04/06/2021 11:44 View: 8121

Ăn rượu cái, cơm rượu CÓ HẠI gì không?

Rượu cái hay cơm rượu là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 của người miền Bắc. Món ăn ngon, nhiều dinh dưỡng và tác dụng, cũng có công dụng tẩy giun rất tốt nhưng có phải ai cũng ăn được rượu cái hay không? Ăn rượu cái có bị say không? Ăn rượu cái có hại gan không? Trẻ nhỏ ăn rượu cái có hại gì không? ... 

com ruou nep

Cơm rượu gạo nếp truyền thống

Cơm rượu nếp hay rượu nếp cái là gì? 

Rượu nếp cái, có nơi còn gọi là cơm rượu, là một loại đồ uống/đồ ăn có cồn không qua chưng cất, được chế biến từ gạo nếp theo cách dùng gạo nếp đồ chín thành xôi, để nguội và ủ với men rượu cho lên men thành rượu. Đây là món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5. 

Tác dụng không ngờ từ rượu cái?

Rượu nếp chứa nhiều vitamin nhóm B và chất xơ, tốt cho người thiếu sắt như phụ nữ mang thai, người bị tim mạch. Đặc biệt, chất men trong rượu nếp là chất men tự nhiên nên nó an toàn cho sức khỏe, tốt cho tiêu hóa.

  • 1. Rượu nếp giúp phòng ngừa tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp: Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên những người bệnh mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp thì thấy rằng cơm nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu.
  • 2. Phòng bệnh thiếu sắt: Lượng sắt trong gạo nếp rất cao. Do vậy nếu chúng ta ăn gạo nếp cẩm mỗi ngày sẽ phòng được các bệnh về thiếu sắt.
  • 3. Rượu nếp cẩm  phòng chống ung thư: Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm, phát hiện thấy chúng chứa hàm lượng rất cao chất chống oxi hóa anthocyanin - một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Anthocyanin tạo ra màu đen sẫm cho nhiều loại rau, quả như việt quất, ớt... Các nhà nghiên cứu cho rằng chất chống oxi hóa màu đen này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN - yếu tố dẫn đến ung thư.
  • 4. Kích thích tiêu hóa: Rượu nếp cái, rượu nếp cẩm là thức ăn đồng thời cũng là đồ uống, dùng nguyên cả nước lẫn cái, hương vị ngon thơm được nhiều người ưa chuộng, kể cả người cao tuổi và trẻ em. Món ăn này không những có tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hoá.

Nguyên liệu làm cơm rượu cái, cơm rượu nếp

Gạo nếp:

Có thể dùng:

  • Nếp cẩm
  • Nếp cái hoa vàng
  • Tốt nhất là sử dụng gạo nếp lứt có hạt màu nâu vàng, chưa xát hết cám gạo.

Các loại cơm rượu cái:

Tùy theo loại gạo sử dụng mà có các loại cơm rượu khác nhau như:

  • Cơm rượu nếp cẩm ( nếp than)
  • Cơm rượu nếp lứt
  • Cơm rượu nếp cái hoa vàng
  • Cơm rượu nếp trắng 

Men rượu:

Được làm từ nhiều loại thảo dược có đặc tính cay, nóng, nắm thành từng bánh nhỏ và ủ cho đến khi nở phồng, chuyển hóa thành một dạng nấm. Tùy nghệ nhân làm với những bí quyết riêng mà men rượu được làm từ các loại nguyên liệu khác nhau (thường có riềng, rễ cam thảo, lá ổi xanh, thuốc Bắc v.v. giã nhỏ trộn với bột gạo và vỏ trấu). Rượu nếp cái sử dụng men ngọt, loại men khác với men đắng dùng cho rượu chưng cất.

Tỷ lệ men và gạo thường có sự thay đổi tùy theo trọng lượng của mỗi quả men (quả men lớn có thể chỉ cần 2-2,5 quả/kg gạo, men nhỏ thì 6-8 quả/kg gạo, trung bình là 50g men/1 kg gạo)

Đặc tính men (tùy người làm men mà chất lượng men có khác nhau); thời tiết (trời lạnh dùng nhiều men hơn); loại gạo (gạo trắng dùng ít men hơn gạo lứt); xôi mềm hay cứng; ý đồ ủ rượu (ủ rượu để ăn rượu nếp cái dùng ít men hơn ủ để lấy rượu nếp cái đem ngâm). Men là thành phần quan trọng tác động đến hương vị và chất lượng của rượu.

cach lam com ruou nep cam

Cơm rượu nếp cẩm

Cách làm rượu nếp cái

Gạo được ngâm một thời gian sau đó để cho ráo, đãi sạch và đem đồ thành xôi chín. Dỡ ra đảo nhanh tay cho tơi nguội hoặc trụng qua nước lạnh cho các xôi gạo được tơi, sau đó lại bỏ vào chõ đồ một lượt nữa cho chín kỹ và mềm để nguyên liệu không bị "lại gạo" (khô) và được chín dẻo. Xôi chín được đổ ra rá và làm tơi.

Men tán thành bột mịn, rây bỏ trấu, rắc đều vào xôi, lưu ý nếu trời lạnh thì để xôi hơi ấm còn trời nóng thì xôi cần để nguội, tránh làm cho men bị chết. Có thể nắm xôi thành từng viên nhỏ và rắc men lên.

