03/06/2022 10:03 View: 6040

Những phong tục tâm linh người xưa hay làm trong Tết Đoan Ngọ

Theo các cụ xưa, mùng 5 tháng 5 Tết Đoan Ngọ sáng thức dậy phải giết sâu bọ ngay vì thường ngày chúng ẩn sâu trong bụng, chỉ ngày Đoan Ngọ mới ngoi lên, cần phải dùng thức ăn để diệt trừ chúng như rượu nếp, bánh tro, các hoa quả có vị chua chát, uống rượu Hùng Hoàng, xương bồ, nước dừa… để trừ độc.

Tết Đoan Ngọ là gì?

Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch còn gọi là Tết Đoan dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn "dương" là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Hay còn gọi là tết diệt sâu bọ là một ngày tết truyền thống của người Việt.
 
Theo quan niệm xưa, khi thức dậy phải giết sâu bọ ngay vì thường ngày chúng ẩn sâu trong bụng, chỉ ngày Đoan Ngọ mới ngoi lên, cần phải dùng thức ăn để diệt trừ chúng như rượu nếp, bánh tro, các hoa quả có vị chua chát, uống rượu Hùng Hoàng, xương bồ, nước dừa… để trừ độc.
 
 
Tuy nhiên, có một số tục lệ mang yếu tố tâm linh đang mất dần trong đời sống hiện đại.

- Tục đeo bùa ngũ sắc

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người lớn thường đeo cho trẻ nhỏ chùm bùa ngũ sắc. Những túi bùa ngũ sắc được may bằng vải lụa với các màu sắc sặc sỡ, khâu thành hình trái đào, quả khế, quả quất, buộc chỉ ngũ sắc kết tua. Người ta tin rằng bùa ngũ sắc sẽ có tác dụng trừ tà, xua đuổi rắn rết và kỵ gió.

- Mặc áo dấu cho trẻ em

Với quan niệm xua đuổi tà khí và tránh các tác động có hại của tự nhiên như nóng, rắn rết tấn công và mong con cái khỏe mạnh. Vào ngày tết Đoan Ngọ, các bà mẹ thường mang áo lụa mới đến chùa, đình xin ấn son rồi mang về cho trẻ con mặc.

- Tục nhuộm móng tay, móng chân

Theo phong tục xưa thì hàng năm, đến tết Đoan Ngọ người ta nhuộm móng chân, móng tay cho con trẻ. Chất liệu để nhuộm móng là cây lá móng. Lá móng sau khi lấy về sẽ được giã nhỏ, thêm vài giọt nước chanh, trộn đều rồi đắp vào các móng tay (trừ móng tay trỏ) và móng chân. Ngoài ý nghĩa thẩm mỹ, tục này còn có ý nghĩa trừ ma tà, làm cho ma quỷ sợ mà tránh xa con trẻ.

- Tục xâu lỗ tai cho bé gái

Xaau lỗ tai cho bé gái trong ngày Tết Đoan Ngọ, vừa để làm đẹp, vừa đánh dấu sự trưởng thành của bé gái

- Tục bôi rượu, vôi cho trẻ em.

Ngày Tết Đoan Ngọ, trẻ em thường được bôi vôi hoặc rượu vào chán, thóp, rốn để trấn an.

- Tắm nước lá mùi

Thông thường, vào ngày mùng 5 tháng 5, sau khi đã ăn cơm rượu để giết sâu bọ, mọi người sẽ tắm bằng nước đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre… Người xưa cho rằng: tắm lá mùi để mồ hôi toát ra, có cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn. Cách tắm này lại trị được cảm mạo bởi lá mùi là vị thuốc nam.

- Tục hái lá mùng 5

Từ xa xưa, ở các vùng quê đã hình thành phong tục độc đáo hái lá mùng 5. Người xưa cho rằng lá cây hái vào giờ ngọ (11 - 13 giờ) ngày 5/5 âm lịch là lúc dương khí mạnh nhất, có được tinh túy của đất trời nên có công dụng chữa được nhiều thứ bệnh. Lá mùng 5 có rất nhiều loại và mỗi vùng lại khác nhau, nhưng người dân thường hay cắt các loại lá ngải cứu, đinh lăng, ích mẫu, tía tô, bồ công anh, sen, vòng, vối…về phơi để uống dần.

- Tục khảo cây

Đây là tục khá ấn tượng trong ngày tết Đoan Ngọ xưa. Ở mỗi vùng miền lại có một cách khảo cây khác nhau, nhưng tất cả đều diễn ra vào đúng 12 giờ trưa. Những cây bị khảo thường là những cây ăn quả trong vườn nhưng ra ít quả, hoặc không ra quả, hay bị sâu bệnh. Để khảo cây, cần có hai người. Một người đảm nhận nhiệm vụ trèo lên các cây ăn quả trong vườn để “đóng vai” là cây và một người cầm dao đứng dưới gốc cây. Người đứng dưới gốc hỏi tại sao cây chậm ra quả và dọa sẽ chặt bỏ. Người trên cây giả giọng cây van xin được tha, hứa ra thật nhiều quả.

- Tục đổ bệnh cho cây.

Trong dân gian, ở một số vùng thường truyền nhau tục lệ vào đúng giờ Ngọ ngày Đoan Ngọ làm một số mẹo để phòng chữa bệnh như: cởi áo đánh trần xoa lưng vào cây chuối để hết rôm sẩy, chị eo phụ nữ lấy dây buộc vào cây sẽ hết đau lưng, đúng giữa trưa ngửa mặt lên trời hoặc nuốt hoa vừng sẽ khỏi bệnh về mắt.

- Tục treo lá ngải/cây xương rồng.

Ngày Đoan Ngọ, dân gian lấy lá ngải treo trước cửa nhà để tránh đau ốm và trừ tà. Tùy theo năm cầm tinh con gì mà ngải được kết thành hình con giáp theo năm đó. Một số vùng thì thay lá ngải bằng nhánh xương rồng hoặc lá liễu hoặc đặt chậu xương rồng trong nhà.

- Tục chúc Tết – sêu Tết.

Tết Đoan Ngọ là dịp thăm hỏi người thân cho tới những người mà mình mang ơn như thầy giáo, thầy thuốc. Đặc biệt, Tết Đoan Ngọ xưa có tục lệ những chẳng trai đã hỏi vợ nhưng chưa cưới thì phải đi sêu nhà bố mẹ vợ tương lai. Vật phẩm mang đi Tết là vài chục con chim ngồi, đôi ngỗng, gạo nếp, đậu xanh, đậu đen, đường đen và hoa quả...