04/06/2021 11:47 View: 5233

Ngôi nhà Bá Kiến hơn 100 tuổi: 7 đời lụi bại và những bí ẩn khó lý giải

Nhiều câu chuyện bí ẩn và thảm án trên xảy ra ở “Làng Vũ Đại ngày ấy” khiến nhiều người dân ở đây cho rằng “hồn” Chí Phèo đã nhập vào nên từ bao đời nay lại thường hay truyền tai nhau về những tai ương, điều kỳ quặc xung quanh ngôi nhà.

nha ba kien 100 tuoi

Làng Đại Hoàng trong tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao vẫn còn tồn tại một ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm. Điều đặc biệt là chủ nhân của ngôi nhà ấy chính là nhân vật Bá Kiến, nguyên mẫu trong truyện ngắn này. Các bậc cao niên trong làng vẫn hay truyền tai nhau về những câu chuyện bí ẩn, nhuộm màu sắc tâm linh không thể lý giải về ngôi nhà khiến 7 đời chủ nhân lúc còn sống thì có chức tước, sang giàu. Ấy vậy mà sau khi sở hữu nó, người sống trong bần hàn, kẻ thì chết tức tưởi...

Độc đáo về ngôi nhà của “Làng Vũ Đại ngày ấy”

Làng Đại Hoàng (nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu (Lý Nhân- Hà Nam) trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao là một vùng đất chiêm trũng chịu sự bóc lột, vơ vét thậm tệ của bọn địa chủ, cường hào ác bá khiến cuộc sống người dân trở nên tiêu điều, hoang sơ. Ít ai biết rằng, ở đây còn tồn tại một ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm của “Bá Kiến”, vốn là nguyên mẫu trong tác phẩm Chí Phèo đã in sâu vào tâm thức người đọc từ bao đời nay.

Trải qua hàng thế kỷ, những câu chuyện có thật được người dân rỉ tai nhau xung quanh ngôi nhà này vẫn còn là điều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Theo tìm hiểu, người sở hữu là một viên quan tên Bá Bính (tên thật là Trần Duy Bính, năm sinh chưa rõ, mất năm 1946) chính là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến lúc sinh thời nhà văn Nam Cao từng tiết lộ.

Về đây để tìm hiểu thông tin xung quanh ngôi nhà này, cụ Trần Bá Huấn (84 tuổi, xóm 11, xã Hòa Hậu) là người tường tận nhất về lịch sử của nó. Cụ Huấn vốn là một giáo viên về hưu đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, ghi chép cẩn thận về ngôi nhà này.

Cụ Huấn cho biết, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Cựu Hanh, một lái buôn giàu có bậc nhất nhì lúc bấy giờ ở làng. Khoảng những năm 1910, cụ này thuê gần 20 người thợ nổi tiếng làm nghề mộc về làm ròng rã mấy tháng trời mới hoàn thiện. Ngôi nhà có diện tích rộng khoảng 1000 mét vuông, cửa hướng về phía Tây- Nam được kết cấu theo kiểu “lộn thềm ngưỡng chồng, tàu bảy then trâu chồng chóp".

nha ba kien chi pheo vu dai

Thiết kế của ngôi nhà Bá Kiến

Ngôi nhà có kiến trúc theo lối truyền thống của nước ta gồm 3 gian, 4 hàng cột với tổng cộng 16 cột lim to chắc. Dưới chân cột là những tảng đá xanh vững chắc được thợ gọt đẽo tỉ mẩn, công phu. Phía trước hiên nhà có một lớp tấm liếp được thiết kế nhô ra ngoài để che mưa, chống nắng. Toàn bộ gỗ của ngôi nhà đều là chất liệu gỗ lim vững chắc, ít chịu sự tác động của thời gian và mối mọt. Phía trên văng, kèo, li tô được thợ khắc chữ Nho, hình rồng có ghi rõ năm ngôi nhà được hoàn thành.

“Ngày đó, xi măng chưa có nên người thợ lấy mật mía, mù hóng trộn vào vôi tôi cùng một số phụ gia khác để tạo thành chất kết dính xây nhà. Gạch thì được nung bằng rơm rất lâu nên trải qua hàng trăm năm như thế mà xung quanh phía ngôi nhà vẫn chưa có dấu hiệu bong tróc, dột nát dưới sự tác động của thời gian”. Cụ Huấn kể.

nha ba kien vu dai

7 đời lụi bại và những bí ẩn khó lý giải

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, sau khi cụ Hanh mất đi thì có nhượng lại quyền sở hữu cho người con trai tên Trần Duy Xầm. Sau này, cụ Xầm không còn nữa đã để lại cho cụ Cựu Cát. Người làng Đại Hoàng vẫn truyền tai nhau về lối sống buông thả, sa đà chìm ngập vào những cơn say rượu chè rồi hay vay nợ triền miên của cụ này khiến gia đình lâm vào cảnh tũng quẫn, thiếu thốn.