Rải lá lót xuống đáy dụng cụ đựng, cho xôi nếp đã trộn men vào, phủ lá lên trên. Ủ thật kín và để nơi nóng ấm khoảng chừng 25-35 độ C. Chỉ sau một hai ngày nguyên liệu đã có mùi thơm của rượu và có độ ướt do nước rượu ngọt chảy xuống dưới đáy dụng cụ chứa đựng. Nếu chưa thấy mùi thơm, cần gia thêm men.

Để càng lâu càng có nhiều nước rượu và lượng đường chuyển hóa thành lượng cồn trong nước cũng nhiều lên hơn khiến cơm rượu trở nên cay hơn. Tuy nhiên cũng không nên để quá lâu vì rượu sẽ dần bị chua, tùy theo thời tiết thường từ 3 đến 5 ngày sau đã có thể đem dùng.

Cách ăn cơm rượu ngon nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ

Rượu cái được thưởng thức theo nhiều cách tùy theo sở thích cũng như khẩu vị của người dùng. Dưới đây là những cách ăn cơm rượu đang được ưa chuộng:

Ăn cơm rượu nguyên chất:

Cơm rượu sau khi ủ thành công bạn có thể ăn trực tiếp hoặc làm mát bằng cách cho vào tủ lạnh vài tiếng để tăng thêm cảm giác sảng khoái khi ăn. Với cách này, bạn sẽ thưởng thức được hương vị nguyên thủy của rượu cái. Nếu có sở thích ăn ngọt hoặc cơm rượu quá cay, bạn chỉ cần trộn thêm chút đường vào để làm dịu vị của nó.

Một số người còn cho đá vào cơm rượu nhưng có ý kiến cho rằng làm như vậy sẽ khiến món ăn bị loãng, vữa và nhạt hơn.

sua chua com ruou nep cam

Sữa chua lạnh với cơm rượu nếp cẩm cũng rất ngon

Ủ cơm rượu với trứng gà:

Trứng gà được giữ nguyên vỏ, dùng kim châm ở hai đầu. Sau đó cho vào hũ cùng với cơm rượu và hạ thổ trong khoảng 3 tháng. Theo kinh nghiệm dân gian, phụ nữ sau sinh dùng món này có tác dụng bồi bổ khí huyết, phục hồi sức khỏe, chống suy nhược cơ thể và giúp da dẻ hồng hào hơn.

Khi dùng, bạn nên chọn sữa chua không đường vì trong nếp cẩm đã có sẵn vị ngọt tự nhiên. Khi ăn sẽ không phải lo ngại dư thừa năng lượng.

Ngoài ra, rượu cái còn là nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn như vịt tiềm cơm rượu, cá trứng hấp cơm rượu, tôm rim cơm rượu, lẩu gà cơm rượu…

Những ai không nên ăn rượu cái, cơm rượu?

Theo Đông y, cơm rượu tính nóng nên không thích hợp cho những người có thể trạng nóng. Dấu hiệu nhận biết tình trạng này là nóng trong người, bốc hỏa, sắc lưỡi đỏ, nước tiểu vàng, da nổi nhiều mụn trứng cá, trong người bứt rứt khó ngủ. Những đối tượng này nếu ăn vào sẽ khiến âm – dương bị mất cân đối trầm trọng và khiến cho các triệu chứng trên càng thêm tồi tệ.

Ngoài ra, tránh ăn rượu cái trong các trường hợp sau:

  • Trẻ nhỏ
  • Người đang gặp các vấn đề về dạ dày
  • Bệnh nhân bị dị ứng
  • Người mắc bệnh chàm
  • Da nổi nhiều mụn trứng cá hoặc mụn nhọt

Nên ăn cơm rượu vào lúc nào là tốt nhất?

Bạn có thể ăn rượu cái vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng tốt nhất vẫn là buổi sáng.

Tuy nhiên cần lưu ý tránh ăn lúc bụng đang trống rỗng vì vị chua trong cơm rượu có thể làm tăng tiết axit khiến cho niêm mạch dạ dày bị kích ứng, khó chịu. Để đảm bảo an toàn, bạn nên ăn lót dạ rồi hãy dùng cơm rượu.

Ăn rượu cái, cơm rượu có say không?

Trong quá trình lên men, đường trong cơm nếp sẽ được chuyển hóa thành cồn. Cơm rượu càng ủ lâu thì có nồng độ cồn càng cao. Tuy nhiên nếu ăn với mức độ vừa phải thì khả năng say rất thấp.

Vì vậy, nếu ăn ít và ăn lúc no thì không sợ say cơm rượu. Tuy nhiên, lúc đói thì không nên ăn quá nhiều vì sẽ dễ say và cồn ruột.

Ăn rượu cái, cơm rượu có gây hại cho gan?

Chúng ta thường được nghe khuyến cáo uống nhiều rượu sẽ gây hại cho gan bởi đây là cơ quan chuyển hóa phần lớn chất cồn ở rượu. Trong khi đó rượu lại là sản phẩm sau cùng của quá trình chưng cất rượu cái. Chính vì vậy mà nhiều người e ngại ăn cơm rượu thường xuyên sẽ gây hại cho gan. 

Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng bởi cơm rượu không gây hại như rượu mà ngược lại nó còn có tác dụng kiện tỳ, lợi khí, bảo vệ gan thận. Điều quan trọng là bạn phải sử dụng với mức độ hợp lý chứ đừng ăn quá đà.

Trên đây là những tác dụng của cơm rượu đã được công nhận qua nghiên cứu khoa học. Sử dụng món ăn này đúng cách và điều độ sẽ giúp bạn đạt được những lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.