chuối sau nhà

Ngược lại phía sau nhà chọn cây chuối.

Cây chuối thân to tròn, có nhiều tàu lá to gồm nhiều lớp bẹ kết gắn chặt lại. Cây chuối đẻ mầm rất nhanh, sống khỏe, tạo thành khóm, bụi nên mang nét vững chắc, có tác dụng che chắn khí lạnh mùa đông từ phương Bắc và Đông Bắc thổi tới để giữ ấm cho ngôi nhà. Với những ngôi nhà dài, như nhà 5 gian truyền thống, trồng chuối phía sau nhà còn có tác dụng che bớt nắng nóng buổi chiều của hướng Tây vào mùa hè.

Bên cạnh đó, ngược lại với cây cau, cây dừa dễ bắt ion dương, điện tích vũ trụ thì cây chuối rất dễ bắt ion âm. Ion âm như chúng ta đã biết ở bài trước là mang tính âm hàn, mát mẻ nên trồng phía sau để chắn gió từ Bắc hay Đông Bắc; vì theo phong thủy ngày xưa xây nhà tọa Bắc hướng Nam.

Bạn nào có biết sơ sơ về huyền môn đều biết điều này. Cây chuối dễ là nơi tập trung nhiều hồn ma lưu lạc trú ẩn. Trong huyền môn có việc trồng cây chuối trồng ở mộ người phụ nữ chết khi đang mang thai để khi cây chuối ra trái đầu tiên thì hái xuống đem thả sông để mong đó là kết tinh của đứa bé và thai phụ đã “sinh nở” vui vẻ, không còn ấm ức mà lưu lại cõi dương.

Khi trong nhà vừa có người qua đời, theo tục lệ ông bà ta đặt một nải chuối lên trên ngực người chết để hút hết khí xấu. Hoặc khi làm đại lễ trai đàn chẩn tế thì các sư thầy cũng đặt bài vị lên trên 1 con thuyền làm bằng thân cây chuối cắt nửa. Mình kể thêm một cách các bạn có thể thực chứng điều này. Khi mua về một nải chuối (về đặc tính sinh học thì các trái chuối trong cùng một buồng, một nải là giống nhau về độ chín chứ không bao giờ các bạn thấy trong cùng một nải lại có trái chín, trái sống), các bạn ngắt ra hai trái chuối khác nhau. Một trái đặt lên bàn thờ, thắp nhang cúng. Trái còn lại các bạn để ở nơi khác xa bàn thờ. Sau một thời gian, các bạn lấy hai trái chuối so sánh thì trái ở trên bàn thờ sẽ có vỏ màu sẫm hơn, có vẻ mềm hơn trái còn lại.

Do đó ông bà ta khuyên không nên trồng chuối trước cửa nhà cũng là mong không tạo điều kiện cho hồn ma bóng quế trú chân trước nhà cửa quấy phá (Việc này cũng giống như việc trước nhà có cây lớn, tàng lá âm u dễ làm nơi cho người âm trú ngụ). Ngoài ra ion âm quá nhiều cũng làm cho cơ thể con người mau chóng rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, ít hoạt động, chậm chạp, lười biếng; dễ gây trầm cảm. Còn nếu trường hợp phải trồng chuối trước nhà để hóa giải cột điện thì cũng nên trồng ngoài nắng, chứ không nên trồng trong mát.

Trước cau, sau chuối?

Rút kinh nghiệm, trong không gian đô thị hiện đại, nếu trước nhà có trồng vài chậu cau kiểng, dừa kiểng thì cũng rất tốt tuy không tốt bằng cây cau, dừa cao lớn ở thôn quê. Như vậy chúng ta cũng có thể có được 1 phần thiên khí tiếp dẫn từ đại trường khí vũ trụ.

Đối với kinh nghiệm ‘’trước cau, sau chuối’’ chỉ phù hợp với hướng nhà phía Nam và Đông Nam, ngược lại là hướng Tây và Tây Bắc sẽ không phù hợp. Ngày nay với quy mô và diện tích sống ở các khu dân cư đô thị các bạn có thể xem xét và lựa chọn những loài cây với hình dạng và tính năng tương đồng với cau và chuối để phù hợp với ngôi nhà của mình nhé.

Tamlinh.org