Trong một canh bạc với nhau, cụ Cựu Cát không còn chút tài sản nào trong người nên đã liều một phen “đỏ đen” đặt cược chính ngôi nhà mình đang ở rồi cuối cùng đã thuộc về tay cụ Bá Bính. Cụ này vốn là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo “để đời” của nhà văn Nam Cao. Từ đây, những câu chuyện kỳ quặc chứa nhiều điều bí ẩn về những cái chết của các đời chủ sở hữu nó vẫn được người dân làng Đại Hoàng truyền tụng lại từ đời này sang đời khác đến nay.

nha ba kien chi pheo nam cao vu dai

 

Qua lời kể, sau khi cụ Bá Bính sở hữu ngôi nhà này thì dành 4 gian chia đều cho những người vợ, còn một gian thì để thờ cúng tổ tiên và làm nơi trú ngụ mở canh bạc cho những kẻ có tước vị, chức sắc trong vùng đến chơi. Sự giàu có đến từ những canh bạc như người xưa thường nói chẳng bao giờ bền bỉ. Câu nói này hẳn đúng với cụ Bá Bính bởi những tháng sau đó, mọi của cải tài sản trong nhà cứ thế mà “đội nón ra đi”, rồi con cháu cũng lâm vào vết xe đổ của người cha.

Nhiều người dân làng Đại Hoàng đồn đoán, cái chết của cụ cũng một phần do tâm lý buồn chán về gia đình. Sau khi mất đi, cụ Bá Bính đã ghi trong di chúc để lại ngôi nhà cho con trai là Trần Duy Tảo (còn gọi là Binh Tảo). Khi cụ này mất đi thì con cháu trong gia tộc thảo luận bán đi cho người khác.

Biết ý định con cháu cụ Binh Tảo có ý đình bán nhà, lúc đó cụ Trần Thế Lễ đã hỏi ý mua về để xẻ 16 cột gỗ lim ra dựng nhà. Câu chuyện mua bán giữa đôi bên chưa xong thì có một thương gia giàu có tên Trần Hữu Hậu (hay gọi là cụ Cai Hậu) ngỏ ý mua được lại với giá cao ngất ngưởng trị giá mấy chục cây vàng thời bấy giờ. Sau này, cụ Cai Hậu mất đi do không có con trai để thừa kế nên đã nhượng lại cho người cháu là ông Trần Hữu Hòa sử dụng, trông nom.

Các bậc cao niên trong làng cũng không thể nào quên về một thảm án kinh hoàng đã xảy ra hơn 30 năm trước. Ngày ấy, 4 mạng người chết cùng trong một ngày mà không rõ nguyên do vì sao. Chuyện kể lại rằng, bà Trần Thị Hoàn cùng hai đứa con bé bỏng đã bị chính người chồng mình tên Trần Văn Sửu dùng dao đâm chết. Đau lòng hơn, một đứa con nhỏ mới 18 tháng tuổi còn đang bú sữa mẹ, oe oe khóc vẫn bị gã ra tay tàn ác.

Người con gái lớn thấy vậy liền chạy vào can ngăn thì cũng bị y hạ sát, gục bên người. Nghe thấy tiếng kêu thất thanh từ phía ngôi nhà, nhiều người dân chạy sang thì tá hỏa phát hiện 3 mẹ con đã tử vong, máu chảy lênh láng ướt sẫm thành vũng. Sau khi gây án, Sửu cũng đã tự tay đâm vào bụng rồi cắt ruột vứt xuống nền nhà trước sự kinh hoàng, bạt vía của nhiều người chứng kiến. Lúc dân làng mai táng xong cho 4 người thì phát hiện trong tư trang của Sửu có một tấm bùa kỳ lạ.

Nhiều câu chuyện bí ẩn và thảm án trên xảy ra ở “Làng Vũ Đại ngày ấy” khiến nhiều người dân ở đây cho rằng “hồn” Chí Phèo đã nhập vào nên từ bao đời nay lại thường hay truyền tai nhau về những tai ương, điều kỳ quặc xung quanh ngôi nhà. Vào năm 2007, sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Hà Nam đã mua lại ngôi nhà này nhằm để bảo tồn khu du tích văn hóa có “1-0-2” trong tác phẩm của cố nhà văn Nam Cao phục vụ đông đảo khách phương gần xa về đây thăm quan, tìm hiểu.

Tổng hợp

Ảnh: Dân trí